bởi Cherishenoia

35
10
3191 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

[TG1] Tóc ngang lưng vừa chừng em bới


Chú thích:
- Min: tôi.
- Phô bay: Chúng bay.

Không dựa trên lịch sử, là một thế giới sáng tạo và hòa trộn.
____________

Xe lung lay, mùi gỗ cũ bị mục thoang thoảng khó chịu. Phần hông đến hai cẳng chân người ngồi đều tê cứng, dù có lót nệm êm, nhưng cũng đã mấy ngày đường, cái bức bối cứ thúc giục khôn nguôi. Đất gồ ghề, xóc nảy, đường đi từ nước Yến tới Tây Đô xa xôi ngàn dặm. Kẻ bị đưa đi làm tin chẳng khi nào được hưởng thói vô ưu.

Đông Quân cúi xuống nhặt chai thuốc độc lăn lóc dưới chân, giấu vào tay áo. May mà cậu đến vừa lúc, nguyên chủ chỉ mới tự tử xong. Chuyện chưa ai biết. Lau sạch khóe môi dính bọt trắng, cậu vén rèm lên, khẽ bảo:

"Nghỉ chân đi."

Nghe giọng chủ, tên hộ vệ nhìn sang, rồi vội xoay mặt đi ngay. Trời phú cho người con trai một chất giọng êm ái, lại thêm thương cảm cho thân phận cậu, y ngập ngừng thưa:

"Nhưng Quan gia lệnh cho chúng min phải đưa cậu hoàng đến đúng ngày. Mai là buổi đã hạn định, song còn cách trở, chỉ e không kịp."

Đông Quân nghĩ ngợi. Cậu nhìn đám ngựa thở phì phò mệt nhọc, và quần áo lấm bụi của tôi tớ, nhăn mày:

"Đi tìm quán trọ rồi dừng chân đi. Cứ thế này phô bay không chịu được, lũ ngựa cũng lử người rồi. Có gì ta chịu trách nhiệm."

"Vậy xin nghe lời cậu hoàng."

Đoàn người đi chừng một khắc nữa thì tới đường cái quan. Nhà cửa mọc lên như mắc cửi, hàng quán, tiệm sạp bày la liệt. Đâu đâu cũng thấy người, đủ mọi diện mạo từ thập phương bát phía tới đây. Có kẻ mặc áo phó tế, vải dài chấm đất, tay áo rộng thùng thình. Người quấn khăn qua đầu, che kín mặt mũi, chỉ lộ ra đôi mắt màu xanh biển. Còn có trang phục rất bạo dạn, để lộ cả cẳng tay, bắp chân, hình như tới từ hải ngoại. Tiếng dân địa phương và tiếng thương nhân từ chốn khác đến hòa lẫn với nhau, nghe mãi cũng chẳng hiểu họ nói gì. Hàng hóa chất đầy trên xe, ngựa tấp nập, bụi bốc lên mù mịt.

Cứ ba bước đoàn người lại nhận được đủ lời chèo kéo. Xa phu bối rối nhìn quanh, không biết nên đi lối nào. Đông Quân hỏi vọng ra:

"Từ đây đến dịch trạm tiếp theo còn xa không?"

"Dạ bẩm còn hai trăm lý nữa ạ."

"Vậy cứ đi về phía trước. Xem có quán nào vắng khách, trang hoàng tốt thì vào."

Xa phu vâng lời, giục ngựa phi. Ngặt nỗi khách điếm nào cũng chật khách, mãi xẩm tối mới tìm được một quán. Trước cửa treo một bảng tên, ghi "Cơm bình dân - có cho ở trọ". Nhìn thoáng qua thấy nhà còn mới, chắc vừa khai trương nên ít khách.

Bà chủ đang ngồi ngậm tăm, nhác trông họ đã vội chạy ra, cười đon đả chào:

"Các quan khách từ đâu đến đấy ạ? Đường sá xa xôi, giờ cũng thấm mệt. Chẳng hay Đại nhân muốn uống rượu hay nghỉ lại? Quán của mụ mới mở nên ít người, nhưng uy tín, đảm bảo không làm mấy trò bịp bợm hay ăn chặn người nước ngoài đâu ạ."

Tay hộ vệ xuống ngựa, đến gần mành xin chỉ thị. Thấy cậu gật đầu thì đáp:

"Cả hai. Cho chủ của ta phòng tốt nhất, bảo người chăm sóc đám ngựa này. Còn chúng ta thì sao cũng được."

