Nồng Nàn Thương Yêu
Giờ là giữa tháng Ba, tháng của những chiếc xe công nông gầm gừ ven những con suối, những cái giếng và cả những cái ao hồ để tưới nước cho cây cà phê hay tiêu. Tôi lại nhớ đến bóng dáng bố tôi một mình kéo ống nước, bóng mẹ đặt đầu ống lên những hố cây cà phê để nước chảy vào đó cho đến khi đầy thì chuyển sang cây khác. Khi ấy những chiếc lá sẽ vui mình lắc lư theo tiếng nước chảy, gốc cây sẽ vui sướng ngâm mình trong nước, còn những chiếc rễ sâu trong lòng đất sẽ đua nhau giải cơn khát.
Ánh nắng chiếu từng tia nắng vàng lên mái tóc của bố, của mẹ. Nắng tháng ba rực nóng khiến cho cả đất trời như thể là một cái lò nung khổng lồ. Chẳng chút từ tốn mà tước đoạt đi những giọt mồ hôi của người nông dân tần tảo. Làn da cháy nắng như là chiến tích của những ngày lao động nặng nhọc dưới cái nắng gay gắt. Đôi mắt bố nhìn xa xăm, đôi vai mẹ run run, ngày qua ngày cầu mong trời sẽ đổ cơn mưa.
Tôi nhớ rằng quê tôi đã từng chịu một cơn hạn hán kéo dài mấy tháng liền. Những con suối, cái giếng hay ao hồ đều cạn nước. Đất đai nứt nẻ, cây cỏ héo khô. Đó là thời điểm mà những người nông dân, hiển nhiên là không loại trừ cả cha mẹ tôi đều nóng lòng hơn cả cái nóng của tiết trời.
Tất cả những điều ấy giờ đây đã in sâu vào trong tâm trí tôi. Cái nghèo, cái khó đeo bám cả gia đình suốt những ngày thơ ấu. Lớn rồi mới thấu được sự vất vả, cực nhọc của đấng sinh thành ngày ấy. Đến một ngày tôi chọn con đường rời xa quê hương để đến với chốn thị thành kiếm sống. Thật ra tôi nào có thích cái chốn đông đúc này đâu. Người ta cứ bon chen, người ta cứ bán mạng lao vào con đường kiếm sống đến mức không còn có thời gian để mà trao cho nhau một câu chào hỏi. Bình yên tựa như một thứ xa xỉ mà người ta chẳng thể với tới, cuộc sống chỉ còn lại những toan tính và những xô bồ. Và thế là tôi chọn về nơi mình đã được sinh ra. Năm mới đến rồi, ít ra cũng phải nên về nhà dù cho tết đã qua đi chăng nữa.
Về đến Đăk Lăk khi trời vừa mới hửng sáng, cả thân thể mệt nhoài sau một chuyến đi dài. Tôi ghé vào một sạp bán đồ ăn vặt trước cổng một trường tiểu học, mua một chiếc bánh mì để ăn lót dạ.
Tết vừa rồi tôi đã không về quê để đón tết cùng với gia đình chỉ để kiếm thêm chút tiền. Mặc cho cảm giác tủi thân bủa vây lấy thân mình, tôi vẫn quyết định bám trụ lấy nơi này và đón một cái tết không có gia đình. Cái lạnh trong tim khi ấy lạnh hơn cả những tháng ngày cuối năm ở quê. Tôi buồn, bố mẹ cũng buồn, chẳng ai vui nổi với quyết định ấy cả. Nhưng vì mưu sinh nên đành phải chấp nhận thôi.
Tôi hít lấy một hơi dài, mùi hanh khô của đất trời căng tràn cả lồng ngực. Tôi nghe thoang thoảng mùi bụi đất ngập cả bàn chân trên con đường nho nhỏ nào đó.
Cái nắng hanh hao phủ lên mái tóc cô bán hàng một màu vàng ươm. Cô có dáng người gầy nhom, gương mặt đã thoáng hiện một vài nếp nhăn. Đôi tay cô nhanh nhẹn làm chiếc bánh mì thịt rồi đưa cho tôi.
