47
2
2044 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Thưa thầy, con... con không biết ạ.


Ngày hai tháng chín, năm Thái Hoà thứ sáu. Một buổi đẹp trời giữa tiết mùa Đông Kinh, Đại Việt. Một ngày hoàn hảo để người lớn ôm mớ tấu chương đi thiết triều, và trẻ nhỏ cắp đống sách vở đến trường.

Trong một lớp học ở viện Kinh Diên[1], có một cậu học trò nhỏ đang ngồi chăm chú. Cậu chính là Tân Bình vương Lê Khắc Xương, hoàng tử thứ hai của Thái Tông đế.

Nắng sáng từ ngoài cửa sổ rực rỡ chiếu rọi lên trang giấy dó, hiện lên nét chữ mực Tàu uốn lượn ngang dọc. Cơn gió nhẹ thổi lướt qua, làm tán cây đung đưa xào xạc. Lũ chim vỗ cánh và cất lên tiếng hót líu lo.

Cậu học trò ấy đang chăm chú nghe và nhẩm lại trong đầu giai điệu hoà ca của những chú chim kia. Nào là đoạn ngân, nào là đoạn đảo phách... Thiên nhiên có thể tạo ra các âm thanh thật diệu kì...

"Tử Hạ vấn hiếu, Tử viết," giảng quan đọc lên, "Sắc nan. Hữu sự, tử phục kỳ lao; hữu tửu, tự, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ?"[2]

Khắc Xương bị tiếng của thầy làm cho tỉnh mộng. Cậu tiếc nuối gạt âm thanh dễ nghe ấy ra khỏi đầu và thay nó bằng tiếng đọc bài đều đều của cả lớp.

"Tử Hạ vấn hiếu..."

Hiếu ư? Cậu tự hỏi. Đạo hiếu là gì? Có phải là ngày ngày đi hỏi thăm sức khoẻ, dịp lễ thì tặng quà mừng? Là phụng dưỡng, là tôn kính, là biết ơn? Kẻ mất cha, mất mẹ như cậu, dù cho là bậc vương giả thì liệu có thể làm trọn chữ hiếu?

"Ta hỏi các trò, có ai đã từng thể hiện sự vui mừng trước các bậc phụ mẫu?"

Hàng loạt cánh tay giơ lên, kèm theo tiếng trả lời sôi nổi. Ai nấy thay nhau kể về những dịp vui vẻ cùng cha mẹ mình. Cậu thì chẳng buồn nghe, thế là lại quay về với tiếng chim hót bên ngoài vườn.

"Tử Hạ vốn là kẻ luôn mang khuôn mặt cáu giận, nên Đức Khổng Tử đã khuyên răn," thầy bắt đầu giải nghĩa, "rằng đạo làm con, ngoài phụ giúp và hầu hạ cha mẹ, điều quan trọng nhất là phải bộc lộ thái độ vui vẻ, hoà nhã. Có như thế thì cha mẹ mới biết được cái tình của các con đối với họ."

"Thưa thầy, con đã hiểu rồi ạ!" Một cậu trai bàn bên thốt lên, "Cha mẹ thấy chúng con buồn thì sẽ buồn, thấy chúng con vui thì sẽ vui ạ."

Người thầy gật đầu, hài lòng trước sự nhanh trí kia. Khắc Xương nghe bạn mình nói vậy thì càng tủi thân, vì dù cậu có vui hay buồn thì chỉ cậu thấy được. Nếu cậu là đệ tử của Đức Khổng, ngài sẽ cho cậu lời khuyên gì?

Đây không phải lần đầu tiên cậu đặt nghi vấn về những lời dạy kia. Tuy vậy, cậu không dám phát biểu ý kiến này trước cả lớp. Tính thầy cậu rất nghiêm khắc, không thích những câu hỏi mang tính thách thức ấy. Hơn nữa, cậu không muốn nhìn thấy ánh mắt thương hại từ chúng bạn học.

"Tử viết: 'Ngô dữ hồi ngôn chung nhật, bất vi như ngu; thối, nhi tỉnh kỳ tư, diệc túc dĩ phát. Hồi dã bất ngu.'"[3]

Cả lớp răm rắp đọc theo, ngoại trừ cậu.

"Ai có thể đọc và giải thích lại về câu này?" Thầy cậu hỏi, "Không cần phải quá chi tiết đâu."

Vì mải mê suy nghĩ về câu trước mà cậu đã lỡ mất câu này. Cậu học trò vội vã nhìn xuống sách, hốt hoảng vì không nhận ra vài mặt chữ.

"Điện hạ!"

"V-vâng ạ?" cậu ngước lên, trả lời.

"Ngài có thể đọc lại câu này không?"