Nghe thế, bà chủ quán cười tươi như hoa, khom mình kính cẩn:

"Vâng, thế mời các đại nhân vào trong ạ. Cơm rượu sẽ mang lên ngay thôi. Tụi bây đâu, ra đây!"

Bà vừa gọi, đã có hai, ba người con trai đi ra, tay vẫn dính cỏ khô, bắp tay bắp chân khỏe khoắn, biết ngay lành nghề chăm ngựa. Hộ vệ gật đầu hài lòng, nói nhỏ với Đông Quân. Cậu mới bước xuống xe, đi vào trong dưới sự tháp tùng của tôi tớ.

Đông Quân liếc qua bà chủ, tầm 30, vẫn còn trẻ đẹp nhưng ăn mặc kín đáo, tóc búi dây đen của góa phụ. Suy nghĩ thoáng qua giây lát, cậu mỉm cười:

"Nhờ cô sắp xếp cho đám hầu của ta."

Rồi quay qua đoàn tôi đòi, thấy ai cũng phong trần cả:

"Phô bay đã vất vả nhiều, từ đây đến kinh thành không xa mấy, tiền dùng vẫn đủ. Ta không tiếc của, muốn ăn uống gì thì cứ gọi, tắm táp cho sạch sẽ, nghỉ ngơi lấy sức để mai lên đường."

Hộ vệ vội thưa:
"Sao lại thế được ạ..."

"Ta bảo thế nào thì nghe vậy."

Nhìn ý cương quyết của Đông Quân, hộ vệ không dám đôi co:

"Vậy xin tuân lời cậu."

Vẻ mặt ai cũng biết ơn vui mừng. Mấy ngày vừa qua, theo cậu hoàng Thanh đến Tây Đô làm tin, chúng lo sợ đủ điều. Trước là cả nghĩ cậu hoàng sẽ vô cớ bới móc, hành hạ chúng suốt dọc đường, song hầu hết thời gian cậu luôn lặng lẽ, hiền từ. Sau, chúng lại e cậu nghĩ quẩn tự tử, tội sẽ giáng cả lên đầu chúng. Hóa ra là nhầm cả. Chỉ nửa tháng tiếp xúc ngắn ngủi, tôi tớ đều rõ phẩm hạnh cậu ra sao, dịu dàng và bình thản là thế.

Đông Quân lấy một túi tiền nặng cầm chừng ra đưa cho bà chủ, nhẹ giọng:

"Cô dẫn ta lên phòng nghỉ ngơi, chuẩn bị nước nóng và chút đồ ăn lót dạ. Ta cũng muốn hỏi cô vài việc."

Bà chủ cười ngay, dạ vâng theo cậu.

Dưới lầu, đám hộ vệ và xà ích hồ hởi ngồi vào bàn gọi cơm rượu. Rất nhanh sau đó, mùi thơm lừng phả ra nồng nàn, gợi cơn đói inh ỏi. Chúng cạn chén với nhau, nói thỏa thuê về mấy thứ viển vông. Trời càng tối thì khách cũng đông dần, chẳng mấy chốc đã quàng vai gọi anh em.

Trái ngược với sự ồn ào náo nhiệt tầng dưới, ở lầu hai cho thuê trọ lại im hơn nhiều. Hành lang dài, trước mỗi cửa treo một đèn lồng. Đông Quân thong thả bước đi, bà chủ mấy lần muốn gợi chuyện, song chẳng dám. Cuối cùng, gần đến cửa, cậu cất lời:

"Cô đến đây bao lâu rồi?"

"Dạ bẩm, quán mới mở tầm 2 tháng, mụ định cư ở chỗ này chắc ngót 5 năm, trầy trật mãi mới khai trương được đấy ạ."

"Ta không hỏi cái đó." Đông Quân xoay người đối diện với bà chủ, cậu nhìn cần cổ người phụ nữ, "Số hiệu 256, tên gì?"

Mặt bà chủ biến sắc, từ sửng sốt sang ngạc nhiên, một hồi lâu mới e dè hỏi:

"Tôi tên Hạ Linh. Anh cũng tới đây làm nhiệm vụ?"

"Đúng một nửa." Đông Quân mỉm cười, dịu giọng trấn tĩnh, "Cô đừng sợ. Ta làm ở ban Quản lý, nên mới hỏi vậy thôi. Cô nói ta biết nhiệm vụ của cô là gì?"

