94
10
3087 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 - [Review] Lolita


"Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta." - Đây chính là cách mà quyển sách "Lolita" của nhà văn Vladimir Vladimirovich Nabokov, một kiệt tác nghệ thuật, một hiện tượng văn học ở thế kỉ XX bắt đầu.

Trước hết, tôi muốn khẳng định với mọi người rằng "Lolita" không phải một tác phẩm thuần túy khiêu dâm hay cổ súy cho ấu dâm. Ai cũng có quan điểm riêng của mình, riêng đối với tôi, tác phẩm này là một khu vườn ngôn từ xinh đẹp, ngọt ngào và đầy cạm bẫy.

         Câu chuyện kể về cuộc đời (một cuộc đời đầy tội lỗi) của một giáo sư ngành văn chương ở Paris tên là Humbert Humbert. Sau cái chết của cô bạn gái thuở thiếu thời tên là Annabel, trái tim của Humbert đã không bao giờ có thể lành sẹo, nó vẫn luôn ở đó, rỉ máu một cách âm thầm. Chính điều này đã khiến cho hắn có những khát khao tình dục bệnh hoạn đối với những cô bé độ tuổi từ 7 đến 15 mà hắn gọi bằng một cái tên mĩ miều là "Tiểu nữ thần".

Humbert có kết hôn hai lần, người vợ đầu tiên của hắn đã bỏ theo người đàn ông khác, và cứ như việc này là đương nhiên - hắn không những không cảm thấy đau khổ mà thậm chí còn bất ngờ khi vợ mình có sức hút với người đàn ông khác. Lần thứ hai là với Charlotte Haze - bà chủ nhà trọ của Humbert khi hắn được mời sang Mĩ giảng dạy cho một trường đại học ở New England. Đây là nơi hắn gặp Lolita, cũng là nơi mà mọi tội lỗi và bi kịch bắt đầu.

Humbert đồng ý kết hôn với Charlotte không phải vì yêu bà, mà là vì muốn gần gũi với con gái bà - một đứa bé gái xinh đẹp chỉ mới 12 tuổi tên là Dolores Haze (sau này hắn gọi cô bằng cái tên Lolita). Hằng ngày, hắn ghi chép những dòng cảm xúc dạt dào của mình đối với Lolita vào quyển nhật ký, đồng thời tìm cách cho Charlotte uống thuốc ngủ để trốn biệt cái "nghĩa vụ làm chồng" của mình. Đến một ngày nọ, bà Charlotte đã lục tủ của hắn, đọc trộm quyển nhật ký và phát hiện thứ tình cảm bệnh hoạn mà gã chồng dành cho con gái ruột của bà. Vì quá sốc và uất hận, Charlotte đã bị xe cán chết trên đường đến bưu điện để gửi thư cho con gái - lúc này đang được giữ ở trại hè. 

Sau khi an táng vợ, Humbert đón Lolita về và bắt đầu chuỗi ngày bệnh hoạn, điên cuồng của hắn (ồ, và Humbert không hề cưỡng hiếp Lo đâu, là do cô bé tự nguyện đấy). Hắn đưa cô bé đi khắp các thành phố từ ngày này sang ngày khác, và đến tối thì vào các nhà nghỉ. Humbert đã từng nói về những ngày này rằng: "Đó là một thiên đường, một thiên đường có bầu trời mang màu sắc của địa ngục, nhưng nó vẫn là một thiên đường đúng nghĩa." Những ngày tháng đó kéo dài cho đến một ngày, Lo bị nhiễm vi-rút và phải vào viện để điều trị, sau đó cô bé biến mất mà không để lại cho Humbert một lời nào.

Suốt nhiều năm tìm kiếm "Tiểu nữ thần" trong vô vọng, Humbert bỗng nhận được một lá thư từ Lo với nội dung đại khái rằng cô bé đã kết hôn và mang thai. Gần như ngay lập tức, Humbert vội lao xe đến địa chỉ gửi thư và nhận ra Lolita không còn tươi tắn và xinh đẹp như lần đầu hắn gặp gỡ. Dù vậy, Humbert vẫn tha thiết mong muốn Lo về bên mình, nhưng cô bé đã từ chối. Lo kể lại những việc đã xảy ra trong bệnh viện năm ấy, rằng cô đã đi theo một gã đàn ông trung niên tên là Quilty Clare. Humbert sau đó đã để lại $4000 rồi đi ra khỏi cửa.

Hắn tìm tới nhà của Quilty để giết gã. Trong cuộc rượt đuổi xe phút cuối với cảnh sát, Humbert đã tạt vào một đồng cỏ, nhìn xa xăm về phía một trường học rồi cay đắng nhận ra: "Lo không chỉ vắng bóng bên cạnh tôi, mà cả tiếng cười của em cũng đã biến mất trong bản hòa âm kia." Và cuối cùng, Humbert chết do nghẽn động mạch vành trong tù ngày 16 tháng 11 năm 1952. Lolita chết trong khi sinh con vào giáng sinh năm 1952.