Hàng loạt con mắt hướng về phía cậu. Đầu trống rỗng, Khắc Xương vội vã nhìn xuống sách, cố gắng giải mã hàng chữ Hán ngoằn ngoèo kia. Thầy thở dài và lặp lại câu hỏi.

"Thưa... thưa thầy... là... là Tử viết... ngô dữ hồi ngôn chung nhật..."

Lắp bắp một hồi, đọc sai vài chữ thì cũng được hết câu.

"Thế câu này có ý nghĩa gì?"

Thời gian trôi qua thật chậm, Khắc Xương cảm thấy nỗi sợ càng lớn dần lên trong bụng, khiến mọi thứ quặn thắt đến khó thở. Thầy vẫn kiên nhẫn chờ cậu.

Cuối cùng, Khắc Xương đành phải thừa nhận sự thật phũ phàng, "Thưa thầy, con... con không biết ạ."

Tiếng cười khúc khích vang lên. Đám con trai như đang chờ mỗi giây phút khi vị vương gia bị bẽ mặt. Cậu từng nghe hết những lời nói của họ ngoài giờ học, mỗi khi nghĩ cậu vắng mặt.

"Xem ra Tân Bình vương cũng chẳng có tài cán gì!"

Vị giảng quan nhíu chặt đôi mày, mặc kệ tiếng cười đùa mà chỉ tập trung vào cậu trò nhỏ.

"Thần và điện hạ nói chuyện cả ngày trời," ông cúi xuống nói thật nhỏ với cậu, giọng đầy ẩn ý, "ngỡ điện hạ chẳng có gì để hỏi, ấy là ngu ngốc. Nếu thần lui về mà xem xét đời tư của điện hạ, thì thấy ngài đã làm được theo đạo lý.[4] Xem ra, các câu hỏi của ngài là thuộc vào luận lý khác nên mới không thể hỏi ở đây?"

Khắc Xương vẫn không hiểu thầy đang răn dạy cậu điều gì. Cậu nghĩ thầy đang quở trách cậu ngu ngốc.

"Nhan Uyên, hay Nhan Hồi, là người nước Lỗ và đệ tử của Đức Khổng. Ông là người thông tuệ, uyên bác, phẩm hạnh của bậc quân tử..."

Thầy tiếp tục với bài giảng, còn Khắc Xương quá xấu hổ nên đã cúi gằm đầu, ngoan ngoãn nhẩm theo bài học cho đến hết giờ. Đương nhiên câu hỏi vẫn mọc ra như nấm, nhưng cậu cố gắng gạt nó đi. Đây là lớp mà cậu phải ghi nhớ Luận Ngữ, không phải chất vấn lời dạy của Khổng Tử.

Trong thâm tâm, vị vương gia vẫn còn bất mãn. Tại sao một người Đại Việt như cậu lại phải ghi nhớ tên họ của cổ nhân phương Bắc? Tại sao Đại Việt ta không có chuyện tích về những bậc vĩ nhân được người đời xưng tụng như Khổng Tử?

"Điện hạ," thầy gọi cậu, "xin hãy ở lại một lát."

"Thưa, có chuyện gì ạ?"

"Điện hạ không thể tập trung trong giờ học, hẳn là có lý do?"

Khắc Xương không biết phải trả lời thế nào.

"Thưa... thưa thầy, là con sai rồi ạ."

Thầy cậu có vẻ không hài lòng trước câu trả lời này, nhưng ông không nói gì. Đôi mắt sắc bén ấy như đã nhìn thấu tâm trí cậu và đang chờ đợi một câu trả lời chân thật. Cuối cùng, ông thở hắt ra.

"Vậy thì điện hạ ở lại chép phạt một trăm lần câu nói ấy trong chương Vi Chính, và viết cho thần một bài nêu ra suy nghĩ của ngài về tất cả những gì chúng ta học được hôm nay."

"Vâng ạ."

***

Cái nắng ban chiều vẫn là gay gắt nhất. Tiết chớm thu chưa thể thổi bay sức nóng bốc lên từ dưới mặt đất và phủ xuống từ trên mái ngói. Khắc Xương đang khoác lên người hai lớp áo, hy vọng sẽ không đổ quá nhiều mồ hôi trên đường tới điện Giảng Võ[5]. Cậu đến một mình vì đã dành hết bữa trưa để chép phạt. Đầu choáng váng và bụng cồn cào, Khắc Xương đang nhai rau ráu đoạn kẹo lạc thì cảm thấy một cánh tay khoác lên vai mình.

"Chú hai! Thì ra chú đang ở đây."

"Ơ, anh cả..."

Lạng Sơn vương lớn hơn cậu một tuổi mà khoẻ gấp đôi, gấp ba lần cậu. Cú siết vai ấy thật nặng nề.

