49
5
840 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[REVIEW] QUÁN GÒ ĐI LÊN – EIRLYS AGNES CPT


Tác phẩm: Quán Gò đi lên.

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh.

Review-er: Eirlys Agnes (El). 

=====

Nếu nói tuổi thanh xuân là bầu trời, thì những mối tình chính là đám mây...

Trên bầu trời có rất nhiều mây, nhưng khi nó đã trôi qua thì mãi không thể tìm lại được nữa…

Với chất văn nhẹ nhàng mà cuốn hút, chân thật mà sinh động, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng lên một câu chuyện đời thường với những tình huống dở khóc dở cười, tuy vậy nhưng vẫn không kém phần sâu sắc, còn xen lẫn một chút day dứt cho những mối tình thanh xuân đã lỡ.

“Quán Gò đi lên” là câu chuyện xoay quanh những cô cậu ở lứa tuổi đôi mươi phải xa quê để lên Sài Gòn làm việc. Họ làm ở một quán ăn bình dị chứa đầy hương vị của vùng quê xứ Quảng - quán Đo Đo. 

Tác giả đã khắc họa thành công con người của mỗi nhân vật, từ cuộc sống mưu sinh vất vả đến nhưng rung động thuần khiết bằng lối viết dung dị, chân thật của mình. 

Bối cảnh câu chuyện là quán Đo Đo, một quán ăn đơn sơ giữa phố thị phồn hoa tấp nập, luôn chứa đầy những thứ tình cảm cao cả, thuần khiết. Cách mà mọi người trong quán đối xử với nhau tựa như một gia đình, gắn bó, yêu thương, quan tâm nhau hết mực. Đối với những cô cậu phải xa quê một mình lên Sài Gòn lập nghiệp thì thứ tình cảm này vô cùng đáng quý. 

Những câu chuyện dở khóc dở cười bắt đầu khi mà Đo Đo là quán phục vụ món Quảng nhưng không có lấy một nhân viên người Quảng. Vì vậy cô Thanh chủ quán đã tìm đến Cúc - một cô gái người Quảng thật thà, ngây thơ nhưng lại có chút… ngốc nghếch. Cũng vì sự ngốc nghếch đầy đáng yêu đó mà khiến Lâm - cậu sinh viên “hụt”, làm chạy bàn ở quán đã phải lòng với cô.

Có không ít tình tiết khiến người đọc cười ra nước mắt như khi Lâm học tiếng Anh để giao tiếp với khách Tây nhưng gặp những sai lầm tai hại. Lâm nói những lời lãng mạn, ngọt ngào nhưng lại bị Cúc “phũ đẹp”. Hay chuyện Cúc đi mua lốp xe nhưng vì giọng nói xứ Quảng nên gặp không ít khó khăn. Tuy câu chuyện đơn giản nhưng lại khiến người đọc bật cười vì sự dí dỏm trong chất văn của tác giả. 

Mỗi câu chuyện ở quán Đo Đo bình dị, chân thật, lại có phần hóm hỉnh khiến người đọc không nhàm chán. Bên cạnh đó, tác phẩm này còn thể hiện lên tình cảm ấm áp như một gia đình của những con người xa lạ, không có máu mủ. 

Tác giả Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ khiến độc giả phải thất vọng khi mà tất cả các nhân vật đều được khắc họa rõ nét, không bị lu mờ. Mỗi nhân vật đều có cuộc sống riêng, nỗi khổ riêng, hoàn cảnh riêng mà người khác không thể thấu hiểu. Như cuộc sống nghèo khổ, khó khăn của gia đình Cúc dưới quê. Con đường tình duyên lận đận của Kim. Hay chuyện Cải thương thầm cô bé nhà bên rồi không khỏi đau lòng khi biết người ta đã có chồng con. 

Những vị khách quen của quán Đo Đo cũng góp phần khiến câu chuyện trở nên sinh động, thú vị hơn như bà Fanta, ông Tiger, ông Thịt Luộc Muối Tiêu, mỗi nhân vật đều để lại trong lòng độc giả những dấu ấn khó phai. 

Đóng quyển sách trên tay lại, cảm xúc đọng lại trong tôi là một chút gì đó hối tiếc, đau lòng. 

Hối tiếc cho ông Tiger khi tình cảm dành Kim mãi dang dở. 

Hối tiếc cho mối tình đơn phương không thể nói ra của Lan dành cho Lâm.

Và hối tiếc cho lời hứa chưa thể thực hiện của Lâm và Cúc khi mà cô phải trở về quê xứ Quảng để lo cho gia đình.

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bao giờ cũng vậy, luôn để lại trong lòng người đọc những cảm xúc không thể diễn tả thành lời. 

“Quán Gò đi lên” chứa rất nhiều thông điệp về tình người, tình yêu, tình bạn khiến người đọc phải suy ngẫm.

Sau khi nghiền ngẫm từng trang sách, trong đầu tôi luôn hiện lên một câu hỏi: “Liệu sau này Lâm có đi tìm Cúc hay không?”

Nhưng có lẽ tác giả không muốn tiết lộ câu trả lời mà để người đọc tự vẽ lên một cái kết theo trái tim của mình… 


“Mày làm ở quán Đo Đo, vậy mày có biết Đo Đo ở đâu không?”

“Dạ, biết chớ anh! Đo Đo ở quán Gò đi lên chớ đâu!”