Chặng dung thứ
Gia Đình là cái tên cho những căn nhà cháu đang ở, nhiều năm về trước và trong vòng những năm nay, cháu hay gọi chúng nó như thế. Gia Đình Cũ tiện nghi với đầy đủ những gì cần có, Gia Đình Mới lại không được như vậy.
Cậu Thầm hãy nghĩ về nó như một nơi lộn xộn, nhiều mảnh ghép. Cháu và em gái là học sinh, mẹ cháu là người phụ nữ mới ly hôn, và cậu là một người bệnh. Cháu phải mất nhiều ngày, nhiều tháng để thích nghi với nó. Thoạt đầu, cháu không ưng chuyện Gia Đình Mới nằm sâu trong hẻm, với con đường bé nhỏ, eo hẹp và luôn ồn ào, dẫn ra chợ tấp nập. Mùi tôm cá, thịt sống, mùi xiên nướng ven vỉa hè, mùi bọt xà phòng rửa xe,... chúng là những thứ mùi khó chịu. Nhưng một buổi sáng thức dậy trong tâm thái bình lặng, thản nhiên thay áo quần đến trường, cháu đã ngộ ra nhiều thứ là thói quen.
Những mảnh ghép lộn xộn cần thời gian vuông vắn lại, để chằn chặn và xếp được khít với nhau trong căn nhà ba mươi tư mét vuông: chúng ta cần thời gian để thay đổi thói quen, và khi đã quen thì mọi thứ đều đi vào quỹ đạo. Có người quen với tiếng chim hót, người quen với việc nhìn lá rơi. Cháu thì quen với việc sống cố hữu giữa lộn xộn.
Cuộc sống của cháu là một mớ lúi xùi, suy nghĩ hay lung tung cũng như cách cháu để đồ vậy. Không theo một trật tự nào, nghĩ là nghĩ và đồ đặt đâu là ở tại đó. Tại sao phải suy xét mình sẽ nghĩ gì và treo móc khóa chỗ nào?
Cháu là vậy đó, cậu Thầm. Cháu đơn giản tới tầm thường. Nhưng mấy năm gần đây thì khác. Nhiều hôm đến trường, thẩn thơ trông cùng khắp, trời vẫn xanh và cây lá tươi đúng tiết mùa, nụ cười các bạn y nguyên như hôm qua chẳng hề thay đổi. Tự dưng cháu thấy mình lạc lõng, bé nhỏ và bơ vơ, hình như đã lớn, và từ "trưởng thành" giống cái gạt nước, lau hết bụi mờ trên kính để cháu thấy rõ một cháu và mọi người chân thực.
Cháu xin lật lại câu chuyện khi học lớp 6, lúc đó cậu vẫn chưa phải như bây giờ. Cậu trẻ, khỏe, tươi vui và sáng sủa. Cậu có mở một khách sạn cho người nước ngoài tới du lịch ở Ninh Bình. Nghỉ hè, cháu và các em được cho về trải nghiệm, bấy giờ cậu cháu mình mới thân nhau hơn. Từ Hà Nội tới Ninh Bình không phải chặng đường quá dài, song mỗi lần nhớ lại, cháu mường tượng như một chuyến du hành thời gian - từ hiện tại quay về quá khứ, khi những căn nhà chọc trời dần khuất bóng sau các thửa ruộng vuông vắn, sau khung cảnh núi đồi mờ hơi sương, và nắng thì tỏa tròn trên đỉnh đầu, ánh vàng mơ, chan đặc mùi cây, đất ẩm. Hít một hơi là lồng ngực ắp vị cỏ non, quyện cùng chất thanh thanh gió núi.
Xe ô tô thong thả chuyển bánh. Cháu chen lấn với các em để coi cho kì được cảnh bên ngoài. Đẹp lắm, cậu ạ! Đưa tầm mắt ra xa xôi, đất trời cùng màu xanh. Các đầm sen nối nhau hoài chưa thấy dứt, hương thơm ngát, búp sen hồng, tươi nguyên. Giữa hạ, đã loáng thoáng thấy đài sen non nhú giữa cánh.
Giữa cái cảnh ấy, cháu không kìm nổi thốt lên: "Hạt sen ngon phải biết cậu ơi!"
