43
18
3240 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Mẹ Ghẻ


Tôi không còn nhớ rõ gương mặt của mẹ. Đó mãi mãi là ký ức nhạt nhòa dừng lại ở một đứa trẻ tám tuổi. Tôi có dì ngay sau đó.

Thế nên, tôi ghét bố và ghét luôn cả người đàn bà bên cạnh ông. Những năm tháng đó đối với tôi chẳng khác nào địa ngục. 

Hàng đêm, trong căn phòng nhỏ xíu và lộn xộn, tôi thường mơ tới bóng dáng của mẹ. Chẳng hiểu sao nhìn mẹ tôi lại già sọm như một bà lão. Hàng xóm thường xì xèo, do mẹ tôi già hơn bố nên ông mới ngoại tình. Họ còn bảo, dì là kẻ thứ ba chen chân vào hạnh phúc gia đình tôi, vì có dì nên bố tôi mới thay lòng đổi dạ. Có người còn bảo, bố đuổi mẹ là do yêu cầu của dì. Câu chuyện cứ thế rì rầm xoay quanh gia đình tôi, như một sự kiện, hay một tấm gương đạo đức dành cho các quý ông bội bạc. 

Những lời dèm pha dần dần thấm sâu vào tiềm thức khiến tôi ngày một lì lợm hơn. Khi nhìn thấy dì vừa tất bật nấu cơm vừa mắt trước mắt sau ngó con em đang mải mê mò tay xuống nền đất bẩn, tôi làm ngơ và chui tọt vào phòng. Vừa ngồi xuống mâm cơm, tôi liền nguýt ngắn nguýt dài những người đối diện. Và khi con em soi soi chọc chọc buồng trứng cá vãi tung lên người, tôi liền mượn cớ tát cái bốp vào mặt nó. Năm đầu ngón tay xương xảu in rõ mồn một trên cái má non đỏ ửng khiến con bé khóc thét lên. Dì vội vàng buông đũa bát xuống và ôm em vào lòng dỗ dành. Tôi đánh mắt theo rồi cười nhếch mép. Trong khoảnh khắc ấy, bố đã nhìn ra chủ ý của tôi. Ông nổi cơn lôi đình bằng ánh mắt nảy lửa kèm theo cú đấm cực lực khiến tôi ngã văng khỏi ghế. Tôi quay cuồng với cú đấm của bố, thấy gì đó đang tanh ngòm trong miệng mình. Lúc ấy, đôi mắt đỏ rực những tia máu cứ nhìn vào bố không chớp như để ghi nhớ thật sâu mối hận trong lòng. Bố cũng lạnh lùng nhìn tôi và buông ra mấy lời cay nghiệt:

- Súc vật, mày không phải con tao.

Chỉ mấy lời ngắn ngủi thôi nhưng thật sự khiến tôi đau đớn, còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một tâm hồn bị xé nát, còn nỗi đau nào hơn nỗi đau bị người thân ruồng bỏ. Ngay cả những tiếng thùm thụp nện vào người như nện vào một bao cát lúc đó cũng chẳng khiến tôi bận tâm nữa. Cho đến khi tai ù đi và nước mắt giàn giụa hai bên hốc mắt, tôi chợt nghe thấy tiếng can ngăn của dì. Lúc thức dậy, cũng chỉ thấy có dì bên cạnh, dì đang dùng bông thấm cồn rồi xoa nhẹ lên những vết xước trên người tôi. Mùi thuốc. Nhưng hơn cả, lại là mùi hương của bố còn vương vất trên người dì. Tất cả đều làm tôi thấy khó chịu. Tôi gượng cánh tay đau nhức lần mò trên giường rồi hất tung mớ thuốc xuống đất. Giống như phỉ nhổ vào dì, tôi buông lời cay độc:

- Đồ mẹ ghẻ.

Dì sững lại vài giây, còn tôi giương đôi mắt đỏ ngầu lên, chuẩn bị tâm lý cho một trận đòn mới. Nhưng dì chỉ vội vã nhặt mọi thứ lên rồi cất đặt vào cái hộp ban nãy. Dì thở dài:

- Con gái mà để lại sẹo thì xấu lắm.

