Nguyên
Nguyên
Tác giả: ICHTHYS
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày xám xịt, và tôi mong nó không kết thúc vào một ngày xám xịt khác.
Nguyên là một cô gái bình thường, học cùng lớp piano với tôi trong nhạc viện. Để mô tả cô ấy, ngoài một từ "trẻ" (có vẻ tích cực) ra thì hầu như chẳng còn gì. Nguyên không tham gia hoạt động với lớp và cũng chẳng ưa trò chuyện. Nghĩ thật khó hiểu, làm sao một tâm hồn được âm nhạc nuôi dưỡng lại trở nên u uẩn như thế nhỉ?
Tôi được biết cô ấy học piano từ khi còn bé xíu, nhưng phải thành thực rằng năng lực của Nguyên chẳng có gì nổi trội. Ngón tay cô ấy có vẻ yếu và thường bị run. Sau này, mãi sau này tôi mới phát hiện cô ấy hát rất hay. Không! Từ "hay" chưa đủ để mô tả chất giọng của Nguyên. Nó "kì lạ", phải rồi, kì lạ lắm! Lần đó Nguyên ngồi một mình trong phòng học, chống tay lên cằm, nhìn ra cửa sổ, và đột nhiên... hát.
Cái chất giọng trầm trầm kia khiến tôi hoàn toàn ngây ngẩn. Nó lơ đễnh, bất cần, vô định, miên man và huyền bí. Nó giống sợi khói màu tím bị vướng vào cành cây trụi lá. Tôi không hiểu vì sao mình liên tưởng đến hình ảnh kì cục này. Có lẽ đầu óc tôi khi đó giống cành cây trơ trụi. Còn giọng hát của Nguyên thì mơ màng như sợi khói chiều. Nhưng kết quả chỉ có một, chẳng cành cây nào giữ được sợi khói, nó tan biến đi rồi. Nguyên chỉ ngân lên hai câu ngắn ngủi rồi im bặt.
"Chuyến xe buýt in hình đồng hồ cát
Ở đây có một hành khách lạc đường."
Một đoạn ứng khẩu lạ lùng!
Tôi nhớ lại nụ cười nhàn nhạt của cô ấy mỗi khi chúng tôi rủ đi hát karaoke. Nguyên bảo, hát là thứ duy nhất cô ấy sợ. Có ai sợ khi mình hát hay ư? Thật kì lạ! Nhưng tôi hiểu đây là bí mật nho nhỏ của Nguyên, tôi là kẻ may mắn khám phá ra và có nhiệm vụ tôn trọng nó, dù chuyện này chẳng dễ dàng gì. Tôi thực sự muốn ngay lập tức chạy đi, gặp ai đó để nói rằng: "Này, con bé Nguyên, cái con bé trắng nhợt và câm như hến đó, đúng, chính nó, tôi chưa từng nghe thấy ai có giọng hát đặc biệt đến thế!" Tôi luôn tin mỗi con người là một cá thể duy nhất độc đáo, vì vậy việc phát hiện ra điểm đặc biệt nơi một người trông chẳng có gì đặc biệt như Nguyên làm tôi tâm đắc lắm. Hơn nữa, Nguyên còn không bao giờ khoe khoang, thậm chí muốn giấu nhẹm đi điểm nổi trội của mình. Điều đó làm cho cô ấy càng trở nên đặc biệt.
Tôi bỗng chốc biến thành người hâm mộ thầm lặng của Nguyên. Nhiều lúc rất muốn lại gần để hỏi cô ấy về "chuyến xe buýt đồng hồ cát", về "hành khách lạc đường". Phải chăng đây là tâm sự của chính Nguyên? Vậy tôi có giúp gì được không? Có phải cô ấy cần một người để tâm sự không? Tôi đây, tôi rất sẵn lòng!
Nhưng Nguyên trong mắt tôi thật giống bong bóng xà phòng, chạm tay vào liền vỡ tan. Cô ấy mỏng manh như chính vẻ bề ngoài, mỏng manh vì sự tồn tại quá đỗi thầm lặng. Cứ như chúng tôi không ở cùng một thế giới. Tôi ở bên này không cách nào với tới bên kia.