Cậu cười, do gió mạnh nên mắt híp lại:
"Khách sạn có cả một hồ luôn. Khi nào nó chín, cậu bẻ cho mấy đứa mang về, đầy ứa. Hạt sen thì ngon đấy, nhưng đã ai ăn nộm ngó sen bao giờ chưa? Vừa chua vừa ngọt nhé."
"Ngó là cái gì ạ?"
"Thì là cái..."
"Thôi, cậu cứ làm cho bọn cháu ăn là biết! Ô, con gì kia cậu?"
"Đâu? Con gì? Cho em coi với!"
Mới nghe vậy, lũ trẻ chen lời, nhoài người ra, xúm xít hết vào cửa xe ô tô để ngắm. Trên triền đê thấp thoáng bóng mấy con đang gặm cỏ. Mình chúng bé như con bê, nhưng có lông, vài con lông trắng, con lại đen vàng, tai chĩa sang hai bên với đôi sừng màu nâu nhạt. Cậu vội giục chúng cháu ngồi xuống kẻo ngã, vì đường núi xóc nảy:
"Nào, đừng có đứng hết lên như thế! Con kia á? Cừu, dê đấy, nó ở trên núi, suốt ngày kêu thôi."
"Kêu thế nào hả cậu? Như vầy phải không? Be... e... e..."
Cháu nhái giọng một con, cả xe cười vang. Mấy em bắt chước làm theo. Cậu tấm tắc bảo:
"Giống phết chứ! Hôm nào lên núi giả làm dê đi, để cậu bắt một con về thịt cho ăn."
Cứ tíu tít như thế mà đi hết đường. Càng đi lại càng thấy thêm nhiều điều đẹp lạ. Thiên nhiên đã khoản đãi cho Ninh Bình sự thanh vắng êm ru, nhưng ngọt ngào tới mức làm tâm hồn râm ran cơn thương nhớ. Cháu muốn kể về Ninh Bình, nhưng buộc cần nói cái gì là đặc trưng, là ấn tượng, bằng không thì có tới mai cũng chưa xong nổi mất.
Những ngày ở Ninh Bình là những ngày không lo nghĩ gì ngoài việc ngỡ ngàng. Chúng ta phải ngỡ ngàng thôi. Ngay khi xuống xe, cháu sửng sốt luôn vì chưa từng thấy hôm nào nắng đẹp như vậy. Mọi thứ đều sáng lên, trẻ khỏe, lành mạnh, bớt xám xịt và tầm thường đi, kể cả cháu. Cháu thấy mình quan trọng, thấy tự hào vì được thưởng ngắm những điều tuyệt vời. Hương đồng gió nội luôn dễ lấy lòng người như thế, phải hít hà, khoan khoái, tận hưởng ngay điều tuyệt vời ấy, cậu Thầm ạ. Nếu cháu bỏ lỡ thì không còn khoảnh khắc thứ hai nào nữa.
Khách sạn cậu mở nằm trọn giữa đó, được bao bọc bởi cây và hoa, muốn xuống chợ phải đi xe máy tầm mười phút. Nó cách xa con người, giữa hoang vắng mênh mông, chỉ mây trời gió núi, chỉ nắng vàng với sao đêm. Nhưng cháu không thấy cô quạnh, lòng cháu đầy ắp phấn khởi. Có phải những gì hoang sơ, thuộc về thiên nhiên thuở đầu là điều con người ta hướng tới? Chúng ta thích cuộc sống thảnh thơi và tự tại.
"Đất lành chim đậu", cậu bảo thế khi lũ trẻ hò reo cùng tiếng chim hát vang suốt vùng. Bướm bay rợp đường, trắng, vàng, bướm hoa cải, bướm vằn hổ,... chúng nó thi nhau bay, vần nhau giữa không trung, rộn ràng như trẩy hội. Từ chiếc cổng xanh in chữ "Welcome" đi vào sẽ thấy trước hết hai hồ biếc, lũ cá đang thỏa thuê vùng vẫy, và ập vào mắt là một vùng sắc màu của hoa, của rau trồng dọc con đường lát đá: hoa bất tử, cúc bách nhật, cây chiều tím, cây bóng nước, giàn nho, dưa chuột,... Đó là những dấu hiệu của sự sống đấy, cậu Thầm.
