bởi Cát

24
2
2714 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Nước Mắt Hoà Bình


Tết năm nay tôi cùng gia đình về thăm quê nội, vẫn là con đường nông thôn nhỏ hẹp nhưng giờ đây đã được trán nhựa nhìn có vẻ đẹp đẽ hơn xưa. Ngôi nhà mái ngói đơn sơ của nội cũng không thay đổi gì nhiều, chỉ có bờ tre khóm trúc ở sau hè so với năm ngoái là nó mọc cao và um tùm hơn hẳn. Vừa bước tới cửa nhà, nội đã lật đật chạy ra mà đón, nhưng cái cách mừng của nội tôi khác hẳn so với cách xã giao lịch thiệp của người Sài Gòn. 

“Mộ nội cha mày! Tới giờ mới chịu về đây nghen!”. Bà còn vỗ lên lưng tôi vài cái, không quên dòm từ trên xuống dưới xem tôi có mất miếng thịt nào không. Còn tôi thì cười hí ha hí hửng quấn quýt bên nội, cứ dùng dằng nhõng nhẽo không chịu đi rửa mặt. 

Thân hình bà tôi nhỏ nhắn, dáng người lom khom với bờ vai gầy guộc. Tính đến nay thì nội cũng đã hơn bảy mươi, trên làn da in hằn những nếp nhăn và vài vết đóm đồi mồi của tuổi già. Lâu lâu mới có được một cái tết, cũng vì thế gia đình tôi cứ bình thản mà ở lại chơi với nội vài bảy bữa. Với những đứa con xa xứ, thì chúng tôi luôn trân trọng từng giây phút xum họp bên người thân và cội nguồn. 

“Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng, mưa rét run người nắng sẫm màu da

Tấm vải ta làm ra mảnh áo, là chiến sĩ quyết tâm diệt thù

Anh hăng hái ngoài nơi tiền tuyến, em hứa quyết tâm nguyện hiến sức mình. 

Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi, ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi... ” 

         (Trình bày: Cẩm Ly) 

Tiếng hát oai hùng, ngọt lịm mà thánh thót đang vang trên loa phát thanh vào buổi sáng sớm, làm lòng tôi cũng thấy rạo rực. Vệ sinh cá nhân xong, tôi bước chân lên nhà trước thì trông thấy bà nội đang ngồi nhâm nhi tách trà trên bàn gỗ, từng ngụm một trôi xuống cổ họng. Tôi vội xoay người vào trong buồng lấy cái áo khoác đem ra cho nội mặc đỡ lạnh, lục lội cái tủ đồ một hồi tôi mới ngó thấy nó. Vô tình lướt mắt nhìn sát vách bên trong tủ là một bộ quân phục màu xanh lá đậm, cũ kĩ, trên cổ áo còn được gắn vài ngôi sao vàng bằng đồng. Có lẽ là đồ của ông nội tôi, bà vẫn giữ lại nó cho đến tận bây giờ. 

Trên vách gỗ nhà trước có treo vài tấm bằng khen danh giá mà tôi đã từng thấy nó từ hồi nhỏ xíu, cho đến khi bước chân lên tiểu học tôi mới bập bẹ đọc được thành tiếng: “Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân”, đó cũng chính là một trong những tấm bằng khen mà nội vẫn giữ cho đến nay. Câu chuyện về ông đã lập đi lập lại rất nhiều lần, qua lời kể của cô chú và cả cha tôi. Khi thuật lại, trên gương mặt họ đều mang theo một niềm tự hào xen lẫn với những nỗi buồn man mác. Sắp nhỏ tụi tôi nghe xong đứa nào cũng nhăn mặt hoảng sợ, nhưng đó chỉ là lần thứ nhất, thứ hai. Chứ bây giờ lớn hết rồi phải thật bình tĩnh, nửa đêm giao thừa hằng năm mà còn giúp cha tôi nhắc lại cho mấy đứa em lúc nhúc, để tụi nhỏ còn biết ông của tụi nó đẹp trai tới cỡ nào. 