Tôi giữ trong lòng một bí mật mãi mãi không thể vạch trần. Mơ hồ, tôi sợ Nguyên biết rằng bí mật của mình đã bị người khác phát hiện. Có lẽ đây là một điều rất có ý nghĩa với cô ấy và tôi đành ngậm ngùi để mọi chuyện thuận theo tự nhiên. Lòng tôi nặng trĩu.
Cho đến một ngày, Nguyên không đi học nữa.
Rồi đến một ngày khác, Nguyên chết rồi.
Nguyên.
Tôi đã biết cô ấy có tâm sự, tôi biết rõ cô ấy không bình thường. Nguyên cô đơn. Thế mà tôi chỉ im lặng nhìn cô ấy tàn lụi đi rồi chết. Tôi không dám chạm vào thế giới của Nguyên. Có lẽ rất nhiều người cũng không dám chạm vào nó. Đến cuối cùng, chẳng một ai kịp giữ cô ấy lại.
Tôi rời khỏi nghĩa trang và bắt chuyến xe buýt về trung tâm thành phố. Tựa đầu vào cửa kính, tôi lặng im nghe tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa nhỏ cạnh bác tài xế và ngủ thiếp đi. Loa kêu rè rè một lúc rồi chuyển sang bài khác.
Chuyến xe buýt in hình đồng hồ cát
Ở đây có một hành khách lạc đường
Ai sẽ lật ngược đồng hồ cát
Dù tôi đã giấu nó đi rồi?
Tôi giật mình thức giấc vì tiếng trống trường. Hoa Phượng đỏ lác đác rơi trên cặp sách. Xung quanh, mấy đứa học sinh chạy ào ào vào lớp. Đứa thì nuốt vội miếng bánh mì, đứa thì vứt vội chai nước. Sau một hồi ngơ ngẩn thì tôi mới đặt câu hỏi: Tôi đến ngôi trường này làm gì?
Bỗng ai đó kéo lấy áo tôi, giục: “Kiên, nhanh lên! Cờ đỏ đi tuần rồi kìa!”
Là Phong, thằng bạn thân nhất của tôi năm cấp ba. Chiếc áo đồng phục nhăn nhúm của nó in hàng chữ xanh lam “Trường THPT Trưng Vương”. Không khí này, quang cảnh này thật đến nỗi tôi cứ ngỡ mình đã quay lại quá khứ. Chạy được một đoạn thì Phong la lên: “Cặp của mày đâu?”
Tôi đần ra: “Ừ, cặp của tao đâu?”
“Đi học mà quên cặp, tao chịu mày luôn.”
“Lúc nãy hình như tao thấy trên ghế, mày vào trước đi, tao quay lại đó đã.”
Chiếc cặp màu đen mà tôi mang suốt từ năm cấp hai đến bây giờ đã bạc phếch. Tôi vẫn còn nhớ rõ hình dáng của nó. Tôi chạy thật nhanh theo lối cũ, qua hàng phượng vĩ và cái hồ nhỏ. Cuối cùng cũng thấy chiếc cặp thân yêu nằm trên vai một cô gái.
Tôi quẹt mồ hôi trên trán, vừa thở vừa nói: “Xin lỗi, đó là cặp của mình.”
Cô gái quay đầu, mái tóc dài tuột khỏi vai.
Nhìn thấy gương mặt cô ấy, tôi thất thần.
Là Nguyên.
Không chỉ vậy, hai cổ tay Nguyên đều đang bị băng bó.
Tôi không biết Nguyên học cùng trường cấp ba với mình, cũng chưa từng biết cô ấy bị tai nạn. Có lẽ vì thế nên tay Nguyên mới yếu và thường thi hỏng. Cô ấy chỉ nhìn thoáng qua tôi rồi bỏ đi. Nguyên vẫn vậy, lãnh đạm và lặng lẽ. Đó chính là thứ khiến mọi người không thể lại gần, thậm chí còn chán ghét và loại trừ cô ấy. Nhưng lần này tôi sẽ không như vậy.