Nhưng...
"Gâu! Gâu!"
"Chó! Ớ con chó kìa! Á...aaaa..."
Bọn cháu hét ầm lên, lũ chó sủa càng thêm hăng, mình chúng to, mặt mày dữ tợn, gầm gừ muốn kéo đứt xích để xổ ra cắn. Chúng chồm lên chồm xuống. Cậu tới gần quát mấy câu, chúng im lại, ngoan ngoãn phủ người cho cậu xoa đầu. Chó! Đáng sợ sao, nhưng nó cũng là một dấu hiệu của sự sống.
Trong nhiều ngày sau nữa, khi đủ thân để được phép âu yếm bộ lông vàng mượt của các em chó, cháu thích chí nhận ra giống ấy cũng hiền như con chim sẻ. Hai em chó ngoan lắm, nhưng tiếc rằng đó là lần đầu và cũng lần cuối được gặp các em. Vì sau này hai em đã bị bán, không biết tung tích thế nào.
Cậu Thầm có nhớ những ngày ấy không? Chắc là cậu không nhớ, vì cậu đã quên nhiều thứ và đánh mất nhiều thứ. Nhưng cháu vẫn muốn kể cậu nghe để khơi lại cảm xúc xốn xang ở cậu.
Cháu về Ninh Bình, tự dưng thoải mái hẳn. Khói bụi thành phố không chen được tới luồng hơi mát rượi chốn này. Cậu đã giao cho cháu nhiệm vụ đầu tiên sau vài ngày thảnh thơi để trải nghiệm cuộc sống bận rộn - làm công nhân vệ sinh. Cậu thông báo rằng ngày mai sẽ có một gia đình Tây tới.
"Có lương không ạ?" Chúng cháu hào hứng hỏi như vậy.
Cậu bảo: "Cho mỗi đứa năm mươi ngàn."
Hồi ấy, năm mươi ngàn là con số lớn với cháu. Cháu phấn khích reo: "Cậu hứa nhé!"
"Chắc luôn! Nhưng phải làm nghiêm túc mới được."
Khách sạn của cậu gồm ba căn phòng gỗ độc lập, một cái của cậu, hai căn kia dành cho khách. Chúng được xây dựng với kiến trúc và bố cục y chang nhau, có một phòng ngủ và một phòng tắm, với cửa sổ hướng ra ngoài vườn. Việc chúng cháu cần làm là quét, lau sạch sàn, phủ bụi trần, cọ nhà vệ sinh, lau gương, thay khăn và kem đánh răng mới. Cuối cùng là giặt chăn, ga, lấy bộ mới trong tủ trải lên giường ngay ngắn. Sau đó, nếu còn thời gian, chúng cháu cần giúp cậu tưới cây hoa, dọn dẹp con đường lát đá thật sạch để chào đón khách.
Xẩm tối ngày hôm sau, lúc những món ăn bình dị thơm ngon vừa được sắp lên bàn, có xe du lịch đi vào cổng. Chúng cháu háo hức lắm, chạy hết cả ra. Một gia đình bước xuống, gồm một cặp vợ chồng và hai cậu con trai. Nhưng bọn cháu không dám nói gì, chỉ có thể thèm thuồng nhìn cậu trao đổi với họ. Trong khoảnh khắc, cháu ước chi mình giỏi tiếng Anh.
Dù cháu không hiểu, nhưng có lẽ sự đồng điệu trong cảm xúc đủ để cháu tin chắc họ đang hào hứng, mong ngóng món quà bất ngờ nơi đây dành cho họ, cũng như cháu khi mới tới.
Những cậu bé - Bob và John, không hơn tuổi chúng cháu bao nhiêu, họ có mái tóc màu hạt dẻ và đôi mắt nâu sữa, thái độ hiếu động. Một cậu 15 và một cậu 13 tuổi, điều hài hước là cậu 15 lại thấp hơn cháu - khi ấy đang 11, hai xen-ti-mét. Hai bên làm thân với nhau rất nhanh, nhưng hơi bất cập khi nói chuyện bằng hành động (sau này cháu biết là ngôn ngữ cơ thể), cháu phải lặp đi lặp lại hành động cho đến khi các cậu hiểu. Ngược lại cũng vậy.
