bởi Thúy Hiền

0
0
1391 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Lễ nạp thái


Một tuần sau khi nhận thánh chỉ ban hôn, dựa trên lời bà mai đưa tin qua lại, cả hai nhà đã chọn được ngày để thực hiện lễ nạp thái. [*]

[*] Lễ nạp thái là lễ đầu tiên trong “lục lễ” trong phong tục đám cưới của người Việt xưa. Lục lễ bao gồm: Lễ nạp thái; Lễ vấn danh; Lễ nạp cát; Lễ nạp trưng; Lễ thỉnh kỳ; Lễ thân nghinh (lễ cưới). Lễ nạp thái nghĩa là “thu nạp những sính lễ mà nhà trai mang đến để thưa chuyện với nhà gái”. Lễ nạp thái dùng chim nhạn vì “Chim nhạn biểu trưng cho sự thuận theo thời tiết âm dương và hàm ý người vợ sẽ theo đạo nghĩa của người chồng”. Ngoài ra, nhà trai có thể đưa sang nhà gái vài bao trà, ít cau trầu để điểm xuyết cho câu chuyện.

Ngày diễn ra lễ nạp thái, trời xanh mây trắng, gió thổi nhè nhẹ hòng xoa đi cái nắng nóng của mùa hè. Đại đa số những nhà bình thường thì làm lễ nạp thái, nhà trai chỉ đưa sang một đôi chim nhạn, thêm chút trầu cau xem như điểm xuyến cho câu chuyện. Nhưng cả nhà Vĩ Văn lại khác, bên đấy đem sang Trần gia một đôi chim nhạn đẹp đẽ, mập mạp, được để trong chiếc lồng gỗ quý khảm sơn mài, lại còn kèm theo hai khay chè thượng hạng cùng một mâm trầu têm lá phượng. Tất cả đều quý giá không thôi.

Trong suốt buổi lễ diễn ra, dù nhà trai có thân phận tôn quý hơn nhưng phong thái khi nói chuyện, từng cái nhếch môi, nhấc tay đều rất từ tốn, giản dị, hoàn toàn không xem thường Trần gia. Thỉnh thoảng, cha Hưng cố tình quan sát con rể tương lai của mình, thấy chàng mắt kiếm mày ngài, kiên nhẫn ngồi trên ghế nghe cha chú nói chuyện, lúc được hỏi tới thì bình tĩnh trả lời từng câu một. Cha Hưng âm thầm cảm thái, người con rể này, ông duyệt!

Như Ngọc là phận nữ nhi, không được phép lộ mặt nên nàng được sắp xếp ngồi ở phía sau bình phong, lắng nghe mọi người nói chuyện ở bên ngoài. Nhà trai tuy chỉ thấy bóng dáng Như Ngọc nhưng thấy nàng ngồi yên ngay ngắn, không hề làm ra hành động gì thất thố. Bọn họ lại thấy người nhà họ Trần nói chuyện thành thật, không a dua nịnh hót, cả nhà từ trên xuống dưới được quét dọn sạch sẽ, đồ đạc trang trí bên trong hoàn toàn không thô tục, khoe khoang mà ngược lại, rất có thẩm mỹ. Sau buổi lễ hôm nay, người nhà hai bên đều cảm thấy rất hài lòng.

Lễ nạp thái diễn ra trong một buổi sáng là xong, ăn xong cơm trưa, em Hoa chạy ngay đến phòng của Như Ngọc nói chuyện.

Như Ngọc vừa mới ăn xong, bây giờ nàng đang ngồi trên bàn đo vải. Mẹ Dung nói để bày tỏ thành ý của nhà mình, nàng nên may mấy thứ như giày, tất, hay đan khăn gửi sang nhà bên đó. Như Ngọc suy đi tính lại, tay nghề của nàng không tốt lắm nên chỉ có thể làm một đôi giày vải.

Em Hoa chân trước vừa bước vào cửa, chân sau liền nói: “Chị ba, chị nhìn thấy anh rể chưa?”

Như Ngọc ngẩng đầu khỏi cuộn vải, kéo em gái ngồi xuống bên cạnh mình, cười nói: “Nãy khi nhà bên đó ra về, chị đứng ở trong phòng có nhìn thoáng qua.”

Em Hoa quay đầu nhìn Như Ngọc, cười tủm tỉm: “Ỏ, vậy chị thấy sao?”

Như Ngọc hơi nghiêng đầu nghĩ, rất nhanh liền trả lời: “Giọng nói chàng khá dễ nghe.”

Hai mắt em Hoa sáng bừng, tò mò hỏi tiếp: “Rồi sao nữa?”

