bởi Táo Đỏ

59
4
5722 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Trời bạc chăng kẻ có tình?



"Không quan trọng sau này con kiếm được bao nhiều tiền... Hơn hết, con hãy trở thành người tử tế trước tiên... Trời không bạc kẻ có tình đâu con à..."

Tiếng mẹ khàn khàn quanh quẩn bên tai. Người đàn bà già nua ấy trước khi trút hơi thở cuối cùng đã gửi gắm vào đứa con thơ một niềm mong ước, nhưng đó lại là nỗi trăn trở của cậu bé sau này.

Mà "sau này" ấy, là lúc này đây...

...

Bầu trời đen kịt. Gió nổi lên cuốn bay những cánh bàng xơ xác. Tia chớp rạch ngang trời, để lại những vết sẹo đáng sợ thấp thoáng trên tầng mây. Tiếng sấm nổ đầy giận giữ như muốn làm bật lên nỗi khiếp đảm của con người. Ông trời đã nổi cơn tam bành từ mấy hôm nay rồi.

Ngoài hẻm vắng tanh. Ánh đèn đường yếu ớt lúc tỏ lúc mờ, như đang run rẩy. Tiếng đài phát thanh rè rè vang lên thấp thoáng...

"... Mấy ngày nay... khuyến cáo... không nên ra khỏi nhà... gió giật mạnh... đề phòng cây đổ..."

- Anh à, hay là tắt đi? Bật lên giờ này cũng nguy hiểm lắm, nhỡ sét đánh cho thì... Vả lại tiếng gió to như này, nghe cũng chẳng rõ ràng.

Em thả chiếc quần rộng xuống, miết nhẹ lên miếng vải mới vá vào, rồi quay ra nói với bóng lưng đầy sẹo đang ngồi xổm bên cửa.

Nói là cửa, nhưng thực chất chỉ là một khe hở nho nhỏ, chắn trước nó là tấm ván gỗ dày mà hắn mới đem về bịt tạm mấy hôm cho khỏi hắt mưa.

- Chịu khó nghe tin tức tí em à. Thằng Lợi nó còn đang hẹn anh buổi đi chở hàng, mưa bão như này chẳng biết khi nào mới đi được. Chán thật! – Hắn đứng dậy nhét chiếc điện thoại cũ vào túi quần, quay vào, đến bên mép giường nhìn em ngồi khoanh chân vá quần cho hắn, trên vai khoác chiếc áo đồng phục đã chuyển màu. – Thôi đừng làm nữa, tối om om như này, không khéo cận thị thì mệt đấy. Chẳng có tiền mua kính cho em đâu. Mấy hôm nay lại không ra đường làm việc được, gạo cũng sắp hết rồi...

Hắn đứng chắn ánh sáng lập lòe từ ngọn đèn bàn, bàn tay to lớn đầy vết chai mơn trớn đôi má đỏ ửng của cô thiếu nữ, vuốt ve từ đuôi mắt đến vành tai, xoa nhẹ.

- Không sao, em còn một cái quần nữa thôi. Anh cũng thật... Nếu chật quá thì mua thêm một cái rộng hơn đi? Mấy cái quần được cho kia hình như anh mặc đều chật mà. Không cần phải tích tiền vì em đâu. Tiền sách vở cũng không cần mua nữa, mọi người ở lớp tốt lắm, đợt trước có cho em mấy quyển để ôn thi rồi kìa. Cô Hòa cũng tốt, cô bảo lên Ban giám hiệu xin cho em suất học bổng đấy! Mong là được.

Em nhắm mắt, tựa vào hõm vai hắn, khẽ dụi, cảm thụ bàn tay ấm áp, dịu dàng của hắn gãi nhẹ sau gáy, rồi từng ngón tay luồn qua làn tóc dài xõa sau vai.

Mưa bắt đầu rào rào rơi.

Hai đứa cứ nương tựa bên nhau đến nay cũng hơn chục năm rồi. Em nhớ mãi lần đầu gặp hắn, người con trai đen nhẻm ấy có đôi mắt cực kỳ sáng, nụ cười đặc biệt tươi, bàn tay vẫn ấm áp như vậy mà ôm lấy em vào lòng, thủ thỉ với em rằng: "Chúng mình đều cô đơn như thế, vậy làm người nhà của nhau đi?"

Năm ấy em mới sáu tuổi. Bố đi đánh bạc thua tiền, về nhà đánh mẹ đến chảy cả máu. Mảnh chai thủy tinh vương vãi đầy sàn. Em ngồi trong góc khóc rất to, hai tay bịt tai lại, nhưng cũng không thể che hết được những âm thanh tục tĩu, những tiếng vụn vỡ... rồi cãi vã... Tiếng cửa xô mạnh bạo như muốn dập náo trái tim bé bỏng đang đập nhanh vì sợ.