- Mới đi đâu về hả cháu? - Cô ngồi xuống ghế ngày đối diện với tôi, giọng cô mang đậm chất miền Trung. Nghe qua thì cũng đủ để biết cô là người gốc Hà Tĩnh.
- Dạ! Cháu từ Đồng Nai về! Nhớ nhà quá cô ạ, nên cứ phải gói ghém hành lý lên đường về thôi. - Tôi nhận lấy cái bánh, vui vẻ trả lời.
- Ừ! Giờ đây nhiều đứa nó vào Nam, chẳng mấy khi được về. Con cô cũng vậy! Sau tết là xuống Sài Gòn làm, nhớ nó cũng không biết phải làm sao. Tất cả cũng vì mưu sinh con ạ!- Đôi mắt cô bán hàng man mác buồn, dường như đang suy nghĩ điều gì đó.
Tôi vừa tán dóc, vừa ăn chiếc bánh mì thịt. Tôi cắn từng miếng, cảm giác như vị quê hương đang ngấm vào từng tế bào. Hồi còn đi học có những ngày không kịp nên hay ghé qua những sạp bán bánh mì thịt để mua, lần nào tôi cũng tự bỏ thật nhiều ớt vào trong bánh, đến khi cay xé lưỡi mới chịu. Mặc cho được khuyên ăn không được ăn cay vì không tốt cho dạ dày nhưng tôi vẫn cứ cứng đầu không nghe.
Đến khi ăn xong, tôi tạm biệt cô chủ sạp bánh rồi tiếp tục lên đường. Chiếc xe băng qua những con đường lớn, rẽ trái, rẽ phải. Cuối cùng chạy men theo một con đường nhỏ hơn, đó là đường về thẳng đến nhà tôi. Hai ven đường đều được phủ bởi những bụi hoa mười giờ đủ sắc màu, có đoạn là những cây hoa hồng với những bông hoa đỏ thắm.
Trong ký ức của tôi vẫn còn hiện lên hình ảnh của những con đường đầy bụi ngập cả bàn chân. Cây cỏ ven đường đều nhuốm một màu nâu đất. Những chiếc lá cây bị bụi phủ đầy bí bách đến không thở được. Tôi nhớ bóng dáng của mình thời thơ bé, ngây ngô chạy nhảy trên những nẻo đường. Chỉ cần gió thổi một cái bụi bay đầy trời, dù vậy thì vẫn cứ vui vẻ chơi đùa, không chút nghĩ ngợi.
Cứ suy nghĩ về những chuyện trong quá khứ, cảm giác như đường trở về nhà ngắn hơn một chút. Chẳng mấy chốc căn nhà gỗ với mái tôn đã hiển hiện trước mặt. Tôi rẽ vào cái cổng nhỏ, đi thẳng vào sân nhà.
- Thương đấy à? Sao về mà không báo trước?
Bà tôi nghe thấy tiếng xe máy thì chui ra từ trong vườn cà phê, trên tay còn cầm theo cây kéo cắt cành. Bà bây giờ đã gần chín mươi, dù tuổi đã cao nhưng vẫn thích tự chăm lo cho vườn cà phê của mình. Hôm nào mệt thì nghỉ, khỏe chút thì làm. Có lẽ cũng vì vẫn động nhiều mà bà khỏe hơn, mắt cũng tinh hơn những bà lão khác trong buôn.
- Vâng, con Thương đây bà! Con mà báo trước thì đâu còn gì gọi là bất ngờ. - Tôi tháo mũ bảo hiểm rồi xuống xe. - Sao bà không nghỉ ngơi đi! Bà cứ làm hoài lỡ bệnh thì sao?
Tôi tỏ vẻ trách móc, bước chân đi thẳng về phía bà.
- Nghỉ ngơi cái gì, tay chân rảnh rỗi quá lại sinh nhàm chán đó.
- Cháu chỉ lo cho sức khỏe của bà thôi. Mà bố mẹ cháu không có ở nhà hả bà?
- Bố mẹ mày đi tưới cà phê ở rẫy, mà hôm qua gọi bảo hôm nay về. Bà nghĩ chắc đến chiều mới về được, giờ chắc là đang dọn đồ.
