112
14
2355 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Phận gái, phận trai


Nhiều lúc cũng hơi ủ dột.


Những chặng mưa chưa bao giờ dứt trên con đường trầm thăng của người tánh nết nhu mì. Văn là vậy. Từ lúc sanh ra Văn đã vậy.


Người ta nghe tên Văn, tưởng là con trai, nhưng trớ trêu rằng thị là con gái. Cũng má đào môi thắm, cũng mặt trắng tóc tơ như bao gái khác trong làng, nhưng thị lại được cái tên Văn. Thi thoảng rảnh chuyện đồng áng, thị ngồi hát trêu rằng:


"Làm trai phải có gan lì

Nấp trong xó bếp làm gì nên thân."


Ngoại thị nghe thế, ban đầu băm bổ chửi, chửi riết chửi mãi, mà thị cứ cười xòa như chẳng chuyện gì lớn. Về sau thị nên khôn, dường như chán chửi, ngoại cũng lẩm nhẩm mấy câu ca:


"Gái đâu có gái lạ lùng

Tên Văn mà khéo vẫy vùng một phen."


Mỗi lần như vậy, Văn chỉ cười.


Thị cũng đã mười tám, ngoại thầm nhủ, tầm này cưới gả là tròn duyên. Ngoại càng nghĩ lại càng thấy thỏa đáng, mới gạn hỏi xem có ưng ai trong làng không. Văn chớp mắt nhìn ngoại, cười mà có gì đó hơi buồn: "Dạ không..."


Ngoại cứ thẩn thơ nghĩ ngợi, chẳng biết nghe lời thị nói hay chăng, nhưng từ dạo ấy bà bắt đầu để tâm tới lũ trai đến tuổi kén vợ. Những câu chuyện chiều chiều của hai bà cháu dần xen mấy lời bình phẩm:


"Thằng Tuấn làm ở xưởng, trông khỏe khoắn mà cũng hồn hậu lắm."


"Thằng Huy thì... không được", bà cụ tặc lưỡi, "Tau thấy nó suốt ngày lêu lổng với mấy đứa con gái, mốt gặp thì tránh xa ra, nghe chưa?"


Đợi Văn vâng dạ, ngoại lại suy xét: "Ông Hải ấy, cũng có thằng cu ngoan hiền mà mặt mũi sáng sủa lắm... tên gì nhỉ... ừ, Thầm. Năm ngoái nó mới mua xe. Nhưng tau nghe là chuyện nhà đó chẳng an ổn mấy, cô con gái ổng yêu một đứa nghèo kiết xác."


"Ngoại!" Văn ngắt lời, "Mình ăn cơm, nghen?"


"Ừ xơi cơm, nguội ăn hổng có ngon."


Văn gắp miếng cá bỏ vào bát ngoại, cười rồi lại thở dài. Mắt ngoại đã đục ngầu, nhìn chẳng rõ nữa, ăn hay bị văng nước ra. Mà kể không có mắt cũng lắm bất tiện. Hôm đêm khuya, ngoại mắc đi vệ sinh gọi thị, thị tới trước giường mà ngoại la toáng: "Ai vậy?" Văn lại thở dài, nhẹ nhàng bảo: "Con nè ngoại."


Xẩm tối có khách tới chơi nhà. Văn đâm ngạc nhiên, rồi thị nhớ ra hôm nay là Trung thu. Cô gái đứng ngoài cửa, bẽn lẽn bảo:


"Cũng biết nhà c... chị chẳng có trẻ con, nhưng dầu sao mấy ngày thế này cứ có bánh cho vui cửa vui nhà. Văn nhận giùm cho tôi vui, nhé."


Văn mỉm cười cảm ơn, cô gái lại đỏ mặt. Gái làng cứ dễ ngại ngùng như thế. Thị thầm nghĩ, "gái làng" - tính luôn cả thị, thói quen bao năm nay đã là vậy. Rồi thị lại thở dài, ngước trông lên cao, trời chưa tối hẳn mà sao trăng tròn quá. Tròn vành vạnh thế làm thị đâm hoài niệm, hành động cũng túc tắc đi ít nhiều.


