MẸ đặc biệt
Năm 2002, trong trí nhớ non dại của đứa bé mới đủ tròn ba tuổi khi ấy, thì nhà An có ba thành viên. Người một tay xách nách khiêng kéo nào là giỏ quần áo, bàn ghế, xe lăn, ít ỏi vật dụng trong nhà, một tay ghì chặt đứa con nhỏ trên lưng với gói xôi vơi nhuốm đầy mùi mồ hôi rơi vãi từ trên trán Người. Nhà An chuyển đến một nơi ở mới, vì nhà cũ trước đó chỉ là một bãi đất trống bỏ hoang, khi là hông nhà của một nhà giàu nào đấy. Nhà mới - mới mà không mới, vì cũng chỉ là được mua lại từ nhà cũ của người ta thôi, cũ người mới ta là vậy. Mà nhờ là người quen nên họ đồng ý cho trả góp qua mỗi mùa.
Năm 2004, An lên năm, Người đăng ký cho An vào mẫu giáo. Sở dĩ người ta thường được đi hai lần mẫu giáo thì An lại chỉ mất một năm để lên ngay lớp một vì nhà An không đủ chi trả, gộp lại vậy cho đỡ tốn. Mười hai tháng ở mẫu giáo là đoạn thời gian xa lạ và ngắn ngủi của cô gái nhút nhát và hiền lành, con bé phải mất rất nhiều thời gian đầu để học cách giao tiếp với cô giáo, với những đứa trẻ cùng lứa, ngày ấy thấy bọn họ cứ thay nhau hốc vào mồm cái loại nước gì chảy ra từ trong những chai bằng nhựa màu vàng màu cam mà thèm, mà tò mò lắm. Mãi sau này lớn lên, nó mới biết, đó đơn thuần chỉ là một lọ sữa tươi bình thường của lũ trẻ con. Những ngày giông về, mưa xuống, nhà dột, khắp nhà ẩm ướt nước mưa, nhường chỗ khô ráo cho Nội ngủ, Người ôm nó vào lòng làm chăn bông ủ ấm. Dưới tiết trời gió rét xuyên thâu, ba tâm hồn lạnh đẫm hơi sương.
Năm 2009, chạy thật nhanh thật nhanh về nhà hòng khoe Người thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh, nụ cười sung sướng và đôi mắt sáng rực của đứa học trò bé nhỏ bỗng bị những âm thanh xáo trộn làm cho tan ra, bàn chân bám bụi đứng chựng lại trước cái đánh, cái đập, cái dằn xé của Bà Nội dành cho Người. Nội bị tai biến nhẹ kèm thần kinh không ổn định nên lúc tỉnh lúc mơ, tỉnh thì ít mà mơ thì nhiều. Mỗi lần đến cơn, Nội lại chuốc mọi phiền toái lên trên người Người. Chén dĩa, niêu cơm bị bà ném tứ phía, hạt cơm khô còn đang vương trên trán thì bà lại bắt đầu dở trò la lối chửi mắng con cháu với bao điều khó nghe. Trên chiếc xe lăn xanh màu lính cũ kỹ ấy, ai mà hình dung ra được hình ảnh một người bà trong câu hát "Bà ơi bà cháu yêu bà lắm tóc bà trắng bà trắng như mây" đang làm loạn ngay trong chính căn nhà của mình cùng đứa con ruột đáng thương đâu cơ chứ. Lấp ló sau cánh cửa, An ngập ngừng len lén quan sát theo ánh mắt đang rực lửa của bà, chẳng còn màng đến niềm vui vừa chớm của bản thân, nó mạnh dạn bước vào dọn dẹp bãi chiến trường phụ Người, xong xuôi, chẳng nói chẳng rằng chạy vọt đến con đê cuối lô, nơi cất giữ bao nỗi niềm và cơn thịnh nộ mà nó thường gửi đến, gạt giọt nước mắt tan vào gió và hét lên thật to. Tiếng la vang trời lấp đầy tiếng sục sôi của chiếc bụng đói.
Đến 2011, nhà An chính thức không còn phải trả góp nữa, Người bớt đi phần nào áp lực. Cùng Người đi qua mười mấy năm ròng với không ít trận cuồng phong mà Nội vô tình mang đến vì căn bệnh, cuối cùng thì nó cũng thấy Người có được cho mình một ngày nghỉ ngơi. Căn nhà nhỏ lụp xụp giờ đây chỉ còn hai bóng hình và sự vắng lặng. Lo ma chay đầy đủ cho Nội xong, Người dắt tay An đến một bãi đất sau Nhà thờ nọ, rồi Người bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi liên tiếp mà trước đây con bé chưa từng được nghe.
