109
30
3077 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Ba tạo ra những điều kì diệu


Theo cách mà mấy đứa trong vùng hay chỉ trỏ: tôi là một đứa trẻ không có mẹ. Theo cách của những bà thím hay bàn tán: tôi là một đứa bị mẹ bỏ rơi. Còn ông bà lại nói: mẹ tôi mất rồi. Nhưng dù cách nói có khác nhau thế nào, tôi quả thật là đứa không có mẹ. Một đứa con gái, nhất là một đứa mau nước mắt như tôi, tôi chả nhớ được rốt cuộc mình đã bao lần khóc đòi mẹ. Mỗi lần như thế, ba tôi đều có chút buồn, ông ôm tôi lên, đặt đầu tôi lên vai và vỗ nhẹ vào cái lưng nhỏ nhỏ ấy, miệng lại không ngừng lẩm bẩm như đang nói với tôi, lại như đang nói với bản thân mình:

- Thiên An ngoan, không khóc, không khóc. Mẹ sẽ không về nữa. Nín đi con.

Tôi thấy thật kì lạ, chẳng phải những người khác sẽ bảo con họ: "Nín đi con, mẹ về ngay ấy mà." hoặc là "Con ngoan, con không khóc nữa thì mẹ sẽ về thôi."... Chỉ như thế, ba chỉ cần nói như thế thôi tôi chắc chắn sẽ không khóc nữa, sẽ không mãi cúi đầu bước đi thật nhanh khi người khác nói tôi là đứa không mẹ, ngược lại tôi sẽ ưỡn ngực mà rằng: tao có mẹ, mẹ tao sắp về rồi! Sau này, mỗi khi nhổ tóc sâu cho ba và hỏi lại việc ấy, ba tôi chỉ cười khà khà cho qua thôi. Chẳng bao giờ ông ấy nghiêm túc nói với tôi về việc của mẹ, nhưng tôi biết, mẹ bỏ ba tôi rồi. Bởi có một lần tôi vô tình nghe thấy ông bà nói chuyện với nhau:

- Bà coi, thử lần mò xem thằng Phú nó có đồng ý lấy vợ khác không? Chứ để con bé An không mẹ từ nhỏ đến giờ, tôi thấy tội nó.

- Tôi biết, tôi cũng thương con thương cháu. Nhưng ông ngẫm mà xem, con Quý nó bỏ cháu tôi ở ngoài cổng nhà rồi ra đi biền biệt đã sáu, bảy năm trời. Ấy mà thằng Phú nó vẫn như vậy, vẫn còn chờ người đàn bà đó. Có phải tôi chưa hỏi nó lần nào đâu. Đằng này nó cứ từ chối mãi, tôi biết làm sao?

Và từ hôm ấy, tôi biết, ba tôi là một gã si tình, mặc kệ tình có phụ mình, ông vẫn một tấm lòng trung trinh như thế.

...

Một đứa con gái ba tuổi, khi bị chỉ vào mặt và bảo rằng mình không có mẹ, nó sẽ mếu máo về méc ba.

Một đứa con gái năm tuổi, khi bị người ta cười vào mặt bảo rằng mình không có mẹ, nó sẽ tức phát khóc và cào người ta.

Một đứa con gái mười hai tuổi, khi bị nói bâng quơ rằng nó không mẹ, nó sẽ sửng cồ lên và đánh người ta đến rách da chảy máu.

Nhưng khi một đứa con gái mười lăm tuổi nghe người khác bàn tán rằng nó bị mẹ bỏ rơi, nó sẽ rời đi, trông rất kiên cường, rồi nó sẽ khóc hoặc thẫn thờ ở cái góc vỏ an toàn của mình.