"Nai-s tu mít diu. Mai nêm i-s Dương."
"Nice to meet you too. I am Bob and my brother's name is John."
(Rất vui được làm quen với cậu. Tui là Bob và đây là em trai tui, nó tên John.)
Hai cậu nói rằng thích được ở đây, hầu hết thời gian sau đó chúng cháu đoán ý nhau, và chỉ bắt được vài từ khóa để trò chuyện. Gia đình các cậu sẽ ở lại khách sạn tầm 5 ngày. Bố mẹ các cậu rất dễ thương, họ thích nghe chúng cháu nói dù không hiểu tụi cháu nói gì, và đôi khi cậu thành phiên dịch viên giữa hai bên.
"Yét-s-tơ-đay, yo-r ai-s gờ rin... en nao s-lai-vơ." Cháu nói với cô vợ, đồng thời chỉ vào mắt cả hai.
Cậu dịch lại:
"Yesterday, your eyes were green, but today it was silver and she wanted to ask why."
(Hôm qua, mắt chị có màu xanh lá, nhưng hôm nay nó thành màu bạc và con bé muốn biết tại sao.)
"Oh ha ha... Let me explain to you."
(Ồ nó hả, để cô giải thích cho cháu nè.)
Cô vợ bật cười, rồi nói rằng là do nắng, ánh nắng làm thay đổi màu mắt cô, đó là một điều khá bình thường bên nước ngoài. Tối, mắt cô sẽ hơi xanh nhưng sáng ra thì trông như màu bạc. Lũ trẻ đều ồ lên, cháu thì mong mắt mình cũng đổi được màu như vậy. Bởi có lẽ mình sẽ mang một diện mạo khác.
Bob và John, cùng chúng cháu đã thử đủ thứ trò, như quăng đá xem ai khiến nó "chạy" trên nước xa nhất, trèo lên núi hái rau, vào tham quan nhà ma trên đồi, đi xe đạp ngắm cảnh, mua đồ ăn ở chợ, chơi nhảy đệm trong phòng và không được để người lớn biết (họ sẽ lo cái giường bị sập), đặc biệt là trò chạy dưới mưa - hậu quả thật đau đớn.
Hôm đó là ngày mưa đầu tiên kể từ khi cháu đến. Miền núi khác với thành phố, không một ngọn đèn đường. Báo hiệu đầu tiên của trận bão to là mây đen giăng chằng chịt, gió dần lạnh, thổi phần phật từ núi xuống khiến cây nghiêng ngả. Gió tung hoành, cuốn bụi và lá lên, xuyên qua lớp áo cộc tay, khiến cháu thấy rét. Đằng xa có tiếng đùng đùng của sấm, rồi một tia chớp rạch ngang trời. Bob và John gọi cháu đi ngay khi nhác thấy trời xẩm, nhưng cháu không nghe. Cháu đang ham chơi. Đến lúc mưa xuống thì quá muộn để hối hận, mọi thứ tối như bưng, chỉ lờ mờ trông thấy đèn lồng cậu treo trước mỗi căn phòng. Chúng xa quá.
Bụng đói, một mình, không muốn đợi tới khi mưa hết, cháu cắn răng đội áo chạy một mạch. Mưa quất vào mặt rát buốt, nước bắn tung tóe lên hai cẳng chân, tràn vào kẽ chân. Cháu chạy hộc tốc. Sét lóe lên. Sấm ầm ầm bên tai. Thứ duy nhất cháu nghĩ là bỏ chạy. Rồi ngọn đèn nhà bếp cũng sáng trước mắt.
Cháu lao nhanh về đó. Đột ngột, không báo trước, dép trượt dài trên sàn trơn, cháu ngã ngửa ra. Tiếng "cộp" khi đầu đập xuống đất nghe rất rõ. Mắt ngước lên trời, mưa xối vào mặt, vào người, lưng cháu áp lên đường đá. Mưa như mũi tên nước, xuyên thủng người cháu. Cháu thở dốc. Ánh sét trắng liếm cả vào đáy mắt. Cháu và mưa hòa làm một trong thời khắc đó.
Mát lạnh. Im lìm.
