5264
10
3712 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[Review] Thiên Hành Cửu Ca


Tác phẩm: Thiên Hành Cửu Ca

Ngoại truyện của Tần Thời Minh Nguyệt, nguyên tác Ôn Thế Nhân

Thể loại: lịch sử, cổ đại

Reviewer: Truy Quang


----


Ai có bảo tôi to xác mà cứ mê hoạt hình thì tôi cũng chịu, nhưng mà với nền công nghiệp làm phim hoạt hình xuất sắc với tạo hình nhân vật ngày càng đẹp mắt, kĩ xảo điện ảnh mãn nhãn, kịch bản được đầu tư công phu, cùng với mớ kiến thức lịch sử được lồng ghép qua lời thoại cao siêu thì phim hoạt hình đã chẳng phải là thể loại phim chỉ dành riêng cho con nít nữa rồi. 


Cơ duyên để tôi đến với Thiên Hành Cửu Ca thật ra cũng rất sâu xa. Tuy rằng nói Thiên Hành Cửu Ca là phiên ngoại của Tần Thời Minh Nguyệt, nhưng bản thân tôi lại chưa xem hết Tần Thời Minh Nguyệt cả bản 3D và người thật nên đây không phải là lí do lôi kéo tôi tìm hiểu nhiều hơn qua việc xem Thiên Hành Cửu Ca. Nguyên nhân sâu xa ở đây bắt nguồn từ... idol của em gái tôi.


Không biết ai đọc qua những dòng này có biết Hoắc Tôn không nhỉ? Biết anh từ chương trình Quốc Phong Mỹ Thiếu Niên của Trung Quốc, Hoắc Tôn có vẻ ngoài khá là "cổ" với mái tóc dài qua vai lúc thì búi lúc thì bới nửa đầu. Trang phục mà anh thường xuyên mặc khi xuất hiện trước công chúng toàn là đồ cổ trang, tuy không kì công giống như trang phục của diễn viên trong phim cổ trang nhưng cũng mang lại một màu sắc rất cổ, rất thư sinh. Khuôn mặt Hoắc Tôn khá là tròn, đôi khi tôi còn trêu anh có má bánh bao. Tuy nhiên, Hoắc Tôn có giọng hát cực kì khác lạ và thu hút. Có lẽ là mang tư tưởng gìn giữ cổ phong, nhạc mà Hoắc Tôn chọn hát luôn là nhạc cổ, đôi khi là hí khúc, cũng có khi là dân ca. Cũng có lúc anh được mời hát nhạc phim, và bài hát khiến tôi ấn tượng nhất của anh là Duy Mỹ - nhạc dạo đầu phim Thiên Hành Cửu Ca.


Ca từ, giọng hát, cả cảm xúc mang mác buồn khi giọng ca của Hoắc Tôn âm vang luôn khiến tôi có cảm xúc rất lạ. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa khiến tôi chọn xem Thiên Hành Cửu Ca, bởi vì phim khá dài mà tôi thì lại lười, nên cứ chần chừ ở mức xem tạo hình nhân vật. Sau này, tiếp tục nghe thêm một ca khúc nhạc phim tiếp theo là Họa Phong của Hậu Huyền - một ca sĩ tôi khá là thích nữa, thì tôi mới quyết định phải xem cho bằng được Thiên Hành Cửu Ca.


Đừng hỏi tôi vì sao quấn quýt lâu như vậy mới chọn xem, vì bản tính lười lẫn tật xấu xem phim kiểu gì cũng... tua khiến tôi ít khi nắm bắt được nội dung phim nên rất ít khi chọn xem một phim nào đó không phải chiếu trên TV. Đến tận bây giờ, khi đang trông chờ những tập tiếp theo của Thiên Hành Cửu Ca phần hai, tôi vẫn không biết lựa chọn xem phim của mình là đúng hay sai. Phim quả thật rất hay, kĩ xảo kì công cùng tạo hình nhân vật đẹp mắt khiến tôi không thể rời mắt. Nhưng khi xem phim tôi luôn không khống chế được tiếng thở dài, có lẽ vì tôi biết được kết cục bi thảm của từng nhân vật trong phim nên mới có cảm xúc đau buồn đến vậy.