Thị đem bánh vào bếp cắt thành bốn nửa, bà cụ đang gật gù trên trường kỷ trong nhà. Không nỡ gọi bà dậy, thị ra ngoài sân, trải chiếu trúc ngồi ngắm trăng. Một mình thị. Thị nằm ngửa ra, đầu gối lên tay, lại thở dài. Đời người ngắn chẳng tày gang, mà sao cứ để nỗi buồn treo trên mi mắt? Người hay thở dài như thị chắc chẳng có mấy.


Chắc từ ngày em thị mất đi, thị mới thành ra như thế: cứ cười rồi thở dài. Riết cũng đâm quen, mà đã quen là khó bỏ, nó ăn sâu bám rễ như một mầm cây cứng cỏi mọc trên mảnh đất hoang sơ. Em thị y đúc thị, nhưng nó hay cười hơn, và cười thật lòng hơn. Nó bảo nụ cười thị là nụ cười buồn. Buồn hay không Văn chẳng biết, nhưng thị giận cái nụ cười đứa em cứ ám ảnh và bấu víu giấc mơ thị bao năm nay, chẳng khi nào nguôi ngoai được. Nụ cười đứa em...


Thị giật mình mở mắt. Trăng đã lên cao, vằng vặc. Trong nhà có tiếng động, chắc bà cụ đã tỉnh. Thị ngồi dậy thu chiếu vô nhà, nhưng đến cửa thì lại thôi, đứng tựa đó. Ngoại đang loay hoay xỏ guốc gỗ dưới chân. Mảnh trăng chênh chếch đậu trên vầng trán nhăn nheo, thị nhẹ giọng: "Ngoại ơi."


Ngoại ngẩng lên, nhìn quanh quất và lơ đãng hỏi: "Mầy đứng đâu đó?"


Văn phì cười, ngâm nga:

"Ông giẳng ông giăng

Xuống chơi với tôi

Có bầu có bạn

Có ván cơm xôi

Có nồi cơm nếp

Có tệp bánh chưng

Có lưng hũ rượu

Có chiếu bám dù..."


Tự dưng ngoại ngẩn ra, ngân ngấn nước mắt. Một chốc, ngoại hỏi: "Nay là ngày giỗ thằng Thi phỏng?"


Văn im. Lâu sau đó, rất lâu, Văn mới khe khẽ bảo: "Vâng."


"Mầy đốt cho anh mầy nén nhang, cúng miếng bánh, để nó đỡ buồn tủi..."


"Vâng."


Văn thắp hương cho Thi, mắt xa xăm về chuyện cũ. Ngày ấy nhà nghèo, chỉ dựng tạm bợ bằng mấy cột gỗ cũ, mái lợp lá cọ. Trong căn nhà bé như ngón tay cái ấy là tất cả thuở thơ của Văn. Nhưng một hôm, nó đột nhiên bốc cháy. Chuyện đã lâu, Văn chẳng còn nhớ rõ lý do gì, Văn chỉ biết mình mất đi gia đình và đứa em thân thương nhất.


Ngẩn ngơ chùi tấm ảnh, Văn im lặng ngắm em. Thi đang cười rạng ngời, ở độ tuổi trăng tròn, con bé đẹp nhất nhì làng. Cũng má đào môi thắm, cũng mặt trắng tóc tơ… Văn nhớ tới những khúc ca đêm hè văng vẳng, dân làng tụ với nhau. Ngày ấy cha mẹ còn, Thi còn, hội mùa vui như lễ. Con bé nhảy chung quanh những cô gái trong làng. Văn vuốt mặt kính, như vuốt đôi má đào, vuốt sợi tóc tơ mượt mà của Thi, và cũng như Văn vuốt lên gương mặt mình.


Thi và Văn y đúc nhau, như hai giọt nước, như đôi hạt cát. Ngoại đã già, mắt bị bỏng nặng trong trận lửa ấy, giờ nó đã kém chẳng thể phân biệt được.


Văn lại thở dài, rồi ngâm:

"Làm trai phải có gan lì

Nấp trong xó bếp làm gì nên thân..."


Giá mà chỉ thế thì đâu nên tội. Nhưng ngoại già, trí nhớ cũng kém, ngoại cứ nghĩ Thi là anh, Văn là em. Và người mất trong biển lửa ngày ấy là một đứa con trai, chỉ cô con gái còn sống.