Sau đó, mẹ bỏ đi biệt tích. Bố không tìm được mẹ liền trút giận lên em. Bố cũng đánh em đến vỡ đầu chảy máu như từng đánh mẹ vậy. Ngày bé em từng trách mẹ sao không dẫn em đi theo, nhưng rồi lớn lên, em hiểu được, mẹ cũng có nỗi khổ tâm riêng của mình mà...

Em thoát ra được. Em thành công chạy trốn khỏi căn nhà ma quỷ đấy. Ngày nhập học vào lớp một, em chỉ dám đứng từ xa: nhìn cổng trường tấp nập, bè bạn ai cũng có cha mẹ đưa đến, họ ôm ấp con cái, hôn lên trán chúng rồi xoa dịu nỗi sợ ngày đầu tới trường, trái tim em đập mạnh thổn thức, và tủi thân lắm: Em cũng muốn đi học mà. Nhưng em không dám. Em sợ bố tìm được em, ông ấy sẽ đánh em mất.

Ngay lúc ấy, có một người vỗ nhẹ vai em. Em giật mình quay ra, hoảng sợ, cứ nghĩ là bố, nhưng hóa ra, đó lại là ánh dương ấm áp, sưởi ấm con tim em... rọi sáng tương lai mai này...

...

Em mở choàng mắt, chấm dứt hồi tưởng.

- Cơ mà tại sao ngày ấy anh lại cứu em? Anh cũng nghèo rớt mồng tơi như thế, không sợ thêm miệng ăn thêm túng tiền à? – Em hỏi.

- Không thật ra... ngày đấy là anh Hạnh bảo anh gọi em vào. Anh Hạnh là người đã cứu giúp tất cả lũ trẻ chúng ta, cũng là người lấy được giấy tờ tùy thân của em ra đấy. À mà, hình như em chưa từng gặp anh Hạnh nhỉ? Sau anh ấy đi đâu rồi...

Hắn bắt đầu mơ màng trong hồi ức. Hắn kể về lần đầu tiên gặp anh Hạnh, rồi những lần gặp được nhiều đứa trẻ khác cùng hoàn cảnh, rồi về ước mơ được trở thành một người như anh... Cũng chính ngày mẹ hắn mất, hắn tứ cố vô thân, anh Hạnh đã dang tay đón hắn vào nhà. Duy chẳng biết vì sao sau khi đến tìm bố của em, anh Hạnh lại biến mất – hắn không định nói với em chuyện này, mà em cũng chưa từng tò mò.

Bọn hắn những ngày ấy biết đọc biết viết cả rồi, sau không đi học nữa. Còn em khi đó quá nhỏ, lại là cô bé duy nhất trong lũ hắn, được tất cả mọi người yêu thương, nên đều hết sức giúp cho em ăn học đàng hoàng, không để em làm lụng vất vả. Em cũng không phụ công mọi người, lớn lên đều là học sinh xuất sắc, có nhiều năm còn được miễn học phí nữa, dần dà cũng đến bây giờ, sắp là "sinh viên" rồi.

- À mà bao giờ em thi nhỉ? Hơn tháng nữa đúng không? – Hắn chợt hỏi.

- Vâng, qua mấy hôm nữa bế giảng rồi học ôn thêm một thời gian là đi thi thôi. Anh đi công tác ở đâu thì đi, nhưng ngày ấy nhất định phải nhớ về để đưa em đi đấy! Em cũng chỉ thân mỗi anh thôi.

Nói rồi em lại ngập ngừng, giọng điệu mang chút chờ mong:

- Anh từng nói, chúng ta làm người nhà... Em cũng đủ mười tám rồi... đợi đỗ đại học... Em lấy anh nhé?

Hắn hơi giật mình, rồi lại sẵng giọng, đùa cợt:

- Cô nương à, đợi đỗ được đi hẵng nói chuyện này nào. Y Hà Nội không phải cứ thi là đỗ đâu đấy.

Em không phải chưa từng đề cập chuyện này tới hắn, nhưng hắn chưa bao giờ coi là thật. Hắn luôn chỉ nghĩ, bởi ngày đó là hắn đón em về, nên em mới có cảm tình với hắn. Nếu đó là thằng Lợi, có khi em cũng thích nó ý chứ. Vả lại, hắn thương em như thế, mình lại trắng tay, không muốn em tiếp tục khổ sở trong nghèo đói nữa đâu.

Mà em là thiếu nữ nữa chứ, sao cứ hở mồm là nói chuyện này không ngượng miệng thế nhỉ?

