bởi Linh Cáo

169
14
768 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 -[Review] Hành lý hư vô



Tôi không nhớ nổi mình đã nhìn thấy nước mắt, nỗi buồn và tiếng thở dài của bao nhiêu con người qua đôi mắt nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Hay là trong Hành lý hư vô – cuốn tản văn nhẹ nhàng thủ thỉ, dễ thôi thúc người đọc quay về với thiện niệm và hồi ức.

Gấp sách lại, hình ảnh ấn tượng nhất với tôi chính là những cái cây mang trong mình hình hài của đứa con yểu mệnh. Chúng đã oằn mình đổ gập như tiếng khóc nỉ non sau đám tang người mẹ. Qua giọng kể của chị Tư, hình ảnh đó thật lạ lùng, lại có thể khiến ruột gan người ta quặn thắt – “Ông tính bằm thịt trên mặt thằng con mình?”.

Trong cách kể của chị Tư, mỗi câu chuyện đều có một cốt cách riêng, nhưng đều mang trong mình một tinh thần giáo dục sâu sắc.

Như việc bà già khùng điên nào đó, vẫn mòn mỏi ngày đêm che chở những cây huê như che chở gốc rễ, cội nguồn.

Như câu chuyện về cô Vẹn bán bánh mì với cái nhìn lạc quan: “Bánh mì mà bị cướp cũng là để no bụng người ta, chớ mất đi đâu”.“Vị trí bên lề, chưa chắc là do bị gạt ra, mà biết đâu do chính ta lựa chọn”.

Như cách mà người chị gắng níu cho các em những thâm tình hồi nhỏ, cái hồi mà mỗi người còn chưa có những toan tính riêng tư, cái thời mà tình còn chưa nhạt.

Như việc người ta hành thiện màu mè, ghi danh đài báo rầm rộ, vẫn có một số người lặng lẽ “Neo lại bóng mình” bằng cách “Cho đi và mất trí nhớ”, nhưng lại sống mãi với đời. “Làm gì có người nào sống mà không để dấu”. “Ngay cả một người vô dụng nhất ,chẳng ra tích sự gì, lúc qua đời cũng tốt đất xanh cây”.

Như chỉ người ta cách sống chậm lại, để trấn áp lòng tham, để thấy được cái đẹp ở đâu trong nắng chiều bảng lảng mà “chạy nhanh, thở gấp” thì không hiểu được, qua Biết sống.

Rồi tan vào Hành lý hư vô, tôi thấy cơ thể mình nhẹ bẫng khi nghĩ tới việc mọi thứ đều không mang theo được trong chuyến đi cuối cùng, những thứ mà con người ta phải đánh đổi cả thanh xuân mới có được. Bon chen làm gì, hơn thua làm gì, có mang theo được đâu.

Khoan nói về kỹ thuật hay ngôn từ sắc bén, tôi chỉ muốn nhắc tới tâm tư mà tác giả đang trải lòng với người đọc qua những tản văn này. Nếu bạn chậm lại một chút, chắc sẽ thấy rõ lắm cái buồn da diết nhưng đẹp và thuần khiết trong đôi mắt người xưa, hình hài xưa, một miền thiên nhiên xưa còn tồn tại đâu đó, bình dị nhưng kiêu sa giữa khói bụi và cao ốc, giữa quần áo lụa là súng sính và nước hoa đắt tiền, giữa những vòng lăn thời gian cuồn cuộn và gấp gáp.

Nếu bạn là kẻ thích một cái đẹp u hoài, hay một người hay yêu những gì đã cũ, hãy đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Chúng sẽ nhắc nhở những thổn thức đắm say trong lòng bạn, khơi dậy những tốt đẹp ẩn sâu đang bị vùi lấp nơi trái tim bạn và mở ra những góc nhìn mới mẻ hơn trong đôi mắt bạn.

Đôi lúc, tôi tự hỏi: “Có khi nào mình là một người trẻ quái dị ? Có khi nào mình đang đi ngược với thời đại bởi suy nghĩ muốn sống rảnh rang, rồi dần dà núp trong cái vỏ ốc yên bình, không chịu cọ xát. Thậm chí, tôi còn bị coi là kẻ lạc loài trong mắt những người khác bởi căn bệnh ghẻ lạnh vật chất và hư danh. Tôi đã từng thấy mình bị cô lập như thế cho đến khi gặp được Hành lý hư vô. Câu nói của một người lạ: “ Ở cái thời buổi thần Phật còn bị đẩy ra sau thần Tiền, người dửng dưng với tiền chắc phải can đảm lắm”, câu nói ấy như một lời động viên, khích lệ tôi tiếp tục sống theo cách mà mình đã sống. Đối với tôi, Hành lý hư vô không chỉ là sách mà còn là bạn, là một lời tâm tình thủ thỉ đồng hành trong những ngày ảm đạm.