Cháu không thấy đau đớn, không nghĩ gì cả, đến việc ngồi dậy cũng không. Đầu óc rỗng như bị ai khoét một mảng. Tự dưng cháu muốn nhắm mắt và ao ước mình có thể nằm mãi dưới mưa. Nhiều năm về sau khi đã lớn, lúc cháu đã khác và cậu cũng đã khác, thời điểm ấy còn đặt y nguyên trong trí nhớ.
Thưa cậu, đừng bảo cháu là đứa nít ranh khi cháu kể điều này. Ngày đó cháu lớp 6, nhưng đã nuôi một khao khát điên rồ là được bỏ đi trốn đời. Đời là gì, cô bé 11 tuổi không biết, thiếu nữ 16 tuổi bây giờ cũng không biết. Nhưng ở giữa hoang vu, khát vọng ấy cháy bỏng dần lên. Cháu muốn ngã xuống từ vách núi, muốn lên rừng tìm một hố sâu nằm chờ chết, muốn ngoi ngụp tới ngạt thở ở hồ nước. Cháu muốn trốn, muốn bỏ lại mọi điều muộn phiền, cháu muốn mạo hiểm. Mưu toan cứ cuồn cuộn trào dâng, nhưng cháu nén nó lại rất chặt và giấu nó kín đáo. Không ai biết về những dự định ấy.
Nhưng bây giờ thì cháu nghĩ cậu có thể hiểu cho cháu. Vì chính cậu đang phá vỡ những lằn ranh giới hạn bản thân. Thỉnh thoảng cháu tự hỏi "điên" là gì, và người điên đang nghĩ gì. Họ có biết nghĩ không, hay họ đang chịu sự điều khiển của não bộ và tạm ngủ say trong quãng thời gian dài, không làm chủ được thần trí? Hoặc cậu bỏ đi trốn đời...
Tin dữ ấy đến khi cháu học lớp 7 - cậu bị tai nạn xe. Mười giờ đêm, nghe bệnh viện báo về, bố mẹ cháu hỏa tốc lên đường đi ngay, không kịp đôi hồi gì hết. Mặt mẹ trắng nhợt. Trời mưa tầm tã. Cháu ôm các em, tự hỏi: "Có phải cậu sẽ nằm lại dưới mưa không?"
Nhưng cậu đã trở về, mang một hình hài khác: một kẻ trọc đầu, trán hơi lõm vào do thiếu một mảnh sọ, mắt chỉ mở một bên, lúc nào cũng như trợn trừng. Đó là quãng ngày vất vả, ba mẹ cháu một phen lao đao mới giành lại tính mệnh của cậu. Nhưng đó không hẳn là cậu nữa. Cậu khác cậu, cậu đánh mất cậu, hay đó là bản chất thực của cậu?
Cậu Thầm, nhiều người đã lãng mạn hóa cái điên lên, cho nó đẹp, cho nó xót, cho nó là một điều gì lạ lùng như bông hoa thời tàn úa, quắt queo nhưng vẫn giữ được nét vĩ thanh yêu kiều. Có lẽ cái điên ấy có thật trên đời, cậu ạ. Nhưng nào phải ai trên đời cũng đủ may để có.
Cái điên của cậu thì tồi lắm, nó không duyên, không đẹp, nó tục và nó tệ. Từ ngày cậu bệnh - bệnh chẳng biết khi nào khỏi, cậu chửi bậy liên mồm, có khi đang ngồi cười hơ hớ vui vẻ đột nhiên cáu giận la hét, rồi dần có khuynh hướng bạo lực cả với bản thân và những người chung quanh. Cậu ăn rất nhiều, và toàn ăn "dị": cơm phải cho vào tô, chan nước ngập, hôm nào không có nước canh thì cậu đổ nước chè, nước lã,... vào thay, có cái gì cũng cho nước vào dầm nát tơi rồi mới ăn. Thói ăn cậu xấu, chẳng biết no là gì, có hôm "xơi" luôn cả phần các cháu, phần mẹ. Mỗi lần dọn cơm phải sắp riêng cho cậu, bằng không thì hôm đó đừng hòng ăn, bởi cậu sẽ đổ sạch vào bát mình và lấy và để.