Cho dù người ta lớn thế nào, họ vẫn sẽ thấy buồn khi thiếu vắng tình mẫu tử, vẫn thấy nghẹn ngào trước những ác ý của kẻ xấu ngoài kia. Thế nên những người xấu kia ơi, đừng xấu xa như thế nữa. Ai rồi cũng yếu lòng, ai rồi cũng trông mong vào hạnh phúc gia đình. Từ lúc mầm cây biến thành đại thụ, cành đại thụ rơi xuống đất trở thành đống củi đến lúc đống củi cháy vèo trong gió rồi trở thành cát bụi chúng ta vẫn là những người đang mưu cầu hạnh phúc.

Nhà tôi thiếu đôi tay đảm đang, khéo léo của một người phụ nữ, nhưng lại có một bàn tay kiên cường và vững chãi của ba. Cùng một đôi tay nhỏ bé nằm lọt thỏm trong bàn tay to lớn ấy nữa. Và nếu như có một người lạ ghé vào nhà tôi, họ sẽ chẳng biết được mảnh vườn ấy là do ba tôi gieo trồng, chăm sóc.

Nhà tôi ở một ngôi làng nhỏ, nét cổ kính vẫn còn mang dấu ấn rõ rệt. Những gia đình khá giả ở đây, người ta dựng nhà, lợp mái tôn và có hàng rào sắt với những cái cây như mũi giáo, nhọn và sắc. Căn nhà của ba con tôi nằm sâu bên trong làng Già, cũng là căn nhà cuối cùng thuộc địa phận của làng. Ba không rào những cây sắt nhọn ở trước nhà, mà ngược lại, ông chặt các cành cây to bằng cổ tay dựng hàng rào. Các cành cây được buộc chặt bằng sợi tre vót mỏng, vừa chắc vừa dai, nhìn từ xa hàng rào trong như một cái lưới dày với rất nhiều ô vuông nho nhỏ. Trên hàng rào, ba cho các dây đậu biếc leo lên. Lá và hoa mang màu xanh mơn mởn, vừa khỏe khoắn lại ngọt mát trong lành.

Nhà cách xa hàng rào hơn năm mét. Khoảng sân ấy được ba trồng đủ các loại cây, có cà rốt, có khoai lang, có khoai tây, lại có hàng cải xanh mơn mởn. Chính giữa sân có một lối đi lát bằng mảnh gỗ tròn. Cứ cách một bước chân lại một mảnh gỗ. Ba lót gỗ vì sợ mùa mưa, tôi cứ lo chạy nhảy lại té trên nền đất trơn trợt. Ông vẫn luôn tỉ mỉ và quan tâm tôi như thế đấy. Lối đi lát gỗ này mang đến cho người ta một cảm giác rất mộc mạc và bình yên, quả thật khu vườn và ngôi nhà của ba luôn mang đến cho người ta cảm giác ấy. Một ngôi nhà lợp lá ở nóc và ba vách xung quanh, mặt có cửa ra vào ba lại lợp bằng các tấm ván mỏng và dài, hai bên cửa ra vào đều có cửa sổ làm bằng các thanh tre. Thanh tre đặt chéo nhau như hình cánh bướm, đều tăm tắp. Hai cây cột lớn trước nhà không biết bắt đầu từ khi nào mà đã trở thành giàn cho những cánh hoa hồng khoe sắc, sắc đỏ nồng thắm nổi bậc lên giữa màu vàng nâu cũ kĩ lại gợi cảm giác hài hòa tới lạ kì. Chính căn nhà ấy đã nuôi tôi lớn lên, chữa lành bao vết thương mà những lời thầm thì độc đoán đã cứa vào. Tôi vốn không sợ đau, nhưng quả thật cái người ta sợ nhất là cảm giác ấy. Bởi chi chẳng còn sợ đau khổ gì nữa, khi ấy, họ đã nếm trải vô vàn gian khổ trước đó rồi. Bóng tối đã phủ ngập tâm hồn, người ta còn nhìn thấy vết thương của mình nữa đâu mà đau đớn?

Nghe có vẻ như tôi là một đứa mang mệnh khổ, thực chất, tôi vẫn sống rất tốt bằng sự chăm sóc và yêu thương của ba.

