9
1
1503 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Tìm thấy bản sắc cá nhân để xóa tan đi nỗi lòng trống trải


TÌM THẤY BẢN SẮC CÁ NHÂN ĐỂ XÓA TAN ĐI NỖI LÒNG TRỐNG TRẢI

 

Đôi lúc, ở một khoảnh khắc bất chợt trong cuộc đời, tôi chợt cảm thấy trống rỗng trong lòng, tâm hồn cô đơn đến lạ lùng. Mình chẳng thể nào giải thích nổi cho mớ cảm xúc này, cứ tự nhiên mà mất đi hứng thú với mọi thứ, mọi việc xung quanh mình - tựa như bản thân đang rơi vào một hố sâu tuyệt vọng của tâm khảm, chẳng thể nào với tay lên bám bất cứ một vật nào mà thoát khỏi đó. Không biết bạn có như mình không vì mình luôn tin rằng có rất nhiều người ở một giai đoạn nào đó cũng “rơi tự do” trong vô vàn cảm xúc khác nhau và cuối cùng chẳng có gì ở lại với sự hỗn độn ấy. Mình có nhiều người bạn cũng tâm sự với mình như thế và cách để họ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này chính là tìm kiếm những mối quan hệ mới, tìm một thú vui mới, đi dạo với cún, đi du lịch ở một nơi xa,... tìm mọi cách để khỏa lấp những trống trải đó nhưng dường như mọi thứ càng ngày càng tệ hơn. Bạn có thể vui vẻ lúc đầu nhưng dần dần mọi thứ lại trở nên tiêu cực đến lạ kỳ. Mình thì mang một tư duy khác, mình muốn tìm hiểu kỹ về sự cô đơn của tuổi trưởng thành và cách mình chọn là sống chung với nó theo những hướng tích cực nhất để một tương lai không xa, mình sẽ tìm thấy lại những niềm vui thực chất và không còn một tâm hồn trống rỗng nữa. 

Cô đơn ở một giai đoạn bất kỳ, đặc biệt là ở tuổi trưởng thành, thường là một sự thiếu thốn về mặt cảm xúc. Ai trong đời cũng phải trải qua cảm giác này, chỉ là mỗi người sẽ chịu đựng ở một mức độ khác nhau với số lần khác biệt. Sự hỷ lạc và lòng quyết tâm dường như biến mất khỏi mỗi người dẫn đến những hệ quả xấu về tâm lý như lo âu hay trầm cảm. Một ngày nào đó, tự nhiên bạn thấy lòng cô đơn, chẳng muốn làm gì nữa thì lúc này bạn đang chìm vào hố sâu của sự tuyệt vọng. Những lần như vậy, mình luôn cảm thấy bản thân thật vô dụng và sự tồn tại của mình ở trên cuộc đời này chẳng có bất kỳ một ý nghĩa nào. Hàng loạt những suy nghĩ tiêu cực cứ bám víu lấy mình như một sự ám ảnh kinh hoàng mà mình chẳng tài nào có thể đẩy lùi những cảm xúc kinh khủng ấy đi được dù lòng mình rất muốn. 

Thế là mình đã tìm ra nguyên nhân của những sự trống trải này, mình nghĩ mọi thứ đều có lý do của chúng và may thay, mình đã nghiệm ra một vài điều dù chỉ ở mức độ chủ quan của chính mình nhưng bản thân mình đã dần thoát được những sự tiêu cực ấy. Điều đầu tiên có lẽ là lòng tham của chính mình. Bạn luôn nhìn vào người khác và so sánh nhưng chẳng bao giờ trân trọng những giá trị của bản thân. Khi bước chân vào cánh cửa đại học - một môi trường mới với những con người tài giỏi, bạn thấy mình chẳng tài giỏi và chẳng là gì so với bạn bè cùng trang lứa. Khi đi làm ngày đầu tiên, bạn nhìn các anh chị đồng nghiệp và thấy bản thân thật thua kém họ, chẳng có kinh nghiệm, chẳng có tiền, chẳng có gì trong tay. Hàng loạt những sự so sánh chông chênh ấy khiến chúng ta tuyệt vọng và chẳng còn bất cứ niềm tin nào cho sự nỗ lực tiếp theo của mình. Điều tiếp theo cũng dẫn đến sự cô đơn và trống trải chính là chúng ta sống quá phụ thuộc vào người khác, luôn đi theo số đông và chẳng có bản sắc cá nhân. Bạn và mình luôn sống theo suy nghĩ cho người khác, chẳng bao giờ nghĩ cho bản thân, cứ thấy xã hội có xu hướng nào là đi theo và cuối cùng thì chẳng tìm thấy mục đích sống, không biết mình là ai giữa cuộc sống xô bồ này. Từ đó mà cứ luôn áp lực vì nói những điều không chân thật, làm những việc bản thân ghét và cuối cùng là trơ trọi một mình trong căn phòng cũ với bốn bức tường. Nguyên nhân cuối cùng chính là hệ quả của hai nguyên nhân trên chính việc có quá nhiều cảm xúc không thể giải tỏa trong lòng, quá nhiều áp lực không thể nói ra thành lời. Vì làm việc theo suy nghĩ của người khác và cứ luôn so sánh với mọi người nên chúng ta kìm nén, cứ ép bản thân phải chịu đựng để đạt được kết quả tương tự họ. Thế là chúng ta bị dồn nén và buông bỏ mọi thứ khi đạt đến ngưỡng chịu đựng. 

