Những chiếc áo len
Mẹ ngồi bên khung cửa sổ cặm cụi đan áo len. Nắng tràn vào căn phòng nhỏ, phủ lên đôi má mẹ lấm tấm những đốm đồi mồi và dăm nếp nhăn nơi khoé mắt. Đôi tay gầy guộc thoăn thoắt trên những que đan. Từng hàng, từng hàng len nối đuôi nhau hiện ra như phép nhiệm màu.
Tôi nằm bò trên giường, tay chống cằm ngắm mẹ tựa như ngắm một cô tiên. Chỉ có cô tiên mới làm ra được những điều kì diệu bằng tận hai chiếc đũa phép như thế.
Cuộn len tròn tròn xoay xoay trong rổ nhựa, tôi khẽ chạm tay nhè nhẹ rồi buông ra, cảm nhận cái thứ len ram ráp cọ vào da thịt. Mẹ cười trêu tôi tinh nghịch như một chú mèo con. Tôi híp hai mí cong cong như vành trăng non, cái mũi chun hênh hếch hơi hồng hồng, rồi tôi lại tiếp tục cúi đầu chơi đùa với những sợi len.
Tôi nhìn những mẩu len vụn loăn quăn như những sợi mì, giả bộ đặt chúng vào bát nhỏ và rủ mẹ cùng ăn. Cũng cầm đũa gắp và miệng sì sụp khen ngon y như thật. Sở dĩ sợi len quăn như thế là bởi vì chúng được gỡ ra từ chiếc áo len của mẹ. Đó là quà bố mua tặng mẹ nhiều năm trước, mẹ giữ gìn cẩn thận lắm, không nỡ mang ra dùng. Vậy mà giờ đây mẹ lại gỡ len ra đan áo cho tôi, mẹ bảo mẹ có nhiều áo rồi, nên cái này không mặc đến. Tôi thích chí cười khì, tin lời mẹ nói là thật.
Ơ nhưng mà... chiếc áo mẹ đan có phải dành cho tôi không? Sao tôi cứ thấy nó rộng thế nào ấy?
- Mẹ đan áo cho chị Quyên ạ? - Nhìn những bông hoa đã thành hình trên áo, tôi hỏi mà trong lòng cảm thấy tủi thân.
Mẹ quay sang nhìn tôi, tay vẫn đan thoăn thoắt.
- Không, mẹ đan cho con đấy. Năm ngoái chị Quyên có áo rồi.
Đôi mắt tôi sáng lên một chút, nhưng trong lòng vẫn đầy hoài nghi.
- Vậy sao... nó to thế hả mẹ? Hay là mẹ nhầm kích cỡ của con rồi?
- Không đâu. Các con lớn mau quá, mẹ đan rộng một chút để có thể mặc được lâu hơn.
Đến lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Rộng một chút cũng được chẳng sao, miễn là tôi có áo mới.
Đây không phải chiếc áo len đầu tiên tôi có, nhưng lại là chiếc áo đầu tiên tôi ngắm nghía mẹ đan từng mũi len. Tôi thích bông hoa ở đây, thích chiếc lá ở kia, lại thêm vài trái tim nhỏ, mẹ đều chiều tôi vô điều kiện. Cho đến khi hoàn thành, tôi nâng niu chiếc áo mẹ đan như vật báu, lúc mặc cũng khẽ khàng cẩn thận hơn, không bao giờ dám làm nó rách.
* * *
Đó là tôi khi còn là học sinh cấp Một. Lên cấp Hai, mọi thứ đã không còn như trước nữa.