- Con thích ăn gì nhất?
- Trên trường của con hôm nay có gì vui?
- Con có biết vì sao Nội lại cứ ồn ào như thế không?
Người từ từ kể chậm rãi từng câu chuyện lớn nhỏ của gia đình cách đây mười hai năm, câu chuyện về tai nạn giao thông năm đó đã lấy đi những gì, đã làm thay đổi như nào cái cuộc sống vốn khốn khó này. Dưới làn mây chiều hôm ấy, trời chẳng mưa nhưng cổ áo An ướt đầm, mắt Người cũng đỏ hoe. Tuổi mười hai trôi qua êm ả với những ký ức đẹp chẳng mấy vui vẻ.
Mùa thu năm 2013, Người bỏ công việc mua gánh bán bưng đã gắn bó suốt mấy chục năm qua để đến với cái nghề làm thợ đụng - đụng đâu làm đó. Người bảo rằng con gái lớn rồi trong nhà cần phải có nhiều tiền hơn, ai gọi gì làm nấy, làm nhiều việc sẽ kiếm thêm được nhiều tiền. Cùng năm ngày 15 tháng 9, đứa nhỏ với nước mắt ngắn dài chạy từ đâu ùa vào phòng đóng chặt cửa, Người đang cặm cụi nấu cơm trưa sau bếp thấy lạ liền luống cuống chạy theo sau hỏi dồn con có làm sao không, cửa phòng năm ấy chỉ là cái cửa lụp xụp chẳng mấy chắc chắn, đẩy một cái là có thể ra ngay nhưng Người vẫn chọn ở đó và kiên nhẫn đứng chờ. Một giờ, hai giờ, rồi ba - bốn giờ đồng hồ trôi qua trong lẳng lặng, thỉnh thoảng thốt lên đôi ba tiếng nấc nghẹn ngào rồi cũng chìm vào yên ắng.
Tiếng kim giây kêu lên ì ạch, nó bình tâm lại, chầm chậm lắng nghe, nó nghe được hơi thở đầy lắng lo của Người bên ô cửa nhỏ. Kéo chiếc chăn bông đẫm mùi nước mắt ra khỏi đầu, An thẹn thùng bước dậy nắm lấy then cửa kéo qua rồi lại chạy trốn vào trong cái hang hôi rình ấy. Đúng cái mùi mà chỉ có mấy đứa con nít hay khóc nhè mới chịu được. Người nâng chén cơm đã nguội vì đợi chờ đến cho nó, ân cần và nhỏ nhẹ:
- Con thấy không khoẻ ở chỗ nào sao? Hay con đau...
Mặt lại đỏ bừng, môi mấp máy, nha đầu ngốc cứ thoáng cất lời rồi lại rút lại. Nhiều đợt như vậy, Người không còn hỏi han thêm, cả hai chốc chốc lại nhìn nhau như thế trong căn phòng mùa thu.
Sáng hôm sau thức dậy với một hộp quà màu đỏ ở trên bàn, miệng gọi í ới xem Người đâu mà tay lại vẫn loay hoay mở xé nó ra. Gỡ bỏ chiếc nơ xinh xắn qua một bên, An thảng thốt ngỡ ngàng với những thứ hiện trước mặt. Lá thư chúc mừng sinh nhật "Gửi đứa con gái lên mười bốn" đan xen những bịch xốp hình vuông chữ nhật lớn nhỏ. Cầm lá thư trên tay với đôi môi run rẩy, An lắp ba lắp bắp nhẩm trong đầu từng con chữ một, trong thư Người tâm sự nó nghe cả đêm hôm qua Người đã suy nghĩ và nghiên cứu rất nhiều cho món quà lần này, trong thư Người ủi an nó không có gì phải xấu hổ và lo lắng cả, Người đã hiểu hết lý do đằng sau những giọt nước mắt và tiếng nấc của nó là gì rồi, rồi Người lại giải thích nó nghe và dạy bảo thêm rất nhiều kiến thức mới lạ, Người dặn dò âu yếm "có chuyện gì thì nhớ viết thư cho tui, nếu không thể nói ra thì con có thể viết, hãy viết thật nhiều vì tui sẽ dành thời gian để đọc nó". Chẳng cần biết nó đang thiếu gì, cần gì, nhưng đây chắn chắn là món quà sinh nhật đặc biệt nhất, đắt giá nhất trong đời nó. Bầu trời bỗng rơi mưa, An chạy vội ra hiên nhà trông mưa ngồi đợi Người đi làm về. Tiếng mưa hôm nay sao ngọt ngào và dịu êm đến thế.