Cậu Thầm "điên". Cháu kinh hãi điều ấy biết chừng nào. Cháu bỡ ngỡ biết chừng nào. Cháu đi từ thất vọng này tới thất vọng khác khi tính tình cậu càng thêm dị hợm. "Dị hợm"! Một từ thật nặng nề, ngoa ngoắt thế ấy, nhưng cháu không thể tìm ra từ nào để nói chính xác hơn về cậu. Chúng cháu đã e sợ cậu, con cái cậu đã cố lủi khỏi người ba tốt lành trước kia của tụi nó. Vợ cậu đã rời cậu đi từ lâu. Khốn cảnh chỉ vậy là cùng.
Tin dữ tiếp theo đến với cháu, khi ba mẹ mâu thuẫn với nhau và hai người ly hôn là vào năm lớp 9. Cháu ở với mẹ, với cậu "điên", và thêm một đứa em. Chúng ta là những mảnh ghép lộn xộn, không ăn nhập gì với nhau. Cháu ngột ngạt, bức bối, khó chịu, cháu vùng vẫy muốn thoát khỏi khung ghép ấy. Và cháu đã quên nhiều thứ, quên sạch những ngày quý hóa ở Ninh Bình, trong vòng tay thiên nhiên, trong niềm vui với cậu, với gia đình người Tây đã khóc trước lúc tạm biệt và hôn trán cháu thay lời chào. Họ còn hứa hẹn sẽ tặng quà và đến thăm Ninh Bình lần nữa.
Nhưng mộng tưởng ấy không thành hiện thực. Khách sạn bị bán để trả số tiền phẫu thuật và chữa trị khổng lồ của cậu. Chúng ta mất Ninh Bình và hoài bão, cậu ạ. Chúng ta, những người muốn trốn đời nay lại dựa vào đời để nhặt nhạnh cuộc sống. Nỗi đau là gì, lớn hay nhỏ, người khác không đánh giá được hết. Mỗi người có một nỗi đau riêng.
Chúng ta đã cay nghiệt với nhau, phải không cậu? Oán trách và hờn ghét nhau. Không ai nhận thức được trái tim và tâm hồn mình bị tổn hại để cứu chữa nó. Chúng ta bỏ mặc cho cảm xúc tiêu cực bủa vây và nhấn chìm đầu óc, mụ đi với chất chồng giận dữ. Lỗi không nằm ở một ai, nó là sự trùng hợp đẩy lên đỉnh điểm, rồi hóa thành khổ sở. Song chúng ta đã không hiểu. Những kẻ cách xa nhau trong nhìn nhận, trong tuổi tác không tài nào hiểu cho nhau được.
Nhiều lúc cháu lại nhớ Ninh Bình, nhớ đến nỗi kể mãi về nó, lấy nó làm khuôn vàng thước ngọc cho cảnh vật. Cháu để lại nó một niềm tiếc nuối mà không tài nào bù đắp được. Cậu Thầm cũng thế. Cháu ước gì cậu khỏi bệnh để thoát ly khó khăn, về với đời, xây lại khách sạn trong ký ức và rủ chúng cháu đến lại đấy.
Cậu Thầm có nhớ Ninh Bình không? Hẳn là có. Cậu đã dành trọn tâm huyết của mình vào nó. Giờ cậu thành kẻ tàn và không làm sao xoay sở trước vận mệnh được. Có lúc, tim cháu chùng xuống xót xa:
"Sao không đuổi quách nó đi cho rồi?"
"Nó" là Thầm "điên". Cháu thấy nghẹn ứ trong cổ họng và chợt nhận ra bức bối của mình chưa là gì so với cậu. Cậu có đang bị giam nhốt trong lồng "điên" không, cậu Thầm?
Cháu đã dằn vặt nhiều về suy nghĩ đó khi chuyển sang tuổi 16. Tự hỏi và tự ngẫm. Cháu thấy cháu đổi khác, mắt thanh triệt, còn cảm xúc lắng lại. Cháu nghĩ nhiều lắm, về Ninh Bình, về cậu, về lời mẹ nói. Có một hôm mẹ gọi cháu vào phòng sau khi mẹ vừa đọc xong một cuốn sách. Mẹ cầm một cây bút chì, hỏi:
"Con hãy nhìn đây này. Cây bút trong mắt con là gì?"
Là cây bút.