Lại một mùa đông chợt tới. Gió lạnh ùa vào rét buốt từng cơn. Tôi lôi chiếc áo len mình yêu quý bấy lâu ra mặc. Bây giờ nó đã hơi chật, mẹ cũng đan cho tôi thêm chiếc áo mới. Nhưng đối với tôi, tình cảm dành cho nó vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Lớp học sáng nay xôn xao hơn mọi ngày đã thu hút sự chú ý của tôi - một con bé thường chỉ biết cắm đầu vào cuốn sách. Tôi đứng dậy, len vào giữa đám đông đang vây xung quanh bạn Huệ. Bạn Huệ lớp tôi bình thường đã vốn nổi bật, nay càng tỏa sáng hơn bởi chiếc áo len màu hồng mới tinh mà bạn ấy khoe là được cậu gửi tận bên nước ngoài về. Nghe nói nó được dệt từ lông thỏ, rất mềm và ấm. Nhìn kiểu dáng cũng sang trọng rồi, đến chất liệu cũng đẳng cấp luôn. Tôi cũng tò mò vươn tay sờ thử một cái giống như biết bao bạn khác.
Đúng là rất mướt, không có lông xù chạm tay khiến da bị ngứa. Tôi chưa kịp tận hưởng hết cảm giác mịn màng mà nó mang lại thì đã bị một tiếng la lớn vang lên khiến cho giật mình.
- Ai cũng có thể sờ được, nhưng cái Hương thì không!
Tôi vội vàng rụt tay lại, sững sờ hỏi:
- Tại sao... tớ thì lại không được?
Bạn Huệ né tôi ra xa một khoảng, như thể tôi là cái thứ ghê tởm gớm ghiếc lắm không bằng.
- Bạn toàn mặc đồ cũ và dơ, chạm vào làm bẩn áo tớ thì sao?
Các bạn khác nghe thấy Huệ nói thế cũng tự động đứng tránh xa ra. Chỉ còn tôi lẻ loi trơ trọi đứng một mình thật khác biệt lạc loài. Tôi cúi xuống nhìn chiếc áo của mình. Nó chỉ cũ và bạc màu thôi, chứ chắc chắn là rất sạch sẽ. Tôi không dơ bẩn. Tại sao lại nói tôi dơ bẩn?
Dòng nước mắt chực chào ra nhưng đã bị tôi cố hít một hơi thật sâu nuốt lại. Các bạn cũng chẳng ai để ý, họ lục tục trở về chỗ ngồi vì tiết học sắp bắt đầu. Buổi học hôm đó tôi chẳng có chữ nào lọt tai, bởi vì trong lòng ngẩn ngơ với biết bao câu hỏi.
Tôi biết nhà tôi nghèo, nhưng tôi chưa bao giờ buồn vì điều đó. Tôi biết đồ dùng của tôi toàn hàng cũ, nhưng những thứ đứa chưa bao giờ khiến tôi phải cúi đầu. Áo cũ thì đã sao, từng mũi len đều do mẹ tôi đan đấy. Nhà nghèo thì đã sao? Tôi vẫn cố gắng nỗ lực và học chả thua kém ai!
Nhưng tại sao lúc đó tôi không dám nói thẳng ra cho Huệ và các bạn nghe thấy? Tại sao lúc đó tôi lại im lặng nuốt nước mắt vào trong?
Có lẽ sâu thẳm trong lòng tôi cũng cảm thấy bản thân mình đuối lý. Có lẽ một góc nào đó trong trái tim tôi cũng mong muốn mình được một lần nổi bật giống như ai kia.
Đúng, ai chẳng mong muốn mình được sinh ra trong gia đình giàu có. Ai chẳng muốn được khoác lên mình những chiếc áo len lấp lánh nhiều màu. Những đứa bé con luôn mong muốn mình được trở thành công chúa, được sống trong lời khen và tiếng ngưỡng mộ trầm trồ.
Tôi không trách bố mẹ nghèo. Nhưng bố mẹ cũng không thể trách tôi vì nghèo mà trở thành đứa trẻ tự ti như vậy được.
Sau ngày hôm đó, tôi bắt đầu ít giao tiếp với các bạn hơn. Tôi biết mình chẳng cần phải làm như vậy, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thể ngăn bản thân cô lập chính mình. Có lẽ tôi sợ bị tổn thương dù chỉ là một chút, nên tôi cố tạo ra một vỏ bọc ngăn cách với mọi người.