Theo cách nói của bà, ba tôi là người đàn ông nấu ăn ngon nhất trong làng. Mà quả thật, đồ ba tôi nấu, ăn ngon. Ăn đến no căng bụng vẫn không đành lòng buông đũa. Bởi thế mà lúc nhỏ, hễ khi tôi khóc, ba lại dắt tôi ra vườn hái rau củ, bắt gà, vịt vào nhà nấu ăn. Tính tôi thì hay khóc, bởi thế mà đàn gà chỉ phút chốc là "thăng thiên".

Ba sợ tôi ở nhà một mình, không biết chăm sóc bản thân do đó ông không dám đi làm từ sáng đến chiều. Vì lí ấy mà ba tôi chăm lo mảnh vườn xem như nguồn thu nhập của gia đình. Hầu hết thứ người ta cần cho một bữa ăn, vườn của ba tôi đều có. Vì tôi thích heo con, thế nên ba mua cho tôi một con heo cỏ, giống heo ấy có lớn mấy cũng không cao được đến eo của một bé sáu tuổi. Bởi thế, nó không hết đáng yêu. Chỉ có duy nhất một điều, con heo ấy ăn rất dữ, thế nên ba tôi phải đóng một cái lồng để nó khỏi chạy lung tung rồi ăn hết rau của ba. Rau của ba là để bán, và để dỗ con gái, không cung cấp miễn phí cho heo.

Ngày ngày, ba tôi tưới nước cho vườn cây, tưới nhiều đến nỗi tôi cứ ngỡ nhà mình là suối nước. Nhưng bên cạnh suối nước lại đặt toàn đồ ăn. Thỉnh thoảng ba tôi sẽ trồng thêm hoa ở hiên nhà, vì tôi thích hoa, thích vẻ sặc sỡ những loài hoa mang lại. Có khi là những luống hoa mười giờ tươi tốt, có khi là những đóa hướng dương ngạo nghễ, kiên cường,...

Mỗi khi thu hoạch rau củ xong, ba tôi sẽ xới đất trồng lại, đấy là thời điểm vui hơn tất thảy. Ba tôi xới đất bằng cây cuốc to, tôi sẽ băm chúng bằng một cây dao rỉ sét. Ba tôi rải hạt giống lên luống đất, tôi cũng sẽ rải hạt lên luống đất. Khi ba ươm hạt vào các bầu đất, tôi sẽ xếp chúng gọn gàng lên kệ tre. Cứ loay hoay như thế, ba dẫn tôi đi qua những tháng ngày ngây dại, chạm cái ngưỡng cửa trường học.

Ngày ấy tôi nhập học, ba bận bịu sắm sửa sách vở và quần áo. Sau đó lại mua cho tôi thêm đồ cột tóc mới, nói là để chào mừng con gái đi học. Hôm tựu trường đầu tiên, ba đã cột cho tôi hai nhúm tóc thật cao, kèm hai sợi dây buộc có bông hoa hồng to bằng bàn tay.

Nhà tôi hơi xa trường, vì lí ấy mà ba luôn đưa tôi đi học, bằng chiếc xe đạp với cái yên cứng ngắc. Ngồi trên xe đi qua đoạn đường gập ghềnh liền có cảm giác như sắp vỡ mông tới nơi. Những lúc như thế ba tôi cười ha ha bảo tôi xem như khi chơi cưỡi ngựa đi, nhưng chao ôi, ngựa sắt này chỉ có Thánh Gióng mới muốn cưỡi thôi.

- Ba ơi. Trường học trông như thế nào nhỉ? Giống như nhà mình hay là nhà của thằng Sến? Hay là giống nhà bà? Trường có vườn rau không hả ba?

Ba tôi cười rất lớn, đáp lại tôi bằng chất giọng rất vui vẻ:

- Trường thì không giống nhà mình, không có vườn rau nhưng lại có rất nhiều bạn bè và thầy cô. Con sướng nhất rồi nhé.

- Ba ơi, ba có học cùng con không?

- Thầy không cho ba học nữa. Ba học dốt quá. Bởi thế con phải chăm chỉ học thật giỏi. Đừng để thầy giáo đuổi con nha.