Ừ thì, hồi đó ông nội tôi là đội trưởng ở trong quân đội. Được tình báo cho biết lũ giặc sắp đánh tới ở một địa phương, ông điều vài người đến đó đưa người dân đi trước. Nhưng chẳng may được báo cáo lại rằng không được êm đẹp như kế hoạch, vài hộ dân sống chết cũng không muốn rời khỏi. Một số là họ nghi hoặc không tin tưởng vào các chiến sĩ, một số thì họ cho rằng, chết đâu cũng phải chết, thà chết trên đất tổ của mình còn hơn làm ma ở xứ khác. Trong mắt ông tôi họ đáng thương hơn là đáng trách, vì thế ông quyết định đến đó để khuyên răn, sau một hồi giải bày họ mới hồi tâm chuyển ý mà chịu đi theo các chiến sĩ. Còn ông nội vẫn cố nán lại giây lát để quan sát xung quanh, khi đã xác định không bỏ sót một ai ông mới yên tâm rời khỏi, nhưng rất tiếc là không kịp nữa. Âm thanh máy bay trực thăng lơ lửng trên không trung của bọn giặc quái ác, bọn nó đã nhắm trúng ông, nó muốn giết ông bằng một cách quái đản và tàn độc nhất. Những tiếng súng đùng đùng tiến thẳng xuống mặt đất bao vây ông từ tứ phía, chúng nó liền hạ cánh quạt trực thăng xuống, chỉ một phát chém đứt đầu ông, xác ông dần chìm xuống đáy sông, khúc sông được nhuộm hồng một màu máu... 

Là dòng máu của ông nội tôi, một vị chiến sĩ oai hùng đã lẫm liệt hi sinh. 

Bà là nữ quân y, vẫn miệt mài chăm sóc các chiến sĩ đang bị thương ở trong quân đội. Nghe được tin ông ra đi dù nước mắt đã rơi lã chã trên gò má, nhưng nội tôi vẫn cố kìm nén lại mà băng bó chữa trị cho các chiến sĩ đang chịu đau đớn do những vết thương trên da thịt. 

Tôi chỉ kể sơ lại được vậy thôi, chứ qua lời của cha với mấy chú của tôi thì nó chi tiết và hấp dẫn hơn nhiều. Nhắc đến đây mới nhớ, câu chuyện đã qua từ rất lâu nhưng chưa bao giờ được nghe chính miệng bà tôi kể lại, chắc nội cũng không muốn nhắc đến, vì ông ra đi là sự mất mát quá lớn trong cuộc đời của bà. Chiếc áo khoác được vắt trên khuỷu tay, tôi nắm cổ áo phủi vài cái rồi mới choàng lên đôi vai nhỏ nhắn của nội. Bàn tay nhẹ nhàng kéo cái ghế qua ngồi sát bên bà, thật ra tôi có một câu hỏi thắc mắc đã giữ trong lòng từ rất lâu. 

“Nội! Con hỏi nội cái này, nội đừng có giận hay buồn gì con nghen!”. Tôi biết vẻ ấp úng của tôi thế nào cũng bị ăn chửi, nên tôi lấy cái ấm rót thêm trà vào chiếc tách của nội ra vẻ nịnh nọt. 

“Tổ cha mày! Giận cái gì mà giận! Đâu? Con muốn hỏi cái gì?”. Vừa dứt câu, nội tiếp tục đưa tách trà lên miệng nhâm nhi vài ngụm. 

“Nội...! Nếu ngày xưa nội biết ông một đi không trở lại, vậy nội có ngăn cản ông đến nơi đó không?”. Tôi nhẹ giọng, cố gắng dùng lời lẽ hỏi bà cho thật khéo léo, còn dự định đoán xem câu mắng kế tiếp của nội sẽ như thế nào. Nhưng đáp lại tôi chỉ là không gian im lìm, một nụ cười được vẽ rất tươi trên khoé miệng nhăn nheo và những cái lắc đầu không cần đắn đo suy nghĩ của nội. Bà đặt tách trà xuống bàn, hướng mắt lên bàn thờ nhìn lại di ảnh của ông vài giây lát, nụ cười tự hào vẫn tiếp tục giữ vững trên khoé môi cằn cỗi.

Dường như tôi đã hiểu ra một điều gì đó, trong tia mắt của nội hiện lên hai từ “Chấp nhận”.

Chấp nhận mất đi một người chồng mà bà thương yêu, để đổi lại nhiều mạng sống cho dân lành. 

Chấp nhận làm tròn nhiệm vụ ở nơi tiền tuyến, dốc hết sức mình cho tổ quốc. 