- Ầy da, vậy cháu không có cơm ăn rồi. Đói quá! - Tôi xoa xoa bụng, vẻ mặt ỉu xìu.
- Cơm đầy ra ở đấy mà không có. Đói thì vào nhà mà ăn, canh cà đắng với rau bí đó, có cả măng khô xào nữa.
Tôi cười tít cả mắt, rồi cùng bà đi vào nhà. Nhà bà là một căn nhà dài bằng gỗ, được lớp mái tôn. Bà leo lên cầu thang rồi mở cửa, tôi đi theo sau. Bên ngoài nhìn có vẻ cũ kĩ, tuy nhiên vào tận bên trong mới thấy căn nhà trông vẫn mới toanh và chắc chắn dù đã trải qua mấy chục năm. Khi tôi được sinh ra, căn nhà này đã đứng sừng sững ở đây, ngày đêm bao bọc lấy cả gia đình tôi. Sau này ba mẹ tôi dọn ra ở riêng, dựng một căn nhà ở sát bên cạnh, tôi cũng không còn ăn, ngủ, nghỉ ở đây nữa.
Có lần mẹ gọi điện cho tôi bảo rằng bà có ý định bán căn nhà dài này.
- Thế thì tiếc quá!
Tôi đã không giấu được cảm xúc mà thốt lên khi nghe được tin này. Căn nhà này là thứ vô cùng ý nghĩa với tôi, đó không chỉ đơn giản là ngôi nhà đã gắn bó với cả tuổi thơ, mà đó còn là một nét đặc trưng vô cùng đặc sắc của dân tộc Ê đê. Tôi nhớ những lần bà ngồi trước khung cửi, dệt từng tấm vải một, sau đó sẽ dùng kim chỉ nối những mảnh vải đó thành một tấm chăn lớn. Tâm hồn bé nhỏ khi ấy thầm mong mai sau bản thân cũng có thể làm điều đó. Đáng tiếc khi bà còn khỏe mạnh thì không dám ngỏ lời bảo bà dạy, còn bây giờ khi đã đủ tự tin thì bà đã quá già để có thể chỉ cho.
- Này cơm nước đây!
Bà đi về gian cuối cùng của căn nhà, từ trong một góc lấy ra nồi cơm, nồi canh bày ra sàn, sau đó lấy thêm chén cơm và muỗng. Gia đình tôi thường có thói quen ăn cơm bằng muỗng thay vì dùng đũa. Tôi bước đến, lấy một cái ghế gỗ thấp rồi ngồi lên đó. Chiếc ghế này được đóng bằng một tấm ván gắn lên hai miếng gỗ khác ở hai đầu. Để làm những chiếc ghê như thế này rất đơn giản, miễn có gỗ và đinh để đóng là được.
Tôi cầm lấy cái chén rồi cầm muôi múc cơm để vào đó, tiếp đến là múc canh. Cả gia đình tôi thường hay chan canh vào cơm để ăn, đặc biệt là với món canh cà đắng này. Hồi còn nhỏ nhà nghèo làm gì có cá, có thịt mà ăn, toàn là cơm trắng với rau dại, không thì cũng món cà đắng. Bữa nào sang tí thì canh có tí dầu ăn cho thơm, lâu lâu bố ra suối câu được mấy con cá thì có cá để ăn. Ôi cái thời còn nhỏ ấy, thiếu thốn đủ thứ mà vui lắm! Ít ra nhà lúc nào cũng quây quần bên nhau chứ không như bây giờ, người ở đây người chỗ kia lao vào guồng quay của cuộc sống. Đến dịp tết còn không thể sum vầy bên nhau. Nghĩ mà lại thấy chạnh lòng.