Sau đó, dì hì hụi quạt bếp nấu một bát cháo thịt mang lên đầu giường tôi rồi dặn dò:

- Khi nào đói thì ăn nhé. Dì qua trường đón em.

Tôi nhìn dì rồi quay ngoắt mặt vào phía trong tường, lẩm bẩm:

- Đồ đạo đức giả.

Vết thương trên má tôi và em đã lành, nhưng đâu đó trong thâm tâm cả hai đứa đều còn sẹo. Tôi ghét cay ghét đắng bố và mẹ em, còn em thì ghét cay ghét đắng một người chị bạo lực như tôi. Chúng tôi nuôi những nỗi thù hằn và lớn lên cùng chúng suốt những năm tháng thơ dại. Khi đó, dì chẳng biết làm gì ngoài việc thở dài. Dì còn trẻ mà cũng già sọm chẳng khác mẹ tôi chút nào hết. Không hiểu sao, mỗi lần nhìn dì lọ mọ dưới bếp rồi quanh quẩn dọn nhà thì tôi lại thấy bóng dáng mẹ mình trong đó. Tuy rằng được bố chiều chuộng hơn mẹ nhưng trên gương mặt dì lúc nào cũng xuất hiện những nếp nhăn và thấp thoáng một nỗi niềm cô quạnh.

Dì cũng là một người phụ nữ buồn khổ.

Nhớ có lần tôi trốn học nằm yên trong phòng mà tưởng đâu nhà đi vắng hết, dì liền ngồi bệt xuống hiên rồi bưng mặt khóc tu tu khi cầm di ảnh của một người phụ nữ già nua khác. Khi ấy, tôi đã đứng lặng một hồi lâu để nghe dì khóc. Thời gian sau đó, tuy không bằng lòng gọi dì là mẹ nhưng tôi cũng không còn cay ca hai từ "mẹ ghẻ" như trước nữa. Có lẽ là tôi đã vô thức dành cho dì chút ít tình cảm nào đó nhưng vẫn không chịu thừa nhận. Phần vì thương mẹ, phần lại vì nỗi sợ mất mặt đeo bám.

Cho tới tận sinh nhật thứ muời lăm của tôi, dì mới kể tôi nghe chuyện năm xưa. Dì cầm chiếc lược dày trong hộp rồi chải nhẹ nhàng lên mớ tóc rối bời của tôi cho tới khi nhìn thấy những sợi tóc đã chịu khó xếp nếp vào nhau. Lúc ấy không hiểu sao tôi lại ngồi im như tượng, hay như đang bị một gã phù thủy nào đó thôi miên. Dì bảo không phải dì xui bố đuổi mẹ như người ta nói mà do mẹ tự bỏ đi. Rồi dì lại thở dài khi nói về chuyện tình dang dở của mình. Hóa ra, dì và bố là mối tình đầu của nhau, một mối tình buồn dai dẳng. Khi không cưới được dì, bố trở lên cục cằn thô lỗ bởi dằn vặt trong nỗi đau phụ tình, còn dì vì đau khổ cùng cực nên cũng vài lần trầm mình xuống sông hòng tự vẫn. Dì nói, mẹ tôi không đành lòng nên đã buông tay. Kể cả khi rời đi, mẹ cũng rời đi một cách thầm lặng. Có người phụ nữ nào lại chịu được cảnh chồng mình vui vẻ bên người khác, cũng chẳng có tình yêu nào có thể xẻ làm đôi. Nói tới đây, dì hơi chững lại, dì bảo còn nợ mẹ tôi một lời xin lỗi. 

- Vậy sao hai người không cưới xin cho đàng hoàng? - Tôi chau mày lại.

Dì cười buồn rồi vuốt nhẹ mái tóc tôi.

- Vì bà ngoại em Lan không cho dì làm thế. Bà ngoại bảo đó là điều khiến gia đình mất mặt. Bà nói bà không có đứa con gái đi cướp chồng người khác.

- Thế nên ... - Tôi ngẩng mặt nhìn và chờ đợi.

Dì gật đầu.

- Dì chỉ cần được sống với bố con thôi, cũng đâu cần phải nhiều thủ tục.

- Vậy là ngay cả một chiếc áo cưới dì cũng chưa được mặc hay sao?