Tôi nắm lấy bàn tay gầy yếu của nội rồi vuốt ve lên làn da nhăn nheo vài lần, tự dưng tôi cảm thấy thương bà làm sao, chỉ là một nụ cười với mấy cái lắc đầu mà niềm tự hào và sự hãnh diện trong tim tôi đã dâng lên đến hàng trăm lần. Lòng yêu nước của con dân Việt Nam là vậy, dù phải hi sinh người nhà hoặc bản thân để đổi lại sự bình yên cho đất nước, thì ông bà chúng tôi khi xưa đều phải cắn răng, đổ máu, nếm đủ vị mặn trên bờ môi mà gật đầu chấp nhận. 

“Má hai ơi! Má hai! Má có ở nhà không vậy má?”

 “Ờ. Thằng sáu đó hả bây?”. Nội tôi nhận ra liền lật đật chạy ra cổng, tôi cũng vội vã đi theo sau lưng.

“Dạ, con nè má! Má khoẻ không má?”

Một chú cán bộ gần năm mươi tuổi, mặc chiếc áo sơ mi màu xanh lam, miệng chú cười tươi rói, trên tay còn xách vài bịch quà đứng ở trước cổng nhà. Nội tôi hớn hở vui mừng, vội vàng mở chiếc cổng bằng tre ra để mà tiếp đón.

“Ờ... Ờ má khoẻ re à!”

 “Ở trên Xã nó gửi đồ về cho má nè!”

Chú cán bộ nhìn lại bịch đồ trên tay thêm một lần nữa rồi đưa sang cho nội, tôi liền chạy ra xách hộ, nhìn chú rồi gật đầu chào một cái.

“Chắc con bé này là cháu Thư mà má thường nhắc với con đây đó hả? Lớn dữ hén!”

“Ờ, nó là con gái của thằng ba, mấy hôm nay tụi nó nán lại đây để ăn tết với má đó!”

“Dạ, vậy tết năm nay nhà má vui quá rồi nha. Thôi con xin phép đi phát quà cho những gia đình khác nữa, còn nhiều hộ lắm con sợ không kịp. Hôm nào con rãnh ghé má chơi, chứ dạo này con hơi lu bu công việc không qua thăm má được”. Chú nói xong liền vuốt ve trên lưng nội vài cái. 

“Ờ, đi đi con, hôm nào rãnh ghé má chơi cũng được mà!”

Chú xoay người trèo lên chiếc xe đạp bị tróc sơn rồi gạt chân chống mà đạp, âm thanh lọc cọc của chiếc xe cũ kĩ vẫn còn vọng lại. 

“Nội ơi! Sao chú đó gọi nội là má hai vậy?”

Nội liền tặc lưỡi một cái: “À... Chú sáu là con trai của ông tư, người mà ông nội bây đến khuyên răn rời đi hồi năm đó, cho nên cả nhà ông tư mới giữ được mạng cho tới giờ này. Chú sáu con muốn tỏ lòng biết ơn nên nhận nội làm má nuôi, nó cũng lâu lâu tới lui thăm hỏi nội hoài hà. Hôm trước mái sau hè bị dột mưa, cũng nhờ một tay nó qua sửa dùm cho nội đó!”. Trong tia mắt và khoé miệng của nội ánh lên một niềm vui, giống như đang hài lòng với tất cả những thứ mà bà đã cho đi và được nhận lại. Đôi khi không cần phải có máu mủ ruột rà, mà chỉ đơn giản là tình người với người vậy thôi, lại khiến ai nghĩ đến đều sẽ cảm thấy ấm lòng. 

Nội kêu tôi ngồi đợi nội trên cái chõng tre ở trước sân nhà, rồi bà chậm rãi đi vô buồng lấy ra một bộ quân phục màu xanh lá cũ kĩ đã phai màu theo năm tháng. Trên lớp vải còn bị xổ lông trông có vẻ sần sùi, không những thế nó còn bị sứt chỉ ở trên bả vai, nhưng đã được nội tôi khâu vá lại bằng một màu chỉ trắng. 

Nội hớn hở khoe với tôi: “Con! Đây là đồ của quân y mà ngày xưa nội mặc trong chiến tranh vào những năm đó, cứu giúp cho biết bao nhiêu chiến sĩ trên sa trường. Nó là bà bạn của nội đó!”. Nội đưa quân phục lên cao nghiêng theo chiều ánh sáng, chỉnh cái kính cận ngắm nghía giây lát rồi dùng tay phủi lên lớp vải vài cái. Nếu theo con mắt của giới trẻ bây giờ chắc nó đã thuộc về đồ phế liệu, nhưng trong mắt nội tôi có vẻ nó thật sự là vô giá.