- Anh này! Phải tạo động lực cho người ta chứ! Chưa thi đã làm người ta tắt hết động lực rồi! – Em chau mày, vươn tay nhéo má hắn.

Hắn la oai oái xin tha:

- Thôi anh xin anh xin! Đỗ Y thì chi tiền ăn một bữa lẩu nhé! Ăn mừng bác sĩ tương lai... nào bỏ tay ra!

Em còn nhéo mạnh hơn, mặt phụng phịu:

- Anh cứ làm sao thế nhỉ? Định nuốt lời đấy à? Bảo làm người nhà của nhau sau lại thế này đây? Em đã định anh làm chồng em thì anh phải làm chồng của em! Đấy là may mắn của anh đấy!

Nghĩ đến cảnh gian nhà nát nằm sâu trong hẻm này, nắng chẳng chắn được, mưa miễn cưỡng che, hắn im lặng chẳng nói gì. Người không học vấn như hắn kiếm tiền ăn qua ngày đã khó rồi chứ đừng nói là mua được một căn nhà an ổn...

- Anh bảo em làm người nhà chứ có bảo em làm vợ anh đâu... Thôi nằm ngủ đi, muộn rồi, mai phải đi học đúng không? Trời mà vẫn cứ mưa như này thì anh đi nhặt vỏ chai đem bán tạm vậy.

Hắn nhẹ nhàng lôi tay em nằm xuống, chuyển chủ đề thành công. Em nghe thế liền sốt sắng, luôn miệng nói không được, để mình đi dạy thêm hay rửa bát thuê cho đỡ vất, nhưng hắn nào nỡ chứ. Sắp thi đại học rồi mà, yên ổn ở nhà ôn thi thì hơn.

Vất vả một lúc, em mới nằm gọn trong lòng hắn, hơi thở đều đều, cánh tay gác qua eo, đầu tựa lên bắp tay hắn, không hề có sự rụt rè hay cảnh giác mà một cô gái nên có. Em cũng chẳng cần phải sợ hắn làm gì, bởi em luôn tin tưởng hắn. Hắn là ánh nắng ấm áp của em cơ mà.

Ngoài kia mưa gió bão bùng, có tấm lưng hắn thay em che trời.

...

Ngày bế giảng của em. Mưa cũng ngừng, nắng đã hửng.

Trên con xe đạp cà tàng lúc nào cũng vang lên tiếng lóc cóc như sắp đổ sập đến nơi, hắn đèo em đến trường. Bè bạn của em cũng quen mặt hắn rồi, lúc nào cũng "Đại ca! Đại ca! Chào em đi đại ca!" làm hắn muối hết cả mặt. Nhưng em nói cũng đúng, mấy đứa bạn này đều rất tốt với em, anh em hắn chưa từng phải lo về việc cô em út bị bắt nạt cả. Em dễ thương thế, lại ngoan như thế hiền như thế, ai mà không quý cho được?

Cũng chưa tia được thằng cu nào có ý với em. Thử làm cản trở việc học của "bác sĩ tương lai" xem?

Em vẫy vẫy hắn, rồi xốc lại quai cặp, bước vào trường. Hắn xoay mũ lưỡi trai ra đằng sau, gồng lưng, đạp con xe ghẻ vòng trở lại.

Lúc đi qua con hẻm nhà mình, hắn có liếc thấy một bóng người đi từ trong đó ra, nhưng khi quay lại nhìn, chẳng thấy ai cả.

Có lẽ là do hắn nhìn nhầm.

...

- Đại ca, lần này đi chở bánh kẹo phải lên tận Lào Cai đấy, hôm nay em hỏi lại người ta rồi. – Thằng Lợi gọi hắn, người thì vẫn lúi húi cúi xuống cọ rửa bánh xe. – Anh có nhận không?

Trong số lũ trẻ ngày ấy, Lợi coi như là có công ăn việc làm ổn định nhất rồi. Ở tại xưởng, ăn thì "góp gạo thổi cơm chung", xung quanh cũng có các anh em bè bạn, đại khái là cu cậu chẳng phải lo nghĩ gì. Hắn trước cũng được rủ vào làm, nhưng không nhận, bởi để em một mình nơi hẻm ngõ ấy hắn không an tâm, dù chỉ cách một đoạn. Bình thường hắn làm việc ở một quán ăn nhanh, làm ca chiều và tối, xong việc thì về, nhiều lúc còn dư dả món gì thì chị chủ lại tốt bụng gói lại cho mang về. Khi nào có mối vận chuyển ngon ăn, hắn mới cố xin chị chủ cho nghỉ một buổi, nhưng sáng đi đêm về ngay, không để em ngủ mình bao giờ.