Mặc dù cảm thấy từ này vẫn chưa bộc lộ được bản chất của Hàn Phi, tôi nghe cũng thấy nổi da gà nhưng cho phép tôi dùng từ "y" để thay thế danh từ Hàn Phi. Bởi vì ngoài từ này, tôi không biết gọi y với đại từ nào mới hợp. Tôi đã thử gọi hết các đại từ có thể thay thế mới dám cho ra kết luận này đó: ví dụ như từ "chàng", khỏi phải nói có bao nhiêu sến súa. Từ "hắn", ngoại trừ trường hợp đặc biệt miêu tả mấy lão đại như Tề Mặc này kia thì nghe cứ như vai phản diện. Hơn nữa tôi đã thử gọi Hàn Phi là "hắn, nhưng nghe rất lạ. Từ "anh" thì không hợp hoàn cảnh, chẳng lẽ người ta là người cổ mà mình gọi là anh? Từ "huynh ấy" đọc không thuận, cứ kì kì thế lào,... xem như "y" còn tạm chấp nhận được :v).


Ở đây, tôi chỉ muốn nói về nhân vật trong phim, mà ít nói đến thân phận của họ trong lịch sử. Tất nhiên ngoại trừ Hàn Phi, Trương Lương, Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng), và một số nhân vật khác, thì phần lớn nhân vật trong phim đều chưa xác nhận là có thật trong lịch sử, có thể họ đều hư cấu. Nhưng bất kể là phim dựa trên lịch sử nào mà tôi đã từng xem đều hư cấu nhân vật và tình tiết này kia, đếm bản chính truyện Tần Thời Minh Nguyệt cũng hư cấu, thì nói gì Thiên Hành Cửu Ca là một phiên ngoại dài? 


Những thước phim đầu tiên là về cảnh đối đáp của Hàn Phi và Tuân Tử - lão sư của mình ở Tang Hải. Là công tử của nước chư hầu Hàn quốc, Hàn Phi dường như rất rõ ràng về tình thế thất hùng phân tranh thời hậu Xuân Thu. Sau nhiều năm mài dùi kinh sử ở Tang Hải, Hàn Phi từ biệt lão sư và sư đệ Lý Tư để trở về Hàn quốc. Có thể thấy, ngay từ đầu thì nhân vật này đã được xây dựng là một người có cách hành xử láu cá, quái gở, một con bợm rượu luôn nằm ườn nốc rượu bất kể thời điểm, nhưng sâu bên trong lại là một kẻ có tâm tư linh lung, thâm sâu vô cùng. Lúc bình thường, Hàn Phi luôn mang lại cho người đọc cảm giác khôi hài với những trò đùa và cách ăn nói của mình. Nhưng một khi trở nên nghiêm túc, hai đầu mày không còn vẻ bỡn cợt và đôi mắt trở nên có thần thì như trở thành một con người hoàn toàn khác.


Thật ra cái kiểu tính cách mà bề ngoài ăn chơi cợt nhả che giấu bên trong nội liễm không phải lần đầu tiên tôi gặp. Chỉ là với Hàn Phi, tôi không cho rằng "buông thả" là y đang giả vờ. Ai cũng mang trên mình một nỗi sầu, có người buồn vì tình, vì tài, vì gia đình, vì bạn bè, tôi chẳng dám so sánh buồn của ai lớn hơn ai. Chỉ có thể chắc rằng nỗi buồn của Hàn Phi thực sự vô cùng to lớn, vì đó, là nỗi buồn cho thiên hạ. Có thể là như Vệ Trang đã nói, Hàn Phi thân mang tài hoa, nhìn thấy đất nước đang đà thối rữa mục nát, lại không thể lấy tài năng trác tuyệt ấy mà cứu lấy nước nhà. Chỉ có thể chôn giấu năng lực thực sự, ngày ngày uống rượu ở chốn phong hoa tuyết nguyệt. Nhưng cũng giống Hàn Phi trong một lần đã nói, y uống rượu không đơn giản vì uống rượu. Trong lúc uống, còn lôi kéo nhân tài, bàn bạc thế sự, lập nên mưu lớn, cũng có lúc là uống rượu mà xem một màn "kịch hay" do chính tay mình tạo nên. Bởi vậy mới nói, uống rượu là "tiện thể", chứ hoàn toàn không phải việc chính.


