89
8
985 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 - [Review] Mong manh hoa tuyết


 Mong manh hoa tuyết

-Nguyễn Mai Dung-

Thiên tài văn chương và kiện tướng trên văn đàn Nhật Bản thời Taishô (1912-1926), Tanizaki Junichiro đã để lại một sự nghiệp đồ sộ. Đừng nói chi đến những giải thưởng và vinh dự quốc nội và quốc tế nhận được, nếu có xem ông như nhà văn Nhật Bản số một chắc cũng không ngoa.  Sở trường về tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết phong tục, văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bẩy, diễm tình, vừa đồi phế, bệnh hoạn nhưng không kém phần tinh tế…”

Đàn bà ám ảnh Tanizaki Junichiko từ nhỏ, vì thế mà ông có sự ưu ái đặc biệt chứ không muốn nói rằng sùng bái phụ nữ - Si mê cái đẹp, rất nhiều tác phẩm của ông mang hình bóng của những người phụ nữ từng đồng hành với ông trong một “đoạn tình” ngắn nhưng day dứt. Có thể điểm tên một số tác phẩm đặc biệt nổi bật lấy hình tượng người mẹ như ; Mộng phù kiều ” (1959),  “ Nhớ về mẹ thương ” (1919) và “ Người mẹ của tướng Shigemoto ” (1949-50).

Tiếp trong cái sự sùng bái đó ta không quên nhắc đến ba người vợ hay đúng hơn là người vợ thứ ba, so với hai người vợ cũ thì người đàn bà này đã nâng đỡ khuyến khích, tạo nguồn cảm hứng cho hàng loạt tác phẩm ra đời sau đó, và cũng là người duy nhất thông cảm với ông, giúp ông lập được một văn nghiệp đồ sộ.

Và theo dòng văn chương lấy phụ nữ làm trung tâm ấy ta gặp lại họ - những người đàn bà trong “Mong manh hoa tuyết” (1946) kể về bốn chị em gái nhà Makioka.

Lấy bối cảnh đất nước Nhật Bản trước công cuộc canh tân của kỷ nguyên mới. Xoay quanh gia tộc Makioka - một danh gia vọng tộc ở Osaka vào đầu thế kỷ 20, vẫn còn bấu víu vào thời quá vãng những lề thói, phong tục trên đà tan rã. Họ đều tiếc nuối những tháng năm xa hoa và cái danh giá từng sống qua, bị ám ảnh mình là con cháu danh gia vọng tộc một thời. Có lẽ vì vậy mà cô ba – tiểu thư Yukiko quá lứa lỡ thì mãi không tìm được một tấm chồng môn đăng hộ đối, ai ướm hỏi cũng cự tuyệt cả. Thành thử mang tiếng xấu là kén chọn.

“Tanizaki Junichiro là người kể chuyện có duyên nhất trong đám những cây viết tiền chiến, nội dung các tác phẩm của ông phần nhiều khai thác cảnh sống hoan lạc, đồi phế của xã hội cũ đang suy tàn và miền sâu thẳm phong kín của địa ngục nội tâm con người muôn thuở...”

Mong manh hoa tuyết được khởi thảo từ năm 1942 nhưng bị gián đoạn đến năm 1946 mới hoàn thành. Xuyên suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết là tâm tư của những người phụ nữ trước sự chuyển mình của thời đại, khi mà văn hóa Tây dương từng bước len lỏi vào mỗi gia đình. Bước đầu tôi khá chắc chắn rằng mình bị nhầm lẫn vì có vẻ như câu chuyện được kể dưới góc nhìn của chị hai - Sachiko, người đứng đầu nhà phụ ở Osaka và đây cũng là nhân vật chính của truyện thế nhưng không như tôi nghĩ, đây là điểm nhìn của chính tác giả, như ông đang sống ở thời đại ấy, có quen biết một trong số những nhận vật hoặc tất cả bọn họ, để rồi từng người một bị bóc trần, bị phơi bày không thương tiếc dưới một ngòi bút đầy tính trữ tình.

Câu chuyện được nhắc nhiều hơn cả lại là việc lấy chồng của Yukiko khiến tâm tư sâu kín của Sachiko không phút nào được thanh thản, cô vừa muốn em gái có mái ấm riêng vừa không lỡ xa khi nghĩ đến cảnh liệu ngày này năm sau có còn được đi ngắm hoa cùng em gái. Sachiko được khắc họa là một người phụ nữ tinh tế, đẹp lộng lẫy, có vẻ không giỏi việc nhà lắm nhưng sống động, có linh hồn. Trong khi Yukiko chẳng đóng vai trò gì trong truyện, một nhân vật nhàn nhạt, thụ động, không có chính kiến, cảm giác như cô để cuộc đời mình theo sự sắp đặt của người khác, không phản kháng, cũng chẳng ủng hộ. Còn em út Taeko có lẽ là người hiện đại nhất trong bốn chị em, tươi trẻ, hoạt bát, xông xáo – đại diện cho tương lai. Cuối cùng là chị cả Tsuruko lại đại diện cho người phụ nữ truyền thống, yếu đuối, lệ thuộc gia đình.

Lật giở từng trang thấy Tanizaki tiếp cận những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống của bốn chị em từ vết nám trên mặt của Yukiko cũng lo sợ nhà chồng tương lai để ý, chuyện chọn Obi (khăn thắt lưng) hay tiêm B, hôm nay mặc gì… những việc nhỏ nhặt như vậy nhưng bằng nghệ thuật kể chuyện tài tình, Tanizaki vẫn làm cho mọi thứ trở nên thuyết phục, không hề nhàm chán.

Một câu chuyện hấp dẫn thường giữ được độc giả đến phút cuối nhờ vào những kịch tính nghẹt thở, những biến động trong cuộc sống của nhân vật. Tuy nhiên, với Mong manh hoa tuyết lại là cuốn sử thi nhẹ nhàng, không rõ cốt truyện, chỉ thuần túy tập trung vào những biển chuyến nhỏ nhặt, tiểu tiết trong đời sống không mấy biến cố nhưng lại trữ tình, là sự rụt rè của nữ giới khi họ đang từng bước lật giở những trang đời mình… đầy mê hoặc.

 

                                                                        -Hết-