“Đẹp quá nội ơi!”. Chính tôi cũng thấy nó đẹp, đẹp một cách oai hùng và hiên ngang. Trước giờ tôi nghe đến quân y cứ nghĩ rằng bắt buộc phải là màu trắng, cũng không ngờ nó lại là màu xanh rêu. 

“Nội ơi! Sao nó không phải là màu trắng?”. Tay tôi vuốt lên quân phục vài lần rồi đưa mắt qua hỏi nội. 

“Quân y ở tiền tuyến thì làm gì mà mặc màu trắng, tụi nó thấy được là bắn chết đó con! Quân phục màu xanh để trùng với cây cỏ rừng núi cho chúng không dễ tìm thấy, như vậy mới dễ dàng ẩn náu mà đi cứu người!”. Bà nhíu đôi chân mày bạc trắng lại, cố gắng giải thích cho tôi nghe.

“Vậy nội cho con mặc thử nha!”

Nội liếc mắt sang nhìn tôi với nét mặt e ngại, rồi tặc lưỡi, hạ thấp tông giọng. 

“Thôi con!”

 “Sao vậy nội?”

Nội liền nhấn mạnh: “Nó dơ!”

Tự nhiên nét mặt của bà cũng buồn hiu, nội tôi dừng lại một hồi rồi mới nói tiếp. 

“Con có thấy không? Những đường khâu vá, mấy vết ố vàng trên cổ vai và cả tay áo”. Ngón tay của bà chậm rãi chỉ ngay vào chỗ đó. 

“Dạ thấy!”

“Đó là những vết tích của các chiến sĩ đã tử trận năm xưa, mà nội đành bất lực nhìn họ nhắm mắt xuôi tay trên lưng mình. Nội đã cố gắng cõng họ chạy thật nhanh về trạm để cứu chữa, nhưng đáng tiếc là không kịp. Họ đành phải bỏ xác tại chiến trường đầy bom đạn, có lẽ đến bây giờ thì xác của họ cũng đã biến thành tro tàn, kể cả một nấm mộ đàng hoàng như ông nội bây cũng không có!”. Bất giác nghe giọng của bà khào khào, tôi quay ngang nhìn mới biết là nội đang khóc. Nội lấy chiếc khăn choàng ở vai lau đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má, gương mặt từng nét một ra vẻ thương xót. Tôi cũng không kìm nén được mà mít ướt khóc theo, khìn khịt mũi vài cái rồi lại gần vuốt ve lên lưng nội. 

“Nội ơi...! Sạch sẽ lắm, không dơ chút nào đâu, con muốn mặc!”. 

 Nội cầm tay tôi vỗ nhẹ lên đó vài cái rồi mới gật đầu đồng ý. 

Mặc trên người một bộ quân phục sạch sẽ, trang nghiêm, tôi tự hào đang mang trong tim dòng máu dân tộc anh hùng. Dáng người nhỏ nhắn, bím tóc hai bên, tôi như một cô quân y dũng cảm đứng trước mặt nội mà tươi cười rạng rỡ. Nội mừng lắm, liền chạy ngay vô buồng lấy thêm cái nón ra cho tôi đội lên. 

Tôi xoay người một vòng rồi chống nạnh. 

“Nội! Nội có thấy con giống nội năm xưa không?”

“Giống! Giống lắm!”. Bà gật gù đồng ý. 

“Nội ơi! Con tự hào về ông bà nội lắm!”

Đất nước yên lành, con cháu bình an, những thứ đó là mục tiêu của ông bà ngày xưa ao ước và giờ đây đã đạt được. Nội ngồi trên chiếc chõng tre, nở một nụ cười tươi rói nhưng trong tia mắt lại ánh nước long lanh. Từ trước đến nay tôi chưa từng thấy nội như vậy, chắc là tôi đã gợi cho bà nhớ dáng vẻ hiên ngang năm xưa của mình. 

Nắng xuân dịu dàng, hoa mai nở rộ giữa bầu trời xanh. Nội lại lấy chiếc khăn trên bả vai chấm nhẹ lên khoé mắt vài lần, có lẽ ngay giờ phút này đây tôi nên gọi đó là “Nước mắt của hoà bình”. 

 _Cát_