bởi Cát

37
3
2799 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Số Kiếp Bèo Trôi


Đoàn lô tô Châu Liên là nơi tôi nương tựa gần mười năm qua. 

Phải, tôi là đào hát, mang giới tính thứ ba. Nói cho gần gũi hơn là “bà bóng” theo lời của tụi con nít. Lúc đầu khi mới vào nghề nghe tụi nó kêu, tôi cũng khó chịu lắm chứ, nhưng qua thời gian sau thì riết cũng quen. 

Trong đoàn lô tô, người lãnh đạo là má tám Thu, má cũng là “bê đê”. Đào theo má lâu nhất là Lệ Sương, Lệ Tú, Lệ Thuỷ, còn tôi là Lệ Thư, cái tên mới bước chân vào nghề là má đã đặt ngay cho tôi rồi. Ở đây chúng tôi đều cùng một số phận, cùng nhận được những ánh mắt kì thị từ những người xung quanh, nên cảm thông và thương yêu nhau lắm. 

Lô tô ngèo, lênh đênh sông nước, rày đây mai đó cuộc sống vất vả trăm bề, có chỗ nào mà ổn định được đâu, vài bữa là bị đuổi. Người ta đuổi hôm trước, mười bữa nửa tháng sau hết chỗ đi cũng phải quay lại nài nỉ van xin họ cho ở tạm lại vài bữa, riết rồi mặt dày mấy lớp cũng không đếm xuể, nhưng nói gì thì nói cũng đành phải cam chịu. Cả chục năm nay tụi tôi đi theo má tám, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chỉ cầu mong sao có được miếng ăn để còn sinh sống qua ngày. Mấy bữa nay trời mưa cứ kéo dài, đoàn ngưng hoạt động, má tám rầu rĩ riết mà phát bệnh, nóng ho suốt. 

Sáu giờ chiều. Ngồi trong túp lều được lợp vài tấm tôn để che mưa che gió, chúng tôi gọi tạm đây là phòng thay đồ, trang điểm. Má giao cho tôi với Lệ Sương ngủ ở đây để canh chừng đồ đạc, một số người thì tản ra kiếm chỗ ngủ, còn má với mấy chế ngủ lại dưới ghe. Mưa lại len lỏi chen qua mấy tấm tôn cũ kĩ rồi rỉ vào phòng, ướt cả mấy miếng gỗ lót làm sàn. Tôi chỉ còn biết ngồi đây cầu trời cho hết mưa để đêm nay tôi với Sương được yên giấc. 

Tôi đưa mắt nhìn chằm chằm vào phía bên trong chiếc gương kia thật lâu, sau đó tìm hộp phấn với ít son điểm tô lên gương mặt, dùng lược chải lại mái tóc dài đã phủ ngang lưng. Gần mười năm gắn bó, mấy ngày nay trời cứ mưa không được biểu diễn làm tôi nhớ gì đâu... nhớ ánh đèn sân khấu, ghiền ngân nga những bản nhạc lô tô, thèm cái cảm giác náo nhiệt khi màn đêm vây kín. Tôi lại đánh thêm một lớp phấn, rồi nuốt đắng cười nhạt với người đối diện bên trong gương, và cũng thừa biết rằng dù có đánh thêm bao nhiêu lớp phấn đi nữa thì thân xác của tôi vẫn không thay đổi được gì. 

Đêm nay chẳng hiểu sao tôi lại có linh cảm không tốt, như sắp mất đi một điều gì đó rất quan trọng. Linh cảm ấy càng lúc càng mãnh liệt, bám víu theo tôi qua đêm này đến đêm khác. 

Và sáng hôm nay, tôi mới hay linh cảm muốn nói cho tôi biết điều gì. Anh Hải đang đứng trước mặt tôi. Kể từ buổi tối ngày ấy tôi bắt gặp anh chen lấn ở giữa đám đông phía dưới sân khấu cách đây cũng đã hai năm trời. Vẫn là đôi mắt sâu hun hút dường như có thể chứa đựng được tất cả những nỗi lòng, dáng người anh cao ráo, nước da hơi ngăm và cả gương mặt hiền lành. Chắc anh cũng đi tìm và hỏi thăm nhiều nơi lắm mới hay tôi ở đây. 

Tim tôi đã run lên bần bật. Đây là sự thật có đúng không? Anh đang hiện diện trước mặt tôi đó sao? 