"Thưa, là mở quán trọ 10 năm, gầy dựng danh tiếng tới tai quan lại, quý tộc kinh thành... Không biết ngài là ai?"

"Ta tên Đông Quân."

Nghe vậy, Hạ Linh thở phào ngay, bụng thầm nhủ: Chả trách, Đông quan là người hiền lành nhất trong bốn quan, chưa từng xử phạt ai cả. Ngài cũng hay đi thăm thú các thế giới nữa, có mặt ở đây không phải chuyện lạ.

Nhìn nét mặt bà chủ, Đông Quân đoán ngay ra đang nghĩ gì. Cậu lắc đầu cười.

"Thôi, ta đi nghỉ. Chuyến này ta tới có việc ở kinh thành, nếu cô làm nhiệm vụ khó khăn thì tìm ta."

"Tạ ơn Đông quan nhiều ạ."

Cậu khoát tay, đi vào phòng. Nước ấm được đưa lên rất nhanh. Thả người vào thùng nước tắm, gột sạch mọi bụi bẩn, thấy cơ thể thư giãn hẳn. Tóc đen loang như mực, da dẻ trắng hồng, con trai độ hoa niên xinh tươi ví hoa cỏ, đẹp khôn kể xiết. Đợi khi nước đã nguội, cơ thể mảnh khảnh ấy mới bước ra, bọt nước văng xuống sàn theo dấu chân ướt át in trên gạch. Cậu lau sạch người rồi mặc quần áo, hương bồ kết bám vào tóc vào da, dìu dịu tỏa lan trong không khí. Khi sạch sẽ thơm tho, Đông Quân mới dành thì giờ nghĩ chuyện khác.

Chai thuốc độc ban nãy cậu phi tang rồi, ngẫm nguồn cội nó mà xót xa thay. Nước Yến đặt lệ gọi hoàng tử là "công tử", khi nào được phong vương thì đổi thành "cậu hoàng". Công tử Yến Giang Thanh mới ngồi ván cậu hoàng ngót một tuần, được vua tin quý cử đi sứ, nhưng sự thực thế nào thì ai cũng biết. Nay Tây Đô đang nhăm nhe chiếm Yến, vua Yến ngoài gửi thư cầu hòa còn phải gửi một kẻ tới làm tin - và cậu hoàng Thanh đã bị chọn.

Chuyện xưa kể ra thì dài lắm. Ngày ấy vua Yến tuần du ở phương Bắc, gặp được người đẹp, thích quá nên dầu biết nàng có người thương vẫn ép lấy về, phong hiệu Quyên phi. Nhưng chốn thâm cung hiểm hóc, chẳng được mấy năm, bà phi đã hương tiêu ngọc vẫn, chỉ để lại cho ông hoàng một mụn con trai - Yến Vân Lăng. Áy náy với con, vua ban thưởng vàng bạc châu báu. Bấy nhiêu thì sao vơi nỗi oán hại chết mẹ được, Lăng khi ấy lên 9, bỏ bê chuyện dùi mài kinh sử. Vua giận muốn răn tội, nhưng một vị tướng, hôm qua trường thao luyện thấy Lăng thông thạo võ nghệ, bèn xin cho tha.

"Công tử rất giỏi, thần chưa thấy ai tầm tuổi này mà kéo cung có lực hay như thế. Nếu được tôi luyện thì ắt là nhân tài của Yến ta. Bệ hạ cứ giao cho thần dạy dỗ."

Vua suy ngẫm vài ngày, rồi cho phép Lăng theo học võ với tướng ấy. Chẳng biết tướng dạy những gì, nhưng Lăng không còn phản nghịch nữa, hiếu với cha, hòa hiệp với anh em. Vua khi đó mới an lòng.

Mười năm sau, công tử Lăng đã giỏi sánh ngang thầy, tin thắng trận về như vũ bão. Vua truyền triệu về kinh để phong vương, nhưng Lăng không nghe. Ở nơi biên giới, cách xa vòng kiểm soát của vua, Lăng gây dựng uy vọng, thảo phạt man di, nắm thời cơ tự xưng đế và lập ra nhà nước Tây Đô.