Văn cười buồn. Văn lại thao thức, người ta cứ hoài thao thức về mấy chuyện vu vơ. Làng xóm nhỏ, quanh đi quẩn lại cũng chỉ việc đồng áng, cày cuốc, bấy nhiêu chuyện mà người ta cứ nghĩ riết nghĩ mãi. Tưởng như nghĩ được cho tới cuối cuộc đời, chẳng làm gì, nội việc nghĩ ngợi thôi cũng dằng dặc đủ hết một đời.


Trời đã hửng sáng. Văn không ngủ được, lại ngồi dậy, ra ruộng làm việc. Đằng xa đã thấy tốp năm, tốp ba người vừa đi vừa trò chuyện với nhau. Nghe loáng thoáng nhắc tới "ông Hải, con Thơ", Văn chững chân, nép mình sau tường ngõ.


Họ đi ngang qua, chỉ thấy xì xầm bảo: "Ừ, thằng Văn đấy. Mấy chị biết chuyện chưa?"


"Sao, chuyện gì?"


"Ông Hải giận lắm, ổng biết tụi nó thương nhau nhưng mà nhất quyết không cho qua lại. Con Thơ khóc hết nước mắt cũng kiên quyết không."


"Thì ai mà cho được. Nhà nó nghèo, lại nuôi một bà cụ. Nếu mà là tui, tui cũng chả chịu."


"Nhưng tánh thằng Văn chăm chỉ hiền lành, có thấy ai trong làng được như nó đâu, đúng không?"


"Hiền thì hiền chứ nghèo cũng bỏ. Mà năm nay thằng đấy nhiêu tuổi rồi nhỉ?"


"Hình như cũng hai mươi, hai mốt gì đó rồi. Tầm này cưới vợ là vừa. Nhưng kể cũng quái thiệt, cái bà cụ đó, tui thấy cũng minh mẫn mà sao chẳng giục chi cháu chuyện dựng cửa dựng nhà?"


"Ai biết đâu. Mà tui nghĩ bả không sáng suốt nữa, cái này là nói thiệt. Bữa thằng Văn giúp tui dắt con trâu về, ông tướng nhà tui ham chơi quên trâu, nên tui mới làm tí xôi đem qua cảm ơn. Biết bà cụ nói gì không?"


"Nói gì?"


Tiếng người phụ nữ hạ thấp rõ rệt:

"Bả bảo: Con Văn nhà tui cũng mười tám mà có giỏi giang gì đâu. Chị biết ai thì giới thiệu cho cháu nó làm quen."


"Trời, thế là bả… khùng hả?"


Nghe tới đó, Văn đi ra khỏi chỗ khuất, mấy bà cô im bặt. Chẳng ai nói năng gì.


Anh điềm nhiên mỉm cười: "Mấy thím ra đồng đó ạ? Sớm quá."


Và những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Họ giục nhau đi làm việc cho kịp giờ.


Nhưng những lời bàn tán có khi nào dừng lại vì làm phiền muộn một ai. Văn biết là chẳng thiếu người chỉ trỏ sau lưng, mà anh cũng kệ. Anh cứ làm theo nhịp độ mình, thi thoảng, lòng trống vắng thì anh nhớ về Thơ.


Ngày anh quen Thơ là hôm trời nắng gắt, Thơ ra đồng đưa cơm cho người làm. Thấy anh mồ hôi nhễ nhại, cô gái bảo: "Này!"


Văn ngẩng lên. Trông mặt anh, tự dưng Thơ đứng thẫn ra, rồi đâm bẽn lẽn:

"Có uống miếng nước không, tui cho."


Văn cười cảm ơn. Chắc do trời nắng quá, nên má Thơ cũng ửng như say. Từ dạo đó, cứ dăm hôm một lần, Thơ lại ra đồng đưa cơm, lần nào cũng phần anh một thứ: khi là quả trứng gà, lúc thì cái bánh đa, rồi miếng nước ngô ngọt mát. Văn cũng lựa lời chối từ, nhưng Thơ ngang lắm, một hai bắt anh phải nhận.


Thơ bảo:

"Đằng ấy đừng thế, gặp nhau là duyên. Tui cho thì cũng nào đòi lại gì."


