Ngóng mẹ
Truyện ngắn: NGÓNG MẸ
Ngày mẹ Na đi lấy chồng, đó là một ngày mùa hè nắng chiếu tia nắng vàng chói chang và bỏng rát. Mẹ đi lấy chồng xa nên không mang theo Na đi được. Na phải ở nhà với ông ngoại và cậu mợ. Na nhớ mẹ, Na khóc rất nhiều:
“Mẹ! mẹ ở lại với con, mẹ đừng đi lấy chồng nữa, mẹ bảo mẹ thương con, mẹ thương con như thế à?”
Tiếng Na khóc nghẹn đứt quãng từng hồi, cả buổi tiệc cưới như nhòa đi trước mắt Na. Các dì bế Na lên an ủi. Mẹ Na giấu giọt nước mắt rồi theo người chồng đi khuất xa đầu ngõ. Chỉ có đám cúc tần mọc hoang dại bên bờ rào. Lá cúc tần vẫn xanh, cúc tần chỉ vẫy vẫy theo gió nhưng không rời đi đâu, chỉ có mẹ Na đi mất rồi.
Từ hôm mẹ Na đi lấy chồng Na buồn hẳn. Na nhớ hơi ấm của mẹ vẫn thoang thoảng đâu đây. Bộ quần áo hoa mẹ mua cho Na vẫn còn nguyên nếp gấp. Na không dám mặc vì Na muốn giữ những khoảnh khắc mẹ gấp áo cho Na được đóng băng nguyên đó. Một cơn mưa mùa hè vần vũ những đám mây đen kéo đến xuất hiện trên bầu trời. Tiếng sấm trên không như xé toạc không gian. Những tia chớp hình cành cây sáng loáng vào mắt Na rồi tắt lịm. Mưa! Trời bắt đầu mưa xối xả những giọt rơi, đầu tiên là tiếng lộp bộp rồi giăng mành mưa xối xả.
“À ơi! Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai? À ơi!”
Tiếng mợ Mai ru em nhịp nhàng bên cánh võng. Thằng em no sữa chóp chép cái miệng nghe lời ru rồi thiu thiu ngủ. Chỉ có Na nghe tiếng ru rồi nước mắt lã chã rơi. Na nhớ mẹ lắm! Sao mợ Mai không hiểu tâm trạng Na mà nỡ ru em những lời ru như xoáy sâu vào nỗi buồn của Na đến se sắt. Na mới tròn mười tuổi, Na quá nhỏ để chịu đựng nỗi nhớ to tát như thế.
Những giọt mưa nổi bong bóng xoay vòng vòng trôi về phía cống và tan biến mất. Na ngồi bên cửa giấu mợ Mai, Na lau vội dòng nước mắt. Tay Na quệt ngang má, đôi dòng nước mắt khác lại rơi xuống như thách thức với nỗi buồn. Na đưa tay hứng giọt nước mưa táp vào mặt, Na nấc lên từng tiếng. Thật may những tiếng sấm bập bùng trên bầu trời hòa cùng dòng mưa ồn ã, chẳng ai nhận ra Na đang khóc cả. Na ngước nhìn lên ngọn cây xoài trước sân đang rũ rượi cành lá, chiều mùa hè không có nắng nên mưa kéo mành khiến mặt trời đi ngủ sớm. Buổi tối đến thật nhanh, Na đi ngủ với ông ngoại với đôi mắt sưng húp. Cũng may, vì Na khóc nhiều quá nên hai mí mắt cứ díp lại như buồn ngủ, giấc ngủ cũng đến thật nhanh khi Na chỉ còn nghe lõm bõm tiếng cậu Lưu nói với ông ngoại:
“Bố ơi! Mưa thế này soi được nhiều ếch lắm!”
Những ngày đầu xa mẹ ở nhà ông ngoại, Na thường ra ngõ ngóng mẹ về. Xa xa phía con đường vắng, từng dòng xe đi qua nhưng không thấy bóng dáng mẹ đâu. Ngôi làng nhà ông ngoại ở nằm nép mình bên quốc lộ Mười Tám nên Na biết mẹ sẽ về từ con đường ấy. Đợi cho tới khi ánh nắng lấp loáng trên ngọn cây bạch đàn, nắng xiên vào má Na nóng hổi. Na thấy những cô gái trẻ gánh những đụn cỏ rất to từ trên đồng đi về, những giọt mồ hôi lấm tấm lăn trên má họ. Đôi quang gánh kĩu kịt nhịp nhàng những đụn cỏ xanh non.