Lần này lên Lào Cai có khi không về trong ngày được... Căn nhà ấy cũng chẳng phải "nhà", rất không an toàn. Hắn trầm tư phân vân.

Như hiểu băn khoăn của hắn, Lợi khuyên:

- Anh ạ, mối này được nhiều lắm, mấy thằng cu em xin được là nghĩ đến anh đầu tiên đấy. Cố gắng thì rạng sáng là cũng về đến nhà rồi, nhanh thôi mà, cái Út ở mình một đêm chẳng sao đâu. Anh cứ nhận đi để giữ chỗ, có vấn đề phát sinh thì mấy đứa em lại đi làm thay, không sao!

- Bảo chúng nó nhận thay anh trước, anh về hỏi em ấy thử xem đã. Con gái ở mình ghê lắm mày ạ... Mày đọc báo cũng biết.

Hai anh em nói chuyện tầm phào được một lúc, bỗng hắn lại nhớ đến chuyện xưa.

- Cũng chả biết giờ anh Hạnh thế nào... Chục năm qua anh em mình sống tốt, mà anh ấy lại biệt tăm.

- A đúng rồi, anh Hạnh! – Thằng Lợi bỗng bật thốt lên – Vừa mấy hôm trước em gặp anh Hạnh đấy anh!

- Thằng chết tiệt này sao không bảo anh? Mày gặp ở đâu? – Hắn lôi cổ áo Lợi, xách lên.

- Anh bỏ em ra! Có gì để trưa em dẫn anh đi. Giờ làm xong việc cái đã. Cơ mà anh ấy có vẻ...

- Nãy giờ còn chưa rửa xong cái bánh xe, mày làm ăn thế này lỡ bao công việc! Tránh ra anh mày rửa cho!

Hắn bắt đầu cuống lên, cuống cuồng trong vui sướng, không kịp đợi để nghe hết câu của thằng Lợi. Hắn rất nhớ anh Hạnh, nhớ cảm giác được che chở, được bao bọc. Từ ngày anh đi, hắn làm anh cả, làm đại ca, nhưng hắn không thích cảm giác ấy tí nào. Hắn rất nhớ bàn tay ấm áp của anh khi xoa đầu hắn.

...

- Anh! Anh về rồi à? Hôm nay em được thưởng nhiều tiền lắm!

Em đang ngồi ở bàn học, nghe tiếng liền quay đầu reo lên, mắt thấy dáng vẻ hắn loạng choạng thì giật mình vội chạy ra cửa. Đôi tay nhỏ vươn tới vuốt ve gương mặt hắn, kéo hắn ngồi lên giường, sốt sắng:

- Anh sao vậy? Sao mặt mũi tái xanh thế? Tay lạnh toát thế này?

Hắn vẫn im lặng không động đậy. Bỗng lưng ngã xuống giường, cánh tay che lên mắt.

Em lo lắng sắp khóc tới nơi. Trước nay hắn chưa bao giờ có tình trạng như vậy!

- Anh làm sao thế? Không khỏe ở đâu à? Mình đi bệnh viện đi! Em đỡ anh đi! – Em đứng bên giường kéo mạnh cánh tay hắn, tay còn lại luồn dưới bả vai, muốn nhấc hắn ngồi thẳng dậy, nhưng em gầy như thế, không tài nào nhấc hắn dậy nổi. Vội tới khóc rồi.

Hắn thuận đà kéo em xuống giường, ôm em vào lòng, cằm tựa lên đỉnh đầu em.

Trong lòng hắn bây giờ đang rất rối.

Hắn không biết nên đối diện với em như nào cả.

- Anh không sao... Nãy em nói được thưởng nhiều tiền lắm hả? Nhiều là bao nhiêu?

- Không, anh nói cho em biết đi, anh sao thế? Sao lại về giờ này? Chiều nay không đi làm ngoài quán ăn nữa à?

- Anh ổn mà! – Hắn bỗng gắt lên. Em ngây người trong lòng hắn, ngước mắt lên, nằm im không động tĩnh.

- Anh không sao, hôm nay quán có việc nên cho nghỉ thôi. Nào, em được thưởng bao nhiêu?

- ... Ba triệu hai tiền học bổng, cũng được thưởng thêm hai trăm nghìn vì lần trước em giúp người ta bắt trộm. – Em thấy hắn không muốn kể thì im lặng bỏ qua. Không ai ép hắn được.

- Khoan đã, bắt trộm cái gì cơ? Sao không nói cho anh? – Hắn bỗng vút cao giọng, ngồi dậy.

- Cách đây một tuần, lúc đi học về em có thấy một bác gái nằm trên ghế, sau bị mấy thằng choai choai cách đây mấy ngõ nó dòm, em thấy nó thò tay vào túi bác ý định lấy tiền nên hô hào lên...