Văn lại thở dài, cái từ duyên khó đoán lắm, biết là duyên phận hay duyên trái ngang? Trong mắt Thơ luôn lấp lánh những ngôn từ âu yếm. Văn chẳng dứt được, rồi anh cũng nhận cái chữ tình trời cho. Thơ thích ngắm anh, ngắm cả ngày chẳng chán, thích gỡ chun buộc, để tóc anh xõa ngang vai và lùa tay vào đó. Thơ hay hát anh nghe, những lời ca thân thuộc mà phút chốc Văn không nhớ mình đã nghe ở đâu.


Thấy anh mải mê ngẫm ngợi, Thơ trêu rằng:

"Trai gì da trắng tóc tơ

Người ta chẳng gọi quả mơ giữa hè."


Văn cũng đáp lại:

"Gái gì đã lẻ tuổi trăng

Mà sao chẳng thấy ông giàng xe duyên."


Thơ ngúng nguẩy bảo:

"Nào! Đầy người tới hỏi tui đấy. Nhưng tui còn chờ người ta rước."


Văn cố ý hỏi: "Thơ chờ ai?"


Thơ vuốt má Văn, dịu dàng bảo: "Chờ người da trắng tóc tơ."


Nhưng Văn không thấy đôi mắt Thơ lúc đó. Ngày qua tháng lại, giấy không gói được lửa, rồi lời trêu đùa cũng thành đồn thổi. Ông Hải giận lắm, hôm ổng biết chuyện, cả mấy nhà chung quanh đều nghe được tiếng gầm. Từ nhỏ Thơ đã ngoan ngoãn nghe lời, ai cũng khen hiền dễ bảo, thế mà chẳng rõ lẽ gì lần này lại cương quyết tới thế.


Ông Hải kệ, sắp xếp làm mai cho con với một quý tử nhà phú hộ làng bên. Thơ khóc hết nước mắt, mới xin được cha cho gặp Văn lần cuối, dưới sự trông nom của người làm trong nhà. Họ lặng lẽ nhìn nhau, chẳng ai nói gì.


Thơ đặt lên mặt bàn một hộp gỗ, nhẹ giọng hỏi: "Đằng ấy biết rồi, phải không?"


Văn gật đầu. Thơ mở hộp, trong đó là một nắm tóc buộc gọn, với những phong thư đã ngả màu. Thơ vuốt ve viền gỗ mãi, tưởng như vuốt cho đến khi mai một đi, rồi đẩy qua chỗ Văn:

"Nay em trả cho đằng ấy. Em đi lấy chồng."


Văn vẫn gật đầu, không nói năng gì. Anh ứa nước mắt. Văn ra đến cửa, Thơ đột nhiên nức nở từ sau:

"Em đi lấy chồng, Thi ơi."


Nước mắt Văn chẳng ghìm được nữa, nó trào ra như bờ đê. Thế là anh bật khóc. Những chuyện anh ngỡ lừa mình được, nay hiện lên mồn một trước mắt. Thơ chẳng nhớ đâu, rằng hai người đã gặp nhau lâu lắm rồi, từ những ngày Thi còn sống.


Hôm chạm mặt ở hội mùa ấy, Văn thấy tim mình đập loạn nhịp. Văn biết mình trót thương Thơ. Nhưng ngày đó anh còn chẳng dám bày tỏ, thì nói chi bây giờ túng khó. Run rủi thế nào họ lại gặp nhau, sau 4 năm Thi mất. Ngày ở ruộng, Văn mới là người thấy Thơ trước tiên. Anh cố ý xuất hiện. Thế mà Thơ như mất hồn, cứ nhìn chăm chăm vào gương mặt anh, như nhìn điều gì thân thương lắm.


Lúc nói lời yếm âu, Thơ cũng trông vào mặt, như nói Văn nghe, lại như nói ai nghe. Thơ thích lùa tay vào tóc anh, thích hát những bài xưa Thi hay hát. Văn đã hiểu, mà giả như không hiểu. Họ bên nhau ngày ngày với những nỗi ưu tư riêng riêng, biết mà lừa rằng mình chẳng biết.


Mà giờ đây thì chuyện cũng đã ngả.


"Em đi lấy chồng, Thi ơi."