Tôi tiến vài bước lại gần để nhìn anh cho thật kĩ, có lẽ vì tôi sợ anh sẽ biến mất ngay tích tắt tựa như một loại ảo giác trong những giấc mộng mà tôi đã từng gặp phải. 

“Em khoẻ không?”

Tôi gật đầu. Lòng vẫn bồi hồi. 

“Khánh! Về thôi em!”

Tôi im lặng giây lát, sau một hồi mới đáp. 

“Em không về được!”

Đúng vậy, không về được. Không phải tôi không muốn về, mà là tôi không thể về. Tôi nào muốn để cho má tôi chịu nhục nhã với bộ dạng này. 

“Em không thương má, em không thương anh sao?”

Tôi lại một lần nữa lặng thinh, rồi né tránh ánh mắt của anh. 

“Má bệnh hơn một năm nay, anh cố gắng chạy chữa nhưng bệnh của má càng ngày càng nặng. Về đi Khánh, nếu không anh sợ, không kịp...”

Anh nói xong liền gục đầu, giống như đang cảm thấy có lỗi với tôi. Còn tâm can tôi lúc này như thể sôi sục, má tôi bệnh cả năm nay mà tôi có hay biết gì đâu. Tôi liền gấp gáp hỏi anh. 

“Thật không anh Hải, má bệnh lâu vậy, sao anh không nói cho em biết sớm?”

“Tại... Thật ra anh định đi tìm em khi má vừa đổ bệnh, nhưng má nhất quyết ngăn cản. Má nói, má... má không sao.”

Giọng tôi chợt nhẹ tênh: “Má nói không sao, hay má nói không muốn nhìn mặt em?”. Tôi khẽ bình thản buông đôi mắt xuống mặt đất, thốt ra những lời trong vô thức. 

Rồi, tôi lại lướt mắt lên nhìn anh. Trong một phút chốc cơ mặt anh đã căng lên như dây đàn, đây cũng là lần rất hiếm tôi thấy anh như vậy, quả thật có một chút thú vị. 

“Khánh! Vậy em định chừng nào mới về đây hả? Để đến khi má lên bàn thờ, em trở về thắp nén nhang xem như là xong bổn phận có đúng không?”

Cảm giác thú vị trong tích tắt chợt bị bóp nghẹn, chỉ còn lại trong tôi một nỗi lòng nặng trĩu. Đã lâu quá rồi, hình ảnh bóng dáng và cả khuôn mặt của má trong đầu tôi cũng phai mờ đi phần nào, chẳng biết bây giờ má có thay đổi gì nhiều không. Ngày tôi đi má gần năm mươi tuổi, qua cả chục năm trời, chắc da má đã in hằn những vết nhăn, mái tóc của má cũng nương nhờ thời gian mà phai màu theo sương gió. 

Tôi im lặng, anh cũng im lìm nhìn tôi. Anh rời đi, bóng lưng cũng dần dần biến mất trước tầm nhìn. Về hay không, tôi phân vân trằn trọc cả mấy đêm liền. Tôi nên về với bộ dạng nào đây?

Hải là anh trai tôi, nhưng tôi và anh không mang chung một dòng máu. Lên năm tuổi tôi mới bắt đầu có anh trai. Hải sinh trước tôi năm năm, là con riêng của cha dượng. Má Hải mất, ba tôi thì theo vợ bé. Sau đó cha dượng với má tôi mới đến với nhau. 

Hồi xưa hai đứa rất thân nhau. Nhớ lúc nhỏ tôi với anh ngủ chung một cái chõng, mỗi lần tôi leo lên chõng là đùa nghịch rồi bị má sang chửi hai đứa hoài. Nói đúng hơn chỉ có tôi là nghịch nhất, bắt anh bị ăn chửi theo, chứ anh Hải từ nhỏ đã ngoan hơn tôi rất nhiều. Cha dượng là người ít nói, trầm tĩnh, càng lớn, tôi càng thấy tính tình anh Hải giống cha dượng y như đúc. 