Em còn chưa dứt lời, hắn đã gắt lên:

- Sao em phải làm như thế! Ai bị mất tiền thì đấy là việc của người ta, em cứ thích mua việc vào người làm gì! Bọn nó mà thù dai, nó tìm đến nhà đánh em, em có đánh lại nổi không? Lúc đấy anh mà không có nhà, em định làm thế nào? Định rước họa vào thân à?

Em run bắn người lên, nằm im lặng không dám nói câu nào. Miệng cứ há ra rồi khép lại.

- Nhưng... Lúc đấy em cũng... Quanh đấy cũng có mọi người mà, vả lại lúc đấy em hô hào xong thì người ta cũng đuổi bọn nó đi rồi...

- Người ta đuổi nó đi, thì cũng chỉ là lúc đấy thôi! Nếu sau đó nó quay lại đánh em, em chịu được không?

- Hôm nay anh làm sao thế! – Em bắt đầu rơm rớm nước mắt, vùng dậy – Mọi lần em giúp người ta anh có nói gì đâu? Anh còn khen em nữa mà? Bác ấy cũng bảo, may mà có em. Số tiền đó là để đóng tiền chạy thận cho ông nhà bác... Em không thấy mình sống sai cách hay gì cả!

Nói rồi, em cụp mắt, cúi đầu. Hạt nước nặng trĩu rơi xuống mu bàn tay hắn.

Hắn không biết nên nói cho em biết như nào. Ngọn đèn bàn bỗng phụt tắt. Tiếng nấc phảng phất đâu đây.

Em có biết anh Hạnh đã xảy ra chuyện gì không? Em có biết, lòng tốt có thể hại con người ta đến mức không còn đường lui không? Em biết chăng, đâu phải phải cứ gieo nhân sẽ gặt quả ngọt?

...

Chiều nay, hắn được gặp anh Hạnh.

Cuộc sống anh rất tệ. Nhà cửa còn tàn tạ hơn chỗ hắn cùng em ở. Chân bị thọt. Nhịn đói mấy ngày. Lúm đồng tiền bên má anh không còn hiện lên nữa.

Em có biết tại sao không?

Năm ấy vì muốn chuộc giấy khai sinh của em ra để em được đi học, anh Hạnh giúp bố em trả nợ, nếu không ông ta nhất quyết không giao giấy tờ. Rồi từng ấy năm, xã hội đen đeo bám, anh đành bỏ đàn em mà rời đi vì sợ làm liên lụy. Từ một con mồi là bố em, thêm một con nữa, đám kền kền ấy sao có thể tha? Anh ấy ở gầm cầu, ở lề phố, phải bới đồ ăn thừa từ những túi rác sinh hoạt của nhà dân. "Trai ba mươi tuổi đang xoan", một người đàn ông ba mươi mấy tuổi, đáng lẽ là phải có sự nghiệp đàng hoàng, có vẻ ngoài phong độ, thì đây râu mọc lún phún, hốc mắt sâu xuống, mặt hóp lại, nhìn có khác nào một ông già?

Hắn không hiểu, vì sao phải ngu ngốc gánh nợ cho một người lạ cơ chứ? Lúc ấy, anh không còn nói gì nữa.

Những lý tưởng cứu người ngày ấy, đều không còn.

Ước mơ trở thành người có ích của hắn, cũng bắt đầu lung lay dữ dội.

Nhưng những điều ấy, hắn không thể nói cho em. Hắn không thốt nên lời. Hắn không muốn em tự trách.

Bởi trong lòng, hắn cũng đang trách em mất rồi. Nếu không có em, anh Hạnh sẽ không khổ tới vậy. Nếu không có em, có thể hắn sẽ sống tốt hơn một chút, sống không chút vướng bận nào...

...

Hắn nhận vụ Lào Cai kia. Sau đó, cũng nghỉ việc tại quán ăn, đi suốt ngày nửa tháng.

Em chỉ nghĩ là hắn bận, nào hay biết hắn đang cố tìm cách trốn em. Hắn sợ. Hắn thấy đau xót. Mỗi khi nhìn thấy nụ cười của em, hắn lại nhớ đến đôi má lúm đồng tiền của anh Hạnh. Ngày ấy chúng ta đã từng vui vẻ đến nhường nào, nhưng chỉ vì lý tưởng kia...

Những suy nghĩ xấu xí như cây tầm gửi bám móc vào trái tim người trai trẻ, như một cái dằm không thể rút ra.

