Thu

bởi Mã Diêu

28
5
2335 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Thu


Tôi có một cô bạn hàng xóm cực kì lạ lùng, tên là Quế Thu.Thu có ngoại hình nhỏ con, với mái tóc cắt ngắn cũn cỡn trên vành tai, hay thích mặc mấy bộ đồ rộng thùng thình, và rất hay cười. Cô nhóc tính tình có chút tưng tửng và tùy hứng. Chúng tôi thân nhau như thế nào, tôi chẳng nhớ rõ nữa. Có lẽ là bắt đầu từ khi bố mẹ cậu ấy nhờ tôi trông giúp đứa nhỏ, bởi bất cứ rủi ro nào cũng có thể xảy ra với một người hiếu động như Thu. Thú thật thì tôi có chút ái ngại khi được nhờ giúp đỡ, vì chúng tôi nào có quen biết nhau đâu. Nhưng bố mẹ tôi cũng khuyến khích việc đó luôn, dẫu sao chúng tôi là hàng xóm, không sớm thì muộn cũng quen thân. Hơn nữa họ sợ một đứa nhóc như tôi có thể bị tự kỉ, nên mong rằng chúng tôi có thể giúp đỡ lẫn nhau, khi họ bận rộn. Để rồi bất giác, chúng tôi đã quen với sự hiện diện của đối phương lúc nào không hay.

Nói đến những sự kì lạ của Quế Thu, tôi nghĩ chắc hẳn cậu ấy thừa hưởng từ cả bố lẫn mẹ. Bởi vì khi biết tin con mình đánh nhau, bố Thu đã lái xe thật nhanh đến trường, mặt mày nghiệm trọng. Ai cũng tưởng Thu sẽ bị bố mắng cho một trận tơi bời khó lửa, nào ngờ, ông nắm chặt vai cậu ấy, nghiêm túc hỏi, Thu, con thắng hay là thua. Câu hỏi khiến mọi người ở đó ngã ngửa, giáo viên chủ nhiệm lớp Thu cũng không buồn xử lí vụ việc, bố mẹ người bị đánh cũng vội... rút lui. Chưa hết, mẹ cậu ấy còn tổ chức tiệc linh đình, mời cả tôi sang, để chúc mừng Thu đánh nhau thắng người ta. Một gia đình kì cục từ bậc phụ huynh đến con cái.

Khác với tôi, một học sinh ngoan hiền đúng mực, Quế Thu là một người thích cầm đầu băng đảng chuyên đi đánh nhau, may mà chỉ đánh những người gây sự trước. Cậu ấy bảo như thế rất ngầu. Thu có những suy nghĩ kì lạ mà tôi không thể nào hiểu được, cả hành động nữa. Như cái cách mà cậu ấy ngang nhiên cười tươi khi chịu phạt vì trốn học. Cậu ấy bảo đời học sinh mà chưa một lần làm điều đó thì phí phạm quá. Như cái cách mà cậu đột ngột nghỉ hẳn một tuần hồi cuối học kì một năm lớp 9, chỉ để đi Sapa. Cậu ấy nói rằng đi mùa đông mới đúng mùa, đắp được con người tuyết to ơi là to, còn gửi ảnh chụp cho tôi nữa chứ. Như cái cách mà cậu ấy hát rống lên những bài ca không đầu không cuối, giữa đường, mặc cho đám đông đang nhìn với ánh mắt vừa tò mò vừa có ý cười cợt, khiến người đi cùng Thu, là tôi, ngượng chín mặt. Hay như cái cách mà cậu ấy chơi đùa ở công viên với đám chó mèo mà cậu ấy tìm được ở đâu đó, dù rằng cả người lấm lem bùn đất. Cậu ấy nói rằng đằng nào chẳng tắm rửa, bẩn chút có sao. Và còn nhiều cái "như" nữa mà tôi kể có tới năm sau cũng không hết.