Đất Tây Đô là vùng cằn cỗi, lên ngôi mười năm, chẳng biết thần đã mách bảo hay gì mà nơi ấy như thoát xác dưới sự trị vì của Lăng hoàng. Vua cho khai hoang, thông kênh đào, dẫn nước từ đầu nguồn tới đồng ruộng, thực hiện chế độ vĩnh điền (ruộng đất thuộc về mình vĩnh viễn). Xét diện nghèo, nhà ai có từ 3 đầu người trở lên được cấp một mảnh ruộng, từ 3 đầu người trở xuống thì có thể dùng chung, đưa giấy cam kết với quan không tranh chấp. Nhà nào có của ăn của để có thể tự mua. Các mảnh đất hoang được chia đều và phân cho những dân nghèo khổ. Quyền sở hữu ruộng của quý tộc dần bị vua bào mòn và thu hẹp. Mất năm năm, chế độ chiếm hữu ruộng đất dù chưa hoàn toàn sụp đổ, nhưng cũng đang hấp hối.

Bên cạnh đó, Lăng hoàng còn khuyến khích thủ công nghiệp, xây bến cảng, mở rộng giao lưu với thương nhân nước ngoài. Vua gây dựng quân đội hùng mạnh trấn thủ biên cương, bảo vệ kinh thành, cũng cho phép các địa phương lập ra đội tuần tra, hai đêm một lần đi tuần đường, trị cảnh hiếp đáp.

Một loạt các cải cách về nhiều mặt được đưa ra. Vẻn vẹn mười năm, Lăng hoàng đã biến Tây Đô thành quốc gia hùng mạnh, chiếm cứ một phương, nay đất đã mở rộng tới gần nước Yến. Vua Yến lo sợ, trong nước giờ đang lục đục nội bộ, nếu Tây Đô đánh thì tám phần thành công, huống chi Lăng còn có mối oán với ông. Hết đường, vua Yến đành ra kế hòa giải tạm bợ, níu thêm chút thời gian xoay sở.

Giang Thanh bị ép đi, lòng vừa sợ vừa hận, uống thuốc độc tự tử. Hay tin, Lăng hoàng nổi trận lôi đình, bố cáo thiên hạ là nước Yến khích, không đánh thì nhục. Cuối cùng, đất Yến bị cắt 5 phần cho Tây Đô, bấy giờ Lăng mới hài lòng lui quân về.

Vừa lau tóc, Đông Quân vừa đến trước gương đồng ngắm soi gương mặt, dòng hoàng tộc âu là có nhan sắc. Tuổi trẻ chết thì uổng phí quá. Đông Quân cười mỉm, cả căn phòng dường như sáng bừng lên theo bờ môi thon thả và cánh mũi duyên dáng. Cậu hoàng Thanh đẹp, nét dịu dàng của người con trai xứ Nam, nhưng sắc ngọt của kẻ ngụp lặn trong cung cấm. Đông Quân đến, vẻ sắc ngọt ấy hóa thành bình đạm, hững hờ như mây như gió. Đất trời phiền muộn bao chuyện, than phận mình bạc phận ai, tủi nhục gì, còn sống là đã tốt.

Mục tiêu của cậu là vị Quan gia Tây Đô nọ. Nghịch lọn tóc ướt trên vai, mắt cậu suy tư sâu lắng, không ai rõ nghĩ gì.

Tóc khô, Đông Quân lên giường thổi tắt đèn.
_________

Tờ mờ sáng, gà chưa gáy dứt canh năm, đoàn đi sứ đã tất bật lên đường. Cuối hạ đầu thu, không khí còn oi ẩm, trời sớm sáng, chẳng mấy chốc mặt trời lên. Xe chạy thẳng, đi vào nội thành, ruộng đồng nhiều lên. Đến một thảo nguyên mướt xanh, Đông Quân kêu xa phu dừng lại. Cậu biết chỉ chốc lát có lính tới đón, muốn kéo dài thời gian nên bảo chàng hộ vệ:

"Hoa này nở đẹp quá, nước Yến mình không có. Các anh ngắt giùm ta vài bông."

Hộ vệ làm theo, khi quay lại ôm bó to. Hoa có nhụy vàng, bốn cánh trắng, hương thơm dân dã mộc mạc. Cậu buộc lại thành bó để trong xe, xua mùi gỗ mục. Đoàn người toan đi tiếp, đúng lúc ấy, đột nhiên phía trước xuất hiện một tốp hai chục người, mình mặc áo giáp, kiếm giắt bên hông, tay cầm hoàng kỳ. Tới gần mới rõ là cờ Tây Đô. Người đi đầu xuống ngựa, thi lễ rồi cúi thưa trước xe:

"Thư lệnh ở biên cương đưa tin Sứ thần đã tới. Vừa nghe, Quan gia chúng tôi vội sai chóng đón các ngài về cung, nghỉ ngơi, tối bày tiệc tẩy trần. Dụ Quan gia ở đây, nếu sứ nghi ngờ thì cứ việc kiểm chứng."