Hằng đêm, sau khi giao đủ mỗi chuyến hàng, hắn đều tự dằn lòng mình không nên trở về căn nhà nơi em nữa. Hắn không muốn nhìn thấy em, không muốn để bản thân thêm nỗi ưu phiền. Nhưng nỗi nhung nhớ, nỗi khao khát được ôm em vào lòng cứ âm ỷ cháy trong tâm tưởng, dằn không được mà buộc hắn phải về thăm em.

Tự an ủi lòng mình, về để phòng mấy thằng biến thái cho em thôi.

Trước hôm em thi hai ngày, hắn nhận được yêu cầu giao hàng lớn. Bên đó trả rất cao, tính ra cũng bằng cước hắn xông pha bốn năm ngày. Họ yêu cầu đi ngay trong ngày, cam đoan sẽ xong sớm, hàng tới nơi là tiền trao cháo múc ngay. Hắn tham mối này, cũng nghĩ rằng đơn giản như mọi lần thôi, nên nhận không suy nghĩ gì cả.

Đợi từ trưa đến tối muộn, đơn vị sản xuất phát hiện hàng có lỗi nhỏ, làm thiếu một khâu, bảo hắn chờ. Hắn xin về trước để mai đi, thì họ không đồng ý, cố tình giữ lại. Thằng Hải phụ xe xung phong nhận việc:

- Đại ca cứ ở đây, để em về trông cái Út cho. Em mang bột mì sang chiên, không sợ đói nhé.

Thằng Hải chỉ lớn hơn em có hai tuổi, lại là đứa "áp chót" được đưa về, nên hai đứa cũng thân nhau lắm. Hắn đồng ý, tiếp tục ngồi chờ, đôi mắt hơi đờ đẫn. Tới tận nửa đêm, hàng mới chất đủ lên xe, bên kia thúc giục giao hàng đi ngay. Hắn cũng vội vàng nổ máy lên đường. Đêm nay trời không sao.

Đi một mình trên quốc lộ, xung quanh chỉ có ánh đèn đường khi đục khi trong, hắn lại nhớ đến những ngày vui vẻ bên em trong căn gác xập xệ ấy, không có gì phiền não ngoài lo cơm áo gạo tiền.

Những suy nghĩ đau đớn về con người còn khó chịu hơn gấp bội những lo toan trong cuộc sống kia – hắn nghĩ thế.

Tiếng em cười như chuông ngân... Đôi tay mát lạnh của em khi ôm lấy cổ hắn... Một mùi hương nhẹ nhàng từ sau gáy em... Những lọn tóc mềm mượt như lông vũ quét nhẹ cánh tay hắn... Hắn thực sự rất nhớ...

Lại là một lần lái xe trong lơ đãng. Hắn bỗng thả hồn trôi theo hồi ức.

Bỗng nghe tiếng tuýt còi xa xăm níu khẽ hồn hắn. Hắn tỉnh táo lại, phía trước có bóng áo vàng đang cầm gậy vẫy xe hắn.

- Xin chào. Phiền anh cho chúng tôi xem giấy tờ. Anh lái xe quá tốc độ rồi.

Một chú cảnh sát giao thông bước đến ngó vào khoang xe. Hắn cầm một túi hồ sơ, nhảy xuống.

Anh cảnh sát trẻ bên cạnh khẽ ngửi vai hắn, rồi có lời khen:

- Lái xe đường dài đúng không? Thế mà không thấy mùi thuốc lá... Khá đấy thanh niên! Cơ mà đêm hôm rồi còn đi giao hàng, sao không ở nhà với vợ?

Hắn im lặng chẳng nói gì. Chán nản. Bỗng dưng nhớ em quá. Nhớ em đến phát điên rồi.

- Anh cảnh sát này, giờ em chỉ muốn về nhà thôi. Anh chở em về được không?

- Không giao hàng nữa à? Đợi kiểm tra xe xong đã nhé... - Chú cảnh sát lớn tuổi bước đến vỗ vai hắn, trên tay vẫn đang ghi chép gì đấy.

Đột nhiên có tiếng ai giật mình:

- Khoan đã... lô hàng này...

- Sao! có vấn đề gì à? – Chú cảnh sát vội chạy qua. Hắn cũng hoảng loạn ngước lên. Có chất cấm?

Chạy theo ra sau, vội mở một thùng hàng ra.

Trống không.

May thay, không phải chất cấm. Nhưng lô hàng này trống không, không có một cái gì cả.

Nhịp tim hắn bỗng tăng mạnh. Như có cái gì thôi thúc hắn phải trở về ngay tức khắc.

- Anh cảnh sát... không xong rồi... Xin anh! Làm ơn đưa em về nhà ngay lập tức! – Hắn vộ vã níu chặt tay người bên cạnh, gân xanh nổi hết cả lên. Hắn bỗng hiểu ra vấn đề gì đó.