* * *
Mẹ hỏi tôi tại sao trời rét như thế lại không mặc thêm áo len? Tôi trả lời rằng tôi lớn rồi nên không thấy lạnh nữa. Mẹ đan cho tôi thêm một chiếc áo len mới, tôi nâng niu trong tay nhưng lại cất sâu vào trong tủ áo. Tôi đã là nữ sinh cấp Ba rồi, nếu nói không chú ý tới ngoại hình thì đó là lời nói dối. Tôi không ghét những chiếc áo của mẹ, chỉ là tôi không muốn bị các bạn gắn với cái mác "con nhà nghèo", dù là trong cụm từ "học sinh nghèo hiếu học" cũng chả khiến tôi vui.
Áo khoác đồng phục mùa đông của trường tôi khá dày, cũng đủ ấm trong những ngày không quá lạnh. Các bạn lớp tôi ghét nó lắm, họ chê chiếc áo quê mùa và không đặc sắc. Vì phải mặc đồng phục mà bọn chúng không thể diện mốt nọ mốt kia đến trường được.
Trái lại với các bạn, tôi lại cực kì thích chiếc áo này. Có thể nói đó là chiếc áo đẹp nhất mà tôi có. Khoác chiếc áo lên người, tôi và họ giống nhau. Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt sạch bẩn. Tôi cảm thấy mình tự tin hơn khi nói chuyện với mọi người. Các bạn nói tôi yêu trường một cách quá mức, bởi kể cả lúc đi chơi tôi cũng khoác đồng phục lên người. Cứ để cho họ nghĩ thế đi, tôi không muốn họ biết lý do ẩn sâu đằng sau nó.
Ba năm cấp Ba, ba lần tôi đoạt giải nhì Văn cấp Thành phố. Trước khi đưa toàn bộ số tiền thưởng còn lại về cho mẹ, tôi dành một phần để mua cho riêng mình một chiếc áo len. Tôi không biết mẹ tôi có nhận ra không, rằng: từ đó tôi chả bao giờ mặc áo len bà đan nữa...
* * *
Lên Đại học, tôi có bạn trai. Hồi đó lớp tôi rộ lên phong trào đan len tặng người yêu, xuất phát từ những bộ phim Hàn sến sẩm mà phải thú nhận rằng chính tôi cũng xem không rời mắt. Đứa nào có cặp có đôi đều rủ nhau đi mua len về đan khăn quàng cổ, mấy đứa cô đơn cũng háo hức muốn làm một cái để dành. Và tất nhiên tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi cùng đám bạn ra chợ mua loại len đẹp nhất, thịnh hành nhất lúc bấy giờ. Mua xong cả lũ mới ớ ra chả đứa nào biết đan gì sất. Tôi nhe răng cười khoái trá, vì tôi biết ở nhà mình có một bậc thầy về lĩnh vực thủ công. Thế là tối hôm đó tôi thủ thỉ bên tai mẫu hậu nhờ chỉ giáo cho vài bí kíp.
Chỉ một đề nghị nho nhỏ, tôi không ngờ có thể khiến mẹ tôi vui đến vậy. Khóe mắt đầy nếp nhăn nheo nheo lại, nhưng vẫn lấp lánh một cách lạ thường. Tôi có cảm giác như trong đôi mắt mờ đục sau cặp kính mọi ngày hôm nay có đính thêm muôn vì sao rực rỡ.
Trước đây khi nhìn mẹ đan tôi đã thấy khó, bây giờ bắt tay vào thực hành còn cảm thấy khó hơn. Nào là mũi lên mũi xuống, bỏ mũi cuối hàng, giấu mũi nối len... đấy chỉ là những thứ cơ bản, chưa kể đến những kiểu đan vặn thừng, hình hoa, phối màu đủ cả... Ôi thôi, tôi chẳng thể ngờ rằng chỉ với que đan và cuộn chỉ mà người ta có thể sáng tạo ra đủ thứ như thế.