Cơm nước đã xong, tôi ngồi lại với bà ít phút, kể bà nghe về những chuyện ở nơi đất khách quê người. Sau đó tôi xin phép bà ra ngoài rẫy để gặp bố và mẹ. Tôi lại leo lên chiếc xe máy rồi chạy ra ngoài đường. Những con đường quanh co, vừa quen thuộc lại vừa có chút xa lạ. Quen thuộc vì tuổi thơ đã từng trải dài trên con đường này, xa lạ vì giờ đây nó đã được mở rộng và được lót nhựa. Đi qua con đường lớn, tôi rẽ vào một con đường bê tông dài uốn lượn quanh những con rẫy. Còn nhớ năm nào con đường này còn là đường đất, vào mùa này đất bụi ngập đến bàn chân, gió thổi một cái là bụi bay đầy vào mắt, không thể thấy đường đi nữa.
Hai bên đường đã có những rẫy cà phê với những bông hoa trắng xóa đang tỏa hương. Hương hoa nồng đến mức khiến tôi có cảm giác như mình đang say. Từng chùm hoa trắng xen lẫn với những chiếc lá xanh, cùng với đó là tiếng ong vo ve hút mật đã tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Đến rẫy liền bắt gặp hình ảnh bố đang cuộn ống nước thành vòng tròn rồi dùng dây thừng cột lại, sau đó để vào trên xe công nông. Bố bảo vì vừa rồi đã chôn ống nước vào trong đất nên bây giờ chỉ cần mang một cuộn để nối với những ống đó là đủ rồi. Cũng nhờ đó mà công việc cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Còn về cái bơm nước, mấy năm nay chú tôi đều ở rẫy, cụ thể là ven bờ suối, khi nào cần tưới thì cứ dùng.
Khi nghe thấy tiếng xe máy, bố tôi đã ngoái đầu lại nhìn. Ông kinh ngạc nhìn tôi, có lẽ vì không thể ngờ rằng tôi lại có thể xuất hiện ở đây ngay lúc này.
Mẹ tôi từ trong rẫy chui ra, trên tay còn vác thêm một bó củi. Mẹ chất lên xe, sau đó nói với tôi:
- Về sao không gọi điện báo?
- Con muốn tạo bất ngờ cho mọi người mà!
Tôi chạy đến bên cạnh mẹ, khoác tay bà và cười tít cả mắt. Lâu lắm rồi tôi mới được gần mẹ như thế này. Ngày còn nhỏ tôi từng tự nhủ rằng bản thân sẽ không bao giờ xa mẹ nửa bước. Ấy vậy mà khi lớn lên vì phải lo chuyện mưu sinh mà phải xa quê, xa nhà, xa cả những người thân yêu.
Mẹ tôi cười và không nói gì thêm nữa. Bà cúi người lấy cái rổ chất vài củ khoai lang bỏ lên xe. Bàn tay mẹ đã trở nên nhăn nhúm và gân tay đều nổi hết cả lên.
- Sắp về chưa mẹ? - Tôi hỏi một câu. Sự thật là tôi đang rất nóng lòng được về nhà cùng cả bố lẫn mẹ.
- Sắp rồi... Sắp rồi... Mày về trước đi, bố với mẹ về ngay ấy mà.
Mẹ tôi vẫn chất giọng dịu dàng, bao năm trôi qua vẫn không thay đổi. Có chăng thứ duy nhất thay đổi là mái đầu mẹ đã ngả sang hai màu và mặt cũng đã đầy những nếp nhăn. Thời gian thấm thoát trôi, trải qua ngần ấy năm sự trưởng thành của tôi đã được đổi bằng sức trẻ và cả tình yêu thương bao la của mẹ.
Nói chuyện một hồi mẹ giục tôi về nhà trước, bố còn móc túi quần lấy tờ tiền mệnh giá hai trăm nghìn định đưa tôi để lúc về thì ghé mua bánh xèo. Tôi từ chối rồi nhanh chóng leo lên xe. Bố chưa kịp nói thêm câu gì thì tôi và xe đã đi khuất bóng.
Đầu bố bây giờ đều đã ngả sang màu bạc trắng hết cả rồi. Sự kham khổ như khiến tóc bố bạc nhanh hơn dù tuổi mới chỉ bốn mươi mấy. Vì con cái, cực nhọc bao nhiêu bố cũng chưa từng than lấy nửa lời.
Trên đường đi về nhà chỉ có một quán bán bánh xèo duy nhất. Lúc đi qua tôi bèn ghé vào mua bánh. Nghe thấy tiếng xe máy chị chủ tiệm bước ra, trên mặt để lộ một nụ cười rạng rỡ.