Như Ngọc lắc đầu: “Chỉ thế thôi, chị đứng ở bên trong mà, có được phép gặp mặt trực tiếp đâu.”

Từ đầu tới cuối, Như Ngọc chỉ ngồi phía sau bình phong, tới tận lúc người ra về mới có thể nhìn thoáng qua bóng lưng của chàng nên quả thật nàng không có ấn tượng gì nhiều.

Em Hoa bĩu môi, bất mãn trả lời: “Này nhá, anh rể đẹp trai lắm. Mày thẳng, môi cong nè, còn cao nữa, cao lắm luôn ấy. Là nam nhân cao nhất mà em từng gặp.”

Như Ngọc chỉ ngồi bên cạnh, mỉm cười nhìn em gái nói chuyện. Em Hoa quan sát vẻ mặt của nàng, thấy nàng không biểu hiện vui buồn gì thì hỏi: “Chị, chị không buồn à?”

Như Ngọc thản nhiên nói: “Buồn gì cơ?”

Em Hoa nhìn nàng, trong mắt mang theo vài phần tiếc nuối: “Tự nhiên bị ban hôn cho một người xa lạ mình không quen biết, lại còn lớn hơn mình cả một con giáp nữa. Sao chị có thể sống cả đời với một người mình không có tình cảm được.”

Như Ngọc nghe vậy thì nhíu mày, không nhanh không chậm chỉnh đốn lại câu chữ ngay: “Không phải là bị mà là được ban hôn, em cẩn thận một chút, lỡ bị người ta nghe thấy thì không hay. Ai nói sẽ không có tình cảm, sống đời với nhau tự nhiên sẽ nảy sinh tình cảm. Cho dù không có tình cảm thì mình tương kính như tân [*], miễn hai bên luôn tôn trọng lẫn nhau là được.”

[*] Tương Kính Như Tân: có thể hiểu là “kính trọng nhau như khách”

Vào thời Xuân Thu, nước Tấn có một vị quan lớn. Một lần khi ra ngoài, anh ta nhìn thấy một người nông dân đang làm việc trên cánh đồng, và vợ anh ta cung kính phục vụ anh ta bữa trưa. Vợ chồng như khách, rất lễ độ. Quan lớn rất cảm động.

Quan lớn đưa người nông dân đến gặp vua Tấn và muốn vua Tấn cho anh ta làm quan. Ông ấy nói với vua Tấn: “Tôn kính là một biểu hiện của đức hạnh. Ai biết kính lễ, ắt là người có đạo đức! Chúng ta cần giáo dục người dân về đức tính tốt này.”

Vua Tấn nói: “Cha của anh ta là một tội nhân, liệu chúng ta có thích hợp để sử dụng anh ta không?”

Quan lớn trả lời: “Quản Trọng từng là kẻ thù của vua Tề, nhưng sau đó vua Tề đã phong anh ta làm tể tướng nước Tề và giúp vua tề trở thành bá chủ. Hồi đó, Thuấn đã trục xuất Cổn, nhưng lại trọng dụng con trai của Cổn là Vũ. Người chỉ cần lợi dụng ưu điểm của anh ta là được rồi”

Cuối cùng, vua Tấn nghe theo lời của ông ấy trọng dụng người nông dân kia.

Về sau câu nói Tương Kính Như Tân 相敬如賓 (xiāng jìng rú bīn) đã trở thành một thành ngữ, nó được sử dụng để diễn tả cách đối xử giữa phu thê đó là nên tôn trọng lẫn nhau.

Em Hoa vẫn không từ bỏ, cảm thấy không cam tâm: “Nhưng lỡ như sau này chị gặp được người mình thích thì phải làm sao đây…”

Như Ngọc thở dài, vuốt ve mái tóc của em gái: “Nếu chị đã gả cho người ta thì sao có cơ hội gặp được người đàn ông nào khác chứ, cho dù có gặp đi nữa, cũng-không-thể đem lòng yêu thích. Bất kể hoàn cảnh nào xảy ra, chúng ta luôn phải giữ được cái chuẩn mực của mình, không dược để người khác chê cười. Họ không chỉ chê cười mình, mà là chê cười cha mẹ mình không biết dạy dỗ con cái. Lại nói, chị là được Thánh Thượng ban hôn, chị không gả chẳng lẽ để em gả à.”

Em Hoa bĩu môi, quay mặt đi lẩm Thưa: “Em gả cũng được…”

Như Ngọc cốc vào trán em Hoa một cái, trừng mắt nói: “Tào lao! Gả gì mà gả, em ngoan ngoãn ở nhà chờ thầy lang Tráng tới cưới đi.”

Em Hoa ôm trán, khuôn mặt trắng nõn đã sớm ửng đỏ: “Chị chỉ toàn trêu em thôi!”