157
8
1769 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[Review] Lang Tâm Hồ Tình


Tác phẩm: Lang tâm hồ tình

Tác giả: July D Ami (Hạ Dương)

Thể loại: cổ đại, sư đồ luyến

Reviewer: Truy Quang

_____

"Lang tâm hồ tình"  là một truyện cổ đại, nhưng không dựa trên lịch sử hay truyện cổ tích, chỉ thuần túy là tác phẩm được tạo ra bằng trí tưởng tượng của con người.


Đọc chương đầu tiên, tôi cũng giống như Lưu sư phụ, tưởng rằng Vân Đình là một cậu nhóc được bầy sói nuôi lớn. Bởi vì chị Ami không viết truyện yêu đồng tính, nên để thành đôi với một cậu nhóc, Lưu sư phụ phải là nữ giới. Tôi đã giữ nhận định này mãi cho tới khi Lưu sư phụ phát hiện Vân Đình là con gái, và sự thật thì Lưu sư phụ lại là  một người đàn ông, suýt nữa thì tôi cũng đã tru lên, chị thật giỏi lừa bịp người ta, đem tôi xoay đến mức đầu cũng quay mòng mòng. 


Nhìn tổng thể, "Lang tâm hồ tình" chưa có bước đột phá nào quá lớn. Cốt truyện và tình tiết vẫn hơi thông dụng, nhất là cảnh tương tác giữa người và cô bé được bầy sói nuôi lớn. Tôi nhớ là trong Tân Thần Điêu Đại Hiệp, Hoàng Dược Sư cũng đã nuôi nấng và chăm sóc "bé sói" Mai Siêu Phong trở thành   đồ đệ của mình. Nhưng dù đã có những lối mòn, chỉ cần thay đổi ngôi kể, thay đổi giọng văn và biến đổi một số tình tiết là đã trở thành một tác phẩm mới. Vậy nên tình tiết cũ kĩ này cũng không ảnh hưởng mấy đến việc tôi thưởng thức tác phẩm.


Vẫn là giọng văn thuần cổ đại, mượt mà như nhung đan cài cả nét mộc mạc rất riêng. Tác phẩm có sự tiến triển nhanh chóng của tình tiết giống với truyện ngắn, lại có sự chăm chút miêu tả tỉ mỉ như truyện dài. Đọc một vài lời góp ý, tôi thấy người ta khuyên chị nên tiết chế việc miêu tả, vì dù rất hay nhưng nó khiến dung lượng tác phẩm trở nên dài hơn. Tôi không đồng ý với quan điểm này cho lắm, bởi trước khi đặt bút viết, chị từng chia sẻ rằng đã làm nền móng và sườn cả cho tác phẩm, bao gồm bìa, tiêu đề truyện và cả tên chương. Vậy nên việc tác phẩm có đến tám chương không phải phút sa đà vào miêu tả dẫn đến phải cắt thêm vài chương nữa, mà là đã được dự đoán trước. Có lẽ, không chỉ hình dung trong đầu về mở màn và kết thúc của tác phẩm, mà chị cũng đã nghĩ sẵn những gì sẽ xảy ra trong từng chương, sau đó mới bắt đầu viết. Khả năng nắm bắt và kiểm soát tình tiết có chị rất tốt, hoàn toàn trái ngược với một đứa tùy ý như tôi.


Để ý thấy bao giờ viết truyện cổ đại, văn phong của chị đều nhuốm một màu gì đó có vẻ man mác buồn. Và trong ba tác phẩm cổ đại của chị mà tôi đã đọc, bao gồm "Mộng Hoa Đào", "Chuyện nàng Mỵ Châu" và "Lang tâm hồ tình", đều được kể dưới ngôi thứ nhất. Không biết là ngẫu nhiên, hay do chị cảm thấy viết truyện cổ đại nên khai thác nội tâm nhân vật nhiều hơn mới có thể làm bật lên cao trào, bởi vậy mới chọn cách viết này. Nhưng tôi thấy được, quả thật khi sử dụng ngôi thứ nhất, những độc thoại nội tâm, suy nghĩ, trăn trở và những dự định không muốn nói ra đều được trải đều trên những con chữ. Mà ở tác phẩm này, bốn chương "lang tâm" được kể dưới góc nhìn của Lưu sư phụ, bốn chương "hồ tình" lại được kể dưới góc nhìn của Vân Đình. Như vậy, độc giả vừa có thể hiểu nỗi bất đắc dĩ của Lưu sư phụ, vừa dâng lên nỗi đồng cảm cho sự đợi chờ  của Vân Đình. Bởi trong tình yêu, hai bên đều ngang tài ngang sức.


Cốt truyện vấn vít tình tiết có vẻ cũ kĩ đã dần bị bỏ lại phía sau, diễn biến truyện càng ngày càng không thể đoán trước. Như cái cách Lưu sư phụ bị hóa người sói mỗi đêm trăng rằm, hay sự thấu hiểu của Vân Đình trước tình cảnh của ông, hoặc cái chết bất ngờ của Lưu sư phụ trong vòng vây quân lính, hay là sự bất lực đến tột cùng của ông khi vất vưởng bên cạnh Vân Đình trong tình cảnh là một hồn ma. Đến chương "lang tâm: kết", cả hai đều vùi vào giấc ngủ vĩnh hằng, đôi tim ngừng đập, chỉ còn vòng ôm chân thực mà ấm áp vẫn nồng cháy. Đến tận thời điểm ấy, Lưu sư phụ mới gọi thầm Vân Đình một tiếng "nàng" ngang hàng ngang lứa, chứ không phải cách gọi "con" khi còn là sư đồ. 