Nhìn cảnh làng quê, tự nhiên Na nhớ về khu tập thể trên thị trấn, nơi Na được sống cùng mẹ những ngày tháng trước. Thời gian sống ở khu tập thể cạnh xưởng mộc là thời gian hạnh phúc nhất của Na khi Na được ở bên mẹ. Những buổi mùa hè nắng vàng như thế này, Na đội nón cùng em Phương, em Lan hàng xóm đi bắt chuồn chuồn ở bãi cỏ. Những con chuồn chuồn kim nhỏ xíu nhưng rất nhạy cảm với hai ngón tay của Na. Thoáng động vào cái đuôi nó đã bay đi mất tiêu rồi. Bắt mãi chẳng được con nào, mặt Na đỏ tía tai chạy vào bắt đền mẹ. Mẹ lấy nón quạt cho Na khỏi nóng, Na ngắm những khóm hoa huỳnh anh màu vàng như nắng. Từng nhánh huỳnh anh bám vào bức tường rêu xanh ở xưởng mộc. Mùa hè cũng là mùa huỳnh anh đơm bông, những bông hoa hình chiếc phễu tung bay theo chiều gió rồi rụng xuống. Na nhặt hoa lên, Na yêu màu vàng từ ấy, yêu cả quanh cảnh tuyệt đẹp nơi xưởng mộc ở đây. Công việc của mẹ Na là cấp dưỡng cho các chú thợ mộc. Na ngỡ hạnh phúc sẽ mãi như mùa hè ấy, như ngày mẹ Na vẫn ở bên Na chẳng bao giờ rời xa.
Một buổi tối, khi Na đang tỉ mẩn tết tóc cho con búp bê bằng nhựa. Một người đàn ông đến chơi với mẹ Na. Chú ấy là bộ đội có đơn vị đóng quân ở thị trấn này. Na nhận thấy ánh mắt chú nhìn mẹ Na thật trìu mến yêu thương. Khác xa với những ánh mắt bình thường của các chú thợ mộc hay trò chuyện với mẹ Na. Chú ấy đến căn phòng này nhiều hơn, vào những dịp cuối tuần. Những ngày vắng chú ấy, mẹ Na thường buồn buồn, mẹ Na chống cằm nhìn lãng đãng ra cửa sổ. Mẹ Na viết thư cho chú ấy, mẹ quên mất việc thường kể chuyện cổ tích cho Na nghe mỗi đêm. Chỉ có khóm hoa nhài cạnh cửa số vẫn tỏa hương thơm ngát mùa hè.
Ông ngoại bảo mẹ Na con trẻ lắm, mẹ còn có cuộc sống riêng, Na đừng cản mẹ đi lấy chồng nữa. Khi nào rảnh mẹ về thăm Na, mẹ sắp xếp công việc ổn thỏa rồi sẽ đón Na đi theo. Na mênh mang giữa nội tâm giằng xé, Na muốn nghe lời ông ngoại nói, nhưng lại ích kỷ muốn mẹ chỉ ở bên Na. Thành ra Na trở nên ít nói và lầm lì, nhưng trong tâm trí Na lúc nào cũng ồn ã giữa hai chiều mất được đầy mâu thuẫn.
“Na ơi! Về trông em cho mợ lên đồng làm cỏ!”
Tiếng mợ Mai gọi giật giọng từ phía đằng xa con đường. Na thôi không ngóng mẹ về phía đường cái lớn nữa. Na bế thằng em được tám tháng tuổi giúp mợ Mai. Người Na thì nhỏ, thằng em thì mập, Na cắp thằng em hết ngõ này đến ngõ khác vẹo cả sườn. Có khi Na thấy nặng quá, đặt thằng em dưới đất, nó bò lê la lấm bẩn. Na nhập hội chơi chuyền với các bạn cùng lứa. Một quả bưởi non nhỏ bằng quả trứng gà và mười que chắt được vót từ thân cây tre rải ra đất. Các bạn tung quả bưởi lên cao, túm nhanh một que chắt khi ở bàn Mốt rồi đón lấy quả bưởi. Na học cách chơi chuyền nhanh chóng và chơi rất giỏi. Trò chơi cuốn thời gian trôi rất nhanh cùng đám bạn. Tiếng thằng em khóc ré lên khi nó cho nắm cát vào miệng. Na bỏ giở bàn chắt đang chơi, Na bế em về, Na khóc, em khóc.