Hộ vệ xem dụ rồi bẩm lại Đông Quân. Cậu ngồi trong xe, không vén rèm, giọng dịu dàng:

"Khách tới tùy chủ. Các anh cứ việc sắp xếp cho."

"Vậy kính nhờ công tử dời bước qua xe ngựa này, từ đây về cung diện thánh còn lắm mỏi mệt."

"Xin chuyển lời tạ ơn Quan gia suy nghĩ chu đáo."

Đông Quân bước xuống. Guốc mộc kêu tiếng êm ái, nhưng dễ thấy người đi còn chưa thạo. Nước Yến vốn gần biển, chịu ảnh hưởng từ hải ngoại mà học thói phóng khoáng. Người Tây Đô thì chuộng kín đáo. Tây Đô sang Yến, thường tấm tắc làm lạ, thích thú bắt chước theo, hoặc kịch liệt phản đối rằng không thuần phong mỹ tục. Yến xa lánh Tây Đô, không bao giờ chịu mặc phục trang nước láng giềng, ngược lại cũng vậy.

Nhưng nay, cậu trai nọ bận áo the xanh, tóc vấn gọn, đầu đóng khăn theo nếp thường, lúc bước ngang còn nghe quyến luyến hương bồ kết. Giữa giao hòa hè và thu, trong cảnh hương đồng cỏ nội, đất trời như tập trung cả vào người cậu, soi ngắm và nâng niu cử chỉ vụng về ôm bó hoa trắng muốt. Cậu ngẩng lên mỉm cười, phô lúm đồng tiền bén duyên nơi gò má. Vài sợi tóc rủ gần mi, đuôi mắt dài dài, con ngươi long lanh màu trà nhạt. Sao mà nhã nhặn và tươi trong tới thế!

Bị nét đẹp xứ khác làm thẩn thơ, chàng hộ vệ cứ đứng đó ngỡ ngàng. Đến khi vị công tử kia đã an vị trên xe, mới nghe có tiếng truyền ra:

"Nhờ các anh chiếu cố tôi tớ của ta, lũ chúng miệng lưỡi vô duyên, chỉ sợ e trót làm phật ý ai."

"Xin công tử cứ an tâm."

Dọc đường không có sự bất trắc, đoàn người thuận lợi vào cung. Trước họ đã có một đoàn sứ giả khác, Yến hoàng dụ là đại sứ, cho Giang Thanh là công sứ theo sau. Lấy cớ để con học hỏi, nhân cơ hội thăm ngoạn bốn phương, thực chất cầu hòa xong, đại sứ về nước, công sứ phải ở lại làm tin, không biết đến khi nào mới thoát cảnh giam lỏng.

Nghĩ tới đó, Đông Quân thở dài.

Xe ngựa dừng ở cửa hông, từ đây phải đi bộ, hành lý sẽ được mang vào trước để kiểm tra. Đám hộ vệ và xa phu của cậu đã đi trước tới chỗ ở hạ nhân.

Cuối cùng cũng được hoạt động tay chân, Đông Quân khoan khoái hít thở. Hoàng cung Tây Đô không xa hoa, mạ vàng nạm bạc như nước Yến, nó khiêm tốn và giản dị vừa chừng, cũng mang vẻ uy linh rừng núi. Cậu bước theo người hầu gái, khi đi lên cây cầu bắc ngang hồ, trông xuống thấy cá đang quẫy. Đông Quân nhìn ngắm một lúc, bèn hỏi:

"Có cho tụi nó ăn được không?"

"Bẩm cậu, nô không biết."

Tiếc nuối, nhưng thấy trời đã ngả màu, cậu đành cất gót đi. Người hầu đưa cậu đi lòng vòng một lúc, mãi mới tới cung có biển khắc "Sứ ngụ". Bà ta dặn dò:

"Sau khi hội họp với đoàn sứ thần xong, cậu công sứ hãy nhớ đừng vui quá mà quên thay áo quần. Mặc đồ bên cậu hay bên nước chúng tôi, Quan gia không coi nặng. Giờ Tuất người mở tiệc. Nô nhắc lời này vì muốn tốt đôi bên, bởi Quan gia không thích ai đi muộn."

"Ta biết rồi." Đông Quân gật đầu, cậu thầm hiểu đây là lời thị uy.