         Nếu bạn có suy nghĩ rằng thứ cảm xúc mà Humbert dành cho Lo là tình yêu và Humbert đáng nhận được sự cảm thông thì bạn đã không giữ được cái đầu lạnh của mình khi đọc Lolita. Đừng để Nakobov dắt mũi bạn rơi vào cạm bẫy ngôn từ của mình bằng những lời nói hoa mỹ thông qua suy nghĩ của Humbert. Nhà văn chưa bao giờ ca ngợi những thứ dục vọng ghê tởm của Humbert. Thực tế, Humbert chưa bao giờ yêu Lo - thứ tình cảm mà hắn cho là tình yêu ngang trái thực ra chỉ là sự mong muốn lấp đầy những khoảng trống mà Annabel để lại trong tâm hồn của hắn. Chính Humbert cũng đã từng thừa nhận: "Tôi thấy mặt em trên nền trời, rõ nét lạ lùng, như thể tự nó tỏa ra một làn sáng lờ mờ...Cuối cùng, tôi giải được bùa mê ấy bằng cách hóa thân vào một cô gái khác". Với "bùa mê" là Annabel còn "cô gái khác" ám chỉ Lolita, có thể hiểu rằng Lolita thực chất chỉ là bóng hình thay thế cho Annabel, cô gái mà số phận đã cướp đi từ tay hắn.

Chính thế, hãy để tôi nhắc lại, "Lolita", tác phẩm không chỉ là một quyển sách khiêu dâm, nó chứa đựng nhiều thứ hơn như thế. Tôi xin trích dẫn lời bình (hay bạn có thể xem nó là một lời cảnh báo) của tiến sĩJohn Ray.Jr dành cho "Lolita":"...Với tư cách là một hồ sơ bệnh án. 'Lolita' chắc sẽ trở thành một tư liệu kinh điển trong giới y học tâm thần. Với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, nó siêu vượt trên khía cạnh chuộc tội của nó và đối với chúng tôi, điều đó còn quan trọng hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn học, là tác động đạo lý mà cuốn sách sẽ tạo nên đối với độc giả nghiêm túc; vì trong nghiên cứu cá nhân xót xa này, ẩn chứa một bài học phổ quát; đứa trẻ ngang ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã quỷ ám hổn hển, không phải chỉ là những nhân vật sống động trong một câu chuyện duy nhất; họ cảnh báo ta về các khuynh hướng nguy hiểm; họ chỉ ra những cái xấu đầy cường lực. 'Lolita' khiến tất cả chúng ta- những người làm cha mẹ, những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục- phải dốc sức, với tinh thần cảnh giác cao hơn nữa và sáng suốt hơn nữa, vào nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt hơn trong một thế giới an toàn hơn."

 Thông qua lời nhận xét trên, ta có thể thấy "Lolita" mang đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều về chính tác phẩm của mình. Việc đầu tiên cần làm trước khi đọc tác phẩm này là hãy chọn cho mình một hướng nhìn xuyên suốt. Giống nhưNabokov đã tiết lộ: "'Lolita' được sáng tác giống như sáng tác một ván cờ thế tuyệt đẹp - cấu trúc của nó đồng thời lại là lời giải, bởi vì cái này là chiếc gương phản chiếu cho cái kia, tùy thuộc vào cách nhìn của độc giả". Ở đây tôi sẽ nói đến hai góc nhìn phổ biến nhất: "Hồ sơ bệnh án của gã tâm thần Humbert" và "Kiệt tác văn học Lolita".