Dì lại gật đầu, nước mắt dường như sắp vỡ òa xuống mái tóc của tôi, giọng dì nghèn nghẹn.

- Dì tính sau này sẽ mặc rồi chụp ảnh, nhưng từ đó tới giờ việc nhà lu bu quá nên vẫn chưa có dịp.

Giờ thì tới lượt tôi không cất lên lời. Tôi thấy như có hàng trăm ngàn mũi tên từ đâu đang lao tới và cắm phập vào ngực khiến tôi không sao thở được. Vậy là bao nhiêu năm qua, những người phụ nữ như mẹ, như dì phải sống khổ sở đến vậy chỉ vì một chữ tình hay sao? Dì vẫn ở đây, chịu đựng sự dèm pha của người đời, còn mẹ tôi, chẳng biết là đang chạy trốn tận nơi nào, chẳng biết là còn hay mất. Mỗi lần nhớ mẹ, tôi lại leo lên cái cây me già phía trước cửa và nhìn về một phương nào đó. Tôi nghĩ, chắc mẹ tôi ở đó. Cái chỗ đó xa tít tắp, có những ngôi nhà cao chạm trời, chạm mây, những ngôi nhà với những cánh cửa khép kín. Ở đó, họ ít giao du qua lại với nhau, ít quan tâm nhau và cũng ít phiền phức hơn. Ở đó, mẹ tôi có thể chìm trong nỗi niềm riêng của mình, tự vá lành nỗi đau, tự nuôi dưỡng cảm xúc cho tới những ngày cuối cùng của chặng đời.

Nhưng tôi không nghĩ tới chuyện đi tìm mẹ.

Năm tôi hai mươi tuổi, mẹ trở về bất chợt sau một bữa cơm chiều. Tôi nhìn mẹ vừa lạ vừa quen, lúc gần gụi nhưng khi lại có cảm giác xa xôi. Mẹ trong tâm trí của tôi vốn không phải là mẹ. Tôi không biết phải bắt lời với mẹ như thế nào sau ngần ấy năm xa cách. Tôi cũng không biết mình như vậy là đúng hay sai. Giữa chúng tôi bây giờ như được ngăn cách bởi một đám cỏ sau cơn mưa, bước qua bước lại tuy rằng không nhức nhối nhưng sẽ có cảm giác gai gai lòng bàn chân. Nếu không nghe dì khuyên nhủ, chắc tôi chẳng buồn gần mẹ.

Mấy cô hàng nước nói mẹ đẹp nhiều hơn so với ngày trước, và so với dì, vậy nên mới trở về để giành lại những gì đã mất. Mẹ thuê một ngôi nhà gần đó, thi thoảng lại đem bát canh cua cho dì. Còn dì, có ít trái cây còi cọc cũng gọi mẹ sang ăn cùng. Mấy cô thấy vậy liền xì xào qua lại, họ bảo: "Chắc đang ganh nhau chứ thân thiết quái gì". Tôi nghe thấy khó chịu lắm, nhưng nghĩ lại kể ra họ nói cũng có cái phải. Đàn bà với đàn bà, khác máu tanh lòng, còn có chuyện gì với nhau nữa ngoài chuyện liên quan tới đàn ông. Chẳng có ai giải thích với những đứa trẻ ngây ngô như tôi và Lan hiểu là chuyện gì đang xảy ra trong gia đình chúng tôi. Hai đứa tôi cứ phải dự đoán và căn ke mọi chi tiết nhỏ nhặt giữa hai người phụ nữ đó, để làm sao cư xử cho phải phép. Vậy mà thi thoảng tôi vẫn thấy ánh buồn trong mắt dì khi mẹ quan tâm tới tôi. Tôi là con của mẹ, đâu phải con của dì, vậy mà dì cũng buồn là cớ làm sao? 

