bởi Trí Nghiên

15
7
2162 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Thanh Âm Lưu Luyến




“Mười năm xưa đứng bên bờ giậu

Đường xanh hoa muối bay rì rào

Có người lòng như khăn mới thêu

Mười năm sau áo bay đường chiều

Bàn chân trong phố xa lạ nhiều

Có người lòng như nắng qua đèo.”


Tâm về lại quê sau bao nhiêu năm. Nó giờ khác rồi, không còn là đứa trẻ quần áo đầy mảnh chắp vá, tay chân in hằn những trận đòn roi của người cha suốt ngày say xỉn. Nó giờ là ca sĩ Thanh Tâm của hãng băng đĩa nổi tiếng, đi đâu cũng nghe văng vẳng tiếng ca nó phát ra từ đài radio.


Tâm đã gần mười năm chưa về quê, có lẽ nó muốn trốn tránh, muốn quên đi những kí ức đầy xấu hổ, tủi nhục và đau thương ở cái làng quê nghèo khó này.


Nó cùng mẹ bước ra từ chiếc xe con sang xịn, cả hai mặc bộ comple cũng màu đen, ban đầu người ta còn tưởng nó là người trên thành phố ghé ngang để hỏi đường, ai ngờ họ về để làm tang lễ cho cha nó.


Ai cũng ngỡ ngàng vì tưởng họ không về. Chẳng ai nghĩ nó sẽ về vì những biến cố đã qua, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận cơ mà dù gì đi chăng nữa cũng là cha của nó. Chuyện xưa người ta cũng quên vì vốn đâu phải lỗi của nó.


Nó giờ khác lắm không còn bộ dạng lấm lem bùn đất, trên cơ thể cũng không còn những vết bầm do bị đánh như trước. Nhìn thanh tao ra dáng một quý cô, gương mặt nó không lộ cảm xúc vui buồn hoặc có thể vì cặp kính râm của nó đã che đi hầu hết cảm xúc của cửa sổ tâm hồn.


Nó đã khác xưa, còn Thanh vẫn vậy vẫn chờ nó một ngày nào đó quay về ôn kỷ niệm xưa. Vẫn là đứa hay bị lũ trẻ trong xóm ăn hiếp rồi òa khóc, những lúc đó có mỗi nó là ra tay trượng nghĩa đứng về phía Thanh. Những buổi chiều rủ nhau mót trứng vịt đẻ rớt trên ruộng nhà người ta ngần ấy năm liệu Tâm còn nhớ hay đã quên.


Mấy năm nay mỗi lần nghe giọng hát nó từ đài radio phát ra từ một ngôi nhà nào đó trong xóm, Thanh đều không khỏi nhớ nó. Từ tận tâm hồn Thanh tự đặt câu hỏi không biết bao nhiêu lần, liệu đứa bạn xưa còn nhớ đến mình không. Đôi lần Thanh tự huyễn hoặc bản thân rằng Tâm chắc chắn còn nhớ đến mình, nó chẳng phải đã ghép tên Thanh với tên của nó thành nghệ danh rồi còn gì?


Rồi Thanh lại lo sợ, Tâm ngày nào giờ đã là một ca sĩ nổi tiếng sẽ chẳng về lại cái nơi này một lần nào nữa thì sao? Dù trong thẳm sâu tận đáy lòng Thanh vẫn muốn, gặp lại Tâm một lần chỉ một lần thôi, để nói rằng con Thanh này nhớ nó. Người bạn mà suốt cuộc đời này Thanh chẳng thể quên. Vậy mà mười năm rồi nó mới chịu về.


Nhưng nó có lẽ rất muốn quên những kí ức tồi tệ ở nơi này lắm. Muốn quên những lần bị cha nó đanh mắng trong cơn say. Rồi hàng xóm tụm năm, tụm ba lại bàn tán, chỉ trỏ, chứ chẳng một ai dám bước vào nhà nó mà can ngăn.


Hồi đó, Tâm cũng từng có một gia đình đầm ấm giống như nhà Thanh vậy. Lúc ấy, Thanh với nó vẫn chỉ là những đứa trẻ không hiểu chuyện. Chúng nó chỉ biết rằng, chính đồng tiền đã làm cho gia đình nó tan nát. Ấy là chúng nó nghe mấy cô hàng xóm truyền tai nhau như thế, họ bảo rằng cha của Tâm làm ăn thua lỗ đâm ra chán nản, rượu chè nên mới đánh đập hai mẹ con.