“Sao mày trông em không để ý gì cả thế! Ngày mai đi chăn trâu nhé, không cho bế em nữa!”
Mợ Mai tức giận quát Na những câu khó nghe. Na tủi thân nép vào ông ngoại, ông xoa đầu Na nhắc nhở. Buổi chiều mùa hè gió mát lắc lư trên ngọn tre, nỗi nhớ mẹ lại trở về xâm chiếm trong lòng Na đến thổn thức.
Na ngủ cùng ông ngoại, những đêm mùa hè gió mát, Na nhìn ra ô cửa sổ khép hờ. Một ánh trăng rằm tròn vạnh treo trên bầu trời trong xanh. Ông ngoại kể cho Na nghe câu chuyện về ông Thần Nông có mũ cánh chuồn ngồi duỗi chân trên trời. Chòm sao Thần Nông sáng lấp lánh, dòng sông Ngân Hà như làn khói bảng lảng bay giữa bầu trời đêm tuyệt đẹp. Na nghe chuyện ông kể hay quá rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Mùa hè chẳng còn nóng bức bởi chiếc quạt nan ông phẩy đều đều ru Na vào giấc mơ. Giấc mơ Na được gặp mẹ đi về, mẹ cho Na biết bao nhiêu là kẹo. Mẹ bế Na lên, hai mẹ con lại trở về xưởng mộc sống như ngày xưa. Na đưa tay bấu cái nốt ruồi thịt màu hồng của ông ngoại, miệng Na mỉm cười khi giấc mơ chưa kịp tan.
Mợ Mai không cho Na bế em nữa. Na phải dắt trâu lên đồng Mua để chăn. Thực ra được đi chăn trâu mỗi buổi chiều hè lại là khoảng thời gian hạnh phúc của Na khi cả dám bạn quê có đủ các trò để làm Na vui hơn. Chỉ cần thả trâu, bò trên bãi cỏ rộng, nơi những khóm lạc đã được các bác nông dân thu hoạch rồi, nơi ấy cỏ mọc xanh tốt và thơm ngát mùi đồng nội. Cả đàn trâu bò đủ lớn bé tha hồ gặm cỏ, còn đám trẻ lại bầy trò chơi cùng nhau trên cánh đồng. Trên bờ mương, những chiếc sáo diều vi vu no gió, cái Thu được bố nó làm diều từ tập báo cũ, chiếc diều hình con chim có cái đuôi dài lướt thướt uốn lượn bay lên cao cùng gió. Bọn chúng reo hò khi chiếc diều của Thu bay lên cao nhất.
“Diều của tao bay cao hơn. Không phải! Của tao mới cao hơn...”
Tiếng lũ trẻ nhốn nháo cả cánh đồng mùa hè đầy nắng xiên qua cánh đồng lúa xanh bát ngát đang trồ đòng đòng. Bọn trẻ chán chơi thả diều, chúng buộc sợi dây vào hòn đá to để mặc cách diều nó gió vi vu trên bầu trời. Bọn trẻ rủ nhau đi hái những quả muống già để ăn. Na lấy vạt áo làm túi đựng quả muống, cả một bọc muống đầy vạt áo, Na đưa lên miệng ăn. Một vị ngầy ngậy, ngai ngái nhưng cũng khá ngon lành với cái bụng đói meo của Na.
Trời về chiều, cũng là lúc những chú trâu, bò no nóc cỏ. Ánh nắng mùa hè thả những tia vàng vọt xiên qua đám mây, tia nắng từ vầng mặt trời chiếu thẳng lên cao rồi xòe ra như chiếc quạt giấy tuyệt đẹp. Na nhìn về phía mặt trời, Na tự rủ rỉ với lòng mình: “Không biết giờ này mẹ đang làm gì, mẹ có nhớ Na không, mẹ có nhìn lên mặt trời như Na lúc này không? Trên trái đất chỉ có duy nhất một mặt trời thôi mà!”. Nghĩ rồi Na lại tự mỉm cười cùng đám bạn dắt trâu ra về. Bỏ lại phía sau cánh đồng lúa trải thảm xanh hun hút gió, bỏ lại những vết chân trâu hằn in lên con đường đất mịn màng.