Mẹ muốn tôi lên thành phố học và sống cùng mẹ, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại kiếm cớ, cứ ậm ừ trì hoãn. Có lẽ tôi sợ xa nơi này, dù nó từng khiến tôi cảm thấy bức bối, tủi hờn. Giống như một thói quen, giống như việc tôi đã quen với cảm giác sống cạnh một người đàn bà không cùng chung dòng máu từ nhiều năm qua. Nói ra thì có vẻ khôi hài, nhưng tôi lại thích ở với dì hơn. Chỉ là, tính sĩ diện và dư luận khiến tôi trở thành kẻ hèn nhát. Tôi sợ mẹ buồn, cũng sợ bị nói là đứa bất hiếu.Vậy là sau vài ngày nghĩ ngợi, tôi lặng lẽ thu dọn đồ cùng mẹ. Thứ tôi mang đi chỉ là mấy bộ quần áo cũ, thậm chí gần như sắp rách, bỏ gọn trong cái balo bụi mù mịt nằm chơ vơ trên gác xép từ lâu. Tôi không muốn mang theo tất cả những kỷ niệm nơi đây bởi vì nỗi nhớ, sợ rằng chúng sẽ theo tôi cả quãng đời còn lại. Mẹ hỏi thì tôi chỉ tảng lờ đi, tôi sợ mẹ giận. Có lẽ mẹ hiểu nhưng không hề tỏ thái độ nào khác. Cách mà mẹ thể hiện vốn lạnh lùng như vậy, và tôi giống mẹ ở điểm đó.

Sau khi tôi đi dì bỗng nhiên đổ bệnh. Dì mắc chứng trầm cảm.

Tôi chỉ thấy những phụ nữ sau sinh bị trầm cảm chứ chưa từng gặp ở người lớn tuổi như dì. Có phải dì bị bệnh đã lâu mà không ai biết? Tôi thì không có quan hệ máu mủ ruột rà đã đành, nhưng sao ngay cả cái Lan và bố cũng không biết? Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra trong nhà thế này? Chúng tôi đang làm gì với dì thế này? Khi nhìn vào gương mặt phờ phạc của dì sau những đêm mất ngủ, tôi chỉ biết biểu lộ vẻ lặng thinh vốn có. Con Lan nhìn mẹ nó qua quýt rồi nằng nặc đòi ăn sáng. Còn bố? Bố chỉ biết thở dài và không nói gì thêm. Người đàn ông mà dì chọn lựa và yêu thương bao nhiêu năm lại chỉ biết thở dài, không biết là bất lực hay chán ngán? Suy cho cùng thì, dì đang sống vì điều gì, niềm tin chăng? Còn tôi, niềm tin của tôi bây giờ là gì?

Tôi bước ra ban công, nơi có thể nhìn về phía ngôi nhà cũ, nơi có những rặng cây cao tít. Chắc là dì ở đó. Rồi tôi hình dung ra bóng dáng già sọm của dì đang lọ mọ cắt những ngọn bồng khoai chen nhau mọc cao hơn cả lưng người. Tôi thấy nhớ dì khôn xiết. Rồi tôi trở vào phía giường ngủ, mẹ vẫn còn say giấc. Tôi nhẹ nhàng đặt mình lên tấm nệm bên cạnh mẹ, đưa tay vuốt ve mái tóc sợi đen sợi bạc và ngắm thật kỹ khuôn mặt mẹ. Dù nhớ dì tới mấy thì tôi cũng không thể bỏ mẹ ở lại mà về với dì. Dì có gia đình, còn mẹ thì chỉ có tôi. Tôi thiếp đi lúc nào không hay, và trong cơn mơ tôi đã thấy dì, với một đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ. Lúc ở gần dì, tôi hay vẩn vơ nghĩ tới mẹ, còn lúc được gặp mẹ rồi, tôi lại thấy thiếu thốn dì. Cứ thế, tôi sống trong mớ bòng bong giữa hai người phụ nữ ấy, giống như bố đã từng. 

Đâu đó, tôi thấy được con người mình khi soi vào bố, dì và mẹ.

Tôi cố gắng gạt phắt kỷ niệm để hòa mình vào phố thị, nhưng ngay cả những tiếng rao đêm thưa thớt và chậm rãi của người gánh hàng dong dưới đường, mùi cốm tỏa ra trên từng gánh hàng hay chỉ một vài tấm lưng còng lướt qua trước mặt cũng làm tôi nhớ tới dì. 

Tôi chợt nhận ra mình thật sự phiền phức.