Cho đến khi, mẹ Tâm cũng chẳng thể nào chịu nổi những trận đòn roi dã man của người chồng bợm rượu phải bỏ con lại mà ra đi. Mẹ nó đi trong một buổi chiều khi nắng vàng sắp tắt, khi Thanh với nó đang ngồi cùng nhau ngoài cây đầu ngỏ hát nghêu ngao. Nó thấy dáng mẹ chạy vội vàng lại hỏi:


“Mẹ ơi! Mẹ đi đâu giờ này vậy?”


Khi ấy, chúng nó chưa đủ lớn để nhận ra bộ dạng thập thò lén lút cùng ánh mắt xót xa của người phụ nữ mệnh khổ ấy, khi phải bỏ con lại với người chồng vũ phu. Vì sợ cha nó phát hiện ra, bà không dám chần chừ thêm một phút giây nào nữa, bởi nếu bị bắt lại thì không những bị người chồng tồi tệ kia đánh đập mà còn phải nghe cả những lời dèm pha của mấy người trong làng nếu biết bà bỏ chồng. Mẹ nó vén mớ tóc lòa xòa trên trán đứa con bé bỏng, rơm rớm nước mắt nói:


“Mẹ có việc phải đi, con ở nhà với cha. Ngoan, chờ mẹ về.”


Vậy là mẹ nó quay lưng đi mất hút. Thế rồi một ngày, hai ngày, rồi một tháng đến một năm. Không ai thấy mẹ Tâm về lần nào, những người ở gần nhà chỉ nghe thấy ngày càng nhiều tiếng khóc của nó, tiếng chửi mắng của cha nó vọng sang:


“Khóc? Mày còn khóc cái gì? Oan ức lắm hả? Oan ức quá thì mày đi theo mẹ mày đi, đi hết đi tao không cần đứa nào ở lại cái nhà này hết.”


Thanh ở cạnh nhà nó nghe thấy mà xót xa thay, chứ nói chi là một người làm con như nó lại phải nghe bố ruột mắng nhiếc đánh đập. Thế nhưng Thanh cũng chả làm gì để giúp Tâm được. Những lúc ấy chỉ biết rúc vào trong chăn để không phải nghe nữa, cũng là để giấu đi hàng nước mắt lăn dài trên má. Thanh tự trách bản thân không giúp gì được cho bạn. 


Không ai biết Tâm có trách mẹ nó không, người ta chỉ thấy nó hay ngồi ngoài đầu cầu ngẩn ngơ như thể chờ ai đó. Nó ngồi ngoài đó rồi Thanh cũng theo nó ra đầu cầu, hai đứa ngân nga những bài dân ca, trữ tình, những đoạn ngắt quãng không đầu không cuối mà cả hai đứa có thể nhớ.



“Tóc Người, dòng sông xưa ấy đã phai

Đã lênh đênh biển khơi

Có lần bàn chân qua phố thấy Người

Sóng lao xao bờ tôi.”


Lời ca thuở ấy lúc nào chẳng vang vọng, đong đầy trong trí óc của Thanh. Nhưng mười năm rồi, Thanh chẳng rõ hồi ức năm nào Tâm còn lưu giữ hay chỉ có Thanh vẫn lưu luyến nhớ về một kỉ niệm mãi trôi vào dĩ vãng.



Mười năm rồi không biết Tâm có còn nhớ lại kí ức kia không. Tâm mười bốn tuổi Thanh cũng thế, hai đứa vẫn hẹn ra đồng chơi. Vậy mà, chỉ một ngày Thanh bận việc nhà nên ra muộn, chỉ một lần thôi mà hai đứa không còn dịp nào để chơi cùng nhau nữa.


Vài hạt mưa đầu mùa rơi xuống, trong đám cỏ xanh rì. Quần áo rách bươm, Tâm nằm gần như bất động. Ai đã làm chuyện này? Không ai truy cứu kẻ nào ác ôn đã làm. Người ta chỉ chăm chăm vào nạn nhân bêu rếu, từ lúc nào nạn nhân lại là người đáng bị chỉ trích như thế chứ? 


Cha Tâm lại tiếp tục đánh đập nó. Lần này, thứ Tâm đau đớn không chỉ là thể xác, mà còn cả tinh thần. Nó tự hỏi mình đã làm sai chuyện gì? Tâm cảm thấy cơ thể nó nhơ nhuốc lắm, làm sao có thể rửa sạch vết nhơ này?


“Thứ lăng loàn trắc nết y như mẹ mày vậy đó.”


Lần này, Thanh không yếu đuối nữa, nó dùng hết sức bình sinh giành lại cây roi từ kẻ vũ phu kia để Tâm được chạy trốn. Tâm chạy một mạch ra khỏi nhà. Trong đầu nó chỉ một câu hỏi.


Tấm thân nhơ nhuốc này phải rửa sạch làm sao? Chỉ có trầm mình xuống sông. Ừ đúng thế, trong đầu nó lóe lên một ý định khờ dại. Bước chân nó không dừng lại mặc cho mưa ngày càng lớn.