Tuy nhiên, tuyệt đối đừng tưởng rằng y không phải một con sâu rượu, mà thậm chí, Hàn Phi còn là một con nghiện rượu thứ thiệt. Dù là giấu mình ở Tử Lan Hiên mỉm cười bày thế trận, hay bị tính kế giam lỏng nơi Hoàng Cung cấm địa, Hàn Phi đều không thể thiếu được rượu. Cũng chính bởi vì lí do này, phần lớn các cảnh có mặt Hàn Phi đều là cảnh... ngồi uống rượu. Tất nhiên y là kẻ ngàn chén không say. "Bạn nhậu" thân thiết thường xuyên cùng Hàn Phi đối ẩm, hay nói đúng hơn là đầu não của tổ chức Lưu Sa, lần lượt là Vệ Trang, Tử Nữ, Trương Lương. Sau này còn có thêm Lộng Ngọc. 


Thực ra trong lúc xem Thiên Hành Cửu Ca, tôi cũng có tra mạng về một số nhân vật. Hàn Phi trong phim không giống với miêu tả của bác Gúc, nhưng tôi cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Thành tựu của y cũng khá to lớn, chỉ tiếc, sau khi bị Doanh Chính - Tần Thủy Hoàng mời đi Tần Quốc thì bị Lý Tư ghen ghét hại chết. Nhiều người cho rằng, nếu lúc ấy Hàn Phi không chết, có lẽ thành tựu của ông còn vĩ đại hơn nữa kia. Cái tên Hàn Phi có vẻ còn nhiều người chưa biết, nhưng với Tần Thủy Hoàng, chẳng lẽ chưa từng nghe? Một người như Tần Thủy Hoàng, chỉ đọc sách mà Hàn Phi viết đã có thể nhận định y là một kẻ mang trên mình "pháp" có thể thống nhất thiên hạ, và mời y về, thì giả thiết cho rằng nếu không bị hại chết Hàn Phi có thể còn nổi tiếng hơn Lý Tư, thậm chí là Trương Lương cũng không có gì sai. Chỉ tiếc, có giả thiết thêm nữa, hay có tiếc nuối bao nhiêu, thì cũng chẳng thay đổi được kết cục Hàn Phi chưa làm nên công đồ sộ đã bị hại chết.


Lịch sử là thế, phim, truyện hay bất cứ thành quả từ trí tưởng tượng của con người, dù có đưa hai chữ "thực tế" vào cũng không bao giờ có thể tàn nhẫn bằng lịch sử. Biết là vậy, nhưng tôi vẫn mong muốn rằng Hàn Phi - một Hàn Phi không phải kẻ được miêu tả bằng mấy ngàn chữ trên google, mà là Hàn Phi đang sống trong Thiên Hành Cửu Ca, sẽ không phải chấp nhận một kết cục như thế. Hàn Phi, khi nhắc đến cái tên này, tôi chỉ nghĩ đến một tên bợm rượu, vẻ mặt hài hước, tâm đủ rộng, tầm nhìn đủ xa. Mang trên mình dã tâm to lớn, dám can đảm phát ngôn: "Thiên hạ của thất quốc, ta muốn chín mươi chín phần". Sẽ có người cho rằng Hàn Phi xuất khẩu cuồng ngôn, ếch ngồi đáy giếng chưa biết cái to lớn của thiên hạ, chưa biết Tần quốc mạnh đến như thế nào, nên mới có thể phát ngôn như vậy. Nhưng, kẻ mạnh có ưu thế để tự hào, thì kẻ nhìn như yếu thế, bị động, nếu đủ cơ trí vẫn có thể lật đổ bàn cờ, đặt nên luật chơi.  Hàn Phi chính là kẻ nhìn như "nhược giả", nhưng đã ba bốn lần hất văng bàn cờ mà một kẻ mạnh như Cơ Vô Dạ cùng tứ hung tướng cất công bày ra.