Tôi đã nhiều lần có ý tốt nhắc nhở cậu ấy đừng làm những việc thế nữa. Ấy vậy mà cậu ấy lại ghé sát mặt tôi, trừng mắt hỏi tại sao. Cái nhìn đó khiến tôi có chút khó chịu, ngứa ngáy trong lòng.

Tôi nhăn mặt:

- Sao trăng gì? Mày không thấy như thế mất mặt lắm à?

Quế Thu nghe xong, đá vào chân tôi một cái thật mạnh, bĩu môi rồi phán một câu xanh dờn:

- Mất mặt cái con khỉ, đồ cổ hủ!

Tôi cũng không vừa, trực tiếp giảng cho cậu ấy một tràng giang đại hải mấy câu... đạo lí, chuẩn mực làm người. Thu giả vờ lắng nghe, đầu óc treo ở những đâu đâu. Chắc là đang sâu chuỗi lại những câu mà cậu ấy sẽ dùng để đáp trả tôi đây mà.

- Con người bây giờ thật kì lạ... - Thu lẩm bẩm. Tôi nghe thế, hất cằm hỏi có gì mà kì lạ, chính Thu mới kì lạ ấy. Thu ngước mắt lên nhìn tôi, với ánh mắt xét nét. Lúc lâu sau, cậu ấy đột nhiên thở ra:

- Còn không kì lạ nữa? Mất cái thứ mà mày vừa nói đó, nhà nước quy định như thế à? Có gì mà mất mặt, khi được làm điều mình thích? Tại sao phải làm cái này cái kia, mới là người bình thường? Tao đâu có điên, tao chỉ làm điều mình thích, thế thôi thì có sao đâu. Tao cũng không phạm luật cơ mà, vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cơ mà. Người ta xét nét, kệ người ta. Họ có biết tao là ai đâu? Mà có biết cũng chẳng ảnh hưởng gì mà. Tao vẫn sống, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn chơi, vẫn cười, vẫn thế. Có gì khác đâu cơ chứ?

Quế Thu còn rù rì nói nhiều điều nữa. Cái giọng nhỏ nhẻ rì rầm thế này, tôi có chút không quen. Thường ngày cậu ấy nói khá to mà. Thu nói nhiều, rất nhiều, mất mấy mươi phút đồng hồ, sau đó đưa cho tôi một quyển sổ. Đó là một cuốn sổ tay, lúc đầu là sổ trơn, bìa màu trắng thôi, nhưng qua bàn tay khéo léo của Thu, nó trở nên thật đẹp đẽ và dễ thương. Thu từng nói cậu ấy thích những thứ đáng yêu, hẳn cậu phải bỏ ra kha khá thời gian để trang trí cho cuốn sổ được vừa ý.

Tôi cầm lấy, hỏi đưa tôi làm gì. Thu cười toe, nụ cười dễ thương lạ. Cậu ấy bảo đưa tôi thì tôi cứ đọc đi, con trai gì mà hỏi hoài, nhiều lời quá đi mất. Tôi không biết nói gì hơn. Vốn dĩ tôi là một cậu trai trầm tính, "nhờ có" Thu tôi mới trở nên như bây giờ, vậy mà cậu ấy còn trách tôi được?

Tôi lật giở từng trang giấy, ngạc nhiên khi thấy những tờ vé máy bay, vé xem phim, cả những tấm ảnh cậu ấy chụp ở nhiều nơi, với vài thứ khác, được kẹp ngay ngắn trên trang giấy nhỏ, xung quanh là những nhãn dán và biểu tượng mặt đủ thể loại. Lật những trang tiếp theo, từng gạch đầu dòng được đánh dấu tích ở cuối. Tôi đọc chăm chú. Thì ra đó là những hoạt động Thu muốn làm, và dấu tích đó để đánh dấu những việc cậu ấy đã thực hiện rồi. Những dòng chữ nắn nót, ngay hàng thẳng lối, khác xa với kiểu chữ cẩu thả ngoằn ngoèo, rồng bay phượng múa như bình thường cậu ấy viết ở trên lớp. Có lẽ Thu thực sự vui vẻ khi làm thứ này, nên mới chăm chút cho nó như thế.