Ngày tháng năm, Hạ An tròn mười sáu. Cái tuổi trăng tròn mà người ta cho là đẹp đẽ và hồn nhiên nhất. Thế nhưng sự hồn nhiên trong trẻo của nó đã để cho tình yêu chiếm lấy. Nó bắt đầu biết đến thứ cảm xúc yêu đương của tuổi trẻ, nó bắt đầu biết trốn học nói dối để chạy theo những cuộc vui, nó cũng bắt đầu để Người chờ cơm và gọi réo về nhà. Cái lần Người phát hiện nó quen một bạn nam cùng trường, chẳng nói chẳng rằng, Người lên tận lớp học kéo lê đứa con gái về nhà cho bằng được, do ban đầu nó nhất quyết cứng đầu không chịu đi. Đoạn đường về nhà hôm ấy bỗng dài thêm cả vạn dặm.
Rầm!
Cái chốt cửa của căn nhà vốn lụp xụp sao cũng lại vững chắc lạ kỳ, Người đóng sầm cửa lại và bắt đầu chất vấn câu chuyện của nó. Mười sáu năm qua chưa có ai thấy đôi mắt biết dữ và âm thanh lớn giọng của Người, thế nào hôm nay điều ấy lại xuất hiện ở đây, Người mắng và trách nó đủ điều, nó dĩ nhiên cũng chẳng vừa mà ngồi yên, vốn được cưng chiều từ nhỏ nên chỉ cần Người quát vào mặt nó một câu nó sẽ cãi lại hai ba câu nối tiếp như vậy. Cuộc tranh luận ồn ào và ngày càng căng thẳng kéo dài suốt hai giờ đồng hồ trong căn nhà thiếu sáng. Con bé chẳng thể hiểu nổi lý do tại sao chỉ vì cuộc sống của nó có thêm một người con trai nữa thôi lại khiến Người tức giận và khó chịu đến như vậy. Rồi dần dần những ý thức hình thành trong đầu, nó cho rằng Người ích kỷ, Người xấu xa, Người độc đoán. Có lẽ giờ đây nó chỉ muốn nghĩ như thế cho thoả cơn phẫn nộ của mình. Tối hôm đó, An nghe mùi rượu men bay ra từ bàn ăn, nó đứng khựng lại một hồi lâu, bàng hoàng nhìn Người trong bộ dạng say khướt ngồi thu lu trong gác bếp tối, giọt nước mắt ẩn tàng sau màn đêm, đó là lần đầu tiên nó thấy Người say, đó là lần đầu tiên nó thấy Người khóc.
Ngày qua, tháng lại.
An chia tay mối tình đầu vào một chiều cuối đông, vỏn vẹn hơn ba tháng với kha khá kỉ niệm tuổi học trò, trong nó đó vẫn là những ngày tháng rất ấm áp, mặc cho thằng oắt con kia là người phản bội. Dù thời gian có ít ỏi, nhưng một ngày thất tình thì vẫn là một ngày gì đó để lại rất nhiều ảnh hưởng cho sau này, một ngày không mưa trời không xấu nhưng vẫn buồn. An cảm thấy cô đơn tột cùng vì suốt thời gian yêu đương đã bỏ rơi Người lại, ngang bướng làm trái lời Người để rồi giờ đây mình nó ôm bao nỗi ân hận oán hờn chính mình. Nước mắt và nỗi buồn cứ thế mà làm bạn cùng An đi qua tuổi mười sáu im lìm.
Một đêm mơ Nội về, trong chiêm bao Nội ôm lấy vỗ về nó như thể cái ngày Nội chưa lâm bệnh. Tóc bà bạc trắng đúng hệt như lời bài hát, chỉ khác là cháu yêu bà lại chẳng thể nắm bàn tay, chẳng có cơ hội thấy bà cười vui khi cháu vâng lời nữa. Xuyên suốt canh thâu, bà kể vắn gọn cái tủi hổ của bà thời thơ bé, cãi mẹ cha yêu đương sớm để rồi có Người bây giờ, hèn chi Người thường quay đi mỗi khi cô bé hỏi về ông nội. Chẳng để nó kịp nói câu cảm ơn bà, tiếng gà gáy cất lên mở đầu một ngày mới. Gối kê đầu ướt sũng, thoảng mùi nước mắt đêm. An bắt đầu nhận ra vì sao Người lại ngăn cấm nó quen bạn trai năm ấy. An bắt đầu tỉnh thức. Những nỗi buồn đau về tình yêu biến hẳn mất, nó toàn tâm vào bài vở và thi đậu vào một trường Đại học nhỏ ở Sài gòn.
