Thư gửi mẹ
"Gửi đến mẹ thân yêu của con,
Theo con nhớ thì từ trước đến nay chưa một lần con nói rằng "yêu mẹ" đúng không ạ? Cứ đứng trước mặt mẹ là con lại thẹn thùng mãi mà chẳng thốt nên câu. Nên nhân đây con muốn nói là con thực sự yêu mẹ nhiều lắm, trên đời này con chỉ yêu mỗi mẹ thôi.
Con không yêu bố đâu, thật đấy ạ. Mặc dù khi nhỏ con hay quấy đòi bố, nhưng giờ hình bóng bố trong con chẳng còn được rõ nét như xưa nữa. Chỉ còn vài đường nét mơ hồ đọng lại trong kí ức, dù rằng đều không quá tốt đẹp, nhưng thật tệ khi phải thừa nhận rằng con đã quên mất bố trông như thế nào rồi. Nếu bây giờ mẹ tìm được người đàn ông yêu mẹ thật lòng và không khiến mẹ luôn phải ngồi khóc một mình trong đêm, thì con cũng sẽ dùng hình ảnh của người đàn ông ấy để đắp nặn lên dáng vẻ của một người bố, một người bố thực sự mà khi xưa con luôn không có được. Và bố trong trí nhớ của con sẽ không còn nhạt nhoà như thế nữa.
Và mẹ ơi, con cũng không yêu em trai đâu. Tiện đây thì con cũng kể hết cho mẹ những tội trạng mà nó phạm phải những năm qua luôn, con có ghi sổ hẳn hoi nhé. Mấy cuốn sổ hồi nhỏ lúc chuyển nhà đều mất cả rồi, nhưng cũng không sao, hồi nhỏ nó cũng chẳng làm chuyện xấu gì lớn lao. Mà đằng nào thì lúc đấy con cũng mách mẹ cả rồi, chỉ tại mẹ cứ cười cho qua, không nỡ mắng nó, còn bảo con làm chị phải bao dung em nhiều hơn, nên nó mới được đà muốn voi đòi hai bà Trưng, càng ngày càng mất nết.
Sổ thì con ghi nhiều lắm, đa phần đều là mấy tội vặt, ghét uống sữa nên bỏ cho chó mặc dù con còn đang thèm này, hay làm vỡ bình hoa mà đổ tội cho con, còn xé vở bài tập của con; và cả việc từ năm mười tuổi đến giờ chẳng bao giờ gọi con là chị, thêm nữa là học rõ ngu mà còn không chịu cho con giúp, quần áo đã giặt hộ cho thì không biết cảm ơn còn chê giặt như không giặt. Những việc ấy thì con không tính toán, nhưng sao nó có thể nhắm mắt làm ngơ để mặc chị mình bị bạn học vén váy trêu ghẹo?
Con không thích trường học đâu, mẹ ạ. Mẹ có phải rất bất ngờ không? Con chắc rằng từ trước tới nay trong mắt mẹ trường học luôn là ngôi nhà thứ hai của con. Vì dễ thấy được là điểm số của con luôn không rơi khỏi top đầu, và con cũng chưa bao giờ than phiền với mẹ rằng không muốn đi học, thậm chí trời có đổ mưa hay là ốm bệnh đột xuất mà con còn không bỏ lỡ buổi học nào cơ mà.
Nhưng mẹ có biết không, thực ra từ hồi còn nhỏ, nhỏ xíu ấy, là con đã ghét hai chữ "trường học" này rồi. Ở đó có mấy bạn xấu tính lắm, cứ hỏi mãi về việc bố con đâu rồi. Lúc ấy con cứ giấu đầu giấu đuôi mãi, còn nói dối hết lần này đến lần khác để bao biện việc cha "đi làm xa nhà". Nhưng giờ thì con hiểu rồi: bọn họ biết đáp án, nhưng vẫn làm như không hiểu rồi đặt câu hỏi, để rồi đắc ý nhìn con lấp liếm cho qua chuyện.
Con tự hỏi, rằng những đứa trẻ ấy thực sự có ngây thơ không, hay bởi đặc quyền vì còn là trẻ con, chẳng phải chịu trách nhiệm gì với lời mình nói, nên mới có thể dùng dáng vẻ tưởng chừng như vô hại tổn thương người khác như vậy?