Dù biết hi vọng mong manh, dù phim đã phát triển tới bước Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) sang mời Hàn Phi, tôi vẫn vớt vát chút niềm tin cuối cùng. Hàn Phi sẽ không chết, một kẻ có giao ước với "Nghịch Lân Chi Kiếm" - một kiếm linh bất cứ bao giờ Hàn Phi nguy hiểm đến tính mạng thì sẽ xuất hiện tương cứu, sẽ không thể dễ dàng chết như vậy. Nếu có chết, ít nhất, ít nhất y sẽ để lại thứ gì đó, lời nào đó. Dù sao thì, tôi tin rằng, Hàn Phi sẽ không chết vô ích.


Bàn về Hàn Phi, tất nhiên cũng không thể bỏ qua tuyến nhân vật còn lại. Tử Nữ là người đầu tiên được tôi nhắc đến. Không biết có phải trùng hợp, hay đầu óc tôi tự tưởng tượng lung tung, nhưng màu sắc trang phục của Hàn Phi và Tử Nữ đều là màu tím nha :)) y chang đồ đôi vậy đó. Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi tôi (và nhiều fan khác) đoán hai người này là một cặp. Tử Nữ tuy không phải nhân vật nữ đẹp nhất phim, nhưng lại gây ấn tượng mạnh vì một bên mắt có hình xăm rất độc đáo. Độc đáo ra sao thì tôi không miêu tả được, chỉ biết cho dù sau này Diệm Linh Cơ - mỹ nữ hàng đầu Thiên Hành Cửu Ca xuất hiệm thì Tử Nữ cũng không bị lu mờ.


Để đánh giá tính cách Tử Nữ ra sao, tôi vẫn là nhìn không thấu. Có lẽ, ấn tượng đầu tiên mà nàng ấy cho bạn sẽ gói gọn bằng hai chữ "lẳng lơ". Thân là chủ nhân của Tử Lan Hiên - thanh lâu đồng thời cũng là trung tâm tình báo của Lưu Sa. Cách xuất hiện của Tử Nữ ban đầu rất thần bí, sau đó, qua việc Trương Lương và Trương Khai Địa đến Tử Lan Hiên nhờ Hàn Phi giúp đỡ, cách đi đứng, nói chuyện của Tử Nữ đều khiến người ta liên tưởng rằng nàng rất lẳng lơ. Cho đến khi Tử Nữ dùng thanh kiếm Xích Luyện đánh tan quỷ binh, cứu Hàn Phi một mạng, thì có lẽ người xem mới có suy nghĩ khác. 


Vệ Trang xuất hiện, Trương Lương gia nhập, Lưu Sa dưới tay Hàn Phi dần dần được xây dựng, Tử Nữ được xem là một trong bốn trụ cột của Lưu Sa. Suy nghĩ tinh tế, làm việc cẩn thận, võ công thâm hậu tình báo khá ổn định, chính là những từ ngữ tiếp theo có thể dùng để miêu tả Tử Nữ. Và có lẽ, qua những lần bị Hàn Phi lấy danh nghĩa uống rượu mà dắt đi giúp y đánh đấm tránh tai họa, người xem đã dần nhận thấy Tử Nữ có xu hướng mềm lòng trước Hàn Phi. Dù đôi khi vẫn hay "hung dữ" với y, nhưng tôi cho rằng lúc này Tử Nữ đã nảy sinh tình cảm với Hàn Phi rồi.


