8
2
1014 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

"Thế giới" mà tôi bỏ quên


“Khói bay tóc cha trắng con dần khôn lớn. Da nhăn, đôi tay sạm nắng thấy cha già hơn…”

Có lẽ bạn cũng đoán được đây là lời của ca khúc “Cha già rồi đúng không” được ca sĩ Phạm Hồng Phước thể hiện. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe ca khúc này nhưng sao hôm nay bỗng dưng thấy cảm xúc dạt dào lạ thường. Hình như tôi nhớ cha rồi. Người mà tôi đã vô tình “bỏ quên” trong suốt những năm tháng xa nhà.

Không nhớ đã bao lâu rồi tôi không gọi cho cha. Kể từ khi đặt chân sang nơi đất khách quê người để học tập, rất ít khi tôi gọi cho ông. Thậm chí tôi còn không nhớ nổi lần gần đây nhất tôi gọi cho ông ấy là khi nào.

Cha tôi, một người đàn ông cứng nhắc, hiếm khi thể hiện tình cảm hay cảm xúc ra ngoài. Cha chẳng bao giờ ngọt ngào được nổi ba câu. Nhớ lúc còn nhỏ, cha luôn chọn cách la mắng và đòn roi để dạy dỗ chị em tôi. Mặc dù tôi rất giận, giận đến nỗi chẳng thèm nói chuyện với ông sau mỗi lần bị đòn nhưng lại không kiềm lòng được khi thấy ông loay hoay tìm chai dầu để thoa cho tôi.

Sau này dù cho chị em tôi đã lớn nhưng mỗi khi phạm lỗi ông vẫn la mắng cọc cằn như trước, thậm chí còn khó tính hơn. Tôi cũng thừa nhận rằng đôi lúc mình đã thật sự cảm thấy ghét cha.

Từng câu chữ trong bài hát khiến tôi thấm thía, giống như đang kể lại câu chuyện giữa tôi và cha. Tôi chưa từng nhận được bất kỳ món quà nào từ ông trong ngày sinh nhật của mình, ngay cả một lời chúc. Tôi cảm thấy vô cùng ganh tỵ khi nhìn thấy tụi bạn được nhận quà sinh nhật từ cha mình. Giờ đây nghĩ lại, những thứ mà cha cho tôi còn quý giá hơn, đó là tuổi trẻ, là cả một cuộc đời sống vì các con. Tôi nhận ra rằng tuy ông ấy có cọc cằn, khó chịu nhưng cũng là vì muốn tôi nên người.

Vì cha là một người đàn ông không giỏi thể hiện tình cảm nên có thương cũng chỉ dám để nơi đáy lòng. Vì cha là một người đàn ông ở một thế hệ khác với tôi bây giờ nên cách cha yêu thương dạy dỗ sẽ không giống với những ông bố thời nay. Tôi hiểu được tính khí cọc cằn, khó chịu đó của cha cũng vì ông phải gánh vác nhiều thứ trên vai.

Tự nhiên tôi thấy mình thật tệ và vô tâm. Lúc nhỏ tôi chỉ mong mình lớn lên thật nhanh để rời khỏi cha, thoát khỏi tính nóng nảy khó chịu của ông nhưng bây giờ tôi chỉ muốn thời gian quay trở lại.

Tôi nhận ra cha đã già đi nhiều rồi. Mái tóc xanh ngày nào đã dần bạc đi sau mỗi lần tôi trở về. Khuôn mặt cha cũng nhiều nếp nhăn hơn. Đôi bàn tay cũng thô ráp và chai sạn đi, làn da hiện rõ những chấm đồi mồi như chứng tích của một đời lam lũ vất vả, đôi mắt tinh anh ngày nào giờ đã mờ dần. Mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân cha lại đau nhức. Thế mà sao ngày đó tôi lại thờ ơ đến vậy, chưa bao giờ để ý đến những điều đó.

Trong những lần ít ỏi về thăm nhà, tôi thường nghe cha kể những câu chuyện cũ, lúc cha mẹ mới cưới, ngày tôi được sinh ra, hay những lúc mẹ ru mà tôi không chịu ngủ, rồi lại ngủ thiếp đi trong vòng tay của cha,… Thuở ấy, cha tôi cũng dịu dàng lắm chứ nhưng có lẽ vì trách nhiệm của trụ cột gia đình đã khiến ông thay đổi dần.

Lúc này, tôi chợt nhận ra mình không đủ can đảm để nói với cha rằng “con thương cha”. Có lẽ cũng giống như cha chưa khi nào nói được câu “cha thương con”. Và tôi cũng chẳng đủ can đảm để nói với cha lời xin lỗi vì sự vô tâm của mình, lời cảm ơn vì đã dành cả cuộc đời để yêu thương và chăm lo cho tôi.

Tôi nhớ nhân vật Cẩm Lệ do nghệ sĩ Lê Giang thủ vai trong bộ phim “Bố Già” có nói một câu: “Xin lỗi cha mẹ khó lắm, còn nếu mà nói được nó dễ thương lắm luôn”. Thật khó để nói ra lời xin lỗi với đấng sinh thành, có mấy ai làm được mà không cần đắn đo suy nghĩ nhưng nếu nói được thì “dễ thương” vô cùng.

Mỗi lần tôi gọi điện về cho mẹ, thỉnh thoảng lại thấy tấm lưng của cha lủi thủi quay đi sau vài lời hỏi thăm qua loa. Có lần cha không ở đó, mẹ đã nói với tôi: “Ổng cũng nhớ mày lắm đó”. Lúc đó tôi cũng không nghĩ nhiều nhưng đến hôm nay tôi mới nhận ra có lẽ cha cũng muốn tôi gọi cho ông, muốn được thấy cuộc gọi của con gái trên màn hình điện thoại của chính mình.

Tôi đã vô tâm bỏ quên mất “thế giới” của mình, khi nhận ra được tất những điều này thì cha cũng đã đi được hơn nửa đời người.

“Thế giới” của con, con xin lỗi vì sự vô tâm của mình, xin lỗi vì đã vô tình bỏ quên cha, và cũng cảm ơn cha người đàn ông duy nhất trên đời này dành cả cuộc đời để yêu thương con vô điều kiện.

Tôi sẽ nói câu đó với cha. Bởi tôi sợ khi thức dậy lần nữa cha sẽ không còn bên cạnh tôi như ngày nào.

Truyện cùng tác giả