25
6
2331 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Mì Quảng Đông



Mì Quảng Đông

Nguyễn Vũ Thiên Anh

Ông rời đi trong một ngày xuân không báo trước. Bà đợi cơm trưa, cơm tối rồi cả hớt hãi tìm quanh hàng cháo, hàng nhậu thường lui tới. Nghe thoáng đâu từ bến cảng, trưa hôm có thanh niên nói giọng Quảng lên thẳng tàu về Quảng Đông. Bà tự tay sờ lên vòng eo căng phồng bụng mang dạ chữa, không nói không rằng, cứ vậy mà đi.

Tôi không biết giọng ba, cũng chưa từng thấy mặt ông trong bất kỳ tấm hình nào. Album gia đình bắt đầu có khi tôi ra đời ở đất cảng, trước đó thì không. Thứ duy nhất hiện hữu về ông mà tôi biết có lẽ là tiệm mì. Mì hoành thành đặc trưng của người Hoa xứ Quảng, ông và bà mở nó khi còn yêu nhau. Thời gian làm món mì ngày càng nổi danh nơi đất khách, mì là cơ ngơi nuôi sống gia đình, mì cũng là kỷ niệm tìm về dằn vặt mẹ mỗi tối. Nhớ hồi còn túng thiếu, mẹ hay cợt nhả đùa tiệm mì này nên giữ hay buông?

-----------------------------

Trưa, nắng dội từng tầng qua dãy ô kính bám đầy mỡ. Loại váng mỡ dày, vón cục bám lên từ khói tầng bếp có lau dọn mỗi ngày cũng không khử sạch hết mùi. Sinh ra làm con trong hàng ăn uống, chật vật mỗi sớm từ lúc gà gáy tinh mơ đến khi dọn xong hàng. Quần áo đi học, ngày nào cũng ám mùi nước mì đặc trưng.

Những ngày vai đeo cặp sách cuốc bộ chục cây cả đi lẫn về mười năm lớp, bạn bè hay đùa nghe thứ mùi cũng đủ biết ai đang lết vào sân. Tôi không trách tiệm mì bắt tôi dạy từ canh ba gọt rau trái rồi lại thức tới mười một giờ lau dọn váng mỡ quanh quầy. Cũng không biết có nên ghét cung đường dốc cháy khét từ nhà tới trường cứ hễ trời chạm đỉnh là đến lớp lại kèm theo đủ thứ mùi. Đất cảng bon chen mỗi nhà mỗi cảnh, có đứa đi đến lớp còn kèm theo mùi cá tanh.

Học ở trường, thi thoảng có những kỳ thiếu buổi, học sinh rủ nhau hái rong, hái bần kiếm chác khi cây trái vào mùa. Trường vùng ven, học lực không trội thầy cô cũng nhắm mắt, nhắm mũi không quản chuyện ngoài trường. Được nhất khi vào đông, mùa biển động rong mọc ở chân gềnh đá. Làm liều chọn rong đỏ xa bờ đánh hái một ngày có khi hơn cả tháng làm công.

Mẹ càm ràm những lần trường gọi đến, tiệm mì quần quật sớm hôm không đủ tiền cơm nước hay sao còn phải rủ nhau ra chỗ đá ghềnh. Chiều hôm về tới nhà ngày nào cũng bầm dập chi chít, hành xác cùng lũ bạn phải chăng sướng hơn phụ mẹ nấu mì. Hay là mày chán mặt mẹ, chán tiệm mì?

Đêm, gió Đông thổi vào từ biển, ê buốt chỗ hai mắt cá đập vào mảng đá buổi ban chiều. Nhìn lên bảng hiệu chữ hoa in nổi dán ngay giữa quán, tôi khẩy cười. Cả mẹ lẫn con không ai biết tiếng, vẫn ráng giữ cửa tiệm bán buôn, bám mãi vào một người đã từ bỏ. Sao nhiều người cứ nhất mực làm những chuyện gàn dở, dẹp tiệm đổi nghề khác, hái rong, bán bún miếng, thế là xong?