Tất nhiên, tôi đã tìm qua mà không thấy, nên Tử Nữ chắc là một nhân vật hư cấu. Dù vậy, thông qua việc xem ngoại truyện ngắn Không Sơn Điểu Ngư thì Tử Nữ vẫn xuất hiện. Trong khi lâu lâu xem được vài ba phân đoạn của Tần Thời Minh Nguyệt 3D, lúc này Lưu Sa được lãnh đạo dưới tay Vệ Trang, thuộc hạ là Xích Luyện (Hồng Liên Công Chúa), Bạch Phụng,... thì không còn thấy Tử Nữ nữa. Tôi không cho rằng nàng ấy quy ẩn giang hồ hay làm những điều tương tự, nên kết cục của nàng cũng chỉ có một: chết. Có lẽ, là chết sau Hàn Phi không bao lâu.


Nói thật thì tôi vẫn thích Hàn Phi nhất, nhưng lâu lâu vẫn không kìm lòng được trước "thính" của Vệ Trang. Tạo hình đẹp, gương mặt nghiêm nghị, đặc biệt nhất là đôi mắt lạnh lùng cùng khí chất không lẫn vào đâu được. Vệ Trang khi về già, à không, cũng không thể nói là về già, chỉ có thể nói là khi nắm quyền Lưu Sa thì trông có vẻ "xí trai" hơn một tẹo, nhưng khí chất thì vẫn thế. Còn Vệ Trang bản người thật trong Tần Thời Minh Nguyệt, hết chỗ nói, mặt hoa da phấn, trên người không còn khí tức thâm trầm, chỉ có hận thù che mắt. Hận khí này là do ân oán với Cái Nhiếp mà thành, nói chung là tôi không tìm được điểm chung nào của Vệ Trang hai phiên bản, cũng không dám trách bản người thật khác xa tưởng tượng, nhưng sau này khi nhắc đến Vệ Trang thì tôi chỉ nghĩ đến Vệ Trang của Thiên Hành Cửu Ca, tóc ngắn màu trắng, đeo dây buộc đầu, khí chất thâm trầm lạnh lùng. Dù là Tần Thời Minh Nguyệt, tạo hình không khác là bao thì tôi cũng không nhớ mấy.


Ngoại hình và tính cách chắc mọi người cũng đã rõ được một hai qua phần miêu tả trên. Còn về võ công, Vệ Trang là truyền nhân của Quỷ Cốc phái, hay còn gọi là phái Tung Hoành. Tương truyền, khi tìm được người thích hợp thì, một luyện Tung quyền (?), một luyện Hoành quyền, sau này hai người giao đấu với nhau, ai thắng sẽ là tân Quỷ Cốc tiên sinh. Chỉ tiếc tới đời của Cái Nhiếp và Vệ Trang thì quy tắc này bị bãi bỏ. Trong Tần Thời Minh Nguyệt bản người thì Vệ Trang không phải truyền nhân của Quỷ Cốc phái, nhưng người xem đừng tin nha :v người ta thực sự là đệ tử chân chính đó. Các cảnh giao tranh của Vệ Trang với người khác khỏi nói có bao nhiêu mãn nhãn, quy lại, cả ngoại hình + tính cách + võ công, các bạn có thể hình dung thành một chữ duy nhất: "ngầu". Còn không thì "so cool" cũng tạm ổn nha. 


Mọi thứ về Vệ Trang hầu như đã rõ, tôi chỉ còn hai thắc mắc: thứ nhất, là xuất thân của y. Vệ Trang lúc dạy võ cho Hồng Liên công chúa đã có nói qua là y từ nhỏ đã ở trong tòa lãnh cung mà trước kia từng là cung điện của Trịnh Trang Công. Trùng hợp là điều không thể. Vậy y rốt cuộc là ai? Hậu nhân của tiền triều? Tính tới hiện tại thì tôi chưa đoán ra, bởi manh mối còn quá ít, mà nhà sản xuất lại không chịu spoil.


Điểm thứ hai, mục đích của Vệ Trang. Tôi không nghi ngờ mục đích của y cho tới khi Mặc Nha - thuộc hạ của Cơ Vô Dạ trong những cảnh gần cuối của phần một có nhắc đến mấy câu kiểu như nếu Hàn Phi biết được mục đích thật sự của Vệ Trang thì tình huynh đệ mong manh dựa trên lợi ích mà tạo thành của hai người liệu có còn nữa hay không. Điểm này làm tôi ngứa ngáy không thôi, nhưng tôi nghĩ, một khi biết được điểm hoài nghi thứ nhất, tức xuất thân của Vệ Trang, thì mục đích của y cũng sẽ dần được lộ ra.