Mẹ khoắng cây bút giữa không trung, làm hành động như đang giỡn với động vật:
"Cây bút trong mắt con chó là gì?"
Là một món đồ chơi.
"Con không thể ép ai nhìn nhận điều gì theo cách của con, bằng mắt của con và bằng thế giới quan của con."
Mẹ nói cháu nghe về đại bi, về lân mẫn, nghĩa nghì giữa người với người - huống chi là trong một gia đình với nhau. Cháu ngạc nhiên. Điều chân lý luôn giản dị thôi, nó thông suốt một cách dễ dàng, nhưng để chạm tới ngưỡng ấy cần một khoảng trầm, lặng dài, cậu Thầm ạ.
Cháu là người bình thường, cậu là người bệnh, nhưng trong mắt cậu thì cháu mới bệnh và cậu hoàn toàn bình thường. Hành động của cậu đương nhiên vì cậu tin điều mình làm là đúng. Không, cháu chẳng thay đổi được sự thật và ép uổng ai phải theo ý cháu. Cái cháu cần làm là chấp nhận, thấu hiểu và khoan thứ. Cậu có lẽ của cậu, nó đúng với cậu, và dù sao đi chăng nữa thì cháu phải tôn trọng nó.
Quá nhiều thứ đã xảy đến (cháu không muốn kể hết ra, nó như cơn mưa và cháu muốn nằm lại mãi mãi). Nhưng cháu, và cả cậu nữa, hai chúng ta đã đứng dậy khỏi nơi mình ngã, thoát cái bẫy mát lạnh ngọt ngào để chấp nhận thực tại ướt sũng. Cháu thấy mình đủ bình ổn, không náo động, hào hứng, giận dữ hay căm ghét, nó an tịnh. Chúng ta cần sự bình lặng để soi ngắm vào bản thân và sửa đổi, để thấu hiểu.
Cháu đã nhìn nhận mình khác, thoát ly hoàn cảnh để trông thấy cử chỉ tồi tệ của bản thân, để biết thương là gì và dung thứ là gì. Trưởng thành là một cảm giác của sự trỗi dậy. Các giác quan mở rộng ra, tâm hồn mở rộng ra, suối nguồn yêu thương đã thấm nhuần và nuôi dưỡng con tim cháu. Nó kỳ lạ vậy đấy, cậu Thầm.
Cháu đã chịu gọi Căn Nhà là Gia Đình Mới. Có thể là một năm, hai năm, mười năm nữa,... nỗi vất vả còn đeo bám chúng ta, và đòi cơn sự phiền chán hoài dai dẳng đắng ngắt. Nhưng chúng ta có từ bỏ không, cậu nói cháu nghe, cậu Thầm? Sao mình lại trốn đời? Mình cần đời, mình sống với đời, cậu ạ. Không vội vã, không cô đơn, không bé nhỏ. Chúng ta sống với nhau, chỉ cần đủ yêu thương. Cái kỳ lạ là vậy.
Cháu muốn viết nốt kết cục cho câu chuyện này, nhưng cháu không phải người duy nhất nắm quyền đó trong tay. Và cháu không muốn tưởng tượng để viết. Cậu có khao khát và mong nhớ Ninh Bình như cháu không? Cậu có quý thương triền đê lộng gió và cây cả bóng mát ở đó không? Vậy cậu sẽ về và làm lại mơ ước chứ?
Nếu cậu khẳng định rằng có, thì chẳng ai lay chuyển được niềm tin ấy, vì nó là niềm tin không dựa dẫm vào bất cứ điều gì trên thế giới này. Một kẻ "điên" chỉ tin cái "điên" của mình, một kẻ bần cùng chỉ còn hai bàn tay trắng để vần với thời cuộc.
Cháu sẽ dừng ngang tại đây thôi. Vì cháu chẳng biết viết gì khi cảm xúc đang đi lên nữa. Cháu đã tìm thấy lẽ sống và lẽ dung thứ cho mình, chân tâm cháu mong cậu cũng chóng tìm lại điều ấy.
Mai chúng ta sẽ trò chuyện hòa bình cho đến một ngày cậu thư thái và tỉnh táo để đặt chân lại vào đời.
Ngày 19 tháng 3 năm 2021.