Samsara
Chuyện kể rằng có một người tiều phu rất nghèo, gia tài của chàng có hơn chi là cây rìu bằng sắt. Mỗi ngày, chàng lên rừng đốn củi và đem ra chợ, bán được đồng vào, mua một bữa ăn là hết đồng ra.
Một hôm, chàng đi sâu hơn nữa vào rừng và tìm thấy gốc cây đại thụ bên cạnh một dòng sông chảy xiết. Định bụng đốn được khúc này chàng sẽ kiếm được một bữa khá, nào ngờ cái cán gãy khiến lưỡi rìu mới vung lên đã văng xuống lòng sông. Chàng thẫn thờ ngồi sụp xuống. Thời khắc con nước há miệng và đớp lấy lưỡi rìu cũng là thời khắc chàng cảm thấy cuộc đời mình bị nhấn chìm bởi bàn tay số phận.
Chiều xuống, mặt trời lửng lơ treo trên những ngọn cây. Chàng cứ ngồi đấy không về. Mé rừng bên kia cũng là những cái cây mọc um tùm nghiêng ngả, đua nhau lên tận cao diệu vợi để đan thành một cái vòm trời tăm tối. Chúng lộn xộn và điên rồ hệt như những suy nghĩ trong đầu chàng lúc này. Nhưng hàng cây phía ngoài cùng thì như được bao phủ bởi một phép lạ, vì chúng trực tiếp chạm vào ánh mặt trời nên thân gỗ cây có màu vàng mật ấm áp. Chàng muốn khóc, nhưng chàng cũng muốn tìm kiếm một vẻ đẹp gì để neo đậu tâm trí vào, trước khi một suy nghĩ cùng quẫn đẩy chàng xuống.
Hình như dưới sông dòng nước có để quên một quả cầu rực lửa. Mặt trời đã xuống núi lâu rồi mà dòng nước sóng sánh vẫn để lộ ra những dải ánh sáng lung linh huyền ảo. Có cái gì đó đang trồi lên từ đáy dòng sông và trụ lại trên không trung. Chàng không tin vào mắt mình nữa, chàng đứng bật dậy và đến gần hơn để thám sát sinh vật kỳ lạ. Và chàng hoảng sợ hơn khi phía chói lòa kia chỉ là một giọng nói không có hình hài.
"Chàng trai trẻ, cậu hãy đứng trên bờ, nước của ta rất độc."
Những âm thanh vang lên ấm áp và dịu dàng như cái chạm vuốt ve nỗi đau của chàng vậy. Nhưng, ôi, nỗi đau, chàng vẫn còn nỗi đau kia mà. Sự xuất hiện của những điều tuyệt diệu làm sao có thể thay thế nỗi đau của chàng kia chứ. Chàng bắt đầu than khóc,
"Cái rìu của tôi ở dưới đấy, mà nước chảy xiết quá! Nó là nguồn sống của tôi, không có nó tôi sẽ chết đói! Bây giờ chẳng ai thuê một người như tôi hết, và ngoài đốn củi ra tôi cũng không biết làm gì! Không có nó thì tôi sẽ chết!"
"Nhưng cậu có thể nhờ dòng sông lấy giúp cậu lưỡi rìu mà. Chỉ cần cậu hỏi một cách lịch sự, ta sẽ tìm cho"
Chàng chưa hình dung ra thế nào là cầu xin một cách khẩn thiết, thì linh hồn của khu rừng đã lội xuống dòng nước và nhấc lên một cái rìu vàng và bạc.
"Đây, trả cậu, đừng lo nữa nhé!"
Chàng lắc đầu, "Hai cái rìu này đâu phải của tôi, của tôi bằng sắt cơ."
"Cái bằng sắt có giá trị gì đâu, sao cậu không cầm hai cái này về?"
"Nhỡ có người cũng đang đau khổ vì làm mất hai cây rìu này, khi nào họ quay lại thì Ngài hẳn đưa, phần tôi chỉ cần cái rìu bằng sắt để tự thân nuôi sống."
Cảm động trước sự ngay thẳng của người tiều phu nghèo, linh hồn của khu rừng đã trả cho chàng chiếc lưỡi rìu sắt và tặng cả chiếc bằng vàng, bằng bạc. Chàng cúi đầu cảm tạ nhưng Ngài đã biến mất cùng dòng sông.
