bởi Eirlys Agnes

99
16
1054 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

OS3 - [Review] Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh


Thanh xuân cũng giống như những giai điệu của một bản nhạc, có nốt thăng, có nốt trầm, cũng có những nốt luyến láy để rồi đọng lại trong lòng người nghe những cảm xúc khó tả. Có người sẽ hát lên giai điệu tuổi trẻ hồn nhiên, sôi nổi. Có người lại ru tuổi trẻ với những mảng màu u tối và lặng lẽ. 

Với lối viết giản dị mộc mạc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết lên một khúc ca hoàn hảo về khung trời tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ. Tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" kể về những năm tháng niên thiếu của anh em Thiều và Tường cùng với những người bạn thuở ấu thơ sống trong một làng quê nghèo khổ. 

Từng câu chuyện được kể lại một cách chân thật và giản dị. Như cuộc sống nghèo khổ của gia đình nhà Thiều. Như những trò chơi đơn sơ của đứa trẻ làng quê. Như mối tình vụng trộm của chú Đàn và chị Vinh. Như cuộc sống khó khăn của Mận. Tất cả mọi thứ như gợi lại trong lòng người đọc một khung cảnh làng quê tuy nghèo khổ nhưng yên bình, tuy mộc mạc nhưng thú vị. 

Xuyên suốt từ đầu tác phẩm, Thiều luôn là nhân vật được khắc họa rõ nét nhất, tuy vậy nhưng những nhân vật khác cũng không hề “lép vế” mà ngược lại, từng chi tiết đều được tác giả chú trọng và chăm chút một cách hoàn hảo. 

Từ đầu tác phẩm, chúng ta có thể nhìn thấy Tường dường như là đại diện cho một đứa trẻ với trái tim thuần khiết, nhân hậu và biết suy nghĩ cho người khác, với lòng tốt vô bờ bến. Hình ảnh này được thể hiện qua từng hành động của Tường khi mà luôn giúp đỡ và nghĩ cho Thiều - anh trai của mình. Dù cho có ra sao, Tường vẫn không than vãn hay trách móc anh nửa lời. 

Khác với Tường, Thiều đại diện cho những cảm xúc thật nhất của một đứa trẻ ở độ tuổi thiếu thời. Bốc đồng và ích kỷ hơn. Tuy vậy nhưng sau tất cả, Thiều đã nhìn lại được những lỗi lầm trong quá khứ mà thay đổi bản thân mình. Suy cho cùng thì Thiều vẫn chỉ là một đứa trẻ với những suy nghĩ ngây ngô, thuần khiết mà thôi. 

Qua ngòi bút tài hoa của tác giả, ta có thể dễ dàng cảm nhận được sự ngại ngùng, lúng túng, đôi khi lại có chút hờn ghen của Thiều dành cho Mận - cô bé có tuổi thơ đáng thương khi mà cha của cô mắc căn bệnh Phong, bị người người xa lánh để rồi phải trốn lên căn gác xập xệ. 

Từng chương một trong tác phẩm đều là những câu chuyện giản đơn, mộc mạc xoay quanh ngôi làng tuy nhỏ mà giàu tình yêu thương. 

Sự ngây ngô sợ hãi của Thiều và Tường khi nghe kể chuyện ma. 

Sự háo hức của Thiều khi biết về hoa tay.

Sự lo lắng Tường khi bị thầy Nhãn phát hiện làm “chim xanh” cho chú Đàn và chị Vinh.

Sự tò mò của Thiều khi biết về “truyền thuyết xóm Miễu”. 

Càng đọc, ta càng cảm thấy những thứ tình cảm tuy mộc mạc mà chân thành của con người dành cho nhau. Tình cảm gia đình luôn được đề cao lên trên hết như tình anh em gắn kết của Thiều và Tường, sự hy sinh cao cả của bác Tám Tàng cho đứa con bị bệnh tâm thần nghĩ mình là công chúa và sự nhẫn nhục chịu đựng, lo lắng cho gia đình của người cha bị nghi ngờ mắc bệnh phong. Tình làng nghĩa xóm hay tình cảm thuần khiết tuổi học trò cũng được nhấn mạnh trong tác phẩm. 

Vậy nhưng câu chuyện không mang lại cảm giác nhàm chán khi có những chuỗi tình tiết thắt nút, gỡ nút hài hòa. Đỉnh điểm là khi căn gác nhà Mận bốc cháy, cha của cô bị phỏng đoán là đã chết cháy. Cho đến khi mà Thiều phát hiện ra xương chú chó chết đã lâu của nhà Mận - con Vện biến mất. 

Sự ghen tỵ của Thiều lúc thấy Mận và Tường thân thiết với nhau đã được đẩy lên cao trào khi mà Thiều bị sự tức giận “nuốt chửng” rồi lấy cây gậy đánh chó quất tới tấp vào lưng Tường. 

Thế nhưng khi đóng quyển sách lại, tình tiết đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất là khi Tường vượt qua nỗi đau về thể xác mà chạy đến bảo vệ Nhi - cô em gái mắc căn bệnh tâm thần vì tai nạn năm xưa. Cái cách ông Tám Tàng yêu thương đứa con gái của mình khi mà để cho nó sống trong một thế giới mộng tưởng của riêng nó, bảo vệ nó khỏi sự trêu chọc của đám trẻ khiến người đọc không khỏi suy ngẫm về tình phụ tử thiêng liêng.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bao giờ cũng vậy, luôn để đọng lại trong tâm trí người đọc những cảm xúc khó tả. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ẩn chứa rất nhiều thông điệp mà khó có kể diễn tả ra được thành lời. Nhưng thông điệp cao đẹp nhất có lẽ vẫn là tình người, trong lúc mà xã hội phát triển, ai ai cũng bận bịu với cuộc sống của riêng mình thì những điều nhỏ nhặt đã bị lãng quên. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ cho chúng ta thưởng thức những bản nhạc của tuổi thơ đẹp đẽ mà còn rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh về giá trị cao đẹp của tình người. 

Giữa cuộc sống bộn bề, có bao giờ bạn đủ thời gian để nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình chưa? Tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có lẽ sẽ giúp bạn gợi nhớ lại bản nhạc êm ái nhất đời người đó. 

“Ngồi im trong gió nghe đêm rớt

Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh.”