Chủ nhật, biển động những cơn sóng lớn, người hái rong bám nhau trườn mình qua phiến đá sát mép nước để cạo rong. Ai gan nhỏ cạo gần bờ, me triều xuống chọn các mỏm đá sâu cạo mứt rong ra khỏi đá. Ai gan lớn xa bờ, rong sạch nhiều nhưng cũng trơn và dễ va đập hơn. Xa bờ thường là người mới, gan gấu, gan hùm sóng đành vài lần là tự chọn gần bờ mà cạo những mỏm đá cao.

Bọn trong lớp gan không to, đem dao, đem liềm chọn đá cao gần biển nhưng lại chọn nơi ít người không canh được triều dâng triều rút. Trưa nắng mệt lả người, vào bờ chuột rút ở chân giãy giụa kêu gào giữa biển. Người làng chài thấy vậy nhốn nhào kéo nhau lôi vào bờ. Không gặp nguy hiểm nhưng được phép mất hồn. Rồi nghe đâu có ai báo lại với trường lớp, chính quyền sau này cử người ra canh, thấy học sinh bén mảng là đuổi thẳng ngay vào nhà. Việc kiếm chác cả lũ cứ thế vụt khỏi tầm tay.

Những ngày sau tay chân rã rời, đẩy xe hàng mà làm bát tô đổ vỡ, cảm như lúc chuột lúc chỉ mới vừa tức thì. Mẹ bảo không thích tiệm mì, không muốn phụ giúp thì cứ lên nhà lo chuyện sách vở, chuyện ăn uống từ nay mình bà lo. Canh ba nghe tiếng mì sôi nước, đêm về nghe bát rửa đẩy xe kéo cửa, duy chỉ mình tay mẹ. Cuộn chăn bông tầng hai đầu êm gối, mắt nhắm nhưng đầu thao thao tỉnh theo những nỗi lo thường ngày.

-------------------------------

Chập đầu 2020, đường phố nháo nhào vì loại dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc. Hàng ăn, hàng chợ cấm cửa bán buôn phải lén lút mà gọi điện giao nhận từng nhà. Tiệm người ta khó một thì tiệm mình lại khó chục, khó trăm lần. Dân ngoài kia cứ thấy quán chữ Trung, bán đồ Hoa là lại thi nhau đổ lỗi, lăng mạ đủ điều dù cho cái quán mì bé tẹo can gì được tới con vi rút đất Bắc xa xôi.

Nhiều năm khi đã đi qua được những ngày túng thiếu, cái cơ cực lại tìm về được theo cách chẳng ai hay. Như thể gánh nặng riết bám, có chạy, có trốn thì tìm được cách ngược trở về. Người mà mẹ từng thương và hết mực chờ đợi thời xuân trẻ, những lúc túng thiếu có bao giờ bắt máy bên phía bên kia đầu dây?

Bột tăng cao vì sập nhà máy đâu đó phía Mã Lai nước khác, xưởng mì cũng vào thế mà tăng giá nối đuôi nhau. Chỉ khổ cho tiệm ăn nhà mình nơi góc hẻm, chịu giá nguyên liệu nhưng không tăng bù vào từng bát. Thời đã khó, mì tăng giá bán cho ai. Sau cùng vẫn là đùm bọc nhau tự nuôi sống. Mì nhiều kỷ niệm đáng trách, nhưng cũng là hồi ức gắn cả gia đình. Chọn ra điều gì đó để kể, quanh qua vẫn lại vẫn là mì Quảng Đông.