Tôi gật đầu một cách đầy quyết tâm. Tôi sẽ học thật giỏi để không bị đuổi học như ba nữa.

- Ba ơi. - Tôi ôm lấy eo ba khi nhìn những người đằng xa, có người phụ nữ dắt tay con đi học, có người đang xách giỏ đi chợ sớm.

- Ừ, ba nghe.

Tôi im lặng một chút, mắt vẫn nhìn vào những người phụ nữ ấy, nhẹ giọng nói:

- Ba ơi, con chỉ hỏi một lần này thôi, nhé? Mẹ ghét con lắm có phải không?

Ba tôi chạy thật chậm, vòng tay ra sau xoa đầu tôi:

- Không có. Mẹ không ghét con. Đừng nghĩ nhiều nữa.

- Nhưng... - mắt tôi rõ ràng đã cay, giọng cũng đã khan khác - Nhưng mẹ rõ ràng không thèm về nhìn con một cái. Mẹ cứ đi suốt, ba ơi!

Nói xong tôi khóc thật. Ba tôi luýnh quýnh dừng xe, gác chân chống, đi xuống xe rồi ôm tôi vào lòng.

- Ba xin lỗi. Là tại ba, là tại ba không giữ được mẹ con ở lại. Mẹ không ghét con đâu. Ba nói thật. Ngoan, đừng khóc. - Nói rồi ba lau nước mắt đang chảy ra như mưa của tôi.

Đó không phải là lần đầu tiên, cũng chẳng phải là lần cuối cùng tôi khóc vì mẹ như thế. Chỉ là sau này số lần ngày càng ít đi, sau cùng lại không hoàn toàn biến mất. Âu cũng vì sâu thẳm bên trong con người, chỗ ấy vẫn rất cần tình yêu của mẹ.

Ba cứ chở tôi đi học hết mười năm, đến năm tôi lên lớp mười, ba mới cho tôi tự chạy đi học bằng một chiếc xe đạp mới. Yên xe mềm mại và đặc biệt là khi thắng lại không phát ra tiếng két thật dài giống như xe của ba. Nhưng cái con xe này cũng ngốn nhiều tiền quá. Nó ăn đứt một đàn gà và một luống khoai tây, thật là tiếc. Tôi đã nói với ba, để tôi chạy xe của ba cũng được, còn nếu ba bận mang xe đi giao rau thì tôi đi bộ. Suy cho cùng, đi bộ cũng không tốn thêm bao nhiêu thời gian cả, ngược lại còn rèn luyện sức khỏe, còn đỡ tốn chừng ấy tiền...

Ngày đó, ba nói:

- Con gái lớn rồi, biết lo tiết kiệm cho ba rồi. Nhưng chỉ có một chiếc xe thôi, ba mua được. Con cứ an tâm mà đi học. Cái xe của ba đã đến tuổi về hưu. Lỡ như nửa đường nó vuột dây sên hay xẹp bánh thì làm sao?

Quả thật, con cái càng lớn việc cần phải lo cho chúng càng nhiều. Vì dành dụm tiền cho quãng đường đại học của tôi, ba tôi đã làm nghề thợ xây. Nghề ấy vất vả, cực nhọc nhiều quá, khiến cho đầu gối và lưng cha tôi hay nhức mỏi. Một dấu hiệu đáng buồn báo rằng con người đã có tuổi. Những thứ ấy làm tôi lo sợ, sợ cái gọi là vòng đời cuốn ba của tôi đi xa. Sợ cuộc đời này vốn đã thiếu mẹ lại vắng cha...

Sau mấy tháng trời, hết lo việc vườn lại đi làm việc xây nhà nặng nhọc, ba tôi bỗng trở bệnh. Căn bệnh ấy kéo dài hơn một tuần. Thế là tuần ấy tôi mới biết, một ngày của ba trôi qua như thế nào. Ba phải thức sớm cho gà vịt ăn và tưới rau khi mặt trời đã lên. Nấu cơm xong lại phải dọn dẹp nhà cửa. Gọi tôi dậy rồi lại đi làm.