Tôi vùi đầu vào sách vở và những bài kiểm tra chiếm đầy câu từ đẹp đẽ nhưng không có hai chữ "gia đình", những con số loằng ngoằng khô khan như cuộc sống của đứa trẻ thiếu thốn, những mục tiêu cao vời vợi mà xã hội đặt ra trên vai một người trẻ. Tôi ăn những bữa cơm đầy đủ gia vị, mặc những bộ đồ kiểu cách, một mình lang thang dạo bước quanh những vòng hồ lớn hoặc tới rạp xem những bộ phim hành động chiếu trên cái màn hình to đùng, cạnh những con người xa lạ. Tôi sống ẩn mình vào những tòa nhà cao tầng ngột ngạt chen chúc dưới mây theo phong cách của người thành phố, những cánh cửa khép kín bọc trong những ồn ào.

Cứ nghĩ mình làm vậy là đúng, thế nhưng tôi đã nhầm. Tôi không thể sống cuộc đời không tồn tại ký ức, không thể lãng quên những gương mặt đã xây dựng cho mình một tuổi thơ với nhiều nếp gấp, cũng chẳng thể bóp méo được hơi thở và cảm xúc của trái tim mình. Và trên tất cả những dấu ấn khó quên ấy, tôi không quên được dì, dù thời gian đã trôi đi tàn nhẫn. 

Tiếng gõ cửa khô khốc vào một chiều muộn là của dì. Thật may, dì vẫn khỏe.

- Mẹ .., à dì tới thăm con này - Dì lắp bắp.

Dì nhìn xung quanh rồi rón rén bước vào, bàn chân thô kệch và đen đúa khẽ cọ nhẹ vào nhau, từng hạt bụi rơi xuống mặt đất lấm tấm.

- Nhà con không lau đâu, dì cứ đi hẳn dép vào.

Tôi đỡ cánh tay đang xách chiếc làn nhựa đựng đầy những trái cây còi cọc và giật mình khi thấy rằng nó chỉ trơ lại toàn xương. 

Dì gầy quá! 

Không ai trong số những người được chăm sóc từng ấy thời gian nghĩ tới việc phải bù đắp cho dì. Chúng tôi đã quá ích kỷ. Chúng tôi không nghĩ tới lễ cưới chưa diễn ra trong cuộc đời dì, không nghĩ tới hình dáng dịu dàng và nụ cười xinh đẹp trong chiếc váy trắng tinh khôi mà dì hằng mong ước. Phố xá rực rỡ như đè bẹp cái bóng nhỏ nhoi của dì xuống đất. Và dường như dì vẫn luôn trơ trọi, bên cạnh người đàn ông của cuộc đời mình. "Sự hy sinh, tần tảo như trói buộc dì vào những bức tường, chiếc cọc vô hình". Dì chưa bao giờ được tự do sống cho mình, cũng chưa bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn, dù đã dùng cả trái tim và thanh xuân để yêu thương, chờ đợi.

Thế nhưng, dì vẫn chọn lựa cuộc sống thăng trầm ấy!

Dì nói dì nhớ tôi nhưng không chịu ngủ lại với tôi đêm nào. Dì lo hai bố con nó ở nhà ăn uống tạm bợ. Dì lo bố lại lên cơn hen suyễn còn cái Lan thì lóng ngóng không rõ gói thuốc ở góc nào. Dì nói, dì lo cả đàn gà, vườn khoai không ai chăm sóc. Dì nói, nay mai còn có đám giỗ bà nội cần đến tay dì sắp đặt... Dì nói nhiều lắm nhưng không mảy may kể về căn bệnh trầm cảm của mình. Lúc tiễn dì ra bến xe, dì còn dặn dò vài câu, nói tôi nhớ về thăm chứ dì ở nhà buồn lắm. Nói nhìn thấy tôi khỏe mạnh là dì yên tâm rồi. Tôi gật gật, gương mặt không biểu lộ cảm xúc nhưng trong lòng lại dâng lên một cảm giác là lạ, như nghẹn ngào và u uất. Cho tới khi chiếc xe chở dì đã lăn tròn vào bóng tối mờ mịt và rời khỏi tầm mắt, tôi mới vỡ òa tức tưởi. Những giọt nước mắt muộn mằn dành cho người phụ nữ bao nhiêu năm ghét bỏ.  

Dì luôn coi tôi là con,... Vậy mà,... tôi vốn chỉ coi dì là dì ghẻ.