"Chú hai không ăn trưa cùng bọn anh à? Sao lại ăn cái thứ này?"

"Em phải ở lại chép phạt ạ."

Nghi Dân nheo mắt nhìn em trai, đánh giá bộ dạng uể oải rồi lắc đầu.

"Thế thì lấy sức đâu mà tập võ, hử? Lần sau không được bỏ bữa nữa, có nghe không?" Thấy Khắc Xương chần chừ, Nghi Dân thở ra. "Thôi, để mai mốt anh xin phép thầy cho chú. Nếu có chép phạt, thì tối về rồi hẵng chép."

"Vâng ạ."

Khắc Xương không thích chép bài vào buổi tối, vì cậu muốn dành thời gian ấy cho việc khác. Nhưng anh cả không biết điều này. Nếu biết, anh sẽ lại cười nhạo cậu.

Nghi Dân lục lọi túi đồ lỉnh kỉnh và lôi ra một quả chuối. "Đây, ăn thêm cái này vào!"

Khắc Xương lặng lẽ nhận quả chuối và lột vỏ ra ăn. Cậu cảm thấy ánh mắt săm soi kia vẫn hướng về phía mình. Thế là cậu cúi đầu tránh né.

"Thôi nào, chú hai đừng buồn nữa." Vẫn là cú siết vai ấy. Khắc Xương không dám né, cũng chẳng dám đẩy ra. "Vui lên đi chứ! Hôm nay sư phụ dạy đối kháng bằng côn đấy."

Đối kháng là phần cậu sợ nhất.

"Em còn chưa loan được côn..." Ngay cả thứ cơ bản ấy mà cậu còn làm không được, thì làm sao có thể sử dụng nó trong chiến đấu? "Anh cả ơi, có phải em ngu ngốc lắm không?"

Anh cả cậu trợn mặt, như thể chính câu hỏi đó mới là ngu ngốc. Dường như anh ta chợt nhớ ra điều gì, bởi Nghi Dân đi lên và dừng trước mặt cậu.

"Chú hai còn bận tâm chuyện ban sáng à? Anh có nghe qua rồi, nhưng anh thấy chẳng có gì đáng buồn cả." Anh cậu vung tay, thẳng thừng. "Nếu chú sai thì chú bị phạt. Còn lũ người kia, chậc, bọn chúng độc mồm độc miệng là giỏi. Kệ đi. Đều là đố kỵ cả đấy."

"Đố kỵ ư?"

"Ừm, là đố kỵ, một phẩm chất xấu. Chú là vương, họ là thần. Đó là tước vị đã định sẵn. Chú có quyền, họ thì không. Những thứ họ không sở hữu được thì họ sẽ tìm cách lấy đi của chú. Đừng để chuyện đó xảy ra, có nghe không?"

Giá như Khắc Xương có được sự tự tin của anh cả thì tốt biết bao.

"Thế thì em phải làm sao ạ?"

"Chú phải chiến đấu để giành lại nó." Nghi Dân giơ nắm đấm, hất cằm, ưỡn ngực, giọng trở nên hùng hồn. "Chú phải ngẩng cao đầu mà bước đi như một vị vương gia. Như anh này."

Ôi! Thật chí lý!

"Ồ, em hiểu rồi ạ. Em sẽ ghi nhớ lời dạy của anh cả."

"Ừ, thế nhé! Anh đi trước đây."

Nói rồi Nghi Dân chạy đi một mạch, vì anh ấy luôn muốn đến lớp sớm hơn mọi người để khởi động. Khắc Xương trông theo bóng hình năng nổ kia, những từ ngữ tán dương thay nhau hiện lên trong đầu.

Anh cả thật là giỏi giang. Anh ấy luôn là hình tượng người anh mẫu mực trong lòng Khắc Xương.

Nghĩ rồi cậu thử ngẩng cao đầu, bắt chước tư thế ban nãy. Cảm giác đúng là khác biệt hẳn! Cậu cảm thấy thật tự tin, thật mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng đến lớp...

"Oái!"

Xem ra bậc thềm trước cửa điện không đồng ý với cậu rồi!

Chú thích:
[1] Nơi vua và các vị quý tộc học tập.
[2] Trích câu 8, chương Vi Chính, Luận Ngữ.
[3] Trích câu 9, chương Vi Chính, Luận Ngữ.
[4] Đây cũng chính là ý nghĩa của câu 9 trong Vi Chính, Luận Ngữ. Thầy của Khắc Xương còn muốn nêu thắc mắc đến thói quen hay hỏi của cậu, rằng tại sao trong lớp cậu không hỏi gì dù có rất nhiều câu hỏi.
[5] Nơi tập võ của vua, các vị quý tộc và con quan lớn.