Tôi tính bỏ cuộc khi nhìn hàng len xiêu xiêu vẹo vẹo, nút chặt nút lỏng chẳng ra làm sao. Chốc chốc lại bị rối len khiến tôi phải căng mắt ra gỡ chỉ.
- Cái gì lúc bắt đầu cũng khó. Chỉ cần con có niềm tin và kiên trì chắc chắn sẽ thành công. Mẹ tin con gái mẹ giỏi mà!
Mẹ đã động viên tôi như thế. Mẹ tỉ mẩn tận tình chỉ bảo cho tôi. Không ngại giúp tôi tháo ra đan lại bao nhiêu lần, những mũi len đã dần đều và đẹp. Tôi ngắm nghía thành quả của mình, còn mẹ ngắm nghía khuôn mặt tôi và nói:
- Mẹ rất vui vì con thích đan len. Con gái biết một chút nữ công gia chánh cũng là điều tốt. Từng mũi từng mũi gửi gắm yêu thương, chắc chắn người được tặng sẽ cảm nhận được nó.
Tôi giật mình khi mẹ phát hiện ra ý đồ của mình, đúng là tôi định đan khăn tặng bạn trai, và cũng hy vọng anh ấy cảm nhận được tình yêu của mình trong đó. Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, những thứ ngọt ngào chỉ tồn tại trong phim thì phải. Anh người yêu có vẻ không thích món quà như tôi tưởng tượng. Tôi bất chợt nhận ra rằng đời sống vật chất lên ngôi, nhất là khi mọi thứ có thể mua một cách dễ dàng ở ngoài kia, thì những vật có giá trị tinh thần như thế này thường bị xem nhẹ.
Tôi đã có một thời ngẫu hứng như thế, học đan rồi nhưng cũng chỉ đan đúng một chiếc khăn. Từ đó về sau tôi không động đến que đan nữa.
* * *
Ra trường, đi làm, quan niệm sống của tôi dần thay đổi. Cái gì có thể mua được bằng tiền thì tôi sẽ không dại gì bỏ sức ra làm cho mệt người. Tôi cũng nói với mẹ điều đó, nhưng mẹ khá cổ hủ nên không muốn nghe.
- Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng không thể mua được tình cảm. Có những thứ phải bắt tay vào làm mới thể hiện được cái tâm. - Mẹ nói với tôi bằng giọng không vui.
Hai mẹ con tôi tranh cãi về hiện đại và truyền thống, rồi về những giá trị của con người.
Tôi biết mẹ nói không sai, nhưng mỗi thời mỗi khác rồi. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã giải phóng sức người, có những thứ con người làm còn không đẹp bằng máy móc. Tôi biết mẹ gửi gắm trong từng mũi đan là bao nhiêu tình cảm, nhưng dành dụm tiền gửi mẹ mua áo cũng là biết bao tình cảm của tôi. Bởi vì tôi... thương mẹ.
Một thời gian sau, tôi lấy chồng. Không phải anh người yêu cũ mà là một người tận phương Nam xa xôi. Tôi theo chồng vào Nam lập nghiệp.
Không còn cái lạnh của mùa đông, tôi để lại quê hương toàn bộ những chiếc áo len đã mặc, trong số đó có cả của mẹ đan. Mẹ ngập ngừng nhìn tôi thu dọn đồ đạc, như muốn nói gì đó lại thôi. Khoé mắt mẹ rưng rưng, những nếp nhăn lại nhiều thêm một ít.
Tôi ôm mẹ một cái thật lâu, thì thầm bên tai mẹ: "Xuân tới con sẽ về!"
Nhưng tôi đã không thực hiện được lời hứa đó. Mùa xuân đầu tiên tôi có thai, thể trạng không cho phép tôi di chuyển xe để trở về nhà. Mùa xuân thứ hai con còn nhỏ, bên nội không nỡ để cháu đi xa. Mùa xuân thứ ba, thứ tư... mỗi năm lại có một lý do khiến tôi trở thành người thất hứa.