Sau khi biết cô ấy học lớp 11/8, tôi tìm đến tận giáo viên chủ nhiệm để hỏi tình trạng của Nguyên. Xem thử có phải tai nạn lần này là lí do khiến cô ấy suy sụp hay không.
“Ai bảo với em Nguyên bị tai nạn?”
Tôi thành thực: “Em nhìn thấy cổ tay bạn ấy bị thương nên đoán thế.”
Cô Linh chậm rãi nói: “Không phải tai nạn đâu Kiên. Bạn ấy bị một hội chứng thường gặp ở những người vận động khớp tay quá nhiều.”
Tôi nghe thật kĩ những gì cô nói. Trường hợp này thì chỉ có thể là...
“Piano?” Tôi bật thốt lên.
“Em... thân với Nguyên sao?”
Bởi vì theo cô biết thì Nguyên bị trầm cảm và chẳng giao thiệp với ai. Piano dường như là niềm vui duy nhất của cô ấy.
“Không ạ, chỉ là em tình cờ gặp Nguyên ở một lớp piano.”
Cô thở dài: “Nghe mẹ Nguyên bảo con bé chơi piano rất khá, cô còn định đăng kí cho nó tham gia biểu diễn trong dịp văn nghệ sắp tới, mong là Nguyên có cơ hội hòa nhập với mọi người nhiều hơn.”
“Chúng ta có thể thử cách khác mà cô!”, mắt tôi sáng lên: “Nguyên còn tài năng khác đấy ạ!”
“Gì cơ?”
“Bạn ấy hát cực hay.”
Cô Linh đặt tay lên vai tôi: “Giá mà em đến sớm hơn.”
“Cô nói sao ạ?”
“Nguyên chuyển trường rồi Kiên à.”
Cô ấy lúc nào cũng vuột mất khỏi tầm tay tôi như vậy đấy. Có điều tôi đã nói rồi, lần này tôi sẽ không từ bỏ.
Tôi xin được số điện thoại của Nguyên và quyết định gọi cho cô ấy. Tiếp cận kiểu này thật bất thường nhưng tôi chẳng nghĩ ra được cách nào khác cả. Tiếng “a lô” nhàn nhạt phát ra từ bên kia.
“Xin lỗi nếu mình làm phiền cậu, mình là Kiên, học lớp 11/1, mình xin số của cậu từ chỗ cô Linh.”
Nguyên im lặng một hồi rồi đáp “ừ” cụt lủn.
Vẻ lãnh đạm nơi giọng điệu của cô ấy khiến mọi điều tôi định nói kẹt lại nơi cuống họng. Tôi không còn biết phải tiếp tục cuộc hội thoại này thế nào, chỉ đành thành thực nói:
“Mình biết thế này hơi vô lí nhưng mà cậu có thể gặp mình một chút không?”
Quả là một đề nghị kì quặc. Nếu tôi không nói ra được nguyên nhân thì đời nào cô ấy chịu đến?
“Thực ra, mình...”
“Mình không muốn gặp cậu.” Nguyên cắt ngang lời tôi, câu trả lời thực sự giống một tảng đá nặng nề quăng vào lòng người khác.
Nếu tôi không biết trước kết cục của cô ấy thì hẳn đã tắt máy rồi. Nhưng tôi đã nói, tôi không thể từ bỏ.
“Mình chỉ muốn nói là mình từng nghe cậu hát, và cậu hát rất hay.”
Tôi thấy thời lượng của cuộc gọi tiếp tục nhảy số, Nguyên chưa tắt máy.
Tôi mừng thầm trong lòng và cố gắng nói sao cho tự nhiên nhất: “Mình muốn làm bạn với cậu”.
Bên ngoài nổi gió, lá khô rơi rụng. Tôi nhìn cánh cổng đóng kín mít, tự hỏi mình có nên bạo dạn thêm chút nữa không?