Việc của tôi thì thật nhàn. Mỗi sáng thức dậy, ăn cơm ba nấu rồi vác xe đi đến trường. Quả thật xấu hổ về bản thân mình. Dạo ấy, tôi xin nghỉ học một ngày, ở nhà chăm sóc cho cha.

Ông trời lấy đi của tôi một người mẹ, nhưng lại ban cho tôi một người cha vừa giỏi giang, chịu khó, lại hiền lành và chung thủy trong tình yêu. Tôi nắm tay ba lau sơ qua bằng khăn ấm. Bàn tay này đã đỡ tôi đi những bước đầu tiên. Chải cho tôi một mái tóc thật đẹp khi tôi thức dậy. Bàn tay này đã đỡ tôi đi qua biết bao nhiêu con đường phủ kín đá nhọn, đỡ đến nỗi chảy máu đỏ bàn tay.

- Sao con không đi học? - Ba tôi từ từ mở mắt và hỏi tôi bằng một giọng rất nhẹ. Tựa như tiếng gió bị lá trúc cản lại nên nghe hơi sào sạt, chẳng còn trong trẻo nữa.

- Hôm nay con nghỉ học một bữa ở với ba. Để ba ở nhà một mình con không yên lòng học được.

- Rảnh hơi. Mấy cái bệnh vặt ấy mà. - Vừa nói ba vừa ngồi dậy.

- Ba, uống nước đi. - Tôi đưa ly nước đến gần ba.

Ông cầm lấy và uống hết. Tuy nói là bệnh vặt, nhưng bệnh dai quá. Đã thế còn làm ba sụt mất hai kí. Thế mà sau đó ông vẫn đi làm. Một mình nuôi tôi đến khi ra trường. Sau khi ra trường với tấm bằng loại giỏi và kinh nghiệm thực tập những năm đại học, tôi dễ dàng được nhận vào vị trí mà mình mong muốn. Khi ấy, tôi đã có đủ điều kiện để ba tôi ngừng công việc làm nặng nhọc kia. Ba cũng buộc phải đồng ý, duy chỉ có mảnh vườn là ba không chịu ngừng. Đó là niềm vui thích của ông, tôi cũng không nỡ gạt bỏ.

Vốn là từ rất lâu rồi, tôi không hỏi chuyện của mẹ nữa. Tôi nghĩ, đừng để ba phải nhớ lại bà làm gì. Một người phụ nữ rời xa chồng và đứa con của mình mà đi hơn hai mươi năm, không một lời hỏi thăm hay một lần gặp gỡ, người phụ nữ ấy nên được quên đi.

Và thế là tôi đã quên thật, công việc bận bịu làm tôi không có thời gian gặp ba tôi nhiều. Dạo này nhờ nghỉ ngơi hợp lí hơn mà ba đã khỏe lại, sắc mặt cũng hồng hào hơn. Chiều ấy được tan ca sớm, tôi chạy vội về nhà, cởi giày quăng một xó rồi la:

- Ba ơi, con đói quá!

Ba từ vườn đi vào, tay vẫn cầm xẻng, nói với tôi:

- Sao hôm nay về sớm thế? Cơm ba vừa nấu xong. Con vào bới ăn đi.

- Thôi. Ba ăn với con đi.

- Rồi, đi. Để ba cất cái xẻng đã rồi vào ngay.

Tôi đứng trước hiên, nhìn ông dẹp dụng cụ vào góc nhà, lại nhìn dáng người đã bị thời gian ghì xuống của ba, lòng thầm cầu nguyện: Thượng đế ơi, xin người hãy bảo bọc cho những người cha. Những người đã trao cuộc đời mình cho con cái mà không thèm nhăn nhó đôi mày. Những người cha mà khi họ buồn, sẽ chẳng để cho ai biết là họ cũng muốn khóc, cũng thấy tổn thương và hi sinh cho con không kém gì người mẹ...