Gấp quyển sổ tay lại, quay sang Thu, tôi thấy cậu ấy đang nhìn tôi, chờ đợi. Bấy giờ, tôi mới cất tiếng hỏi:

- Tao đọc xong rồi, giờ sao nữa?

Quế Thu thất vọng ra mặt, nhếch môi cười ruồi, tỏ ý coi thường. Sau khi bày ra đủ thể loại biểu cảm, cậu ấy để lại một câu gọn lỏn:

- Thử đi, vui lắm!

Rồi Thu chuồn về nhà, vì hôm nay mẹ Thu làm bao nhiêu món ngon mà cậu ấy thích, chứ không có lẽ cậu ấy còn lông bông đến tối. Tôi đã nhiều lần khéo léo lựa lời góp ý với bố mẹ Thu, về những điều họ đang giáo dục cho cậu ấy, và chẳng lần nào tôi thành công cả. Họ nghe tôi nói, chăm chú hơn nhiều so với Thu. Tuy nhiên, sau cùng, hai bác cũng chỉ cười:

- Cái Thu sinh ra đâu phải để làm mấy điều vô nghĩa đó, hở cháu? Cứ để Thu làm những việc mà nó muốn làm đi. Con bé sinh ra là để sống tự do, chứ không phải để gò bó như cháu nói, Thanh à!

Qua hôm sau, Quế Thu rủ tôi đi nhảy bunggee. Tôi hỏi, tiền đâu mà đi. Hình như sau khi quen với Thu thì tôi ngày càng hỏi nhiều hơn.

- Yên tâm, tao bao. Tao báo cáo với bố mẹ rồi.

Nhà Thu thuộc kiểu gia đình khá giả. Tôi từng hỏi, bố Thu lăn ra đi làm, tạo dựng nhiều mối quan hệ để làm gì, khi mà ông cũng có thể đi thực hiện những điều ông muốn, như mẹ con Thu vẫn làm. Ông cười, bảo, là để cho Thu và bác gái có thể thỏa sức "tung hoành ngang dọc", không kiêng dè ai hết, hơn thế là để cậu ấy không phải đắn đo về tiền khi muốn làm cái gì. Tư tưởng của gia đình Thu, không phải ai cũng có thể hiểu.

Lúc này, tôi lại dại dột đặt thêm một câu hỏi nữa, khiến Thu phát cáu:

- Mà đi để làm gì? Ở nhà không hơn à? Nắng nôi thế này...

Khóe môi Thu giật giật, giọng nói thể hiện rõ cậu ấy đang kiềm chế:

- Hôm qua tao đã nói như thế, mà mày, Thanh, mày... vẫn chưa tiếp thu được à?

Sau đó, dù tôi phản đối thế nào, Thu vẫn nhất quyết lôi tôi đi bằng được. Đứng trên độ cao đó nhìn xuống, tôi không khỏi sợ hãi. Thu và tôi vốn sợ độ cao từ nhỏ. Tôi thì đến giờ vẫn chưa khắc phục được, còn cậu ấy thì đã hết sợ từ đời nào, thậm chí còn thích nữa.

Thu mặc đồ bảo hộ xong, trưng cái bộ mặt cười toe toét quen thuộc, đến sát mép nơi chúng tôi đang đứng, hỏi tôi sao không nhảy đi. Tôi giận dữ, chẳng phải cậu ấy biết tôi sợ độ cao sao. Chẳng ngờ, Thu còn cười tươi hơn, tít cả mắt, bảo đây là phương pháp "lấy độc trị độc", bảo đảm hiệu nghiệm. Nghe thế, tôi biết chắc là hôm nay sẽ chẳng thể thoát. Nhưng tôi vẫn còn trù trừ. Lỡ như có chuyện gì thì sao.