Trong căn phòng tối, cánh tay gầy gò cầm điện thoại từ từ hạ xuống và dừng lại ở lưng chừng vệt nắng chiều. Những hạt bụi mịn xoắn xuýt bay lượn trong cái ống sáng đó. Nguyên mặc một chiếc váy tay dài màu trắng có vẻ cũ kĩ.
Lần này điện thoại ngắt hẳn.
Nguyên cúi xuống, mái tóc rối che khuất một bên mặt, đôi vai gầy co lại. Trong vệt nắng thẳng tắp, bóng Nguyên như một cái cây xiêu vẹo, đôi lúc lại như một con thú nhỏ bị thương.
Cô ấy từ từ bước lại gần chiếc đàn piano trong góc phòng khách, đưa tay chạm vào phím đàn.
Trên tivi, một nghệ sĩ trẻ tuổi bắt đầu dạo những phím đầu tiên trong bản Vanishing (Tan biến).
Nguyên cũng lướt tay trên phím đàn, khóe mi rung rung, đuổi theo từng nốt nhạc trầm bổng. Họ như đang chơi trò đuổi bắt trong một miền đất xa xôi nào đó, một nơi không tồn tại thời gian, không có trọng lực. Máu tươi tràn ra, thấm qua lớp băng gạc như những cánh hồng quỷ dị màu đỏ ối.
Tôi ở bên ngoài và nghe rõ mồn một. Ban đầu tiếng đàn rất êm, nhưng càng về sau càng loạn, loạn đến nỗi tôi buộc phải vào bấm chuông cửa. Nhưng chẳng có ai ra mở cho tôi cả.
“Cậu là ai?” Một người phụ nữ vội vã xuống từ xe máy, nắm lấy bả vai tôi và quát.
“Cháu... là bạn của Nguyên.”
Người đó không nói gì nữa mà rút chìa khóa mở cửa, nhưng tay bà ấy run quá, chìa khóa hết bị trật bên này lại mắc kẹt bên kia. Tôi đề nghị giúp và cuối cùng cửa cũng mở được. Bà không kịp thay dép mà xộc thẳng vào nhà. Nhìn máu tươi loang lổ trên phím đàn, bà lảo đảo, rồi vội túm lấy tay Nguyên.
“Nguyên! Dừng lại cho mẹ! Dừng lại!”
Cô ấy vẫn cứ đập mạnh đôi tay xuống đàn, âm thanh phát ra đầy hỗn loạn, giận dữ, bất lực, đau xót. Dường như cô ấy chẳng nghe thấy gì, chẳng quan tâm gì nữa.
Bà đành phải kéo Nguyên ra bằng một lực khá mạnh. Nguyên mất thăng bằng và ngã xuống đất, có lẽ bây giờ mới thấy đau, cô ấy bật khóc nức nở, hai bàn tay đỏ những máu.
Từ đầu đến cuối cô ấy chẳng hề phát hiện ra tôi. Mẹ cô ấy kể lại, Nguyên bị viêm bọc gân ở cả hai cổ tay. Dù đã trải qua phẫu thuật nhưng ngón tay không còn linh hoạt như trước và không thể theo đuổi piano chuyên nghiệp nữa. Bà định đưa Nguyên ra Hà Nội sống với bố cho khuây khỏa (vì bà là giảng viên dạy piano), thủ đô cũng có nhiều cơ hội để con gái bà phát triển theo hướng khác.
Tôi thật muốn nói cho bà ấy biết rằng cuối cùng Nguyên vẫn không từ bỏ piano, thậm chí còn vì u uất mà tự sát. Cô ấy yêu piano thật nhiều nhưng cánh cổng này lại không mở ra cho cô ấy vào.
“Cháu có thể gặp cô ấy một lát được không ạ?” Tôi lấy hết can đảm mở lời.
Tôi không phải người giỏi an ủi người khác, những gì tôi có khi đến tìm Nguyên chỉ là mong muốn được làm bạn, lắng nghe cô ấy và thay đổi kết cục bi thảm kia. Tôi đã một lần nhìn cô ấy chết đi mà không kịp làm bất cứ điều gì. Bây giờ, dù chỉ là trong mơ thì tôi cũng phải làm gì đó.