Mẹ gửi quà vào cho tôi, năm nào cũng gửi, và lần nào cũng thêm một vài món đồ len. Mẹ lại cặm cụi đan rồi, không biết lưng mẹ có còng hơn trước? Qua điện thoại đường dài, tôi tỉ tê tâm sự:
- Trong này không lạnh, mẹ không cần phải gửi đồ len đâu ạ. - Tôi kiếm cớ để mẹ không phải vất vả thêm vì mình.
- Mẹ tặng quà cho cháu ngoại mà. Mùa mưa đêm sẽ lạnh, nhỡ có đi đâu cũng cần áo rét.
- Mẹ không phải lo đâu, con cũng sắm cho cháu vài chiếc áo bông đủ ấm...
- Dù sao cũng là tấm lòng bà ngoại, chẳng lẽ con lại chê? - Mẹ ngắt lời tôi, giọng có chút tủi hờn trong đó.
- Dạ không phải đâu ạ! - Tôi vội vàng thanh minh. - ...Con chỉ sợ mẹ mệt thôi.
- Còn sức đan là còn không mệt. Con đừng lo. Mẹ có thể đan cho thằng cún con thêm vài chiếc nữa...
Một tiếng ho khan rất nhỏ truyền qua điện thoại, mẹ lấy lí do có việc bận phải cúp máy. Trước lúc tạm biệt còn gửi hẳn ngàn nụ hôn tới thằng cún con nhà tôi nữa.
* * *
Mùa xuân thứ năm, mùa xuân thứ sáu... tôi lại tiếp tục không thể trở về. Hai năm nay mẹ vẫn gửi đồ nhưng không có thêm chiếc áo len nào cả. Bỗng nhiên tôi lại thấy có chút không quen. Cảm giác đó thoảng qua như cơn gió, rất nhanh lại bị cuộc sống bộn bề vùi lấp quên đi.
Tháng Mười, tiết trời miền Nam nóng nực. Tôi phải ra sân bay đón một vị khách quan trọng của công ty. Nhìn thấy chị bước ra khỏi sảnh chờ, trên tay vắt chiếc áo len mỏng, chị cười nói với tôi rằng ngoài Bắc bắt đầu có gió mùa.
Tôi chợt nhớ tới tháng Mười năm ấy, cũng tiết trời se lạnh gió heo may, tôi đã bắt đầu ngã rẽ cuộc đời mà không có mẹ. Khi đó khoé mắt mẹ hoe đỏ, mà viền mi tôi cũng phiếm hồng. Mới đó mà đã bảy năm trôi qua, lâu đến như vậy sao?
Tối đó tôi nhận được tin nhắn của chị gái. Chị gửi cho tôi những tấm hình và không kèm chú thích. Toàn bộ đều là ảnh chụp những mảnh len đan dở mà càng về sau mũi đan càng xấu dần. Tôi không hiểu dụng ý của chị là gì, tôi còn tưởng chị khoe con gái chị bắt đầu học bà ngoại nữ công gia chánh.
Một lát sau thì chị gọi điện thoại, chị nói rất nhiều, hầu như tôi chỉ biết lắng nghe. Gác máy rồi mà lòng tôi vẫn còn chua xót khôn nguôi. Tôi cứ tưởng hình chụp đó là của cháu gái, hoá ra không phải, đó chính là của mẹ tôi. Mười bảy tấm hình theo từng mốc thời gian chính là mười bảy lần mẹ tháo áo ra đan lại.
Mẹ tôi bắt đầu mắc bệnh đãng trí tuổi già, cộng thêm chứng Parkinson khiến đôi tay không thể kiểm soát theo ý muốn. Đó là lý do khiến mẹ không thể tiếp tục đan len được. Nhưng mẹ lại vẫn cứ muốn đan cho tôi, chỉ vì muốn tìm lại ánh mắt ngây thơ đầy mong chờ thuở con nít. Tim tôi như thắt lại, có phải khi trưởng thành của tôi đã vô tình khiến mẹ đau không?
