1
1
1819 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Trên Cung Trăng Có Chị Hằng


Ngày xửa ngày xưa, nền trời đêm huyền ảo chỉ có các vì tinh tú lóng lánh ngự trị. Một hôm nọ, bà Trời - Vợ ông Trời - hạ sinh hai đứa bé gái kháu khỉnh. Bé gái ra đời trước được ông Trời cho sống trong cung Thái Dương, nắm giữ quyền cai quản Mặt Trời. Vì chỉ có duy nhất một Mặt Trời nên cũng chỉ có một người duy nhất được phép sống tại cung này. Bởi vậy đứa con gái thứ hai của ông bà Trời không biết ở vào đâu. Ông Trời đành gom thứ ánh sáng lung linh của muôn vàn cây nến để xây một cung điện mới tinh. Thế nên nơi ở của cô em tuy chẳng rực rỡ, chói lóa bằng nơi ở của cô chị nhưng vẫn lộng lẫy vô ngần.


Cô em được cha mẹ đặt tên là Hằng, còn cung điện nàng sống thì dân gian hay gọi là cung Trăng. Hằng được bọn trẻ con quý lắm, chúng thường gọi nàng bằng hai tiếng thân thương, gần gũi - Chị Hằng. Nàng Hằng mang khuôn mặt bầu bĩnh phúc hậu, rất hòa hợp với đôi mắt bồ câu to tròn và suối tóc dài óng ả. Nàng ăn vận y hệt một tiểu thư khuê các dưới hạ giới: Cũng mặc yếm đào, cũng áo mớ bảy mớ ba thướt tha duyên dáng, cũng dùng khăn nhung đen vấn tóc gọn ghẽ, chừa ra một cái "đuôi gà" cong cong. Duy có điều mọi chiếc áo nàng khoác lên người đều được thêu những hoa văn tinh xảo tuyệt diệu mà trần thế chưa ai bắt chước nổi. 


Cung Trăng nơi nàng làm chủ cũng có nhiều chuyện thú vị lắm! Ông Trời năm xưa lúc thu thập ánh nến đã vô tình nhặt lẫn cả mấy thỏi bạc, thế là cung Trăng cứ tỏa ra những tia sáng óng ánh, bàng bạc đẹp mê hồn. Đất đai trên đây mang màu trắng tinh khiết, cây cối chẳng cây nào mọc được ngoài cây đa. Nàng Hằng gắn bó với cung Trăng kể ra cũng đã lâu lắm rồi! Có đêm trời quang đãng không một gợn mây, người trần hướng mắt lên trời là nhìn thấy một bóng hình mảnh mai, yêu kiều đang thơ thẩn tựa cửa, ngó xuống nhân gian. Bóng dáng ấy cứ thoắt ẩn thoắt hiện làm loài người ngỡ rằng chỉ là ảo mộng, trí óc tưởng tượng ra biết bao nhiêu thứ huyền ảo. 


Sống một mình trên cung Trăng buồn và chán thật! Cho đến tận khi chú Cuội bị lạc lên đây, cuộc sống tẻ ngắt của Hằng mới thêm phần tươi vui hơn. Chú ta trở thành người bạn thân nhất của nàng, đôi bạn thường rủ nhau ngắm nhìn đời sống bình dị của dân chúng nơi hạ giới. Mỗi năm, vào những hôm trăng tròn nhất, đẹp nhất, chú Cuội đều rủ nàng Hằng xuống hạ giới vui Trung thu với người trần. Nhưng Cuội không chơi lâu, một lát là lại về cung Trăng ngay. Tại vì nhìn ai nấy váy áo xúng xính, mặt mày hớn hở, chú ta lại chạnh lòng nhớ về người vợ dịu hiền và những khoảnh khắc hai vợ chồng dựa lưng vào nhau mà trông trăng. Còn nàng Hằng nấn ná ở lại vui đùa cùng trẻ con tới khuya mới chịu về.