Con cũng không tài nào hiểu được, vì sao con người lớn rồi nhưng vẫn thích trò chơi nhập vai tuổi ấu thơ. Nhưng giờ họ không chơi đóng vai cha mẹ, cũng không nằng nặc đòi đóng công chúa hoàng tử gì nữa, họ muốn phân vai theo giai cấp, và người chơi cũng không có quyền chọn lựa mình sẽ đóng vai gì. Họ bị cuốn vào trò chơi một cách bị động, và cũng không để dùng dằng giận dỗi bảo: "Mình không muốn chơi!" cho qua chuyện được nữa.
Thật đáng buồn thay, trong vở kịch đang lặng lẽ diễn ra dưới lớp vỏ bọc tình thương mến thương mà nhà trường luôn hô hào ấy, con lại sắm vai một kẻ bị cô lập dưới cái mác: xấu xí, lập dị, chảnh choẹ, ỷ có tí mực trong đầu mà không xem ai ra gì. Chính là vai diễn mà bất cứ người xem nào đều không muốn tốn thời gian để tìm hiểu sâu thêm làm gì cho mệt não. Họ không muốn biết vai diễn ấy có thích hợp hay không, hoặc người sắm vai ấy liệu có đáng bị cô lập hay không, họ chỉ thuận theo tự nhiên, chẳng buồn suy nghĩ đã đưa ra kết luận: "Chắc chắn phải làm gì rồi thì mới bị ghét thế, chứ ai rảnh đâu đi cô lập nó làm gì?"
Con nên hiểu từ sớm, con người vốn dĩ là giống loài chạy theo số đông, là đúng hay sai, bên nào nhiều người hơn thì chiếm lấy lẽ phải. Và con người cũng là động vật máu lạnh nữa, mẹ ạ. Họ dửng dưng đứng ngoài xem kịch, không ủng hộ mà cũng không can ngăn, ai lại đi lo chuyện bao đồng làm gì cho phí sức, có phải không ạ?
Và mẹ biết không, con đang dần cảm thấy kiệt sức ngay cả khi nói chuyện với mẹ. Con không rõ tại sao nữa, nhưng mỗi lần đối diện với mẹ và em trai là con lại muốn bật khóc. Có thể là vì trong tiềm thức con luôn cho rằng dù rằng có chuyện gì xảy ra, thì những người thân cận nhất định sẽ từ những dấu hiệu nho nhỏ mà phát hiện ra bất thường. Nhưng không, mẹ ạ. Có lẽ vì con ở trước mặt mẹ luôn là đứa trẻ hiểu chuyện và có thể tự lập, nên ánh mắt của mẹ rất ít khi dừng lại nơi con.
Cũng có đôi lần con tự nhủ, nếu mẹ mãi chẳng phát giác ra điều gì, vậy con có thể kể hết những gì phải chịu ở trường, rồi mẹ sẽ có cách khiến những vết thương ấy lành sẹo, giống như việc dù không có người đàn ông trong gia đình, mẹ cũng có thể làm trụ cột chống đỡ căn nhà này khỏi gió táp mưa sa. Nhưng con phát hiện ra mẹ đã quá vất vả để kiếm kế sinh nhai, nhìn mẹ mỗi ngày đi sớm về khuya, mệt mỏi tới mức đặt đầu lên gối là đã say giấc, con không có lí do gì lại gia tăng thêm gánh nặng đè lên đôi vai của mẹ, vì con biết dẫu có kiên cường thì mẹ cũng đang dần trở nên gầy yếu.
Thế nên con lựa chọn âm thầm chịu đựng, dù điều ấy quá sức đến mức con không tài nào thở nổi.
Điều ấy có vô lý quá không, khi dù con không chịu bất cứ tổn thương nào về thể xác nhưng lại có cảm tưởng rằng trên mình đang mang vô vàn những vết thương lớn nhỏ. Và có lẽ mẹ cũng sẽ chẳng bao giờ tưởng tượng nổi thứ sức ép vô hình ấy có thể công phá tường thành tâm lý của con người đến mức độ nào: nó nhen nhóm những mầm bệnh trong mạch suy nghĩ, rồi không một tiếng động lan sâu vào tận vỏ não, khiến trái tim trở nên yếu đuối, rồi đưa dòng máu không lành mạnh ấy đi nuôi khắp cơ thể. Kết quả là giờ đây, bên ngoài vỏ bọc chăm ngoan hiểu chuyện đó, là một cơ thể đã rệu rã bởi những lát cắt vô hình phủ kín khắp toàn thân.