Buổi tối, sau khi cả nhà ăn cơm xong, mợ Mai ru thằng em ngủ trên võng, cậu Lưu tranh thủ đi soi ếch trên đồng. Cậu cầm chiếc giỏ đeo bên hông, cậu đeo cái đèn pin lên trán, cậu đi khuất ngõ, ánh đèn pin chen ánh trăng xiên toạc bóng tối đêm hè. Cơn gió mát từ đâu thổi đến làm mái tóc tơ của Na bay đầy vào mắt. Na vén tóc, ông ngoại lấy chiếc chõng tre đã cũ mang ra sân ngồi. Ông cầm chiếc quạt nan phe phẩy, nhìn lên bầu trời đầy sao, ông ngoại kể cho Na nghe câu chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ. Chàng Ngưu chăn trâu ngoài đồng lấy cắp được đôi cánh của nàng tiên Chức Nữ. Hai người sống đời vợ chồng cho đến khi Chức Nữ tìm thấy đôi cánh của mình giấu trong thúng thóc. Nàng bay về trời. Ngọc Hoàng thương tình vợ chồng xa cách. Mỗi năm một lần, đàn quạ xòe cánh bắc cầu Ô Thước cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau. Năm nào tháng Bảy cũng mưa tầm mưa tã, như câu chuyện tình yêu cảm động của hai người. Na nghe ông kể chuyện, Na thương chàng Ngưu, Na thương Chức Nữ. Na cũng muốn được đàn quạ bắc cầu Ô Thước cho Na được gặp mẹ Na. Vì Na nhớ mẹ lắm, từ ngày mẹ đi lấy chồng đã hơn một tháng rồi chưa thấy mẹ về thăm Na.
Những ngày cuối hạ trời vẫn đổ tia nắng oi nồng. Nước da Na đen nhẻm đen nhuốc khi trưa nào Na cũng trốn ngủ đi chơi cùng đám bạn quanh xóm. Na đi bắt chuồn chuồn ngoài bờ rào, dậu thưa. Những con chuồn chuồn ngô có mấy chấm vàng như chiếc áo hoa trông thật đẹp mắt, chuồn chuồn ớt đỏ rực màu lửa. Nhưng chuồn chuồn ớt rất nhanh và khó bắt, ớt hay đậu ở giữa bờ ao, nên nó cứ ở đó khoe cái màu đỏ rực rỡ mà Na chẳng thể nào bắt được. Na nhét những chú chuồn chuồn bắt được vào chai thủy tinh, cả đám bạn rủ ra ao đình tập bơi. Na cùng mấy đứa lấy con chuồn chuồn ra cho nó cắn rốn. Ông ngoại bảo muốn biết bơi phải cho chuồn chuồn cắn rốn thật đau. Na chịu cái đau thấu trời rồi tung con chuồn chuồn lên cao. Nó xè xè đôi cánh yếu ớt rồi bay liệng đi mất. Ngày hôm ấy Na biết bơi thật. Na cứ thả mình bên dòng nước mát rồi cơ thể Na tự nổi lên, Na quơ tay như mái chèo rồi đạp chân nhè nhẹ, thế là Na đã biết bơi rồi. Na nghĩ về vết đau nơi phía rốn, hóa ra chuồn chuồn cắn rốn biết bơi là có thật, Na chạy thật nhanh về nhà khoe với ông ngoại và kịp thả trâu lên đồng.
Buổi chiều chăn trâu, Na lại mải chơi cùng đám bạn. Chúng nó bắt nhưng con dế rồi buộc chân nó vào một sợi dây. Thay vì đi chăn trâu bọn trẻ lại đi chăn dế. Những con dế trũi cứ rúc rúc hai cái càng bé xíu để tìm đường thoát thân. Nhưng dế chạy đi đâu được ngoài bàn tay tinh nghịch của lũ trẻ. Mải chơi quá, Na quên mất để ý trâu ngoài bãi cỏ, con trâu của Na chạy ra cánh đồng lúa ăn mất một góc lúa nhà bác Toàn. Chú vệ nông đang giữ con trâu lại cho về sân kho hợp tác giải quyết. Na sợ quá, chạy thật nhanh về báo với mợ Mai, Na vừa chạy vừa lo sợ về lỗi lầm của mình:
“Bốp! Bốp”
Mợ Mai kịp cho Na hai cái tát giáng trời còn hằn in năm ngón tay của mợ lên má.