Trung thu năm nọ, Hằng quyết định ghé thăm làng Chỉ Nam. Vừa thong thả cưỡi mây, nàng vừa ngoái đầu lại nhìn vầng Thái Âm sáng vằng vặc, tròn vành vạnh. Rằm tháng tám là ngày nàng chào đời, bởi vậy tất cả đèn đuốc trên cung Trăng vào ngày này được thắp sáng trưng, khiến cho cung điện của nàng hiện lên rõ mồn một giữa bầu trời màu nhung đen.


Vẩn vơ suy nghĩ, Hằng đã đứng trong đình làng Chỉ Nam từ lúc nào. Ánh trăng lung linh, trong trẻo kết hợp cùng ánh lửa ấm cúng của biết bao chiếc đèn trung thu rọi sáng cả khoảng sân đình rộng lớn. Nàng Hằng âu yếm ngắm nhìn đám trẻ con hớn hở khoe cái đèn do chúng tự làm. Không xa hoa như đèn lồng bọc gấm quý rất tinh xảo chốn hoàng cung nguy nga tráng lệ, đèn Trung thu của lũ trẻ chỉ làm bằng tre và giấy dó. Tuy nhiên trẻ con khéo tay nên hình thù cũng thật đa dạng, ngộ nghĩnh: Con chó, con mèo, con lợn… Cái nào cái nấy giản đơn mà xinh xẻo ghê! Trong lúc bọn nhỏ thi nhau thao thao bất tuyệt về tích chị Hằng chú Cuội sống trên mặt trăng xa xăm, cao vời vợi; các bà các cô tranh thủ bày cỗ ra sân.


Ông thần Gió luôn luôn ngao du tứ phía với chiếc quạt tạo gió thần kì trên tay, thỉnh thoảng lại ghé vào cung Trăng kể Hằng nghe đôi ba chuyện hay chuyện lạ. Có lần thần kể rằng làng Chỉ Nam đón Trung thu theo cách rất đặc biệt: Tối đến, toàn bộ dân làng sẽ tập chung tại đình, một vài người vào nơi thờ phụng Thành Hoàng hạ đồ cúng xuống rồi đem ra cho mọi cùng thưởng thức dưới ánh trăng rằm trong sáng, đẹp đẽ. Già trẻ gái trai, ai nấy đều nói nói cười cười vui vẻ. Họ còn đốt hạt bưởi đã phơi khô, tạo nên âm thanh tí tách cùng mùi thơm dịu nhẹ phảng phất trong không trung. Tới tận hôm nay nàng Hằng mới được chứng kiến tận mắt khung cảnh ấm cúng, thân mật hiếm có đấy. Lòng nàng trào dâng một niềm ngưỡng mộ và xúc động khó tả. 


Bỗng dưng Hằng để ý thấy có hai bóng dáng nhỏ bé ngồi thu lu một góc, cách xa chỗ mọi người đang thưởng trăng, tiến lại gần mới biết đó là hai đứa bé trạc tuổi nhau, một trai một gái. Nàng ngạc nhiên hỏi khẽ:


- Ơ kìa, sao hai em không ra kia ăn bánh?


Hai đứa trẻ ngẩng lên thì đập vào mắt chúng là một thiếu nữ còn trẻ măng, mặt mày tươi xinh như hoa, váy áo lộng lẫy. Bé gái mau mắn trả lời:


- Dạ, bạn em ngã sưng vù đầu, em phải dí con dao vào trán bạn ý.


Bấy giờ nàng Hằng mới giật mình nhìn sang đứa bé trai, quả thật nó trán nó u lên một cục to bằng quả ổi non khiến nó xuýt xoa luôn miệng, trông đến là tội! Bé gái rụt rè dò xét:


- Chị là ai vậy ạ? Hình như chị chả phải người làng em, tại trông chị lạ quá!


Hằng mỉm cười:


- Chị là Hằng, dân làng bên. Chị qua làng em có việc nên ghé vào đây xem thử có gì mà vui thế.


Đứa bé gái tròn mắt ngắm nghía nàng rồi nắc nỏm khen:


- Ôi, áo chị đẹp quá, đẹp quá chừng, chị có phải chị Hằng trên cung Trăng không?