Nếu hỏi tôi trong bốn chương "Lang tâm", chương nào khiến tôi có nhiều suy nghĩ nhất, chắc chắn đáp án của tôi là chương kết. Dường như mọi tinh hoa của "Lang tâm", bao gồm sự chuyển biến tình cảm, từ cái nắm tay, cái chết, hay cái ôm cuối cùng trước khi xuống địa phủ đều gói gọn vào một chương.  Đây là chương mà cảm xúc của cả độc giả và nhân vật được đẩy lên cao trào, không còn những e dè trước thân phận sư đồ, chỉ còn nỗi lắng lo khi chẳng còn được ở bên nhau. Kiếp sau? Ai mà biết liệu có kiếp sau hay không? Vậy nên khoảnh khắc hai người họ ôm nhau ở cuối chương, tôi đã ngỡ đó là kết thúc. Nhưng chị không muốn mọi chuyện kết thúc trong đau buồn và chóng vánh như vậy, nên mới cho ra lò thêm bốn chương mang tên "Hồ tình".


"Hồ tình" vừa là bước ngoặt của truyện - đi theo một hướng hoàn toàn khác, vừa là sự chuyển đổi của Vân Đình khi từ một cô bé lớn lên giữa bầy sói, sau khi chết đi thì đầu thai làm một con hồ ly mang trên mình viên ngọc Nhớ giữ mọi kí ức của kiếp trước. Thêm vào đó, bốn chương cuối mới có sự lồng ghép bài hát vào truyện đúng như yêu cầu của đề event. "Họa tâm" vốn là nhạc phim "Họa Bì", chẳng hiểu vì sao khi kết hợp với "Lang tâm hồ tình" cũng vô cùng sít sao. 


Với những ưu thế trên, "Hồ tình" trở thành tâm điểm của tác phẩm, ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, dụng ý và cũng là cái kết thực sự của câu chuyện. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa hai phân đoạn "Lang tâm" và "Hồ tình", thì tôi lại thích "Lang tâm" hơn. Có lẽ vì tình cảm ở đó rất thuần túy, chỉ có hai người với nhau, dù cho đối mặt với nguy hiểm cũng nắm tay nhau cùng nhau đối mặt. Ngược lại, "Hồ tình" sở hữu những mâu thuẫn xoay quanh mối quan hệ tay ba đầy rắc rối. Những khó xử, ám toán, hờ hững hay lừa dối giữa người này với người khác khiến tôi không sao thích được. Thực ra tôi vốn là kiểu tác giả thích ngược nhân vật của mình, nhưng chỉ ngược thân chứ không ngược tâm. Tôi không thích nhân vật của mình hoài nghi lẫn nhau, càng không thích kiểu "vì anh không muốn tôi buồn nên mới nói dối gạt tôi". Tôi chỉ muốn dù có khó khăn trắc trở gì, họ cũng phải tin tưởng lẫn nhau, giao lưng cho nhau, và chiến đấu vì đối phương. Đó mới thực sự là tình yêu lí tưởng.


Tuy rằng quan điểm trái chiều, nhưng không thể phủ nhận rằng chị có cách xây dựng mâu thuẫn rất ổn, cũng biết cách chừa lại những cao trào để cuối cùng mới bật lên. Nhưng về cái kết, nó thực sự rất viên mãn, nhưng chưa thể thuyết phục và khiến độc giả hài lòng. Có lẽ cần cho Lưu Trí Khiêm chịu khổ thêm một chút nữa, thì mới xứng đáng với những tháng năm dằng dặc mà Vân Đình phải đợi chờ, ngóng trông. Bất kể ra sao, người lưu giữ những kí ức kiếp trước mới thực sự là người đau khổ. Vân Đình phải trả cái giá quá đắt, mà sự thứ tha của cô cho Trí Khiêm lại quá nhanh. Nên độc giả phần nào cảm thấy không công bằng cho nàng. 


Dù cái kết còn nhiều hụt hẫng, nhưng nhìn tổng quan thì "Lang tâm hồ tình" vẫn là một tác phẩm hay. Về mảng nhân vật, tất nhiên với ưu thế ngôi kể thì Lưu Trí Khiêm hiện lên rõ nét hơn ở "Lang tâm", còn đất diễn của Vân Đình lại là ở "Hồ tình". Nhưng bất kể là giai đoạn nào, độc giả đều có thể dễ dàng cảm nhận được tình yêu sâu đậm của cả hai, nhất là ở những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật.


Tuy nhiên, chị miêu tả kĩ ở những chi tiết khác, trong khi nhiều đoạn nội tâm nhân vật lại có phần sơ sài. Ở tác phẩm này, nếu hỏi tôi yếu tố nào có thể lấy đi tình cảm của độc giả, tôi sẽ không do dự mà trả lời là "nội tâm". Đánh vào nội tâm nhân vật cũng là đánh vào tình cảm của độc giả. Nhưng phần này thì chị làm chưa tới, vẫn còn thiếu một chút gì đó mới có thể tròn vẹn được, nên là tôi vẫn hơi hụt hẫng.


Giữa hai tác phẩm cổ đại là "Chuyện nàng Mỵ Châu" và "Lang tâm hồ tình", có lẽ tôi thích nàng Mỵ Châu hơn một chút. Nhưng tình tiết khiến tôi ấn tượng nhất lại nằm ở "Lang tâm hồ tình", khi mà Lưu sư phụ và Vân Đình chiến đấu bên nhau, chết bên nhau và buông câu hứa hẹn ngàn kiếp không quên cho kiếp sau. Nói chung là tôi thích cả hai tác phẩm, cũng khá hâm mộ vì tôi không biết viết truyện cổ đại :v cho dù viết cũng sặc mùi Trung văn. Sau này tôi sẽ thử viết xem sao :v

17/7/2019

Truy Quang

(@Dongvotam)