Trụ cột tiếp theo của Lưu Sa - Trương Lương. Không tra thì thôi, hỏi bác Gúc một phát tôi suýt thì đâm đầu vào cột chết. Không ngờ Trương Lương lại là một trong mười quân sư tài giỏi nhất Trung Quốc, hơn nữa địa vị so với Gia Cát Lượng còn cao hơn. Vậy mà trước nay tôi không nghe được một tiếng gió nào luôn mới chết :v 


Tôi ngạc nhiên thứ nhất là trước kia chưa nghe qua danh họ Trương Lương, tiếp theo là vì xuất hiện trong Thiên Hành Cửu Ca, Trương Lương mới chỉ là "quân sư học việc", Hàn Phi mới thực sự là tâm điểm. Ấn tượng của tôi về Trương Lương vẫn là một con mọt sách không hơn, bởi vì kiến thức của y cũng vô cùng sâu rộng, hỏi điển tích điển cố nào cũng biết, chỉ cần tốn công tra sách cũng có thể suy ra vô số nghi vấn và đưa ra lời giải đáp. Nhưng, chỉ có như vậy. Có lẽ là bởi Trương Lương tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, suy nghĩ cũng chưa sâu bằng Hàn Phi. Tất nhiên, sở trưởng của Hàn Phi là phá án nên cách nhìn sẽ thâm sâu hơn, nhưng ánh mắt của Trương Lương cũng không hề tệ. Có lẽ là nhờ Hàn Phi dìu dắt, sau này mới có người cho rằng, Hàn Phi chết đi thì Trương Lương giống như một Hàn Phi thứ hai. 


Là một con người có thật trong lịch sử, chiến tích của Trương Lương xem thôi cũng đủ làm tôi hoa mắt. Nhưng có lẽ cũng chính bởi vì Trương Lương làm nên công trạng, tôi lại càng nhớ đến Hàn Phi chưa rạng danh đã chết sớm.


Thật ra muốn làm rõ nội dung truyện, tôi cần phải đi sâu hơn nữa về tuyến nhân vật. Nhưng tôi nghĩ, bốn người là đủ, nội dung tôi cũng không spoil nhiều. Chỉ cần biết rằng với bên phản diện tôi vô cùng ghét Cơ Vô Dạ là được. Vì sao ghét? Không phải vì ông ta đối đầu và gây nên không ít khó khăn cho Hàn Phi nên bị tôi ghi thù, mà chỉ đơn giản là một tên xấu xa như ông ta lại nghiễm nhiên chiếm mất hai mỹ nữ trong top là Hồng Liên - muội muội Hàn Phi, và Lộng Ngọc - người dưới trướng Lưu Sa. Hồng Liên, có thể xem như là ánh sáng duy nhất của Hàn Phi ở Hàn quốc. Mà Lộng Ngọc, quả thật giống với tên, là một viên ngọc quý mà Tử Nữ bao năm bồi dưỡng. Cuối cùng, hai người lại rơi vào tay Cơ Vô Dạ. Điểm chung không chỉ có thế, hai người còn nuôi ý nguyện ám sát Cơ Vô Dạ. Tiếc rằng, cả hai đều thất sách. Lộng Ngọc thì chết, Hồng Liên may mắn hơn, được Vệ Trang tương cứu và gia nhập Lưu Sa.


Một mối liên quan khác, cũng là ngoại truyện của Tần Thời Minh Nguyệt - Không Sơn Điểu Ngư, nói riêng về Bạch Phụng. Thiên Hành Cửu Ca thì chưa biết ra sao, nhưng xem cái kết của Không Sơn Điểu Ngư là tôi đã khóc đến chết đi sống lại rồi. Mặc Nha chết đi là một điều vô cùng đáng tiếc, nhưng tôi cũng rất khâm phục Mặc Nha. 

Kết ở đây thôi, dài quá rồi T-T