bởi Trang Trang

4
1
1056 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1. Mê Cung Thần Nông của Gullermo del Toro và Cornelia Funke


Bạn thường nghe phim chuyển thể từ tiểu thuyết? Vậy bạn đã từng đọc một quyển sách được kể lại bằng con chữ từ một bộ phim điện ảnh chưa?

Bộ phim Mê Cung Thần Nông (tên tiếng Anh là Pan’s Labyrinth) được biên kịch và đạo diễn bởi Guillermo del Toro đã được đề cử 6 hạng mục và thắng 3 hạng mục Oscar năm 2007. Ai mê phim chắc đã từng ít nhất nghe qua tên của đạo diễn nổi tiếng này hoặc phim của ông ấy. Tuy nhiên, dù mình mua sách nhờ biết đến danh tiếng của bộ phim này nhưng mình chưa hề xem qua nó. Bởi vậy, đây hoàn toàn là cảm nhận của một người đọc truyện, không có bất kỳ ảnh hưởng nào từ bộ phim gốc.

Mở đầu là một câu chuyện cổ tích với nàng công chúa và đức vua, đưa người đọc vào một thế giới cổ tích đầy mộng mơ. Thế nhưng, ở ngay trang sau, chương 1 lại mở ra trước mắt một thế giới hiện thực tàn khốc: đó là chiến tranh, cái chết và chia ly. Nhân vật chính, Ofelia, "biết mọi điều về nỗi đau mất mát, dù cho mới chỉ mười ba mùa xuân".

Ngay từ ban đầu, Ofelia và thế giới xung quanh đã thật khác biệt. Trong khi cô bé trong sáng và nâng niu từng cuốn sách, mẹ lại bảo cô bé đã quá lớn để đọc truyện cổ tích và hãy nhìn vào thế giới thực đi. Xuyên suốt cuốn sách là hai thế giới, một thực một ảo, không ngừng đan xen vào nhau. Một bên là câu chuyện về nàng công chúa đi lạc, rằng nàng phải hoàn thành ba nhiệm vụ của Thần Nông để có thể trở về Vương quốc Lòng đất, nơi đức vua và vương hậu đang mong mỏi trông chờ. Một bên là Tây Ban Nha trong những năm tháng đen tối của lịch sử, đầy rẫy cái ác và ngột ngạt ách áp bức. Cha dượng mới của Ofelia dẫn đầu một đám lính - những kẻ đồ tể máu lạnh - với đầy đủ vũ trang và lương thực, săn lùng quân phiến loạn - những chàng trai trẻ - đang cạn kiệt thức ăn và lương thực.

Và Ofelia nhìn thế giới khói lửa ấy dưới lăng kính thần tiên: người quản gia là nàng công chúa giả dạng nông dân, binh lính là những con sói ăn thịt người; còn tên đại uý là gã khổng lồ, là con quái vật, là yêu quỷ, là “mọi hình dạng mà ác quỷ mang”.

Trong những chương đầu tiên, dường như chỉ mình Ofelia nhìn thấy được những nàng tiên và tin rằng những phép lạ vẫn còn tồn tại. Nhưng rồi dần dần, khi cô hầu gái Mercedes, bác sĩ Ferreira, chàng thanh niên Pedro,... bộc lộ trái tim mình, ta nhận ra vẫn có nhiều người tin tưởng vào những câu chuyện cổ tích đến thế. Họ dấn thân vào một cuộc chiến không cân sức, tình yêu cháy bỏng và ngu ngốc, trong trái tim vẫn vẹn nguyên một niềm tin tưởng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

Nhưng thế giới thực thật vô cùng tàn khốc. Hệt như chiếc máy xay lạnh lùng nghiền nát những mộng tưởng. Những giấc mơ chẳng thế chiến thắng súng, đạn, hay những trái tim bạo tàn. Và Tử Thần cũng thế. Nàng chẳng tha một ai.

Khi biến cố và mất mát lần lượt xảy ra trong đời, như một lẽ dĩ nhiên, Ofelia mất niềm tin vào những câu chuyện cổ tích và cho rằng phép thuật không hề tồn tại. Thay đổi của cô bé giống hệt như một con người bình thường chứng kiến thế giới bạo tàn, hoặc có lẽ như Thần Nông đã nói: cô bé không còn giữ được vẹn nguyên tinh chất của một nàng công chúa ở Vương quốc Lòng đất mà đã trở thành một kẻ phàm trần.

Song, Ofelia đã chứng minh thế giới tàn nhẫn không thể thay đổi bản chất lương thiện của mình. Cô bé sẵn sàng ở lại thế giới mà cô bé căm ghét chứ không lấy máu của một sinh linh vô tội, như người đóng sách đã nói: “Công chúa sẽ không chỉ cần đến lòng can đảm và kiến thức để dẫn lối trở về, mà cả tình yêu nữa.”  

Có hai điểm mình yêu thích trong cách kể chuyện của “Mê Cung Thần Nông”.

Thứ nhất là cách tác giả đan xen song song hai dòng thời gian: một là thế giới hiện thực, nơi những kẻ đàn áp đang lùng sục và giết chóc những người nông dân khởi nghĩa, nơi mà không phải lúc nào thiện cũng thắng ác; một là thế giới thần tiên nhiệm màu, nơi mà cho dù là phù thuỷ, quý tộc, công chúa, thậm chí là cả Thần Nông đều phải trả giá cho mỗi lựa chọn của bản thân.

Thứ hai, tác giả đã khéo léo kết nối hai thế giới tưởng chừng đối lập ấy qua những chi tiết nhỏ nhặt: chiếc đồng hồ, nhà máy xay, cái ao, mê cung, con dao cạo,… Mỗi địa điểm, mỗi đồ vật xuất hiện trong thế giới mặt đất, dẫu xấu hay tốt, đều được kể lại trong câu chuyện ở thế giới cổ tích.

Thật khó để giải thích chính xác về kết thúc của Mê Cung Thần Nông cũng như tất cả những gì Ofelia đã trải qua. Cô bé đã thật sự trở về là nàng công chúa của vương quốc dưới lòng đất và trị vì bằng trái tim nhân hậu trong suốt nhiều thế kỉ về sau. Hay đó chỉ là ảo mộng của một cô bé tội nghiệp đã ngã xuống dưới họng súng và nằm lại trong mê cung trong khu rừng già vĩnh viễn.

Mình tin rằng mỗi người sẽ có một cách nhìn khác nhau, tuỳ thuộc vào bạn lựa chọn tin tưởng vào điều gì; hay nói cách khác, tuỳ thuộc vào trái tim mộng mơ của bạn đã bị thế giới bạo tàn này mài mòn đến đâu.

“Định mệnh nằm trong những gì ta lựa chọn.”