23
4
1260 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 - [Review] Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya


“Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” đến với tôi từ một “cú tag” rất ngọt từ cô bạn thân trên Fan page Trạm đọc – Read Station: “mày ơi đọc xong rồi cho tao xin review nghen!” (hẳn là cổ lâu rồi không thấy tôi đọc hay viết lách gì, năm ngoái tôi đã đặt mục tiêu mỗi tuần một cuốn sách không giới hạn thể loại). Khởi đầu năm mới bằng một mục tiêu đọc sách hẳn cũng không quá tệ, nghĩ vậy nên tôi đặt luôn một cuốn… 

-----

Câu chuyện bắt đầu khi ba anh chàng ăn trộm nghiệp dư Atsuya, Shota và Kouhei đột nhập vào nhà một nữ giám đốc trung tuổi, không gì khác ngoài mục tiêu khoắng đồ. Đen đủi thay, chủ nhà trở về (cần nhấn mạnh là cô chỉ về căn nhà đó một tháng 1-2 lần), sau khi khống chế chủ nhà, cả ba leo lên con Crown đời cũ “đào tẩu”, nhưng thật trớ trêu, con xe hỏng nặng. Cả ba đành lánh tạm trong một căn nhà hoang bên con dốc vắng người qua lại mà Shota tình cờ tìm được khi đi “tiền trạm”. 

Căn nhà nom giống một tiệm tạp hóa với biển hiệu cũ kỹ đầy bồ hóng “Namiya”. Lũ trẻ trong thôn khi xưa đọc chệch thành một từ có nghĩa là “nỗi băn khoăn” – vì thế mà chúng thường gửi “băn khoăn” của mình cho chủ tiệm – một ông cụ giàu lòng trắc ẩn và vị tha giải đáp cho chúng. Từ những câu hỏi ngây ngô, đến những lá thư trêu đùa, rồi những tâm sự nghiêm túc của cả người lớn và trẻ con… lần lượt được gửi đến và được giải đáp cực kì tỉ mỉ và chân thành. Nhưng kể từ khi ông cụ mất, gần như không còn lá thư nào được gửi đến tiệm nữa… 32 năm sau ngày ông cụ qua đời, tiệm thông báo hoạt động trở lại nhưng chỉ trong một ngày duy nhất: ngày 13 tháng 09. “Từ 0 giờ đến rạng sáng ngày 13 tháng 09, hộp thư tư vấn của tiệm tạm hóa Namiya sẽ hoạt động trở lại. Tiệm chúng tôi có việc này muốn hỏi những người đã từng gửi tư nhờ tư vấn và nhận được câu trả lời của tiệm. Câu trả lười của tiệm có tác dụng thế nào với cuộc đời của các bạn? Có ích hay không có ích?...”

Ngày 13 tháng 09 của 32 năm trước chính là ngày mất của chủ tiệm trước kia, và 32 năm sau là ngày ba anh chàng ăn trộm nghiệp dư tá túc bất đắc dĩ tại chính tiệm Namiya. Phép màu kì bí nào đó đã biến tiệm Namiya là nơi thời gian ngưng đọng, nơi kết nối giữa quá khứ và tương lai. Các bức thư từ quá khứ gửi về xin tư vấn. Vốn ít học và đang trong cuộc đào tẩu sau vụ trộm bất thành, ba anh chàng không có ý định ở lại lâu, nhưng những mối tơ lòng, những trăn trở của người gửi thư đã níu sự chú ý của Kouhei – thằng chữ xấu và ngây ngô nhất hội, rồi Shota – biết viết chữ Hán và coi bộ tinh ranh hơn, và cuối cùng là Atsuya – đứa đầu têu của hội, thực tế hơn, lanh lỏi hơn, (có lẽ) cũng nhiều trắc ẩn hơn.

Qua những bức thư, số phận của những người đã từng được tiệm Namiya tư vấn hiện lên theo nhiều cung bậc, đa chiều đa góc:

- Nữ vận động viên Thế vận hội bị loại khỏi đội tuyển tham gia thi đấu, cùng năm đó vị hôn phu của cô qua đời vì bệnh hiểm nghèo, nhưng cô đã tìm cho mình hướng đi khác, và dù không ở bên cạnh người mình yêu lúc lâm chung, cô cũng không vì tự trách mà đâm ra bi lụy, bởi cô đã cố gắng vì ước mơ của hai người. 

- Hay anh chàng nuôi mộng làm âm nhạc chân chính thay vì kế thừa Ngư Tùng của cha, nỗ lực không ngừng để theo đuổi ước mơ, để tìm mục đích sống. Anh trao thân mình vào biển lửa để cứu một đứa trẻ thoát chết, và bản nhạc của anh thì còn lưu lại và vang mãi về sau, giúp “tái sinh” những sinh linh lầm lũi khác.

- Hay một cậu bé từ nhỏ đã đam mê nhạc The Beatles, sống trong nhung lụa và gặp bước ngoặt cuộc đời khi chưa tròn 18 tuổi: gia đình bị siết nợ phải bỏ trốn. Những hỗn độn của tuổi mới lớn và mất mát niềm tin nơi người bố - người mà cậu đã từng tôn thờ. Để cắt đứt hoàn toàn mối dây liên kết với gia đình, cậu đã bỏ trốn, đã thay tên đổi họ, đã gửi gắm tuổi thơ mình tại trung tâm chăm sóc trẻ em. Cho đến khi trưởng thành và hay tin bố mẹ mình đều đã chết ngay đêm bỏ trốn năm đó qua lời bà chủ quán “Fab4”, cậu mới nhận ra “chừng nào gia đình còn ở trên cùng một con thuyền thì vẫn còn có khả năng cả gia đình trở về con đường đúng”, khi ấy, chỉ mình cậu bỏ đi mà con thuyền đã đánh mất đích đến.

Từng mảnh ghép thời gian, từng số phận được lồng ghép và móc nối với nhau rất tình cờ nhưng dường như luôn có sợi dây logic vô hình kết nối chúng lại với nhau, cho dù ta khó mà tìm ra sự liên quan mật thiết nào giữa không gian và mạch truyện. Higashino Keigo cũng đan xen khéo léo những chi tiết hài hước làm điểm nhấn cho câu chuyện trinh thám giả tưởng, khiến cả câu chuyện vừa nhuốm màu kì bí, xa xăm nhưng vẫn chân thật và gần gũi.

Nhờ tình huống “tréo ngheo” hôm ấy, mà cuộc sống của những nhân vật trong quá khứ được Atsuya, Shota và Kouhei tư vấn đã thay đổi hoàn toàn. Ba tư vấn viên bất đắc dĩ của hiện tại cũng vậy: ba đứa quyết định ra đầu thú và quyết tâm “từ giờ sẽ không bao giờ động đến đồ của người khác nữa”, dù sau đó tính sao, ba đứa cũng không biết. Trước khi rời khỏi tiệm Namiya kì diệu, Atsuya có thả vào khe cửa cuốn phía trước một bì thư trắng để kiểm chứng bì thư đó được gửi về quá khứ, nó không ngờ, nó cũng nhận được thư hồi âm:

“Gửi người vô danh.

… Sau khi vận dụng hết cái đầu già cỗi này, tôi hiểu bức thư này có nghĩa là “không có bản đồ”.

… Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu.

Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng.

Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời…”