Khó khăn leo thang khi lệnh giãn cách giăng kín từng con phố. Buôn bán phải lén lút mà giao bộ qua đường hẻm lấy vài các bạc lời. Biết rằng sai khi vẫn buôn bán, nhưng cơm áo bữa no bữa thiếu, biết nhờ ai. Chập hè, dịch chạm đỉnh. Nhiều người lên cơn điên kiếm chuyện vô cớ cho quên cái uất hận trong lòng. Cướp bóc cũng hoành hành hơn giữa đất cảng vốn chẳng mấy yên lành.

Có đợt được vài bao hàng cứu trợ gửi từ thành phố, về đến hẻm thì thấy cửa kính nhà bị ném đá vỡ thành mảng lớn, quay lại nhìn vài đứa choi choi chạy xe máy vừa đi vừa hú hét mờ dần về phía lộ xa. Bước nhanh vào nhà, mẹ đang dọn vụn kính vỡ. Không hư hao tài sản nhưng cũng trĩu nặng lòng. Thi thoảng vài người vẫn tìm đến trút giận vô cớ, tiệm mì không có lỗi nhưng vào đường cùng túng quẫn họ biết trách ai.

Đêm về trên đất cảng, nghe sóng vỗ từ phía đằng xa. Dịch không bùng phát, cuối tuần hẵn sẽ có một gia đình nào sộp tay đặt trước, chọn tiệm mì làm nơi quây quần kể nhau nghe bao vui buồn. Nhìn dãy nhà kế từ tầng hai qua khung cửa sổ, dựa đầu vịn tay vào lớp kính chẳng thấy rít mùi lớp mỡ ố vàng. Là tại rảnh tay lau dọn nên cửa kính sạch bóng hay khói mỡ chẳng còn đủ để kính ố vàng.

Đem cặp ghế đẩu đặt ban công ngắm nhìn hè phố. Ảm đạm như bao trùm khắp ngõ ngách cảng biển từng tấp nập kẻ tới người về. Và cũng lâu lắm rồi mới được ngắm biển, tiếng sóng vỗ vẫn đập phía xa. Mẹ bảo ngày gặp ông biển động sóng vỗ. Ông “mua” mẹ theo cách bọn lái buôn môi giới người giới thiệu các cô gái nghèo ở vùng ven biên giới phía Bắc và trả cho nhà gái ít tiền.

Sống Quảng Đông thì chịu tai tiếng chẳng dễ gì cho mẹ, vùng núi phía Bắc lại chứa quá nhiều ấm ức chẳng muốn về. Vậy là chọn đất cảng, mảnh đất lạ hoắc lạ huơ mà sống cho còn ra hồn người. Rồi thì nhà nội vẫn tìm được đường mà mò tới đất Nam sóng vỗ, họ muốn xem “món hàng” mà gia đình đã bỏ ra xem lời lãi thế nào. Vậy là ông bỏ mẹ, bỏ luôn cái tin buôn người mà nhà nội vẫn thường kiếm chuyện mỗi cuối ngày.

Mẹ ở đây, thoát khỏi những trận đòn thỏa mạ từ gia đình vùng núi phía Bắc, có chút vốn mở tiệm mì theo công thức Quảng Đông gia truyền. Nhưng mẹ cũng ở đó, phụ nữ đơn thân, không gia đình, không chồng, tự tay nuôi một con. Chuyện người lớn, ai làm đúng còn ai làm sai?

---------------------------

  Sớm hôm giao mì đạp xe qua Gành Đá nơi cả lũ thường hay cạo rong biển, sóng không to, thủy triều cạn, ven bờ vẫn đâu đó vài đứa học sinh chọn các khối đá cao mà cạo rong mứt. Dịch dã chồng lên đất cảng cả khối việc, dân quân đâu rảnh mà ngày nào cũng tới lui canh học sinh ra vào Gành Đá. Đói kém dễ khiến người ta làm liều vì lẽ mưu sinh. Vài người quen gọi vào hái rong đỏ, một ký rong đổi vài trăm ngàn. 