Tôi nhớ cả từng lời chị Quyên mắng:
- Ai cũng biết mẹ lúc nào cũng yêu thương mày nhất. Khi mày quyết định đi xa mẹ đã buồn đến chừng nào, cứ chiều chiều lại ngồi ra cửa như một thói quen dù biết mày không về. Mày vào Nam, mày thành đạt ai cũng mừng, mày hàng năm gửi tiền biếu mẹ cũng đáng quý. Nhưng mày có biết cái mẹ cần nhất là gì không? Mày đi biệt biệt tăm tăm mấy năm trời, năm nào cũng hứa về mà chả thực hiện. Cho dù mỗi năm mày có về được một lần đi chăng nữa thì mày cứ thử đếm xem quãng đời này còn được bao năm? Liệu từ giờ tới cuối đời mày còn được gặp mẹ bao nhiêu lần nữa?
Lời của chị tuy khắc nghiệt nhưng rất đúng. Tôi bỗng thấy mình vô tâm hời hợt quá. Tôi đúng là chỉ quan tâm tới mẹ theo cách của tôi chứ chưa hề nghĩ tới cái bà cần chính là gì.
Vào kho tìm thùng đồ cũ, tôi lật mở những món đồ ra xem, tìm mãi mới thấy chiếc áo nhỏ xinh xinh mà mẹ gửi cho tôi nhiều năm trước.
Chiếc áo len con tôi chỉ mặc đúng một lần để chụp ảnh cho bà ngoại coi, từ đó về sau nó luôn nằm gọn trong hốc tủ, tiếp đó nữa là tới kho. Tôi đưa tay rờ từng mũi chỉ, thật chậm, cảm giác tuổi thơ cứ thế ùa về.
- Mẹ, con thích chỗ này thêu bông hoa.
- Mẹ, mẹ con thích chỗ này thêm chiếc lá...
- Mẹ, mẹ...
...
- Ừ, được rồi, con thích gì mẹ cũng chiều tất. Con gái mẹ mắc áo này sẽ rất xinh.
Nước mắt tôi trào ra, lăn nhẹ trên gò má. Tôi tự hỏi mình có phải đã bỏ quên cái gì rồi không?
Đó chính là mẹ tôi!
Sống vội và sống gấp, mải nhìn phía trước mà quên ngoảnh lại phía sau. Tôi như cánh chim đủ lớn thích bay cao bay xa mải tìm kiếm chân trời mới và cho rằng ánh nắng ngoài kia mới là lẽ sống, thì mẹ tôi như ngọn đèn trước gió, heo hắt ánh lửa sắp tàn chỉ mong còn tỏ để soi sáng lối tôi về. Mẹ ơi, con thật tệ phải không?
Gạt đi nước mắt, một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu. Tôi lên mạng tìm hiểu về các loại len và đặt món hàng tốt nhất. Tôi nghĩ rồi, tôi sẽ tặng mẹ một chiếc áo do chính tôi đan.
Những kiến thức lâu ngày không sử dụng đã mai một đi ít nhiều, tôi lại tiếp tục tìm những bài viết hướng dẫn cũng như tìm mẫu mới. Đúng như lời mẹ nói: con gái mẹ thông minh, chỉ cần chú tâm sẽ làm tốt. Không biết có phải tôi đang tự kiêu quá không?
Khi tôi lọ mọ với những que đan mỗi tối, thằng cún con nhà tôi ngồi cạnh mân mê những cuộn len. Nó vần vò lăn qua lăn lại y như ngày xưa tôi đã từng làm.
- Mẹ ơi hay quá, con cũng thích có một chiếc áo len.
Tôi quay sang bảo con:
- Trời đang nóng cũng không cần dùng đến đâu, ngoài Bắc thì lạnh nên mẹ đan tặng áo cho bà.
- Thế con cũng thích ra ngoài Bắc để được mặc áo len.