Con không khoẻ, con muốn nói với mẹ, thậm chí muốn hét lên thật to rằng con đang không khoẻ. Nhưng con chẳng còn sức để giải thích tại sao tất cả lại xảy đến với con một cách tồi tệ như thế, con chỉ mong ai đó có thể phát hiện con đang ngày một chết dần chết mòn. Những suy nghĩ u ám đã bủa vây và lấp đầy tâm trí con, đến độ con luôn nhìn mẹ và oán trách: con yêu mẹ nhiều đến như vậy, tại sao mẹ không thể chú ý đến con dù chỉ một chút?
Nhưng cũng chẳng sao cả, dù sao thì bạn ấy cũng đã tìm được và cứu rỗi lấy con. Thật đáng kinh ngạc là trên đời này còn có người có thể hiểu con hơn cả chính bản thân mình. Con thậm chí còn chẳng cần phải nói hay giải thích bất cứ điều gì, vì bằng một cách kì diệu nào đó, bạn ấy đã biết hết: những cái cười coi khinh, bàn học lung tung bút mực, không có bạn học, không có người chơi chung, và cả cái cảm giác như bị châm chích khi đi giữa đám đông ấy nữa.
Ban đầu, bạn chỉ thi thoảng mới ghé thăm, nhưng có lẽ cảm giác được tình trạng của con đang ngày một tệ đi, thế nên gần đây hầu như lúc nào bạn cũng ở bên cạnh động viên con. Bạn nhìn con ăn, khen con hôm nay đã có thể ăn mà không ói ra. Bạn cùng con đi vào giấc ngủ, khiến những cảnh tượng trong mộng chẳng còn là quái vật nhe nanh giương vuốt. Bạn cùng con đi học, vậy là con đã có người cùng đi cũng về, không phải đơn độc một mình giữa dòng người tấp nập nữa. Dẫu rằng những ủi an ấy không đến từ mẹ, thì nó cũng đã ít nhiều xoa dịu trái tim chìm trong tuyệt vọng này của con.
Nhưng dù là đang có bạn ở bên, con vẫn cảm nhận được, cơ thể con đang ngày một nặng nề, đến việc đơn giản nhất là đi học cũng có thể khiến con mệt đến mức thở không ra hơi. Con không biết liệu sức nặng đang đè nghiến lấy con liệu có sánh bằng mẹ đang bôn ba ngoài kia hay không, tóm lại là con sắp sức cùng lực kiệt rồi.
"Nếu có cơ hội làm lại từ đầu, cậu vẫn sẽ chọn làm một con rối ngoan ngoãn hiểu chuyện chứ?"
Con sẽ không, mẹ ạ. Con thà rằng bướng bỉnh và luôn khiến mẹ phải âu lo, cũng không muốn làm một vật trang trí mà mẹ ít khi để mắt tới nữa. Con không muốn cứ mãi đớn đau mà chẳng thể được cách nói ra, cũng như chịu tổn thương mà không học được cách phản kháng nữa.
"Vậy để mình giúp cậu nhé, chúng ta bắt đầu lại có được không?"
Nhìn sâu vào đôi mắt ấy, con tin rằng bạn có thể giúp con thoát khỏi chốn này, như cái cách mà bạn thấu tỏ linh hồn dù chưa từng hỏi con bất cứ câu gì vậy.
Con thực sự vui mừng lắm, rất lâu rồi con mới có lại được cái cảm giác này. Vậy là con không cần ngày ngày sống dưới bóng đêm luôn che kín lấy trái tim ấy nữa, con có thể trở lại nơi bắt đầu, có thể tự chọn cho mình vai diễn mong muốn mà không bị áp đặt như trước kia nữa.
Và mẹ ơi, dẫu biết lá thư này chắc cũng chẳng có tác dụng gì mấy, nhưng con vẫn muốn nhắn nhủ đến mẹ mấy lời. Vậy là khi con tạm thời biến mất thì mẹ cũng đừng lo lắng quá nhé, biết đâu rằng trong buổi sáng vừa thức giấc nào đó, mẹ sẽ thấy con ở cái tuổi còn ấu thơ, em trai vẫn chưa kịp lớn lên trong bụng, bố vẫn luôn bên cạnh, và mọi thứ thì vẫn vẹn nguyên ở chốn cũ bình yên ấy.
Viết trong một ngày mà con cảm thấy yêu đời đến vô cùng,
Con yêu mẹ."