Năm 2017, dưới mái lá liêu xiêu đã được thay bằng ngói đỏ vững chãi, dưới bóng trăng trắng ngà sáng rực năm ấy, ngày 16 tháng 9, ngọn nến trên bánh kem do Người làm được thổi phù đón chào tuổi mười tám rực rỡ. Dưới ánh sáng lập loè còn sót lại chút xíu từ ánh nến, An thấy Người cười. Nụ cười đẹp đẽ sáng ngời nhất mà nó chưa từng được chứng kiến. Ngày Người tiễn chân lên thành phố học, cất trong tim là bao lời dặn dò và động viên cổ vũ, Người dúi vào tay đứa con nhỏ thêm mớ tiền lẻ tẻ, chẳng nhiều mà nó lại ướt nhẹp đôi mi. Thật chỉ muốn gói cả quê hương và cái con người này vào balo mà đi cùng. An nghĩ vậy.
"Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo". Không đếm hết những lần bắt gặp hình ảnh người vô gia cư nằm co ro nơi góc tối, những đứa trẻ có vẻ mồ côi nên nằm lăn lóc dưới chân cầu, mặt nhem nhuốc quần áo thì lệch xệch. Một câu hỏi hiện lên trong đầu nó "Vì sao phải cố gắng?". Với một đứa trẻ lớn lên từ căn nhà xiêu vẹo khói mịt mù, cơm nhà bữa đói bữa no như An thì, cố gắng để không phải chần chừ, không phải đắn đo mà ở bất cứ giai đoạn nào, nơi chốn nào cũng có thể rút vài yêu thương trong túi trao cho người mình muốn gửi. Một tối tình cờ trên đường đạp xe từ chỗ làm thêm về, ánh mắt An va phải hình ảnh cụ già đang ngồi bán móc khoá bên vệ đường, cả người gầy gò, trời đã xuống tối nhưng vẫn có thể nhìn ra được màu nước da ngăm và nhăn nheo của cụ, hệt như Người của nó ở nhà. Chợt lạnh sống lưng, mắt mờ mờ An tiến nhanh lại chỗ đó. Nói chuyện hỏi han một chút rồi nó mua cho cụ vài món đồ, giọng nói ấm áp từ cụ thật khiến con người ta chỉ muốn đi ngay về nhà mà ôm lấy Người.
Thấm thoát cũng được bốn mùa phượng nở thu về, lễ Tốt Nghiệp bị hoãn lại vì đại dịch covid cứ ập tới chẳng rời, An may mắn có cơ hội trở về nhà trước thời điểm cận kề của nguy hiểm, được về gặp Người, ở bên Người lâu hơn nó là cái cảm giác sướng rơn mà có nằm mơ bao năm qua cũng chưa được, An thực sự vô cùng biết ơn vì điều đó. Chiều nay mon men ra con đê cuối lô như một thói quen khó bỏ, gió cứ thổi triền miên trên bãi đất vàng ươm màu lúa chín, nó cảm nhận mùa thu đang lan tỏa khắp đất trời. Trên cánh đồng hoang dại, mùi bùn đất ai ải cứ xộc lên cánh mũi, xộc vào lòng An hương vị quê hương da diết bồi hồi.
Trước khi ánh tà dương rơi xuống đất, An thắp một nén nhang, đặt bó hoa dại hái vội ngay ngắn trước mặt Người, di ảnh đã lâu chẳng ai lau chùi, nó chợt thấy nụ cười Người lấp ló trao đi thật trìu mến, cái nụ cười nó đã từng thấy vào năm mười tám.
Giấu ai lệ vào trong, cô sinh viên vừa ra trường trải lòng đến Người đôi ba lời sau cuối...
Cha!