Câu chuyện này rất nổi tiếng vì không ai biết liệu nó có thật. Người làng hay bảo nhau, chàng trai khi trở về đã để lại hai cây rìu quý ngay bìa rừng, nhưng sau đó chúng mất tích vì linh hồn đã lấy lại. Có người lại nghĩ rằng chàng đã đem chúng đi bán và sống sung túc cả đời. Nói chung là chuyện xảy ra đã quá lâu rồi nên người ta cứ tạm cho rằng đó chỉ còn là truyền thuyết.
Trong làng có một người con gái tên là Samsara. Nàng mười bảy, làn da ngăm đen và thân hình tiều tụy, khuôn mặt tuổi đương xuân nhưng giống như một bông hoa đã lụi tàn. Nhà nghèo, lũ cuốn cha năm mười một, sốt thiêu mẹ năm mười bốn, nàng sống chung với người ông lớn tuổi hiểu biết nhiều về những thần thoại nơi đây. Ông và những câu chuyện của ông là niềm an ủi dành cho Samsara tội nghiệp. Nhưng vào độ hai năm trước thì giấc mơ thần tiên vỡ nát. Ngay hôm thi chuyển cấp thì người ông qua đời, khiến Samsara cảm thấy như vừa trượt chân từ vách đá. Tang ông rồi, Samsara bỏ học. Đời nàng vốn sầu muộn nay lại càng tối tăm, mỗi khi nhắc tới chết chóc là Samsara rên khóc mà chẳng ai cản được. Làng có thương cũng xầm xì nàng bị nguyền rủa, hay là do Kế Đô chiếu mệnh nên chuyện tang tóc nhiều. Không gia đình, không nghề ngỗng, không còn gì bám víu, nàng thấy mình chơi vơi trong vũ trụ. Chẳng có gì đem đến cho nàng niềm vui được nữa.
Và Samsara nghi ngờ đất trời, đồng thời tin vào câu chuyện ba lưỡi rìu ông nàng từng kể.
Nàng muốn cuộc đời gỉ sét của mình được bắt đầu lại. Thế là nàng tiến vào rừng, nơi người làng đã bảo đừng ai đến kẻo lại phạm thần linh.
Xa quá bìa rừng, Samsara gặp một bầy chim. Chúng ríu rít hỏi:
"Này cô gì ơi, cô đi đâu thế?"
"Đến một dòng sông."
"Dòng sông nào thế?"
"Gần một gốc cây khổng lồ."
"Ồ, cô đến làm chi?"
"Tôi đi tìm."
"Tìm ai?"
"Tìm một tôi khác."
"Cớ chi lại ích kỷ như vậy hỡi con người kia!"
Con chim cảm thấy bối rối khi nghe Samsara nói vậy. Từ đời tổ tiên của nó đã dạy sự sống là chuỗi ngày tìm kiếm cái mặc cái ăn. Loài chim đã có cả bầu trời để không phải ngẩng đầu lên than thở, chúng biết rõ là trên những tầng mây chẳng có một ai đang lắng nghe, hoặc vì chúng không quan tâm mấy. Thật ra chúng cũng có nỗi buồn. Chúng sợ và căm ghét bọn thợ săn, chúng sợ và chán nản những ngày đói rét, hơn cả, chúng cũng biết sợ cái chết. Nhưng nỗi buồn thì ai mà chẳng có, vì nghĩ thế nên chúng cho rằng Samsara thật ngu ngốc và yếu đuối. Một kẻ đau khổ không thể có sự cảm thông cho kẻ khác.
Chúng bay đi và Samsara cũng chẳng màng.
Con đường phía trước có những bụi cây rậm rạp, Samsara có thể thấy một cành lá mềm dẻo và uốn lượn trên mặt đất. Không phải, đấy là một con rắn.
"Cô vào nơi này mà không sợ ư?", con rắn tò mò, nó đã đinh ninh chỉ có hai loại người không có gì bảo hộ mà dám vào chốn rừng thiêng nước độc: mạo hiểm và muốn chết.
"Phải, tôi tìm một dòng sông?"
"Có phải chỗ gần gốc cây to?"