“Tao đã dặn mày đi chăn trâu phải chú ý không được ham chơi cơ mà! Mẹ mày đi lấy chồng nên tao phải khổ lây vì mày. Mày bảo mẹ mày về mang thóc ra hợp tác xã mà chuộc trâu cho tao.”
Trong cơn tức giận, mợ Mai mắng Na té tát, Na đứng im một chỗ cho mợ Mai mắng. Mười ngón chân trần vẫn lấm lem bùn đất của Na bấm chặt xuống đất. Na khóc, Na sợ, nhưng Na chẳng biết làm gì. Chằng có ai ở nhà ngoài mợ Mai lúc này. Những lúc như thế Na chỉ muốn có mẹ ở đây để ôm mẹ vào lòng rồi khóc cho thỏa nỗi buồn. “Mẹ ơi! Mẹ ở đâu, sao mẹ không về với con.” Na khóc thầm trong lòng, những câu từ như thế cứ vang vang trong tâm trí Na.
Mợ Mai bắt Na bế thằng em để mợ ra sân kho giải quyết việc bảo vệ giữ trâu. Na lại bế em lang thang ra đầu đường cái ngóng mẹ Na về. Chẳng có bóng dáng nào quen thuộc giống mẹ Na cả. Bầu trời hun hút gió, một cơn giông kéo mây đen che khuất những tia nắng vàng. Mùa hè này với Na trôi đi thật chậm chạp.
Hôm sau mợ Mai lên chợ Phủ từ sớm. Cũng lâu lắm rồi Na không được ai đó mua cho một thứ quà nào để ăn. Ngoài ba bữa cơm canh cùng gia đình ông ngoại, Na chẳng có gì bỏ vào bụng. Những trái muống ở đồng ăn vào chỉ thấy thêm cồn cào ruột gan. Cả những trái ổi xanh, khế chua nhà cái Thu nữa, càng ăn càng thấy đói. Thành ra Na mong mợ Mai đi chợ hôm nay sẽ mua cho Na một cái bánh, tấm mía hay quả thị làm quà. Được như thế chắc Na sẽ hạnh phúc lắm!
Đang mơ màng thì mợ Mai đạp xe về tới đầu ngõ. Na bế em lập cập chạy ra ngõ đón mợ. Đỗ xe xuống, mợ Mai đón lấy em, mợ lấy trong chiếc làn nhựa một chiếc bánh rán đưa cho thằng em trai.
“Na ơi! Mợ định mua hai chiếc bánh rán, nhưng bà bán bánh trên mâm chỉ còn mỗi một cái. Thôi Na nhường em nhé!”
Thằng em cầm chặt chiếc bánh rồi cho vào mồm liếm láp. Đến lúc này Na thấy mọi nỗi tủi hờn trào dâng lên không sao kìm nén được. Na chạy thật nhanh ra đầu ngõ, vừa đi Na vừa khóc, nước mắt Na lã chã tuôn rơi. Những cô hàng xóm hỏi tại sao Na khóc, Na không thể trả lời, Na cứ hướng ra phía đường cái lớn ngóng mẹ.
Từ phía đằng xa, một chiếc ô tô khách đi chầm chậm rồi đỗ bên lề đường. Một người phụ nữ mặc áo tím đi xuống. Người phụ nữ có mái tóc dài, dáng người tầm thước. Đúng là mẹ Na rồi.
“Mẹeeee!”
Na hét thật to, hay chân Na chạy quắn ra ôm lấy mẹ.
“Sao hôm nay mẹ mới về với con? Con đợi mẹ suốt cả mùa hè, ngày nào con cũng ngóng mẹ”
“Na ơi! Con gầy và đen đi nhiều quá! Mẹ xin lỗi, mẹ thu xếp được công việc rồi. Mẹ về đón Na đây, mùa thu tới con sẽ được học ở trường mới.”
Mẹ đưa cho Na một túi kẹo Bon Bon to đùng. Mẹ lau những giọt nước mắt còn đọng lại trên má Na. Hai mẹ con dắt tay nhau đi về phía đường làng. Trời cuối hạ, một cơn gió mát thoảng qua làm tóc Na bay bay.