Trong nhà má tôi khắt khe bao nhiêu thì anh Hải là người nuông chiều tôi bấy nhiêu. Nhớ có lần tôi dành tiền đi học mua một con búp bê rồi giấu dưới đầu nằm, rốt cuộc bị má phát hiện đánh cho một trận còn quăng nó xuống sông, vì cái tội tôi dám nhịn tiền ăn uống mà lén đi mua đồ chơi. Má đánh đau lắm, nhưng tôi bị mất con búp bê thì còn đau hơn, vì tôi thích nó, để tiền dành dụm rất lâu mới mua được. Đến mấy hôm sau tôi vẫn còn uất ức trong bụng mà giận lẫy má, mỗi lần đi học về chui ngay vô buồng rồi nhịn cơm nước. Anh Hải sợ tôi đói len lén đem cơm vô buồng cho tôi ăn, mỗi khi thấy tôi khóc là anh lại vỗ về. Rồi mấy hôm sau không biết anh kiếm đâu ra một còn búp bê mới toanh, đẹp ơi là đẹp, anh nói là bạn trong lớp anh không chơi nữa nên anh xin lại đem về cho tôi. Lúc ấy tôi hí ha hí hửng tin anh răng rắc, sau đó thì tôi mới phát hiện tiền trong ống heo mà anh nuôi không còn một đồng. Đó là món quà mà anh tặng, nên đến giờ này tôi vẫn còn giữ lại nó bên mình xem như một kỉ vật. 

Cứ như vậy, từ khi nào anh đã bắt đầu tập cho tôi cái tính mè nheo và dựa dẫm. Tôi biết anh thương tôi và tôi cũng vậy, tình cảm ấy tôi dành cho anh nó như nương theo năm tháng mà lớn lên cùng tôi. Cho đến khi tôi đủ ý thức để phân biệt và nhận ra tình cảm mà tôi dành cho anh nó không đơn thuần như tôi từng nghĩ, tôi “thương” anh, nhưng dường như không phải với tư cách là một đứa em trai.

Ngày cha dượng mất, má theo nguyện vọng của ông muốn để anh có vợ con mà yên bề gia thất. Lần đầu tiên nghe anh đi coi vợ mà cả đêm đó tôi không tài nào ngủ yên được, tôi cũng không hiểu mình bị gì, chỉ nghe thấy tiếng trái tim tôi nó như thể cũng biết nhức nhói và buồn bã. Tôi thấy đôi mắt anh buồn, nhưng không biết tại sao, là cha dượng qua đời, hay là anh không muốn bị ép kết hôn? 

Mối này rồi liên tiếp đến những mối khác, rốt cuộc anh cũng gật đầu cứ như thể buông xuôi để cho má tôi yên lòng, cha anh được nhắm mắt mà mỉm cười nơi chín suối. Tôi thấy lòng càng thêm chua xót từ cái ngày nghe má nói “bên kia cũng chịu” cho đến còn hai ngày nữa là diễn ra hôn lễ. Anh hạnh phúc thì tôi cũng vui, nhưng làm ơn đừng bắt tôi ngày ngày nấp trong cái xác đàn ông để nhìn anh cùng người khác vui vẻ, bởi như thế làm sao tôi chịu được? Và rồi tất cả sự thật và tâm tư trong lòng tôi đều trút cạn ra tờ giấy trắng, chỉ cầu mong má đọc được bức thư này sẽ sớm cảm thông mà tha thứ cho tôi. Đêm cuối đó nằm sát bên anh nghe tiếng lòng tôi bồi hồi thổn thức và cả sự dằn vặt. Tôi trách ông trời rồi quay lại trách bản thân mình, cuối cùng tôi cũng đành chấp nhận một sự thật rằng, anh làm sao có thể ở bên tôi được mãi. Khẽ nhét vào lòng bàn tay anh một con hạc giấy mà tôi đã tự tay gấp để tặng anh xem như là lời chúc phúc, cách gấp hạc mà ngày xưa anh từng kiên nhẫn ngồi lại dạy cho tôi. 

Lúc ấy, chỉ cần nghĩ đến ngày xa anh, xa má, xa nhà, tôi không kìm được mà khóc thút thít bên vai anh khi anh đã ngủ yên. Bình thường khi nghe tiếng động nhẹ anh đã chồm người thức giấc, nhưng đêm ấy thì không. Anh làm rất tốt, đừng nên tỉnh dậy, cứ ngủ thật bình yên và hưởng thụ hạnh phúc cùng người vợ sắp cưới, hãy mặc kệ tâm tư của đứa em trai mà anh từng yêu quý... 

...

Ngày xưa tôi từng nghe má nói má ghét mấy cái gánh lô tô ồn ào, không ưa luôn mấy con đào hát “nửa đực nửa cái”. Và cái phận “xướng ca vô loài” đó cũng từng cướp của má một người chồng, cướp của con má một người cha, bởi vậy trong xóm ai cũng biết má ghét cay ghét đắng họ. Má là người sĩ diện cao, tính tình má ra sao tôi đều biết rất rõ. Chắc ngày xưa khi đọc được bức thư đó má giận lắm, cả chục năm nay nếu má tha thứ và chấp nhận thì anh Hải đã dẫn tôi về từ lâu rồi. 