Samsara gật đầu. Rồi nàng phải hoãn lại chuyến đi của mình để nghe con rắn tâm sự. Nó bày cho nàng đủ kiểu chết, và nó ca ngợi cái chết như là sự cứu rỗi tuyệt vời. Con rắn không hiểu được điều nó làm vì bản thân nó cũng đau khổ. Nó tưởng sự đồng cảm đấy có thể khiến người ta vui lên, còn mình thì giống người bị găm mười kiếm vẫn cứu lấy kẻ sắp rồi đời. Đó là mối quan hệ giữa một tên thương hại và một người tử đạo cùng đưa nhau đến cửa địa ngục. Càng nghe, Samsara càng thấy tinh thần mình yếu đi. Những gì con rắn tuyên truyền quá độc hại, và nàng chỉ muốn chết hơn bao giờ hết, thế nên nàng phải tìm ra dòng sông thật nhanh. Nàng không thể ở lại với con rắn, vì trong người một kẻ đầy chất độc không thể trao tặng tình thương và sự an ủi đúng nghĩa cho kẻ khác.
Theo lời dẫn của con rắn, Samsara tìm đến một thung lũng đầy hoa. Nàng thấy một cái trứng, một con sâu, một con nhộng, một cái kén và từ đó, một con bướm bay ra trong chớp mắt.
"Cô đi tìm cái chết chứ gì?", con bướm hỏi, tỏ ra thông thái.
"Sao Ngài biết?"
"Ta đã trải qua rất nhiều chuyện, kể cả chết ta cũng đã từng mà."
Con bướm tỏ ra rất am hiểu về chuyện tự sát của Samsara, nó miêu tả chi li và tỉ mỉ từng giai đoạn một. Nó cũng chẳng ngăn cản hay hù dọa, cũng không hô hào và hưởng ứng. Chung quy lại, mọi lời khuyên dành cho Samsara đều thể hiện cuộc đời của con bướm đã qua bao lần trầy da tróc vẩy. Mọi chuyện chẳng đi đến đâu, thậm chí nàng còn thấy tồi tệ hơn. Nàng nghĩ mãi trong đầu về sự kém cỏi của mình, rằng nàng chẳng học được gì từ những vấp ngã, còn con bướm bé nhỏ kia đã tiếp thu được cả kho tàng. Samsara vội từ biệt để lên đường tìm đến cái có thể chấm dứt nỗi nhục nhã của nàng. Mà như vậy cũng nên. Với một người đã biết nhiều nhưng chẳng hiểu gì, họ cũng chỉ là những kẻ dối trá với bản thân. Người không có lấy sự thành thật với chính mình không thể nghĩ ra con đường đúng đắn cho kẻ khác.
Hơn nửa ngày đường,
Samsara nằm sải lai trên bờ cỏ non xanh mướt. Cái nắm tay với Đất Mẹ khiến lòng nàng lắng dịu lại đôi phần. Giả như không thể tái sinh thành một con người tuyệt vời để làm lại cuộc đời dang dở, nàng ước được hóa thành gió mây để thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian này.
"Đá xanh rêu bao tuổi rồi nhỉ?"
Nàng tự nói với mình, một câu hỏi bâng quơ mà nàng chẳng cần ai trả lời cho. Bởi khu rừng bày ra trước mắt Samsara những cổ vật của thiên nhiên, hàng cây trăm năm tuổi, bông hoa mọc dại chẳng rõ tháng năm, và cả bầy viên đá dù cuội cũng không thể đoán biết cuộc đời. Nàng giật mình khi nhận ra, mảnh đất mình đang đạp lên cũng có thể là khuôn mặt của một người từng sống cách đây một thời gian trước.
Rong chơi với đất trời một ngày, Samsara nghe thấy tiếng rừng hát. Nàng đồ rằng có một cái thác nước ở gần đây, từ đó chảy xuống một dòng sông trong veo như cái ao đựng trời. Đường đi đến đó có nhiều cây nấm tóc đỏ, trông chúng đẹp, trong chúng độc, nàng cứ tự nhủ như thế. Và Samsara phì cười, đã muốn chết thì cứ bứt một hai cây để trên đầu lưỡi, cớ chi phải đi tìm cái gì xa xôi. Nàng nhận ra mình có muốn chết đâu, mình tha thiết muốn được sống một cuộc đời đáng sống, cái cuộc sống nàng đã cố sức mà chẳng thay đổi được, và để có được điều đó thì sự tái sinh của nàng phải đẹp. Tư duy của nàng là thế.
Ruột gan dắt nàng đi và bảo nàng làm gì, chứ đôi chân ê ẩm đã không còn lần mò ra phương hướng được nữa. Mặt trời khi nãy thoa son lên những gốc cây đương già, bây giờ đã rút về hết những vẻ đẹp mà ánh sáng thêu dệt được. Nơi này kỳ lạ và hẳn là đủ xa để những suy tưởng về gia đình có thể ngăn nàng tiếp gót.