Cha là Người phụ nữ vĩ đại nhất, là người Mẹ hoàn mỹ nhất của đời con. Con đã và mãi luôn xem Cha là một người Mẹ đích thực của mình. Cha biết không? Trước khi đi Nội tỉnh táo kể cho con nghe cả rồi, năm con mới lọt lòng, Mẹ bỏ con lại trên bãi đất hoang vắng, kiến cả bầy muốn tha con đi mất thì Cha trở về kịp lúc ẵm con lên tay, cái ẵm đó như nhấc bổng con vào đời với bao yêu thương vô bờ bến. Nội kể con hay khóc đòi mẹ, Cha chẳng ngần ngại mà bận đồ của Nội suốt quãng thời gian nuôi con ấy, Cha còn đội tóc giả, đánh môi son, Cha vờ như một người mẹ thực thụ hòng dỗ dành cho con ngủ. Nội lúc này muốn phụ Cha nhưng sức khoẻ không cho phép. Thiếu sữa mẹ, con còi cọc chẳng lớn, Cha chạy vạy khắp nơi xin từng giọt sữa về, không có lại chắt nước gạo đun cho con uống, con phải ăn cháo sớm thay vì bú sữa và ăn bột. Rồi một mình Cha vượt qua bao lời dèm pha, nói sau lưng của người dưng về người vợ của Cha chẳng ra gì, con xin lỗi vì lúc ấy đã chưa thể lớn kịp để bảo vệ Cha. Khi con lớn, Cho thức đêm tìm tòi đọc sách để có thể hiểu được con hơn, là một người đàn ông nhưng Cha đã học cả cách làm Mẹ, làm bạn, tâm lý rút ngắn khoảng cách giữa hai người chúng ta rất thuần thục. Năm conmười sáu, chính Cha là người luôn âm thầm đi theo sau con mỗi khi con phải cuốc bộ đến trường cả đoạn đường dài, chính lẽ ấy mà Cha biết được việc con có bạn trai. Con xin lỗi vì năm đó chưa tự nói lời xin lỗi trước mặt Cha mà đã bỏ lên Sài Gòn đi học. Những năm mùa màng thất bát, chủ trả công cho Cha chẳng đủ, Cha lại thức khuya dậy sớm quay lại nghề làm bánh nấu xôi sớm sớm gánh ra ngoài đầu hẻm ngồi bán, con từng mong cho gió trời ngủ quên, cho sương đi chơi vắng nhà để Cha không lạnh, có khi hơn nửa ngày trời chưa bán hết Cha vẫn kiên trì ngồi đợi từng vị khách muộn. Ngày thì bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên những thửa ruộng của nhà người, đêm thì lọ mọ ngâm gạo nặn bột, sớm sớm lại quẩy gánh đi buôn, con tự hỏi là ai đã ngủ dùm Cha vậy, là ai nghỉ ngơi dùm phần cho Cha vậy? Con chưa từng gặp người đàn ông nào mà lam lũ âm thầm như Cha cả. Vì có bao giờ con phải nghe lời vãn than.
Cha!
Con biết lúc vắng con ở nhà Cha chỉ toàn ăn cơm với mấy con cá lòng tong bắt ở ngoài mương với nhúm rau muống sau vườn, ngày qua ngày, Cha bòn bót hết tiền bạc làm lụm vất vả để gửi lên cho con, sợ con tủi thân với bạn bè, Cha làm đủ mọi nghề để mua cho con chiếc điện thoại cảm ứng đầu tiên, trong khi áo quần Cha cũ rách. Một mình Cha chăm con, dưỡng mẹ, duy trì mái nhà của chúng ta, thật sự rất vất vả và khó khăn có phải không?
Ngày con về trời đổ mưa hạt nặng, giọt mưa như muốn nuốt chửng lấy con cả nỗi đau đang ngự trị. Con đã phải dừng xe mà ngồi quỵ bên vệ đường khóc nấc lên không dưới chục lần, con như mất hết phương hướng và rơi vào chao đảo giữa dòng đời vô định chẳng tìm được ánh sáng. Ngày con về Cha vẫn ngủ giấc ngủ trọn lành, giấc ngủ say mơ mà trước đó Cha chưa từng. Thương Cha biết nhường nào! Đợi đến khi con có thể lo lại cho Cha thì Cha đã chẳng đợi được con nữa. Người ta thường nói đời người được mấy lần ba mươi đâu, quả thật Cha con lại chỉ được một lần. Cha đi để lại cho đời tuổi bốn hai tròn trĩnh, lặng câm.