Ngày lại nối ngày, tôi vì sốt ruột đứng ngồi không yên lo lắng cho má mà liều mình bắt xe về nhà. Nhưng đáng tiếc là không còn kịp. Tôi, chính là một đứa con bất hiếu nhất trên đời. Như Hải đã nói, đến khi má tôi lên bàn thờ, một đứa con hư đốn như tôi chỉ thắp được cho má nén nhang xem như là xong bổn phận. 

“Má ơi... Là con trai của má bất hiếu!”

Tôi quỳ gối xuống sàn, ngậm môi thật chặt rồi gục mặt mà khóc trong tang lễ của má. Má có nghe được không? Sao má không đợi tôi về? Sao má không đánh tôi thật đau như hồi tôi còn bé xíu? 

Anh Hải đưa tấm hình cho tôi, anh bảo với tôi má cứ nhất định ôm chặt nó vào lòng trước khi mất. Đó là bức ảnh của má đang ôm đứa con ba tuổi vào lòng, mặt nó phúng phính, mắt nó to tròn giống y như má... 

Má ơi má... má thương nhớ nó làm gì hả má? Mười năm qua chỉ vì sợ má không tha thứ, nó cũng lì lợm ương bướng có chịu về thăm má được lần nào đâu. Thà tôi lấy hết can đảm quay về thăm má, để má đánh chết tôi cũng cam lòng gánh chịu, vậy mà tôi nhát gan nhu nhược. Tôi đáng đời tôi lắm! 

Tôi chỉ biết ôm chặt bức ảnh mà khóc nấc thành tiếng, lòng tôi đau như dao cắt, một niềm ân hận dâng lên đến tột cùng. Hình ảnh và kỉ niệm ở quá khứ của má con tôi dần hiện rõ trong đầu như một cuốn phim dài vô tận, như cào xé tâm can tôi từng giây khắc, thật lòng tôi nhớ má da diết... 

Tôi nhớ má, nhớ những dịp Tết đến má đều mua cho anh em tôi mấy bộ quần áo mới. Còn tôi thì không thấy má tự mua cho mình, tôi có hỏi, má nói má không quen mặc đồ mới, má thích mặc đồ cũ. Má tôi luôn vậy, miệng thì suốt ngày chửi mắng dùng roi đòn để dạy dỗ con cái, nhưng thực chất má luôn chắt chiu và gồng gánh trong âm thầm, thương con nhưng má để trong bụng. Sau này, có những khi tôi lên sân khấu xin hát lại những bài ngày xưa má hay ru cho tôi ngủ. Dưới sân khấu có người im lìm, cũng có người thầm khóc. Tôi thì không khóc nhưng lòng chứa đầy sự hiu quạnh, xong đêm diễn rồi lủi thủi bước xuống ghe mà ngồi buồn hiu nhớ má. 

Ngày qua ngày cứ vô tình thêu dệt thành tháng năm, thời gian vỏn vẹn trôi nhanh như một giấc mộng thoảng. Sức khoẻ của má chưa từng cho phép tôi chần chừ, sao tôi lại vô tâm như thế chứ? Giờ đây tôi muốn nhìn mặt má lần cuối cũng không còn cơ hội. Thật tình, mong rằng ở kiếp sau tôi không còn phải hồn nữ ẩn trong thân xác đàn ông để khổ sở như kiếp này. 

Tôi lại ra đi, nhưng vẫn nợ anh một ân tình rất lớn, chỉ có kiếp sau tôi mới mong trả hết được. Anh tiễn tôi, tôi quay đầu lại nhìn thật kĩ vào gương mặt và dáng hình của anh một lần cuối. Bỗng anh giơ con hạc giấy lên cao rồi mỉm cười với tôi. 

“Cảm ơn em!”

Thì ra, anh vẫn còn giữ lại nó... 

Tôi cũng thật lòng cảm ơn anh. Cảm ơn vì mười năm qua đã thay tôi chăm sóc mẹ, cảm ơn vì những lần chạy đi tìm xem cuộc sống của tôi có ổn không, và một lời cảm ơn sau cùng, cảm ơn anh vì đã sống thật tốt.

Còn tôi, đời tôi như nhánh lục bình, vốn dĩ sinh ra nào đâu có bến đỗ.

[Cát]