Tà dương lịm dần và mắt nàng chỉ đọng lại một bụi tối. Đó là những cành cây vươn dài như những cánh tay ma, và những bông hoa mềm mại dưới chân cũng khiến nàng hoảng hốt. Và vào lúc nàng nghĩ mình không thể đi tiếp được nữa, thì cây cổ thụ to bằng vòng ôm của mười người xuất hiện, bên cạnh một dòng sông không tài nào lội qua.
Thật ra, dòng sông đẹp. Nó đang tắm trong cái tiết lành lạnh của buổi chiều cuối cùng nàng biết tên. Nó giống như đang khoác lên một chiếc áo pha lê để trình diễn cho Samsara thấy thêm một lần. Từng đợt sóng vồ vập lên nhau, nghiêng trôi, nghiêng trôi...
Samsara ngủ từ lúc nào mà nàng chẳng rõ, chỉ biết khi tỉnh dậy thì dòng sông vẫn còn đó, nhưng lạnh ngắt và tối đen như một hũ mực. Bên cạnh nàng không có ai ngoài cái ý muốn được chết để tìm một xứ sở khác. Nắng đã từ biệt khu rừng và để mặc nơi đây chìm trong tịch mịch. Nàng đứng dậy và cảm ơn cái cây đã che chắn giắc ngủ của mình và đến bên dòng sông, một chân chạm nước, giống như hoa sắp lìa cành.
"Đừng nhảy xuống, nước của ta rất độc"
Y hệt như trong truyện, một quả cầu nóng đỏ vụt lên từ dưới lòng sông, lấp lánh như một viên pha lê. Quả cầu không có hình dạng gì, chỉ có những vòng xoáy rất đẹp, và đôi chỗ ánh lên bông hoa mandala vạn sắc.
"Tôi đến đây để đổi mạng, xin hãy hiểu cho."
"Cô đổi mạng để làm gì?"
"Cuộc sống này thật thiếu ý nghĩa và đầy bất hạnh."
Đôi mắt Samsara hoen đỏ và từ nơi đó tuôn ra hai con suối nhỏ, chúng nhập vào cơ thể của dòng sông. Linh hồn của khu rừng nói đúng, nước của Ngài rất độc.
"Phải công nhận, khổ là một sự thật", linh hồn nói, "Nhưng không có khổ cũng là một sự thật khác."
Rồi Ngài mời Samsara kể câu chuyện của cuộc đời mình. Có quá nhiều nỗi đau đến nỗi nàng không chắc mình còn nhớ chính xác chi tiết chuyện đã xảy ra hay không, nhưng nàng có một người để lắng nghe - lần đầu tiên - và điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn. Rừng không xen lời Samsara, nhưng Rừng cũng không bỏ qua một hàm ý nào. Rừng biết Samsara đang có mặt cho Rừng, và vì thế Rừng có mặt cho Samsara.
"Ngài nói rằng, thật sự có thể giải thoát được chăng?"
Nói đoạn, Samsara nhận ra trăng đã lên cao. Bóng trăng hôn lên mặt nàng, sợi trăng đan vào tóc nàng, rồi len lỏi nắm lấy những kẽ tay. Trăng sáng lắm nên khu rừng không ngủ được, mà dường như thẳm sâu nơi này cành và hoa đâu biết nghỉ ngơi. Chúng đang lắng nghe và hòa mình trong câu dạ khúc ai ca chạm vào tâm hồn chúng, và khoảng giữa chừng khi thứ âm thanh réo rắt của đêm ngưng, chúng thưởng thức sự im lặng của chính mình. Samsara nghĩ ngợi về câu hỏi vừa rồi của mình, và nàng lại lấy làm tiếc.
"Không, Ngài sai rồi, tôi khổ lắm, tôi trải qua ngần ấy chuyện, tôi gây ra rắc rối cho mọi người. Tôi nghĩ mãi rồi, nếu không chấm dứt sự sống này, tôi sẽ còn phải chịu đựng nhiều thứ khác."
"Vậy cô biết mình sẽ trở thành cái gì sau khi nhảy xuống dòng nước của ta ư?", linh hồn cất tiếng.
"Tôi không biết, nhưng làng bảo rằng những người chết như vậy sẽ làm ma đói."
"Cô muốn vậy sao?"
"Làm gì có ai muốn, nhưng nếu bằng việc đó mà có thể chấm dứt chuỗi khổ đau này thì tôi phải làm. Dẫu sao tôi cũng chẳng còn gì để mất."