Con xin lỗi vì đã từng nghĩ Cha là một người xấu, con đã luôn dày vò mình vì quá tệ khi chẳng ở bên săn sóc chăm lo cho Cha những ngày cuối đời. Cha bỏ lại thế gian hỗn độn với đứa con gái bé nhỏ đáng thương chưa đủ trưởng thành. Con đã có ý định kết liễu cuộc đời mình kể từ ngày hôm ấy, nhưng rồi bằng một sức mạnh thiêng liêng nào đó, con vực dậy Cha ạ, con nhìn thấy xung quanh bao người nằm xuống vì nhiễm bệnh của đại nạn, bao đứa trẻ mới nhỏ xíu đã mất mẹ mất cha, bao người thân phải chia lìa cách biệt. Con nhìn người, rồi con nhìn lại mình, chẳng phải con đã được lớn lên trong đôi cánh tình thương của Cha sao, chẳng phải con cũng đã được sờ lên gò má Cha lần cuối mà không phải qua thiết bị điện tử nào hay sao, ôi đôi gò má toàn da với xương, đôi gò má thấm đượm mùi khó nghèo. Con an ủi lòng, Cha mất vì căn bệnh giống như bà nội thôi mà, Cha đâu phải nằm lẻ loi nơi phòng cách ly lạnh lẽo kia đâu. Rồi con thầm cảm ơn đời. Cảm ơn khoảng thời gian đằng đẵng những ngày gian nan, với cuộc sống thiếu thốn mọi đàng đã giúp con mạnh mẽ được như ngày hôm nay, giúp con thức tỉnh kịp thời và biết trân trọng cuộc đời này hơn. Cha về lại bên Nội rồi, phải thật an vui, thật thảnh thơi Cha nhé.
Thu thay lá lần thứ bao nhiêu rồi Cha biết không? Nỗi nhớ của con vẫn nhiều như lần đầu xa Cha vậy, thỉnh thoảng con vẫn ước, con vẫn tưởng tượng cảnh trở về nhà được Cha dang tay ra ôm đón vào lòng, Cha cùng con nấu những bữa cơm ngon lành tử tế, con đấm lưng bóp vai cho Cha hết mỏi, rồi con đẩy xe cho Cha dạo đường xá, mình luyên thuyên chuyện trên trời dưới đất hen Cha. Cha có muốn thấy con khoác lên mình bộ váy cưới đẹp nhất không? Ơ thôi, hay là con cứ ở vậy hoài hoài với Cha nhé! Cha có thắc mắc vì đâu mà đứa con nhỏ này lại có thể nhớ được nhiều thứ như vậy không, là vì con đều đều đặn viết thư cho Cha mỗi ngày nhưng không gửi đi, con muốn cho Cha xem, con là chiến binh mạnh mẽ nhất thế gian này.
(Lược một đoạn: Tháng 2 năm 2018, Người bị trúng gió khi đang làm lúa ở ngoài đồng rồi bệnh đột ngột chuyển sang tai biến. Căn bệnh không có ai chứng minh là di truyền ấy vậy đến đời nhà An lại thành thế. Cả Nội và ông đều phải ngồi xe lăn, An vừa học vừa làm thêm để trang trải cuộc sống, được nghỉ liền về nhà thăm Cha. Dưới quê còn một người cô và đứa cháutám tuổi, hai người bọn họ thường tới lui để săn sóc ông nhưng vì muốn chu đáo hơn An đã bỏ thêm tiền để chính đáng nhờ họ về lo cho Cha. Đầu tháng 4 năm 2020, Cô báo tin dữ ngay trong đêm, An không thể nào đợi được đến sáng liền mượn xe máy của bạn chạy về. Nhà nó cách Sài gòn khoảng 200km, và lúc này đất nước đang trong giai đoạn lần đầu đối mặt với dịch bệnh).
Một giọt, rồi hai giọt
Nước mắt ẩn ức vô thức rơi chẳng kịp nhặt nhạnh. Nó thở chậm lại một nhịp.
Ào ào.
Mưa ở đâu lại khóc cùng nó, chắc mưa không biết mưa chẳng hề giống như đang an ủi người ta một chút nào, mưa không biết nó đang rất lạnh lùng và vô cảm. Mưa cào cấu xé nát tâm hồn đứa nhỏ, mưa dội xuống triền đất khô ráp như muốn gội rửa hết cái khổ cái đau đang tích tụ trong lòng nó. Chẳng còn ai nhìn thấy nước mắt nó đang rơi hay là nước mưa nữa, nó ôm chặt ảnh Cha và nép mình vào ngọn cỏ đang phất phơ gần đó, một chút thôi, cho nó dựa vào một chút thôi, ngọn cỏ yếu mềm, nó còn biết tựa vào ai?