IV
IV
Một hôm San lẩm bẩm học, bỗng ngẩng mặt lên rồi rất đột ngột, bảo Thứ, ngủ trưa vừa mới dậy, còn đang ngáp:
– Tôi nghĩ kĩ rồi. Chúng mình cứ nhất định trả nhà, dọn sang trường.
Ngừng lại một thoáng để xem Thứ có nói gì không, nhưng không thấy Thứ nói gì, y bảo tiếp:
Tôi nói cho anh nghe!… Lũ trẻ sắp về nghỉ cả rồi, chúng nó nghỉ hai, ba tháng mới lên. Thằng ở cũng xin về. Nó xin về thì nuôi thằng khác, cũng không khó gì, nhưng có năm, sáu người chịu chung thì mới có thể nuôi một thằng ở, thuê cả một căn nhà. Bây giờ chỉ còn có hai chúng mình, chịu làm sao nổi?
Tiền nhà bà béo đòi tăng thêm ba đồng nữa. Như vậy thì anh bảo, chúng mình chịu làm sao nổi?
Thứ ngần ngừ, nhìn hai bàn chân, khẽ đáp:
Đã đành. Nhưng tôi nghĩ sang ở đấy cũng không được tiện. Còn Oanh cơ đấy…
Mặc kệ Oanh! Em không muốn ở chung với chúng mình thì em về nhà riêng mà ở. Anh là hiệu trưởng, anh ở luôn ở nhà trường là đúng lý. Em lấy địa vị gì mà ở đấy? Em không biết điều!
San nói, không để cho người ta cãi lại. Giọng y gay gắt. Ít lâu nay, y bỗng sinh ra thế. Không mấy lúc bình tĩnh. Y cau có, gắt gỏng suốt ngày. Y đánh học trò luôn. Y gây sự với bất cứ ai. Y thích nguyền rủa và mạt sát. Cái gì cũng khiến y ngứa mắt, ngứa tai. Nhiều lúc, y làm Thứ và Oanh khó chịu. Oanh phàn nàn với Thứ. Thứ cười mà bảo:
– Thằng bé cáu con Dung!…
Dung là cô con gái rượu của bà béo, chủ nhà. Chẳng đẹp gì, nhưng cũng mũm mĩm và trắng trẻo. Mà lại là con một. Mà lại diện! Cô diện nhất vùng này, tân thời nhất vùng này, cũng đánh phấn, tô môi, kẻ lông mày, cũng áo kiểu nọ, kiểu kia, giày cao gót, ví đầm… Nghĩa là Hà Nội đặc!
Cô ả bán hàng. Anh chàng San thì mỗi ngày bốn lượt nện giầy Tây cồm cộp, qua lại trước cửa hàng. Những khi chỉ có một mình Dung, San tạt vào mua một cái ngòi bút, cái bút chì, tờ giấy viết thư hay gói ô mai. Chỉ có thế, mà rồi một buổi sáng Chủ Nhật, lũ trẻ rúc rích cười, chạy về khoe với Thứ rằng: ông San đang tán cô Dung và nắm tay cô. Thứ sa sầm mặt. Y không dám thú với y rằng hơi ghen với bạn. Nhưng lúc San về, y bảo:
Anh liệu đấy! Con mẹ béo chẳng vừa đâu. Nó có thể đứng ở cửa nhà nó, xắn quần lên, trỏ sang trường mà chửi. Lúc ấy thì đẹp mặt!
Y làm như chỉ vì danh dự nhà trường mà y phải nói. Nhưng San cười xòa, bảo:
– Cái gì rồi người ta chẳng biết.
Bà mẹ biết, nhưng không làm dữ. Có lẽ vì bà biết trai gái phải lòng nhau như vậy cũng thường. Ngày xưa bà đã lấy khách, lấy Tây đen, chán rồi mới lấy ông ấy, là một người bồi khách sạn. Tiền của và cuộc sống trưởng giả hiện nay đem lại cho cả ông lẫn bà ít nhiều sự kính nể của những nhà xung quanh. Nhưng bà cũng không có lý gì để cẩn thận với tai tiếng quá. Vả lại hạng Dung thì lấy đến hạng San cũng đã là được lắm rồi. Dân Hà Nội thì chẳng ai biết đến con bà. Còn dân ở vùng ngoại ô này, chỉ toàn những phu phen, thợ thuyền, bồi bếp. Thỉnh thoảng mới có một gia đình công chức nhỏ – một ông phán hưu trí hay một ông giáo không đủ tiền mua nhà ở phố – thì họ lại khinh nhà bà là hà tiện. Bởi vậy, đáng lễ to tiếng với San thì bà lại chỉ ngấm ngầm dò la xem San đã có vợ chưa. Lũ trẻ hùa với nhau để đánh lừa bà. Cả cái mặt non nớt của San cũng lừa bà. Bà đi kháo ầm lên với mấy người hàng xóm rằng bà sắp gả Dung cho ông giáo bé và định đòi căn nhà ở cạnh trường về để đôi vợ chồng mới
ở. San khoái lắm. Thứ khổ vì sự tự đắc ầm ỹ của y.