- Ừ, mẹ sẽ đan cho con một cái để về quê mặc với bà nhé!
- Hoan hô mẹ, mẹ là tuyệt vời nhất. - Thằng bé nhỏm lên ôm và hôn chụt vào má tôi một cái.
Không phải tôi chưa từng mua áo ấm nhưng con trai cũng chưa từng thích đến vậy. Nó vừa đùa giỡn vừa khen mẹ giỏi mẹ tài. Lời con trẻ ngây thơ, ánh mắt non tơ không bao giờ biết nói dối. Trong lòng tôi như có dòng nước ngọt ngào lan toả trong tim. Phải chăng đây cũng là cảm giác của mẹ tôi ngày xưa? Có những hạnh phúc không phải cứ bằng tiền là mua được.
* * *
Mùa xuân thứ bảy, tôi trở về. Không chỉ một mình mà còn cả chồng và con nhỏ. Về phần công việc tôi đã cố gắng hoàn thành xong thật sớm để xin nghỉ dài ngày, dù sếp có ép thêm tôi cũng quyết từ chối. Về phần bên nội đã có chồng đứng ra khéo nói giùm tôi. Có lẽ chị Quyên nói đúng, nếu tâm tôi đặt nơi đâu thì tôi sẽ tìm được mọi cách sắp xếp để đạt được điều đó. Nếu tôi đã ngại thì mọi thứ chỉ là viện cớ lý do thôi.
Vốn dĩ muốn cho mẹ bất ngờ nên tôi chỉ thông báo trước cho mỗi chị gái. Vừa bước đến cổng nhà, trống ngực tôi đã rộn rã liên hồi. Kệ hai bố con đi sau, tôi vội vàng chạy trước.
Tôi thấy mẹ rồi, bà đang lọ mọ ngồi bên cửa sổ với mấy cuộn len. Đan rồi lại tháo, tháo rồi lại đan. Đôi tay gầy guộc già nua không còn nhanh nhẹn, đôi tai thính cũng chẳng được như xưa. Bước lại gần mà mẹ không mảy may phát hiện. Tôi cất giọng khe khẽ nghẹn ngào:
- Mẹ ơi... con đã về...
Bàn tay mẹ sựng lại, đôi mắt ngước lên như thể không tin nổi đây là sự thật. Tôi ngồi xuống giường, nhìn về phía mẹ khẳng định thêm:
- Là con gái út của mẹ đã về rồi...
Thời gian như ngưng đọng, khoé mắt mẹ rưng rưng, que đan bỗng dừng rồi rơi xuống rổ.
- Cái Hương về đấy hả con?
- Dạ vâng.
- Là thật phải không? Sao về mà không nói cho mẹ hay một tiếng?
Hai mẹ con ôm lấy nhau sau bao ngày xa cách, tôi cảm nhận được dáng hình xương xương của mẹ dù che bởi lớp áo dày. Buông người ra tôi nắm lấy bàn tay mẹ, mắt vô tình lướt về phía rổ len.
Có lẽ mẹ sợ tôi nhìn thấy nên lúng túng định giấu chúng đi, nhưng tôi đã kịp cầm lên và ngắm nghía. Dù thế nào vẫn là của mẹ, tôi trân quý và xúc động biết bao. Nhưng mẹ lại hiểu lầm là tôi ghét bỏ nó.
- Có phải con lại chê mẹ đan xấu phải không? Mẹ không biết tại sao càng sửa thì nó càng xấu đi. Mẹ chỉ mong đan cho con một chiếc áo thật đẹp để hãnh diện với bạn bè thôi, nhưng có cố gắng thế nào cũng chẳng thể đẹp bằng chiếc áo con mua. Có lẽ con nói đúng, mẹ cổ hủ lỗi thời rồi, mẹ không nên cố chấp nữa...