"Cô chết là cô mất đi ánh trăng mà cô vừa nhận được", linh hồn phát ra tiếng cười, "Cô gái trẻ, đừng chết khi chưa hiểu chết là gì."
Samsara ngồi lại trên tảng đá gần gốc cây, nàng chợt thấy suy nghĩ của mình thật đáng sợ, "Vậy", nàng hỏi, "Chết là gì?"
"Chết, chẳng là gì", linh hồn trả lời, "Vạn vật đều là duyên hợp, không phải do ai sinh, không phải vì ai diệt. Khi cô mất đi, vòng tuần hoàn của sự sống vẫn sẽ tiếp tục, cô gác lại mọi chuyện của đời này và bắt đầu một cuộc sống mới rất mơ hồ, vì cô chưa biết mình sẽ tái sinh về đâu. Cô muốn tìm hạnh phúc trong cái chết, giống như người thấy trăng dưới nước liền vội múc lên. Cái cô tìm không sai, nhưng chỗ tìm lại không đúng."
Linh hồn càng nói, Samsara càng cảm thấy đáng sợ. Đây là kiểu hiểu biết gì kia, tại sao lại phủ nhận sự tồn tại của mọi thứ? Ấy vậy mà nó lại có thể mở ra một cách nghĩ khác, rằng Samsara nàng đã chết rồi! Và Samsara nàng vừa sống lại! Nàng giống một cây nến cháy có thể bừng sức nóng đi khắp nơi, và không thời điểm nào cây nến có hình hài của riêng nó. Nàng đã tái sinh luôn vào đất trời, cỏ cây, cha, mẹ, ông và người làng ngay từng khắc nàng sống chứ chẳng đợi lúc chết. Cái chết có thể là một sự thay đổi lớn, nhưng sự thay đổi đó không thể đoán được kết quả. Còn sự sống này tuy ngày qua chẳng có niềm vui nào le lói, nhưng nàng biết được mình đã tái sinh về đâu, và sự tái sinh đó xấu hay đẹp. Có điều, nàng vẫn còn thắc mắc về sự thay đổi lớn kia, vì trong nhân gian không chỉ một mình nàng chết.
"Vậy chết rồi tôi tái sinh thành ai?"
"Cô sẽ tái sinh làm nỗi đau của những người ở lại, kể cả chính nỗi đau của cô. Cô nghĩ lại xem, cô đâu có muốn chết, cô chỉ muốn giết sự đau khổ của mình. Nhưng cô còn không có, nó còn không thực, cô lấy gì mà giết."
Samsara nghĩ lại điều mình đã chớm tưởng tới khi trên đường đi đến đây. Quả thật, linh hồn đó không sai. Con người sinh ra đâu ai được bảo là phải chết. Nhưng vì chán ghét sự tồn tại này quá mà nàng cùng quẫn, nàng khát khao một cuộc sống có thể dịu dàng hơn với nàng nên mới liều mình tìm sự đổi chác qua cái chết. Ngẫm lại, khi nãy Samsara đã bảo rằng nàng không còn gì để mất, nhưng chắc chắn vì còn gì đó mong muốn mà do nó không xuất hiện nên nàng mới khổ đau. Nghĩ được vậy, nàng thấy trong lòng mở ra một chân trời mới. Tuy chưa biết hừng đông sẽ ló dạng đằng nào, nhưng nàng đã thôi cái ý định nhảy xuống, và ít nhất thì một vầng mây đen vừa theo gió bay đi.
Samsara đến bên cạnh dòng sông, thả hai chân vào dòng nước mát lành. Nàng ngồi chơi, hồn nhiên như một đứa trẻ, đứa trẻ bị đánh cắp bởi bao sóng gió trong cuộc đời. Đã đến lúc từ biệt linh hồn của khu rừng, nhưng còn một điều Samsara phải hỏi.
"Thưa Ngài, nếu tôi muốn hạnh phúc, điều đó có thể không?"
Dòng sông im lặng không trả lời, và Samsara hiểu ra tất cả.
***
Đợi trời sáng, dòng sông nhờ mặt trời dẫn Samsara trở về. Nhưng chuyện ngày hôm đó chỉ được nàng kể lại rằng mình đã làm rơi một chiếc giày vải xuống dòng sông và được linh hồn của khu rừng tặng lại đôi giày thêu hoa gấm. Tất nhiên, Samsara cũng kể rằng mình đã để quên đôi giày được tặng ở mé bìa rừng, và không ai tìm thấy gì ở đó.