“Ban nãy mình có gọi điện cho cậu. Mình là Kiên đây.”
Nguyên vẫn thẩn thờ nhìn ra khung cửa sổ và chẳng biểu lộ chút quan tâm nào. Nguyên không giống tôi, thích piano thì tập, tập rồi giỏi, ngày càng giỏi. Cô ấy thích, rồi tập, tập rồi bị thương và không thể chơi được nữa.
“Mình biết cậu vẫn sẽ thi vào nhạc viện.”
Đôi mi cô ấy khẽ rung, tay siết chặt, cúi đầu.
“Mình thấy ngưỡng mộ vì cậu thực sự rất kiên trì.”
“Cậu biết gì về mình chứ?”, Nguyên quay sang, lạnh nhạt nói: “Cậu chẳng biết gì về mình cả, vì sao lại đến tận đây?”
Tôi không lảng tránh: “Mình nói rồi, mình muốn làm bạn với cậu.”
“Mình không muốn làm bạn với ai hết.”
“Dù cậu không muốn thì chúng ta vẫn cùng tuổi, là bạn bè.”
Cô ấy quay mặt đi, không tranh cãi nữa. Tôi cũng không nói thêm gì mà đi ra phòng khách. Nếu lời nói không thể khiến cô ấy mở lòng thì hãy để âm nhạc thử xem sao. Hiện tại tôi đã là sinh viên tốt nghiệp nhạc viện, tôi biết cách nói chuyện bằng âm nhạc.
Tôi chơi bản không lời của bài hát Ngày mai sẽ khác (Lê Hiếu). Giọng tôi vốn không hay như Nguyên, nhưng lúc này đành mang ra dùng tạm vậy.
“Ngày mai sẽ khác
Sẽ lại thấy hàng cây rất xanh
Sẽ lại thấy ngọn gió rất trong lành
Khẽ lướt qua tim mình
Ngày mai sẽ khác
Sẽ lại thấy dòng người rất đông
Sẽ lại thấy trời xanh rất rộng
Nắng khẽ soi trên đầu
Và khi ánh hoàng hôn chợt tắt
Bóng đêm dần xuống nơi đây
Tôi sẽ không là tôi
Như ngày hôm nay.”
Nguyên chậm chạp bước ra ngoài và nhìn tôi chằm chằm. Tôi không biết cô ấy đang nghĩ gì, chỉ biết âm nhạc thực sự có thể tiếp cận trái tim cô ấy.
“Chỉ hôm nay thôi
Xin cho tôi được buồn chút thôi
Khi“lòng tôi chỉ thấy rối bời” (*)
Khi nỗi nhớ ngập tràn bóng đêm
Hay trong lòng tôi
Chỉ hôm nay thôi
Cho nước mắt này được cứ rơi
Cho con tim này cứ rã rời
Qua đêm nay rồi sẽ khác thôi.”
(*) Đổi lời cho hợp hoàn cảnh. Lời gốc: Khi một ai bỏ đi mất rồi.
Tôi từ từ kết thúc.
“Mình từng mong được đệm đàn cho cậu hát.”
Đó quả là mong ước của tôi từ sau khi nghe được giọng của Nguyên. Nhưng tôi chưa từng đủ can đảm để nói điều này với cô ấy.
Nguyên vẫn yên lặng nhìn tôi.
“Có thể không?” Tôi kiên trì.
“Vì sao muốn kết bạn với mình?”
Tôi bật cười: “Vì cậu rất đặc biệt đối với mình.”
“...”
Đôi lông mày Nguyên từ từ nhíu lại, biểu cảm như nuốt phải thứ gì khó trôi lắm.
Tôi đằng hắng vài tiếng để bớt gượng gạo: “Có một hôm mình vô tình nghe cậu hát, từ lúc đó... mình... bắt đầu muốn kết bạn với cậu. Nhưng mà chẳng có cơ hội nào cả.”