Ở góc nhìn thứ nhất, "Lolita" sẽ cho bạn tri thức, tri thức về những điều rất đời xung quanh chúng ta. Bạn sẽ thấy có bốn nhân vật luôn luôn tồn tại trong xã hội hiện hành (thông qua lời kể đau xót của Humbert): Đầu tiên là Charlotte Haze. Một bà mẹ ích kỷ, mù quáng tin vào tình yêu của gã chồng điển trai mà quên mất việc giáo dục con cái. Đến cuối cùng phải nhận lấy một cái chết đầy uất hận. Thứ hai là cô bé dung tục, thực dụng Lolita. Chính sự tò mò và hư hỏng của Lo đã trở thành chiếc chìa mở khóa cho cái lồng giam đang nhốt giữ "con dã thú" bên trong Humbert. Và như thế, cô bé cũng đã tự đào mồ chôn lấp sự hồn nhiên và cả tương lai của bản thân mình. Tiếp tới là Humbert, một giáo sư ngành văn chương điên cuồng và mãi mãi không chấp nhận được những mất mát trong quá khứ. Như tôi đã nói, tâm hồn của Humbert đã bị phủ một bóng đen tối tăm từ khi hắn biết Annabel vĩnh viễn rời xa hắn. Tuy hắn là một gã tâm thần, nhưng lại là gã tâm thần thông minh đến độ có thể lừa cả những bác sĩ tâm lí ngộ nhận về căn bệnh của hắn. Hắn lầm tưởng tình cảm của mình dành cho Lo là tình yêu, ra sức chiếm lấy thể xác của cô bé, tới mức chết đuối trong cái sự ảo tưởng và điên cuồng do hắn tự tưởng tượng lấy, giết cả tương lai của Lo. Cuối cùng là gã đàn ông xấu xa Quilty Clare. Hắn là một kẻ xảo quyệt, là một chuyên gia trong việc lừa gạt, dụ dỗ những đứa trẻ, bắt cóc chúng và nếu chúng không thực hiện những yêu cầu của hắn thì chúng sẽ bị ném ra đường. Kết cục rất thích đáng cho hắn là bị bắn chết bởi chính tay Humbert. Từ bốn nhân vật này, bạn sẽ rút ra được bài học của chính mình trong cuộc sống trong việc kiểm soát bản thân, cách để mọi người quan tâm giáo dục giới tính cho trẻ em và dạy trẻ em cách để tự bảo vệ chính bản thân mình khỏi những lời dụ dỗ đường mật của kẻ xấu. Nếu theo góc nhìn này, "Lolita" thực sự đã trở thành một tư liệu kinh điển để các nhà tâm thần học khám phá nhiều điều về những kẻ khốn khổ, khốn nạn bị mắc căn bệnh ái nhi; nạn nhân, thậm chí là cho cả gia đình của những nạn nhân bị những kẻ tâm thần ấy phá hoại về thể xác và tâm hồn.

Ở góc nhìn thứ hai, "Lolita" sẽ trở thành một khu vườn nghệ thuật thực sự như những gì tôi nói ở đầu bài. Có thể nói, các phương thức chơi chữ, ẩn dụ và những câu từ đa nghĩa khiến cho "Lolita" trở thành một trong những quyển sách khó đọc và khó tiếp cận nhất thế giới. Một vài trong số những biểu tượng tiêu biểu có trong tiểu thuyết mà tôi có thể nhắc đến là: hình ảnh con chó (xuất hiện khoảng sáu lần trong "Lolita"). Trong tiếng Anh, con chó - Dog, viết đảo ngược lại là God (chúa trời). Trong lúc Humbert đi từ nhà trọ của McCoo đến nhà của Charlotte Haze (nơi hắn lần đầu gặp Lolita) đã có một con chó xuất hiện. Theo tôi thì đây là lần tiêu biểu nhất, với ý nghĩa rằng việc gặp gỡ và việc Lolita đến với Humbert là do Thiên Chúa sắp đặt (một trò đùa của Thượng Đế). Con chó cũng xuất hiện vào lần cuối cùng Humbert được gặp Lolita, nó được miêu tả trong truyện là: "con chó nhỏ tiều tụy" có "mắt him him, cái bụng lờm xờm lấm lem bùn". Hình ảnh con chó ám chỉ rằng Lolita không còn là cô gái tươi tắn trong trí nhớ của Humbert, cô bé bây giờ chỉ còn là một cô vợ trẻ mang vẻ ngoài hốc hác, xanh xao. Một biểu tượng khác là con thiêu thân lao vào ngọn đèn nơi đầu tiên mà Lolita và Humbert ở qua đêm: "hàng trăm con thiêu thân rắc cánh phấn xoáy lộn quanh những ngọn đèn trong đêm đen sũng nước đầy những dập dềnh và nhộn nhạo" - ám muội rằng thứ tình cảm của Humbert và Lolita chẳng khác nào là một đống lửa rực cháy, còn hắn và Lo chính là những con thiêu thân liều mình, đến cuối cùng cả hai đều không thể sống sót. Chi tiết bàn cờ vua cũng được nhắc đến nhiều. Như tôi đã nói, Nakobov coi quyển tiểu thuyết này là một ván cờ thế, nên hiển nhiên, việc những bàn cờ vua xuất hiện trong "Lolita" không phải là lạ. Lần xuất hiện đáng nhớ của hình ảnh này là lần cô giáo dạy piano của Lolita gọi điện để báo rằng Lolita đã nghỉ hai buổi học. Lúc ấy Humbert đang chơi một ván cờ với ông Gaston và sắp mất quân hậu (quân hậu chỉ Lolita). Một biểu tượng thú vị khác là cái tên Hunter (thợ săn) cũng được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm. Toàn bộ tiểu thuyết "Lolita" chính là một cuộc đuổi bắt. Lolita chạy trốn khỏi Humbert, Quilty đuổi theo xe của Humbert và bắt cóc Lolita, Humbert thì truy sát Quilty. Tóm lại chỉ toàn là hình ảnh của "thợ săn" và "con mồi". Hình ảnh cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến chính là hình ảnh hồ Hourglass (đồng hồ cát), giống như dốc cát chảy ngược, hình ảnh này là một điềm báo cho Humbert biết rằng thời gian mà hắn được ở bên cạnh Lolita đang bị rút ngắn từng ngày. Tất cả những biểu tượng đó (ngoài ra còn có những biểu tượng khác như : con số bảy, chiếc xe hơi lao lên dốc cỏ, waterproof, con số 342, trái cấm....) đều được nhắc đến khá nhiều lần trong tác phẩm mà theo tôi tìm hiểu được, tất cả chúng đều nói về định mệnh. Nên nhớ, "Lolita" là lời thú tội của Humbert ở trước tòa án, ta có thể thấy hắn muốn ám chỉ rằng tất cả sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời tội lỗi ngang trái của hắn là do sự sắp đặt của Thiên Chúa, Humbert không hề toan tính bất kì điều gì và rằng hắn vô tội?