Hiểu được những nguyên do trên nên mình tự tìm cho bản thân một vài cách nho nhỏ để xóa dần đi những trống trải đó. Đầu tiên có lẽ là việc tìm ra bản sắc cá nhân. Mình bắt đầu không quan trọng việc người khác nghĩ gì về mình mà luôn tự đặt câu hỏi là bản thân có hạnh phúc khi làm việc đó hay không. Mỗi ngày mình viết ra sổ tay những nhiệm vụ nho nhỏ - những điều mà mình thực sự muốn làm để thực hiện chúng. Khi được làm những việc mình thích, dù nhỏ thôi nhưng mình cũng cảm thấy tuyệt vời. Chẳng hạn như việc một ngày đọc 30 trang sách hoặc nghe 3 bài hát mà mình yêu thích để khởi đầu ngày mới, cũng đem đến cho mình những nguồn năng lượng dồi dào để duy trì đến hết ngày. Từ những mục tiêu ngắn hạn này, mình viết thêm những mục tiêu dài hạn và cố gắng đạt được chúng. Mình luôn cảm thấy vui khi đặt bút xuống viết những điều mình muốn - một quá trình kiên trì để mình có được bản sắc riêng, không lẫn vào ai được. Tác giả Dale Carnegie đã từng viết trong cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” rằng: “Rõ ràng không phải hoàn cảnh làm cho chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh, mà chính là cách phản ứng của chúng ta với hoàn cảnh ấy mới quyết định cảm xúc vui hay buồn”. Nếu bạn tìm ra được điều bản thân muốn thì bạn sẽ quản trị được cảm xúc của bản thân, dù vui hay buồn cũng đều nằm trong nhận thức của chính mình.

Một cách hay ho khác là duy trì những cuộc trò chuyện với người thân. Mình phát hiện ra là khi mình nói chuyện vu vơ với bạn thân, ba mẹ hay thầy cô, đột nhiên mình thấy thoải mái vô cùng. Dù là không tiết lộ bất cứ gì về chuyện buồn của mình, chỉ nói những chuyện không liên quan nhưng kết quả lại khiến mình bất ngờ. Mình nghĩ mỗi người luôn có nhu cầu giao tiếp và một cuộc trò chuyện có thể giải tỏa tâm trạng trống rỗng và thiếu hụt cảm xúc của chúng ta. 

Mình nghĩ những dòng chia sẻ này của mình tuy không có gì to tát nhưng sẽ hữu ích với mọi người. Trái tim và lý trí luôn có một sự kết nối nhất định và chẳng bao giờ chịu ngủ yên khi một thứ còn lại đang chịu tổn thương. Nếu con tim đang đau khổ thì khối óc của bạn cũng chẳng thể vận hành tốt được. Cũng chính vì vậy mà bạn phải tự biết yêu bản thân mình hơn để trí óc luôn minh mẫn cho những lần hành động kế tiếp. Mình chợt nhớ trong quyển sách “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”, tác giả Đinh Hằng từng viết rằng: “Nhưng sự thật là chẳng ai lại có thể yêu một người không biết yêu chính bản thân mình, lo cho chính mình và sống cuộc đời của chính mình”. Hãy tìm cách chiều chuộng bản thân một chút, đầy lùi cô đơn và thấy giá trị riêng của bạn cũng sẽ được mọi người công nhận. Hãy cố gắng xóa tan đi những khoảnh khắc ấy bằng việc trò chuyện với một ai đó và tìm lấy những mục tiêu tươi đẹp, những điều mà lòng bạn thực sự mong muốn để tiếp tục tiến lên, tìm thấy ánh sáng tươi hồng cho cuộc đời mình nhé!  


Người viết: Trần Nguyễn Phước Thông