- Cậu bình tĩnh, có vấn đề gì thì từ từ mà giải quyết. Điện thoại đâu? Gọi về trước đi.

Hắn vội vã móc điện thoại từ trong túi ra. Bấm không lên. Người khác thấy thế liền vội lấy điện thoại đưa cho hắn.

Hắn gọi cho em, mồ hôi túa ra như tắm, từng giọt chảy dài từ hai thái dương xuống tới cằm. Mỗi lần tiếng "tút" vang lên là một lần tim hắn đập mạnh. Không có ai trả lời. Gọi hai cuộc đều như chìn vào đáy biển.

Hắn vắt óc nhớ ra số của Lợi, gọi vào, máy thông ngay lập tức. Hắn hoảng hồn gọi:

- Lợi, sang nhìn Út hộ anh...

Đầu bên kia, tiếng thở hồng hộc vang lên. Giọng nói thằng Lợi đứt quãng, lại có tiếng nấc lên xen kẽ:

- Anh! Sao em gọi cho anh không được! Thằng Hải người bê bết máu chạy sang bảo Út gặp chuyện rồi!

Hắn nghe đầu mình nổ oành một tiếng. Tim như ngừng đập. Chỉ còn tiếng gió hun hút. Chân vô thức chạy đến chiếc xe máy của anh cảnh sát ban nãy. Hắn phóng vụt đi, để lại đoàn người cuống cuồng đuổi theo.

Một nụ cười tươi tắn nhiễm đầy máu bỗng hiện lên trong tâm trí hắn. Em nằm rạp trên vũng máu lớn, nhìn hắn như trách móc, sao đi đâu không về với em...

Mẹ, người từng nói "trời không bạc kẻ có tình", đây là không bạc hay sao?

...

Cả người nhẹ bẫng như đang trôi lơ lửng giữa không trung. Nghe loáng thoáng tiếng em gọi bên tai...

Hắn mở choàng mắt, cúi người xuống, thấy em đang nằm an ổn trong lòng, hơi rướn người lên tựa đầu vào vai hắn, khẽ dụi. Xung quanh vẫn là cảnh căn gác xập xệ, có tiếng đài phát thanh rè rè đâu đây. Trái tim vô thức thấy bình yên đến lạ. Bàn tay to lớn siết nhẹ sau lưng em, hắn đang cúi đầu thì khung cảnh bỗng chuyển biến. Trời nổi gió. Cánh bàng xơ xác cuốn dưới chân em. Máu tuôn ra như suối từ bên tai em. Đôi mắt long lanh ấy bỗng dại ra, rồi từ từ nhắm lại. Hắn tận mắt thấy hồn em lìa khỏi cơ thể, bay đi.

- Út! Em đi đâu? Lúc này rồi còn muốn đi đâu? Đưa anh theo với! Út! – Hắn gồng mình đứng dậy, chạy theo em, muốn níu tay em lại, nhưng cái cảm nhận được chỉ là hư ảo. Tim hắn lạc mất hai nhịp.

- Út! Quay lại đây, cho anh ôm em một cái thôi được không? Út, anh sẽ không trách em nữa, mình về nhà đi được không? Xin em! – Hắn lao mình về phía trước, liều mạng muốn ôm lấy chút hơi tàn.

Em như muốn thỏa nguyện hắn, cả người xoay lại, để mặc cho hắn nhào tới, rồi ôm chặt em vào lòng. Lần này hắn ôm em được rồi. Nhưng cả người em lạnh buốt, có ánh sáng trắng phát ra nhè nhẹ.

Hắn hết hôn trán lại hôn xuống mắt em, rồi hôn đến môi em, đến cổ. Hắn ôm chặt em trong lòng, hít mạnh mùi hương nhàn nhạt mà quen thuộc. Hai tay ôm chặt đôi má em, áp trán vào nhau, cảm nhận yên bình.

Em vòng tay qua cổ, ôm chặt lấy đầu hắn. Giọng nói trong trẻo vang lên:

- Anh, anh thật sự không trách em đúng không? Nếu biết có ngày hôm nay, em cũng không hối hận.

- Không, tại sao chúng ta phải giúp người khác chứ? Nghe anh, mình về quê đi. Em muốn kết hôn, chúng ta sẽ đi đăng ký ngay bây giờ! Chẳng phải em thích ăn nhãn lắm sao, mình về trồng một cây nhãn, trồng thêm cây xoài nữa, không phải lo túng thiếu gì cả. Em thích chó, ta cũng sẽ nuôi một con. Anh yêu em... Anh thương em, thương tận xương tủy! – Hắn ôm chặt lấy em, má áp sát bên gáy em, thủ thỉ mà vội vã.