- Bánh xèo hả em?
- Vâng! Chị bán em một trăm nghìn. Mua nhiều chút vì lâu rồi mới có dịp được ăn bánh xèo cùng với gia đình.
Chị bán hàng ngạc nhiên, ngẩng đầu nhìn tôi trong khi lấy miếng bánh xèo bỏ vào trong túi ni-lông. Chị có hỏi tôi lý do sao lại lâu rồi mới được ăn bánh xèo cùng với gia đình. Sau khi biết nguyên do thì chị có vẻ suy tư rồi nói:
- Ra vậy! Bây giờ cũng nhiều người phải xa quê đến nơi đất khách đi làm như em vậy đó. Người chỗ này, người chỗ kia, âu cũng là do khó khăn, mất mùa lại mất giá. Làm lụng cà phê cả một năm trời, cuối cùng còn không đủ huề vốn.
- Vâng, khổ vậy đó chị!
Chúng tôi tranh thủ trò chuyện với nhau trong lúc chị lấy bánh cho tôi. Từng cái bánh vàng ruộm thơm ngon được bỏ vào trong túi, đến khi đã bỏ đủ, chị cột cái túi lại. Sau đó là lấy rau ăn kèm, bánh tráng để cuốn bánh xèo và cuối cùng là nước mắn. Mùi thơm của nước mắm xông vào mũi, cơn thèm khiến tôi phải nuốt nuốt nước bọt. Thời gian qua tôi cũng đôi lần tìm mua bánh xèo, nhưng chẳng đâu bằng được cái hương vị ở nơi quê nhà.
Không lâu sau phần bánh của tôi cũng đã được làm xong. Tôi nói lời cảm ơn, trả tiền cho chị và nhận lấy túi đựng bánh. Sau khi chào chị tôi lại lên xe trở về nhà. Tầm hai mươi phút sau bố mẹ tôi cũng về đến nhà. Sau khi phụ giúp bố mẹ dỡ đồ từ trên xe xuống, mẹ bảo tôi gọi bà lẫn mấy đứa cháu họ cùng ăn.
Nghe lời mẹ tôi chạy đến nhà chị họ gọi thêm mấy đứa cháu họ cùng ăn. Nhà tôi với nhà chị cách nhau có mười mét nên đi vài bước là tới. Nghe tiếng tôi gọi, mấy đứa nó chạy ra vây quanh tôi. Đứa nhỏ nhất thì đòi tôi bồng lên dù người nó bây giờ cũng khá lớn, năm tuổi rồi chứ có ít ỏi gì nữa đâu. Hai đứa lớn thì giờ đều đã thành thiếu nữ, đứa nào đứa nấy cũng xinh đẹp.
- Ơ dì về từ lúc nào thế?
Con Sương không khỏi bất ngờ khi thấy tôi. Đôi mắt nó tròn xoe, đen láy như viên pha lê. Tôi nhìn ra được niềm vui mừng từ ánh mắt nó.
- Tao mới về sáng nay thôi. Mà nhanh lên để cùng ăn bánh xèo.
- Dạ!
Sau tiếng dạ mấy đứa nó mặt mày đều hớn hở đi theo tôi. Lâu lắm rồi mới có dịp tụ họp như thế này. Tháng ngày qua nhớ chúng nó quá mà không về được, chỉ đành lâu lâu làm vài cuộc điện thoại để trò chuyện với nhau thôi.
- Giờ dì về khi nào lại đi nữa?
Con Sương vừa cắn một miếng bánh vào miệng, vừa nhai nhồm nhoàm vừa hỏi tôi.
- Tao không đi nữa, về đây kiếm chồng cho tụi bây sớm có dượng. - Tôi nửa đùa nửa thật nói.
- Chồng với chả con, mày thì có chó nó thèm.
Tôi nghe xong mà muốn ngã ngửa. Mặt mẹ nghiêm túc đến mức tôi muốn lăn bò ra sàn luôn. Mấy đứa nhỏ thì cười khúc khích như vừa mới xem một màn biểu diễn hài hước. Tôi đau lòng đến mức xị cả mặt ra nhưng chẳng ai quan tâm.