Tôi chim gái cũng cừ đấy chứ!… Trông mình thế này, ai dám bảo là có vợ rồi? Con Dung mê là phải. Thứ bĩu môi, cười nhạt hỏi:
Anh có chân trong Độc lập văn đoàn đấy ư?
San ít đọc báo chí, không hiểu rằng mấy ông văn sĩ trong cái văn đoàn đang hợp thời ấy, thích tự mình lại khen mình, y trâng tráo bảo:
Tôi cố làm cho nó chửa. Bà béo tất phải van tôi mà gả nó cho tôi. Bấy giờ, dù có biết tôi có vợ, hai con rồi cũng chẳng làm gì. Vẫn phải gả như thường. Làm hai mà chẳng phải chịu à?… Bà ấy không có con trai. Bao nhiêu của nả sẽ về tôi. Vợ tôi thấy tôi lấy vợ hai, đã không mất gì, lại được mấy cái nhà, có ghen cũng chẳng nỡ nói nào. Thế là tôi hai vợ. Một vợ trông coi vườn ruộng ở nhà quê với một vợ buôn bán ở tỉnh thành. Tôi chỉ việc nằm ăn. Thế có thú không?
Y ran rả, cười sằng sặc. Thứ khinh sự trụy lạc của tâm hồn y, hay ghen, chính y cũng không biết nữa.
Chỉ biết rằng y thấy ghét San. Và đến khi San bị bà béo trở mặt, Thứ ngấm ngầm hả dạ.
Một hôm lũ trẻ đem về cái tin: con một ông phán già hỏi cô Dung; nhà trai đi trạm ngõ rồi. Thứ không giữ nổi sự sung sướng của y. Y chế giễu San:
Đã điếng người chưa?
Điếng người thế quái nào? Tôi đùa chơi đấy chứ anh tưởng tôi mê con Dung lắm à? Nó bằng thế nào được vợ tôi? Anh phải biết, tôi chung tình với nhà tôi lắm.
Tuy nói vậy nhưng thật sự thì San hơi tái mặt. Một buổi tối, y phàn nàn với Thứ:
Con mụ béo tồi quá. Anh biết đấy! Trước kia, nó tử tế với tôi như thế nào? Thế mà con nó vừa mới được một thằng có vẻ hơn tôi hỏi, có vẻ hơn tôi, chứ chưa chắc đã hơn… nó đã phải vội vàng đểu với tôi ngay. Tôi làm gì con nó? Thế mà lúc nãy nó đi đâu về chẳng hiểu, vừa thấy tôi ở hàng con nó đi ra, nó đã phải hầm hầm đánh chửi con nó ngay sau lưng tôi, như muốn tỏ cho tôi biết: nó cấm cửa tôi rồi đấy!
Thứ cười ranh mãnh:
Ai bảo anh cứ định làm cho con nó chửa?
Tôi nói thế chứ đời nào! Tôi cũng có lương tâm. Nhưng nó thế thì nó tồi lắm, hèn mạt lắm. Nhất là lại gây chuyện, đòi tăng tiền nhà nữa…
Tụi con buôn mà lại!…
Ừ, con buôn. Thật đúng là con buôn!…
Từ đấy, San ít tự đắc, ít cười cười nói nói luôn luôn. Nhưng bảo chỉ vì thế mà San sinh cáu gắt, thì không phải. Oanh cũng không tin như vậy. Y bảo:
Có lẽ tại lớp này chú ấy làm việc nhiều quá, thức đêm nhiều quá. Thứ tán thành.
Có lẽ…
Nhưng trong bụng y lại ngờ rằng San còn có điều gì bực bội về gia đình nữa.