Cơ thể nó ướt nhẹp,dòng nước đang quấn lấy lấy người con gái trên mình đầy đau khổ, như để rửa trôi mọi tội lỗi mà người khác gây ra nhưng chính nó là người phải gánh. Nước đang tràn vào khoang miệng. 


Nhưng có một bàn tay nào đó kéo nó lên. Là Thanh, Thanh đã không ngại nguy hiểm để cứu nó.


Chỉ tiếc, nơi thân thuộc nhất lại thành nơi tang thương nhất. Thanh còn nhớ cảnh tượng thê thảm đó, gia đình Thanh buông lời oán hận Tâm, còn con Tâm chỉ biết nằm trên giường bệnh ngơ ngác như mất hồn.



Thanh không cần Tâm phải làm bất kì điều gì cả. Chỉ mong rằng nơi dòng đời vội vã. Đừng quên nơi này còn có một người đợi nó.

 

Bảy tuổi mẹ vì không chịu được những trận bạo hành mà mẹ nó phải bỏ đi. Bị cha đánh đập ngần ấy năm, mười lăm tuổi bị người ta cưỡng bức mà không thể phản kháng không lấy một người bênh vực. Ngay cả cha nó cũng vì vậy mà đánh đập nó nhiều hơn, kêu nó là loại con gái lăng loàn như người đàn bà đã bỏ rơi mình. 



Trời xui đất khiến thế nào mẹ nó từ phương xa về giành lại nó bằng mọi giá, giành đứa con của mình lại từ tay người đàn ông ấy. Chỉ tiếc mẹ nó đã chậm…Người tự lấy cái nghèo ra để làm cớ than thân trách đời bạc bẽo, rồi lại tự bản thân cho mình cái quyền làm tổn hại đến người thân, không xứng đáng để giữ con bên cạnh.



Người đàn bà năm nào về lại tìm nó. Năm đó bất đắc dĩ lắm mới bỏ nó lại. Một thân một mình rời bỏ con trốn chạy người chồng vũ phu, không việc làm, ngay cả bản thân phải sống thế nào cũng không biết, thì làm sao có thể chăm lo cho nó.


Bà không ngờ, mọi chuyện lại tệ hại đến mức này. Bà thật sự muốn cầu xin nó hãy thấu hiểu, hãy cảm thông cho bà. Những câu nói ấy làm sao bà có thể thốt nên lời.


Trong bệnh viện lạnh tanh nó òa khóc:


“Con không trách mẹ đâu.”


Mẹ nó đưa nó đi, đưa nó đi ra khỏi vùng quê nghèo khó này, đưa nó đi ra khỏi cuộc đời Thanh. Năm ấy Tâm mười lăm tuổi, Thanh cũng thế. Bây giờ chúng nó đã cách nhau mười tuổi rồi.


Mười năm rồi Thanh vẫn còn đứng bên con sông ngày trước hai đứa cùng ngóng chờ mẹ Tâm về, cũng là nơi Thanh đã lao mình xuống để cứu Tâm. Giá như năm đó… biết bao chuyện để nói hai từ giá như nhưng rồi thì sao?


Chỉ còn lại nỗi ân hận day dứt từ thẳm sâu tim Tâm. Nó không nói, không thổ lộ không có nghĩa là nó quên hay không có cảm xúc. Chỉ là đã quá đủ đau buồn để nó không muốn chia sẻ với một ai. Cũng vì đủ đau buồn như thế nên cũng chẳng còn nước mắt để mà rơi.


Mười năm rồi, nó đi hát ở nhiều nơi nhưng chưa từng về nơi này, không phải không muốn về mà là không dám, không dám đối mặt với quá khứ.


Hoàng hôn hôm ấy, người ta thấy cô ca sĩ Thanh Tâm một mình đứng dưới mé sông hát mà không một ai nhận ra còn có một người nữa hát cùng. Hai giọng hát cất lên hòa quyện vào không gian mộc mạc của làng quê, hoà vào khoảng không vô định.


“Thanh à! Ai cũng khen giọng hát của tao hay, mày biết tại sao không? Vì tao hát cả phần của mày nữa cơ mà, hai mình cộng lại thì đâu ai sánh bằng.”


Là giọng hát của ca sĩ Thanh, Tâm. Người ta nói đúng, tận cùng của thương nhớ là phải sống thay phần của người khác.


“Mười năm chân bước trên đường dài

Gặp nhau không nói không nụ cười

Chút tình dường như hiu hắt bay

Mười năm khi phố khi vùng đồi

Nhìn nhau ôi cũng như mọi người

Có một dòng sông đã qua đời.”

(Trịnh Công Sơn)