- Trên đời làm gì có nhiều "lỡ như" thế! Mày cứ nhảy đi xem nào. Sợ thì nắm tay tao này.

Giọng điệu mỉa mai của Thu khiến tôi tự ái, nhưng vẫn lượng lự. Tôi nói, giọng hơi run:

- Để tao chuẩn bị tinh thần cái đã, mày!

- Chậc, thật chán cho mày.

Thu nói thế, và nhảy xuống, đồng thời kéo luôn tôi xuống cùng, chẳng để tôi kịp phản ứng. Hai đứa cùng la. Thu thì la là vì thích thú. Còn tôi, chắc chắn là vì sợ. Thu la to hơn tôi nhiều. Có cảm tưởng cái dây thanh của Thu sắp đứt đến nơi. Gió quật vào mặt tới tấp, tôi chẳng dám mở mắt ra nữa, chỉ mong cho việc này sớm kết thúc.

Nhưng thế quái nào Thu lại lôi tôi đi nhảy thêm lần nữa. Lần này, Thu bảo, trước khi nhảy tôi hãy hét to một điều gì mà làm tôi vướng bận, để gió và mây cuốn đi, và còn nghiêm cấm tôi nhắm mắt khi nhảy, vì cảnh đẹp.

Chẳng kịp nghĩ gì, tôi hét thật to, trong khi cũng chẳng nhớ mình đã hét những gì, theo phản xạ tự nhiên nhất. Có lẽ đó là điều tôi muốn làm bấy lâu nay, nhưng không đủ can đảm.

- A A A A A A A A! VỀ RỒI MÀY CHẾT MÁ MÀY VỚI TAO!

Tôi đã hét lên như thế, khi Thu đột ngột đẩy tôi xuống. Và lần này tôi không nhắm mắt thật, dù rằng tim đập có hơi mạnh vì bất ngờ. Cảnh có đẹp không, tôi chẳng nhớ. Nhưng cái cảm giác thu vào tầm mắt mọi thứ như thế, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên.

Kết thúc chuyến đi ấy, chúng tôi còn đi nhiều nơi nữa. Từ những ngõ hẻm không người, cho đến những nơi nổi tiếng thế giới. Một dạo, khi đang ngồi ngắm những đám mây trong công viên, cùng với hai con chó trắng bên cạnh, tôi hỏi Thu, xem cậu ấy có điều gì hối tiếc không. Thu lặng im, không đáp. Lúc lâu sau, cậu ấy mới nói, chậm rãi:

- Có chứ, đó là được đi du lịch vòng quanh thế giới cùng với những người quan trọng.

Tôi lại hỏi, sao Thu không đi cùng gia đình cậu. Thu cười, bảo nhà cậu ấy thích hành động đơn độc hơn, đi chơi kiểu gì cũng tách ra mội người một nơi. Tôi trầm ngâm, lại hỏi, tôi có phải người quan trong trong lòng cậu ấy không. Thu gật nhẹ. Tôi lại bảo, đến khi nào tốt nghiệp đại học, chúng ta cùng đi nhé. Thu hơi sững lại, rồi cười, bắt tôi móc ngoéo. Hai ngón tay móc vào nhau. Tay Thu thật bé.

Chiều dần trôi. Ánh nắng mỗi lúc một dịu dàng. Nắng mùa thu. Vài tia nắng chiếu qua khuôn mặt nhỏ nhắn ấy, khuôn mặt đang tươi rói và cuốn hút đến không ngờ. Bất giác, tôi thì thầm bên tai Thu:

- Thu cười nhiều lên nhé, Thu cười đẹp lắm!

Thu gật đầu, và cười.

Tất cả những gì tôi trân quý và yêu thích nhất, có lẽ cũng chỉ gói gọn trong nụ cười của Thu.