- Mẹ đừng có mà xát muối vào lòng con như thế!
- Tao chỉ nói sự thật!
Một câu nói ngắn ngọn, súc tích nhưng cũng vô cùng đanh thép.
- Thôi thôi, mọi người mau mau ăn đi! - Bà vừa cuốn bạn xong, đang định ăn thì lên tiếng. Bà chợt cười, có lẽ vì vui mới lại được thấy cảnh này.
Trong đầu tôi chợt hiện về hình ảnh của những năm còn đang học cấp hai, cấp ba. Khi ấy bố mẹ có những lúc phải vắng nhà mấy hôm, đặc biệt là mùa tưới cà phê như lúc này, vì thế mà nhà trở nên vắng vẻ. Những lúc như vậy thật sự rất buồn chán.
Tôi cắn một miếng bánh rồi quay ra nói với mẹ rằng mình sẽ không đi nữa. Nghe xong mẹ bảo:
- Ừ. Không đi nữa thì không đi nữa. Không có mày nhà mình vắng vẻ hẳn. Mày ở nhà thì cũng có người chăm sóc cho bà mày.
- Biết rồi biết rồi! Ở đấy thấy không tốt bằng ở đây thì cứ về thôi. - Bố tôi nói thêm.
Những năm tháng vừa qua, bố là người thường xuyên gọi điện hỏi thăm tôi nhất. Tôi biết bố thương mình, vốn dĩ cũng không hề mong việc con gái phải chật vật nơi đất khách quê người.
Đứa cháu họ nhỏ tuổi nhất thấy tôi nói không đi nữa mà reo lên trong vui sướng. Nó bảo từ giờ sẽ có người mở phim siêu nhân cho coi.
Nó nói mà mắt sáng lên lấp la lấp lánh tựa sao đêm nhìn tôi. Có mấy lần ba mẹ gọi điện cho tôi, tụi nhóc ở bên mà tranh nhau để được nói chuyện cùng. Lần nào cũng hỏi tôi khi nào về để mở phim siêu nhân cho xem. Thấy tụi nhóc mà như lại được thấy mình của ngày xưa. Sự ngây ngô cùng vô tư ấy gợi nhớ trong tôi biết bao kỉ niệm.
Tôi bỗng cảm thấy lòng mình thật bình yên. Những tháng ngày qua giữa bộn bề cuộc sống, mải làm lụng kiếm tiền mà suýt nữa tôi đã quên đi cảm giác bình yên này. Tôi kể mọi người nghe chuyện nơi đất khách quê người.
Tôi bảo:
- Ở đó đâu được như ở quê mình, không khí trong lành, lại bình yên nữa. Ngoài đường lúc nào cũng tấp nập xe cộ, hễ đi ra ngoài là phải đeo khẩu trang vì khói bụi.
Mọi người chăm chú lắng nghe, lâu lâu lại chêm thêm vài câu. Không khí ấm cúng này là điều mà tôi vẫn luôn mong mỏi khi xa quê nhà.
Bây giờ tuy rằng có nhiều thứ đã thay đổi nhưng vẫn cảm thấy rất ấm áp. Mỗi người chia nhau những cái bánh, cùng nhau chia sẻ những ngọt bùi thật sự rất đáng trân quý. Tình yêu thương nhiều khi không cần phải thốt thành lời nhưng những người xung quanh vẫn cảm nhận được.
Ăn xong chúng tôi lại quây quần bên nhau để trò chuyện, cùng nhau hồi tưởng lại những chuyện từ thuở nào. Cả nhà được sum vầy, được vui cười với nhau đó chính là điều tuyệt vời nhất trên đời này. Niềm hạnh phúc thường đến những gì giản đơn và gần gũi nhất. Đôi khi vì mải miết lao vào guồng quay của cuộc sống mà chúng ta vô tình bỏ quên. Nếu có thể chỉ mong được sống chậm lại một chút để nhìn nhận những gì mà bản thân đã trải qua, đã vô tình bỏ lỡ.