- Anh, anh Lợi từng có một thời gian phá phách như thế, anh có thấy hối hận vì đã cưu mang anh ấy không? Anh, nếu ngày nọ em không giúp bác gái kia, có thể người ta đã mất đi người thân thương nhất của mình rồi, và điều đó sẽ khiến em hối hận cả đời. Nghĩ đến là day dứt, em không mong nửa đời sau của mình sẽ như thế... Anh, anh đừng lo, ban nãy Phật Tổ có nói với em rằng, em cả đời làm việc thiện, sẽ được Người chăm sóc một thời gian... Đừng lo, em sẽ sống tốt mà... Anh, vẫn vững giấc mộng làm anh hùng nhé...

Tiếng em nhỏ dần, bóng dáng cũng mờ đi.

Không... Hắn chưa tha thứ cho em mà... Ai cho em cái quyền tự quyết đấy chứ...

...

Mở mắt ra một lần nữa, sau gáy đầy mồ hôi lạnh. Ngoài song cửa, trời vẫn tối đen như mực. Loáng thoáng tiếng gió vun vút thổi. Có lẽ lại sắp thêm một cơn mưa rào.

Hẵn bỗng hoàn hồn, khung cảnh em nằm trên vũng máu in hằn trong tâm trí, lời em nói như mộng, như thực vẫn còn vang vọng trong đầu. Hắn nhận ra mình đang nằm nơi phòng bệnh, phía giường bên cạnh là một người khác đang nằm, băng quấn kín tay chân.

Gắng gượng dậy bước nhanh xuống giường, hắn nhìn kỹ lại, là thằng Hải. Nhìn nó thật sự thảm thương đến cùng cực. Hai mắt sưng húp nhắm nghiền, cả người nằm im không nhúc nhích.

Mở cửa phòng bệnh, liếc mắt sang trái, Lợi ngồi im lìm, cúi đầu. Anh Hạnh ngồi ngay bên cạnh, đứng phía xa là mấy thằng đàn em khác cũng cúi gằm mặt không nói. Hắn quỳ sụp xuống trước hàng ghế nắm chặt tay đứa em:

- Lợi, dẫn anh đi xem cái Út...

Em nằm ở phòng hồi sức trên tầng sáu. Dãy hành lang trắng toát, chỉ có tiếng giày vội vã vang lên.

Lợi nói em suýt nữa thì không qua khỏi được rồi. Em bị đánh tới xuất huyết não, phải cấp cứu hơn sáu tiếng đồng hồ. Còn hắn đã hôn mê tròn một ngày rồi.

Nó kể, khi anh em kéo tới con hẻm, đám người kia đã chạy gần hết rồi. Chỉ còn em nằm trong vũng máu đặc, nhìn mà khiếp sợ, lại không ai dám đụng vào, sợ làm vết thương của em nặng thêm. Ngay sau đấy, hắn phóng xe tới đâm sát vào mép hè đường, vội vã xuống xe, kịp nhìn em một cái rồi ngất đi. Có cảnh sát giao thông phía sau hắn truy bắt lũ khốn nạn ấy...

Nó kể, thằng Hải đã gào khản cổ thế nào, cũng không có một ai ra giúp, khi ấy cũng chẳng có ai báo cảnh sát hay gọi một chiếc xe cứu thương; đến lúc em được đưa lên cáng, người ta mới ló mặt ra chụp hình.

Hắn ngồi dưới sàn vùi đầu xuống hai đầu gối, im lặng nghe hết từ đầu tới cuối. Trong lòng cảm thấy thật mỉa mai, chính hắn muốn em mặc kệ người ta, nay lại ước ao rằng giá như lúc ấy có ai đó giúp em thoát khỏi cảnh này...

Có lẽ đúng thật. Lương thiện cũng chỉ là một điều tương đối.

Hắn ích kỷ muốn bản thân bo bo giữ mình, muốn em, muốn anh Hạnh và các anh em khác cũng như thế, nhưng lại ước ao người khác giúp đỡ mình khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Nhưng lúc em giúp người như thế, vì sao lại không ai giúp em?

Ông trời đúng thật lạ. Muốn người ta lương thiện, nhưng lại không giúp người ta tránh khỏi những khổ hạnh này. Ông rốt cuộc đang muốn chứng minh điều gì đây?

... Mẹ, con thật sự không biết. Nếu là mẹ trong trường hợp này, mẹ có giúp em ấy không?

Và tại sao vậy mẹ, em ấy tử tế đến thế, lại vẫn gặp phải trái đắng đến như vậy? Ông trời có lẽ chỉ luôn bạc kẻ có tình thôi mẹ à...

Hoàn


Truyện cùng tác giả