Sau tất cả những điều trên, chúng ta có thể hiểu rằng để đọc và hiểu hết tất cả hàm ý trong "Lolita" chẳng hề đơn giản tí nào. Hãy hình dung việc đọc quyển tiểu thuyết này giống như cách mà bạn đang cố thoát khỏi một mê cung xinh đẹp mà mỗi bước đi của bạn đều có thể dẫn bạn đến một lối đi vô hạn khác. Bạn loay hoay tìm cho mình một lối đi đúng nhưng rồi vẫn bị mắc kẹt ở một cái vòng luẩn quẩn không bao giờ kết thúc. Nếu những ai có thói quen hóa thân vào nhân vật mỗi khi đọc một quyển tiểu thuyết thì hãy cất thói quen ấy vào trong túi quần của bạn, hãy lấy ra dùng vào một dịp khác. Bởi lẽ, "Lolita" được kể dưới góc nhìn đau thương, khốn khổ của Humbert, từng dòng cảm xúc và ánh mắt buồn thảm, thậm chí là hơi thở yếu ớt tuyệt vọng vào phút cuối của Humbert sẽ hiện ra trước mắt bạn, như thể bạn và hắn có cùng một linh hồn. Bạn đã hiểu ý tôi rồi chứ? Một con người bình thường như bạn và tôi lại nhìn sự việc bằng con mắt của một kẻ tâm thần thì thứ bạn thấy sẽ chỉ là những thứ lệch lạc, quan điểm sai trái với những gì Nakobov thực sự muốn truyền đạt. Bạn, sẽ vĩnh viễn không tìm thấy lối thoát cho cái mê cung xinh đẹp chết người ấy. Bạn, sẽ thấy Humbert đáng thương, xuất hiện sự đồng cảm, ngộ nhận cái thứ tình cảm của hắn dành cho Lo là tình yêu. Và còn rất nhiều rất nhiều thứ khác mà tôi không thể liệt kê hết được, nhưng tôi thực lòng muốn khuyên bạn hãy thử sức với tác phẩm này một khi bạn cảm thấy mình đã chín chắn, hoặc không bạn sẽ bị dắt mũi như những chú lừa non tội nghiệp bởi sự ma thuật trong từng câu văn, con chữ của "Lolita".

Sau tất cả, tôi biết ơn Nakobov vì những gì ông đã dạy cho tôi thông qua quyển tiểu thuyết "Lolita" (dù tôi không chắc rằng những gì tôi có thể hiểu là tất cả những gì mà Nakobov muốn truyền đạt). Không chỉ vì tri thức về cuộc sống, "Lolita" còn dạy tôi biết như thế nào là nghệ thuật thực sự, là động lực để tôi nghiền ngẫm và nghiên cứu nhiều hơn về một quyển sách. Dù Lolita có là khu vườn khó tiếp cận đến đâu, dù cho quyển tiểu thuyết này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, bị bao nhiêu người bỏ qua và xếp vào loại "dâm truyện" đi chăng nữa, tôi vẫn sẽ không ngần ngại chia sẻ về nó, bởi tôi biết, những gì quyển sách này mang lại sẽ nhiều hơn gấp trăm lần những định kiến xung quanh. Bởi thế, "Lolita" vẫn sẽ mãi là một kiệt tác trong lòng tôi và những người yêu nghệ thuật của Nakobov.

(Tất cả những dòng trích từ tác phẩm đều được lấy trong bản dịch "Lolita" của dịch giả Dương Tường)