34
6
920 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Trạm chờ xe


Nắng vắt lên vai gầy, má gánh thêm đòn bánh mì để bán nơi bến xe. Dải dầu sương gió, nuôi chị em chúng tôi khôn lớn nên người.

Ngày tôi lên thành phố, nhìn chiếc nón lá đã tơi bạc theo tháng năm của má vẫy vẫy theo nhịp, lần đầu tôi cảm thấy hóa ra cái người cộc cằn như bà cũng là người một người mẹ dịu dàng.

Trạm chờ xe luôn gắn với những chuyến đi xa, gắn với má và gắn với những nỗi nhớ.

Mùi nắng cháy cùng mùi xe cộ khiến đầu tôi choáng váng, má luôn dán cho tôi hai miếng Salonpas ngay thái dương, bỏ vào giỏ đồ tôi chai dầu gió xanh phòng hờ. Khoảng thời gian đầu xa nhà, mỗi lần nhìn má nơi trạm chờ qua cửa kính, tôi không nhịn được mà rơi nước mắt.

Nhưng năm tháng là một sợi dây, nó thắt lại những điều xa xôi thành một mối bền chặt. Thành phố với tôi xa xôi lắm, nhưng giờ đây nó lại gần gũi, quen thuộc . Còn nơi ấp ủ của tôi bao nhiêu nỗi niềm và tình yêu, nơi chôn nhau cắt rốn thuở ấu thơ lại bị thời gian buông lơi nút thắt. Chẳng biết từ lúc nào, quê nhà lại thành nơi để nhớ, là những kỷ niệm, là dĩ vãng xa xôi.

Bốn năm đại học, những chuyến đi nối đuôi nhau, thưa thớt dần theo năm tháng. Tôi quá bận để trở về, quá bận để đi chừng ấy cây số về thăm má, rồi bưng lên phố đủ thứ thức ăn chống đói mà má quý từ củ khoai.

Những đứa con, bằng cách nào đó luôn vô tình cứa vào lòng má những lo lắng không tên.

Má lo đủ thứ, lo tôi gầy đi, lo tôi thức khuya, lo tôi mải mê kiếm tiền mà bỏ bê chuyện học. Má lo tôi bị lừa, bị tiền bạc che mờ mắt, bị tha hóa hay biến chất giữa những hỗn tạp của đời. Đến tận ngày tôi lấy chồng trên thành phố, má lo tôi không đủ khéo để vun vén gia đình, má sợ tôi mang thai mà không ai săn sóc. Má lo con gái lấy chồng xa, bị ức hiếp hay tủi thân cũng không ai bênh vực.

- Đừng có mua đồ ở bến xe nha con, đắt lắm. Nè nè, cầm mấy ổ bánh mì với mấy khoanh chả lên xe ăn chống đói, má gói muối tiêu lại hết rồi đó, coi cái giỏ đỏ nghen con.

Tôi rưng rưng nước mắt, tự nhủ mình về thăm má nhiều một chút, kề cận với má nhiều một chút.

Nhưng rồi lại đâu vào đấy, guồng quay nhanh, vội và bận rộn của phố luôn kéo tôi vào theo nhịp. Chẳng thể thoát nổi, dù cố vùng ra. Nhưng rồi lâu dần, lại thỏa hiệp và quen thuộc với nó.

Má thương tôi, người bắt những chuyến xe thay vì chờ tôi về. Chỉ có đợt má đổ bệnh, thì những chuyến xe mới không thấy bóng dáng má.

Ngày má chuyển bệnh nặng là đêm ba mươi Tết. Tôi đã ngồi khóc ở trạm chờ vì không có xe đi, bỏ lại chồng con ở phố, bỏ lại những tất cả công việc ở phố, tôi chỉ muốn được về gặp má. Những ánh đèn ngả xuống da thịt, mờ mịt và cô độc. Một mình nơi trạm chờ, tôi tự hỏi, phải chăng ngày ấy tiễn tôi lên phố, má cũng đau buồn và cô đơn thế này? Những chuyến xe khách cứ lao vút qua tầm mắt, mang đi mất những hy vọng nhen nhóm, lấp đầy bằng sự chờ đợi khắc khoải.

Trời thương xót, cũng có một chuyến xe đi, tôi chen chúc chật chội trong chiếc xe không có thương hiệu, rồi nghĩ đến má. Có khi má tiếc tiền vé, nên chẳng đi những hãng có tiếng lâu đời.

Còn nhớ ngày ấy, tôi vùi đầu vào ngực má, ôm lấy má, nhìn máy đo nhịp tim hiện lên những dòng kẻ yếu đi dần.

- Má ơi, má ơi...

Tôi khóc nấc, vừa khóc vừa run rẩy, gọi má bằng những âm điệu nghẹn bứ, đắng chát.

Có những điều, mất đi, mới biết tiếc.

Những ngày giỗ của má, tôi bắt xe về thăm họ hàng, làm mâm cúng thịnh soạn. Tôi thường hay theo thói quen nhìn bóng dáng những người rao vặt qua cửa kiếng, rồi nuôi ảo mộng gặp được bóng hình má đâu đây.
Những lần về quê không có má ra đón, ngóng trông. Tôi dường như thấy bản thân chẳng còn gì để háo hức, để trông cho mau đến trạm, mau đến nơi.

Những lần thấy có dáng ai đó mặc bộ đồ thun in hoa màu sẫm, chiếc nón lá có quai nón vải in hoa, cầm những thức quà đi rao nơi bến xe, trạm chờ. Tôi đều nhịn không được mà mua vài món, ngắm nghía, rồi lại khóc.

Trong những chuyến đi xa, mãi sau này mới hiểu.
Má mới là trạm chờ cuối cùng chào đón tôi. Cũng là trạm cuối mà tôi luôn mong ngóng nhanh được về.

Trạm chờ xe, đông đúc với nhiều thứ, bộn bề bởi nhiều điều. Nhưng má luôn ở đó, mặc kệ nắng mưa, luôn chờ những đứa con quay về.