- Không, bất kể cái gì mẹ đan con đều thấy đẹp hết. Con biết căn bệnh của mẹ, chị Quyên kể hết cho con nghe rồi, mẹ không cần giấu con. - Giọng tôi từ từ trầm xuống. - Con xin lỗi mẹ... - Lời xin lỗi của tôi là thật lòng, mà lý do thì có rất nhiều không thể nào kể hết.
- Sao con lại xin lỗi mẹ chứ? - Mẹ giơ ngón tay gầy lau khoé mắt của tôi, nhưng mắt mẹ cũng rưng rưng nước mắt. - Là tại mẹ chưa thể cho con cuộc sống đủ đầy như chúng bạn, là mẹ khiến con thua thiệt...
- Con chưa từng trách gì cả, bố mẹ vẫn luôn dành cho con những thứ tốt nhất mà nhà mình có. Con vẫn luôn nhớ và khắc ghi. Người không tốt chính là con, vì con đã không trân trọng những gì mình đang có...
Cửa vẫn mở, có tiếng bước chân lớn nhỏ chen nhau. Chồng tôi theo sau còn con trai thì nhào tới ôm bà ngoại. Nhìn nhau qua điện thoại đã lâu, đây là lần chính thức được gặp nhau của ba thế hệ. Mẹ tôi xúc động không nói lên lời, còn con trai thì nói chuyện ríu rít không thôi.
Con nít ham vui, lần đầu về quê chơi nên thứ gì cũng muốn khám phá. Chồng tôi dẫn con đi dạo, để tôi với mẹ tâm sự với nhau, trước khi đi anh còn không quên đưa túi quà tôi dày công chuẩn bị. Tôi muốn tận tay tặng nó.
Mẹ tôi mở túi quà, hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc áo. Như sợ mẹ hiểu nhầm, tôi vội vàng giải thích:
- Là tự tay con đan ấy mẹ! Mẹ thấy có đẹp không?
- Đẹp! - Tay mẹ nâng niu chiếc áo.
- Nhưng vẫn chưa bằng một góc của mẹ ngày xưa, mẹ nhỉ!
Nụ cười mẹ nở rộ, nhưng vẫn nói với tôi:
- Sao phải kì công như thế? Mua một cái được rồi. Con cũng bận công việc, bận con cái nữa...
Tôi đưa tay lên chạm mu bàn tay mẹ, ngắt lời.
- Là con tự nguyện, là con muốn mẹ cảm nhận được tấm lòng của con. Là con muốn mẹ nhìn thấy một cô con gái hiện đại vẫn không quên truyền thống.
- Không cần phải vì mẹ mà làm thế đâu con. Tấm lòng của các con mẹ luôn thấu hiểu. Mẹ đã già và cổ hủ lâu rồi, giờ thì mẹ cũng biết rằng cuộc sống cần phải đổi thay chứ không mãi như ngày xưa được.
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt mẹ, nói thật lòng:
- Dù thay đổi nhưng có những thứ vẫn nên gìn giữ. Thời gian qua con đã hiểu ra nhiều điều, con thấy rằng có những niềm vui mà cuộc sống hiện đại không có được, không gì chân thật bằng chính mình bắt tay vào làm. Cám ơn mẹ truyền lại cho con tinh hoa đó, con sẽ nối tiếp giữ gìn và sau này cũng sẽ truyền lại cho con của con.
- Nhưng nó là con trai mà? - Mẹ tôi thắc mắc.
Tôi cười khì:
- Kệ! Trai hay gái chả quan trọng, miễn bé thích là được!
Mẹ tôi cũng cười theo.
Trong cái nắng ấm áp của mùa xuân đang tràn qua ô cửa sổ, hiện đại và truyền thống, cuối cùng thì tư tưởng hai thế hệ chúng tôi đã giao hoà...
Tình yêu của mẹ chẳng thể trong một chiếc áo len mà bày tỏ hết được. Tấm lòng của tôi cũng chẳng thể qua một câu nói mà đủ đầy. Nhưng tôi vẫn muốn nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, con yêu mẹ rất nhiều!
———-
Hết