- Không phải đâu Phương ơi, chị Hằng chú Cuội chỉ có trong cổ tích thôi.


Bé trai giải thích với bạn một cách chắc nịch. Bé Phương hờn dỗi lắc đầu:


- Ai bảo thế? Chị Hằng có thật đấy nhá, chẳng qua Nguyên với tớ chưa được gặp thôi.


Nguyên tỏ vẻ không đồng tình, song không còn tâm trí đâu mà cãi lại. Thằng bé bận nhăn nhó vì cơn đau buốt cả óc, mặc dù cái Phương đã nghiến răng nghiến lợi dí liên tục lưỡi dao mát lạnh vào trán thằng bé. Nàng Hằng dịu dàng hỏi hai đứa bé:


- Mai này lớn các em thích gì?


Nguyên háo hức trả lời:


- Em thích đỗ đạt để làm quan to rồi vinh quy bái tổ về làng. Hôm trước có ông Nghè đi qua nhà em, ông ý oai lắm, bản thân thì ung dung cưỡi bạch mã, theo sau là cờ quạt tán lọng rợp trời, lính tráng cầm giáo theo hầu quan Tân khoa còn đông hơn cả số người làng đi đón rước. Lại có một đám người lễ mễ bưng bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh, em nghe các cụ già bảo đó là lộc quý vua ban đấy. Eo ôi làm quan thích nhỉ, vừa oai vừa có lộc của vua.


Phương cũng ríu ra ríu rít:


- Em chỉ thích ngày ngày được diện yếm đào này, váy lĩnh hoa chanh này, áo tứ thân mới tinh giống vợ ông quan huyện ấy chị Hằng ạ. À không, vợ ông quan huyện chả mặc đẹp bằng chị, ước gì sau này em có váy áo đẹp như chị.


Nàng Hằng cẩn thận rút trong áo ra hai vật gì đó. Ánh sáng từ chiếc đèn kéo quân hai đứa bé mang theo cứ bập bùng bập bùng, rọi vào món đồ trong đôi tay búp măng tròn lẳn của Hằng. Nguyên và Phương đồng loạt reo lên sung sướng khi biết đó là hai con giống bằng bột gạo rất sặc sỡ, mỗi con đều được cắm trên chiếc que gỗ thanh mảnh. Hằng tặng Nguyên con giống hình quan Trạng đội mũ cánh chuồn, chân đi hia đen đang thong thả cưỡi ngựa. Hằng tặng Phương con giống hình thiếu nữ mặc áo mớ bảy e thẹn giấu mặt sau chiếc nón quai thao. Nàng bất chợt ngớ người khi nhận thấy đêm đã khuya. Nàng lưu luyến tạm biệt hai đứa bé mà quay gót trở về cung Trăng. 


Mãi sau này, thằng bé Nguyên và con bé Phương ngày nào đã trưởng thành. Nguyên làm quan Tri phủ, đúng với ước vọng khi xưa. Còn Phương kết duyên cùng Nguyên, trở thành vợ quan nên vải vóc lụa là không thiếu. Vợ chồng quan lớn thỉnh thoảng ngẫm nghĩ tới Trung thu năm ấy rồi tiếc rẻ:


- Tiếc đứt ruột đằng ấy nhỉ, cái con hình ông Nghè đẹp đáo để mà chơi chưa được một ngày. Hỏng nhanh ghê.


Nghe quan ông nói vậy, quan bà bĩu môi lườm chồng:


- Ơ thế không phải nghịch một lát là đằng ấy chán trò rồi đòi ăn à?


Tri phủ cười xòa, vội lảng sang chuyện khác. Quan ông quan bà thư thái thưởng thức những tia sáng óng ánh mà mặt trăng thả xuống. Trên cung Trăng tít trên bầu trời cao cao, có vị tiên nữ hiền hòa nhìn thấy Tri phủ len lén vòng tay ra sau lưng vợ để ôm vợ vào lòng mà cười khúc khích.


...


Chú thích:

¹ Con giống bột: Có nơi gọi là tò he. Nếu được nặn bằng bột gạo thì có thể ăn được.

Truyện cùng tác giả