Rồi thì mắt nhắm mắt mở, gan liều mà chọn rong đỏ gần các phiến đá trơn vơ vét cho kịp đợt rong cuối cùng. Ăn may có khi được cả bạc triệu một sáng nếu thuận buồm xuôi gió. Nào đâu biển thì sâu còn người lại không quên được lần đuối nước trước, vừa trượt khỏi vách rong đỏ đã ngạt nước, giãy dụa làm dân quanh đó nháo nhào cấp cứu đưa về tận nhà.

Ngã đau làm chân phải băng bó, không đạp xe giao nhận, cũng không phụ giúp được việc nhà. Áo cơm cứ ngày một khó thêm những căng thẳng tích thêm chồng chất. Không tham vài bạc cắc lẻ tiệm mì đã chẳng phải dẹp đổi thành quán nhậu bia tươi. Đổi nghề đổi nghiệp cũng giúp gia đình vượt qua được ngày khốn khó. Phong tỏa có nghiêm ngặt cũng tìm được vài mối nhậu mua về tự ăn chơi.

Có tiền, có bạc nhưng bình yên có bao giờ về lại nơi tiệm mì hẻm nhỏ. Gần biển nhưng hẻm lúc nào cũng vang vảng tiếng ồn. Lâu lắm rồi không còn được nghe sóng đánh, đâu lắm rồi tự quên mất mình sinh ra nơi cảng biển cứ tối tối là phải tìm được tiếng rì rào. Và rồi những rắc rối quán nhậu vẫn liên tục tìm tới theo cái cách con người ta không kịp chuẩn bị đón. Cho tới một ngày trong hơi men, mẹ cười hỏi. Tiệm mì đóng cửa như ý con rồi đó, vui không?

-------------------------------------------

Biển trong, sóng đánh rì rào. Quán nhậu ngừng bán sau rất nhiều cảnh báo tụ tập lệnh phong tỏa. Vốn gia đình cũng đủ tích góp để sống qua những ngày giông dài. Tiệm dẹp, gỡ bảng, thanh lý bàn ghế nhưng chữ nổi giữa quán vẫn là chữ hoa. Có nhiều thứ chưa bao giờ tháo gỡ ngay từ khi bắt đầu.

Đất cảng lặng im sau chuỗi ngày dài nổi sóng, rất lâu sau khoảng thời gian cả nhà chỉ mãi đứng đó và không hiểu vì sao mình vẫn chờ đợi, đêm về đã có thể nghe được tiếng sóng vỗ rì rào. Mẹ bảo ngày ông rời khỏi, bà đã nhìn về phía biển thật lâu, nơi ông nói yêu bà và muốn cùng nhau mãi mãi. Nhưng không hề quay về.

Người lớn có những cố chấp khó hiểu. Nhưng kỷ niệm thì lại gắn bó quá nhiều. Món mì đôi khi không còn là chuyện tình yêu của hai người nữa, nó là sợi dây liên kết cả gia đình. Bữa đói bữa no hay thậm chí tan vỡ vẫn xoay quanh bát mì nóng, mất nó giống như mất đi một phần của cuộc đời.

Những khi sóng yên trời lạnh tanh không đáp, tôi tự hỏi ở phương trời xa xôi nào đó ba tôi sống ra sao, có đang nghĩ về mẹ con tôi như cách bà vẫn mong nhớ về. Và nếu liệu tôi là người đàn ông ấy, tôi chọn cách bảo ban bất chấp cái danh mua vợ hay quay đầu như ông ấy để họ tự có cuộc đời riêng mình? Chẳng biết…

Đêm, nhìn lên chữ hoa in nổi chính diện quán, bụng sôi sục một hương vị đã lâu lắm rồi chưa được nếm qua. Mì mang theo nhiều hồi ức, nhưng cũng chính lại gắn kết bao điều. Tiệm mì cứ giữ và mẹ vẫn mãi nhìn về phía Bắc xa xôi.

Mai mẹ mở quán mì lại, mì của vùng Quảng Đông.