Nguyên cúi đầu.
Tôi nói tiếp: “Mình cũng muốn mời Nguyên hát mấy bài mình tự viết nữa.”
“Mình sắp ra Hà Nội rồi.”
“Cậu thực sự muốn đi sao?”
Nguyên lắc đầu: “Không muốn.”
Mẹ Nguyên âm thầm gạt nước mắt. Vì chứng kiến bố mẹ bất hòa dẫn tới ly hôn mà Nguyên trầm cảm một thời gian dài, xung quanh cô ấy không có bạn, chỉ có dương cầm. Nay không còn dương cầm nữa, bà thật không biết phải làm sao để Nguyên khuây khỏa. Có lẽ sự xuất hiện đúng lúc của tôi đã mang đến một tia hi vọng cho bà.
“Vậy chúng ta sẽ ở lại đây nhé con? Có Kiên làm bạn, con sẽ sớm ổn thôi.”
Có lẽ hai từ “bạn bè” đối với cô ấy xa lạ lắm. Nguyên chần chừ một lúc lâu rồi mới gật đầu.
Tôi mở cặp sách, lấy ra một vài bản ghi chép rời rạc và đưa cho Nguyên xem để nhờ cô ấy viết lời.
Dưới bóng cây tường vi, cô ấy khẽ xướng âm và lẩm nhẩm hát:
Chuyến xe buýt in hình đồng hồ cát
Ở đây có một hành khách lạc đường
Ai sẽ lật ngược đồng hồ cát
Dù tôi đã giấu nó đi rồi?
Đây là sáng tác đầu tiên của tôi vào năm mười bảy tuổi, hóa ra nó đã được Nguyên hoàn thiện theo cách này. Tôi mãi đắm chìm trong âm thanh dịu dàng ấy mà không biết đã ngủ thiếp đi từ lúc nào.
Khi tỉnh dậy tôi thấy trần nhà trắng toát, âm thanh từ máy đo điện tim vang lên từng nhịp đều đặn bên tai. Đầu óc tôi mơ hồ, loáng thoáng thấy bóng ai đó vội vàng chạy đi. Dường như tôi đã ngủ lâu lắm, và dường như... những chuyện vừa xảy ra cũng chỉ là một giấc mơ dài. Một giọt nước mắt ươn ướt luồn vào tóc. Hóa ra chỉ là mơ. Một giấc mơ mà thâm tâm tôi tự tạo ra để tự an ủi chính mình. Tôi đã không thể làm gì cho Nguyên, mãi mãi là vậy.
Xin lỗi... Nguyên.
Bác nằm bên cạnh bảo rằng tôi đã hôn mê suốt ba năm sau khi xảy ra tai nạn xe.
“Tội nghiệp, nếu không có bạn gái cháu ở đây giúp đỡ thì chắc mẹ cháu cũng suy sụp rồi.”
“Bạn gái... cháu?”
“Ừ, cô bé ấy bảo thế mà.”
Tôi khó nhọc nâng mi mắt, nhìn mẹ cùng với một cô bác sĩ mặc áo blouse trắng bước nhanh vào phòng.
“Kiên!” Cô ấy cười rạng rỡ gọi tên tôi.
Đừng ai bảo là tôi đang mơ nữa. Cô ấy vẫn sống. Nguyên của tôi.
Hôm nay trời cũng xám xịt, nhưng lại như có nắng trong tim.
Tôi biết chuyện trở về quá khứ chỉ là ảo tưởng đối với nhiều người, nên tôi đề nghị bạn thử nghĩ theo cách khác xem sao. Nếu không thể thay đổi những gì đã qua, thì hãy thay đổi chính mình của hiện tại, để khi hiện tại trở thành quá khứ, nó không còn là một quá khứ đáng tiếc nữa. Dù bất cứ chuyện gì xảy ra, bạn và tôi có thể nhắm mắt lại, thở phào: “Tôi đã làm hết sức có thể rồi, nếu có được tái sinh, tôi vẫn sẽ làm như vậy.”