Cách đây ít lâu, một hôm, đột nhiên San bảo:
Thứ Bảy này, tôi phải về nhà quê. Tôi cho những lớp của tôi nghỉ buổi chiều thứ Bảy và buổi sáng thứ Hai, có tiện không?
Thứ ngạc nhiên:
Thế nghĩa là anh chỉ ở nhà có một hôm? Sao không đợi đến lễ Phục Sinh để có thể ở nhà luôn mấy ngày?
San lắc đầu:
Không đợi được. Tôi có việc cần.
Việc gì?
Không thể nói, nhưng cần lắm. Tôi vừa được một tin quan trọng. Không biết có đúng không. Nếu đúng thì ức lắm. Có lẽ tôi chẳng học hành gì nữa. Có lẽ tôi cũng không ở cái trường này nữa. Tôi sẽ đi biệt một nơi.
Tin gì mà ghê thế?
Không thể nói. Vả lại cũng chưa biết có đúng không, nếu đúng thì ức lắm.
Mặt y phờ phạc. Y quả đang có điều gì khiến y phải băn khoăn, đau đớn lắm. Thứ lẳng lặng nhìn, y dò xét, rồi an ủi:
Chẳng có gì là ức. Tôi đoán ra rồi! Bà nhạc anh không chịu cho anh tiền học nữa. Có thế thôi! Việc quái gì! Họ không cho nữa thì anh nhịn ăn đi một bữa, bỏ tiền ra mà học. Cần gì họ.
Đã đành. Vả lại nếu bà ấy không muốn cho tôi, các anh tôi cũng có thể cho tôi được. Nhưng việc này lại khác kia, quan trọng hơn nhiều. Để tôi về xem đã, rồi tôi sẽ nói với anh…
Y về thật. Chiều thứ Hai, y vẫn chưa lên. Học trò các lớp của y, đến trường lại phải về. Oanh gắt lắm.
Nhưng hết giờ, Thứ về nhà, đã thấy San nằm thườn ở giường rồi.
Ủa! Lên bao giờ?
Lúc hai giờ.
Lúc ấy học trò vẫn đợi anh. Sao không sang đấy?
Mệt quá không muốn dạy.
Thứ mỉm cười
– Ý hẳn suốt đêm qua, cu cậu không được ngủ.
San đáp bằng một tiếng cười phì ra đằng mũi, cái lối cười riêng của y, khi y cười gượng. Thứ làm như sực nhớ:
À thế nào? Việc gì mà cần kíp thế? Sau một thoáng ngập ngừng, San bảo:
Chẳng có việc gì. Ở nhà không muốn gửi măng-đa viết thư bảo tôi về để lấy. Với lại có lẽ họ cũng muốn tra mình về việc con Dung nữa. Đầu đuôi tại lũ trẻ nhà mình nói…
Trong khi nói San tránh cái nhìn của Thứ. Thứ ngờ ngay câu chuyện San vừa nói là chuyện bịa, nhưng không muốn tỏ vẻ nghi ngờ, hỏi:
Thế nghĩa là anh vẫn có tiền?
Lại nhiều là khác nữa… Tôi định may một bộ hàng nực, diện.
Y đi may một bộ hàng tơ, ba mươi đồng thật. Nhưng Thứ nhận thấy tính nết y đột nhiên đổi hẳn. Y chua chát. Y mỉa mai. Mặt y đầy sự ghét. Nhất là trước mặt Oanh hay những khi nói đến Oanh, y tỏ ra thù ghét lạ…
En vô lý quá! Chúng mình hò hét đến bắn tung mảnh phổi ra để cho trường thịnh vượng, để cho en sắm đồ vàng để dành và may áo diện, còn chúng mình thì khổ như chó cả. Căn gác nhà trường thuê bằng tiền của nhà trường. En ở được thì chúng mình cũng ở được. Huống chi en còn có nhà riêng. Sao en không thể về nhà riêng mà ở. Lương chúng mình ít thế, lấy tiền đâu mà thuê nhà? En ích kỷ vừa vừa quá!…
Y nhất định dọn đồ đạc sang bên trường. Oanh phản đối. Y không cần bàn cãi, y chỉ bảo:
Thằng ở nhà tôi đòi về. Tôi không thể vừa dạy học vừa làm bếp. Chúng tôi sang bên này, việc cơm nước nhờ thằng Mô!…