14
3
3104 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Trôi về nhà


TRÔI VỀ NHÀ

"Mộng Thường, có người kiếm!"


Cô đào hát lô tô chui ra khỏi ô dưới sân khấu, nhìn ngó thử coi ai kiếm mình ở cái xứ xa lạ này... Để rồi ban trưa mặt trời đổ lửa, bãi đất hoang mới gầy những sạp hàng trò chơi, nắng ung trên từng tấc da thịt, cô đánh rơi cái váy đang vá dở trên tay, mắt ràn rụa nước. Không thể thấy rõ hình hài trước mặt, nhưng chỉ một giây phút chạm phải ánh mắt của người đàn bà đó Mộng Thường đủ nhận ra đó là Má của mình.


Mộng Thường bỏ nhà theo nghiệp hát lô tô đã mười ba năm, mười ba năm lưu lạc trên khắp mọi nẻo, mọi miền đất nước, trải qua bao thăng trầm, bao lần thay đổi, tài sản còn lại tới bây giờ vẫn chỉ là cái sân khấu tạm bợ, mục chỗ này, vá chỗ kia, là những gian hàng trò chơi với hơn hai chục cây phi tiêu sờn mòn bạc màu, với những món quà còm cõi mà thời gian này đã không còn đủ giá trị để thu hút con người ta mê mẩn. Vòng ngựa quay cũng cũ, mỗi lần đề lên nó sẽ chậm rì rì, kêu è è những âm thanh già nua cằn cỗi. Và trong cô, tài sản lớn nhất là được sống đúng giới tính của mình.


Mười ba năm xa nhà, xa tía má, Mộng Thường sống chết với con đường cô đã chọn, rời khỏi gia đình, bỏ lại hình hài của Trần Bình Thường ngày đó, mà lòng cô chưa bao giờ quên lời Tía nói "Tao đặt bây tên Trần Bình Thường, để cuộc đời nó êm ả trôi qua nhen con, sống bình thường như cái tên của mình". Nhưng cho tới cuối đời, nhắm mắt xuôi tay, ước mong của tía vẫn mãi là điều xa xỉ vì cuộc đời không bình thường chút nào với thằng con trai duy nhất mà tía thương yêu.

Tía má Thường chánh hiệu nông dân miền Tây, nhà có mấy sào ruộng đủ lúa bán và ăn, nhà không khá giả nhưng cũng không phải chạy gạo từng ngày. Tía má cưới nhau ngót nghét sáu năm trời, bà nội trông cháu quá, nhưng rồi bà chết trước khi má có bầu. Khó khăn lắm mới có thằng con vui nhà vui cửa, nên Tía cưng Thường hơn bất cứ thứ gì trên đời. Cơm trắng thơm tho nhất là dành cho con trai, con cá chạch ú ụ nhất trong dĩa cũng gắp cho con trai... Ngày Thường ba tuổi, bị sốt phát ban, tía cõng Thường chạy chân không qua hai cánh đồng bạt ngàn, quá giang đò máy của người ta ra trạm xá huyện, tới nơi cẳng chân ông già túa máu vì miếng miễng sành...


Tía tự tay đẽo con cọp cây cho Thường, hoặc làm ống thụt, hay con diều giấy, bữa bán lúa được mùa, ông già gom tiền ra chợ huyện mua cho thằng nhỏ chiếc xe mô hình thiệt đã, cái thứ mà đám con nít trong xóm nghèo thèm nhỏ nước miếng, mấy ông bạn nhậu nói tía nghèo mà chịu chơi, cưng con thấy bể, tía cười hề hà! Tía hay cõng Thường đi chơi dài xóm, khoe với người ta có thằng con trai ngon lành khi tuổi muộn. Nhưng ác nghiệt, cái tên Trần Bình Thường không đủ sức làm cho cuộc đời của thằng nhỏ được bình thường như ông mong mỏi, từ hồi bốn tuổi, thay vì mê cây súng gỗ tía làm hay ham hố vuốt ve chiếc xe mô hình mắc tiền thì thằng nhỏ lại thèm thuồng trước mấy con búp bê bằng mũ của mấy nhỏ con gái trong xóm. Ngày nào nó cũng lân la qua nhà con Na, con Mận để được tỉ mẩn chơi bán quán, được đóng giả làm chị em gái, được ôm mấy con búp bê trong lòng nâng niu vuốt tóc. Càng ngày càng lớn nó lại càng bất thường, mấy thằng nhóc cùng xóm, chạy ngang nhà rủ bắn cu li, nó không thèm chơi mà chỉ nhảy dây với mấy đứa con gái, vậy là mấy thằng nhóc tẽn tò bỏ đi, để lại câu"đồ bê đê". Tụi nhỏ chửi lén vậy thôi, chứ để tía Thường nghe được thể nào ổng cũng cầm cây rượt chạy quắn giò. Trong thâm tâm của ông tía đã già tới nơi, vẫn luôn tin rằng thằng con mình nó là con trai, rồi ông sẽ dựng vợ cho nó, sẽ lại có thêm đứa cháu nội nhỏ nhỏ, cưng cưng quấn quýt bên chân mình. Có má Thường bà ngờ ngợ nhận thấy những thay đổi khác lạ của con, ruột thịt mang thai mười tháng làm gì má không biết... Nhưng má cũng làm sao dám tin những điều trái ngang đó, hoặc má tự an ủi chính mình rằng nhà không vô phúc tới nỗi nào...

Mười sáu tuổi, Thường nhỏ nhẹ, rụt rè, trong khi mấy thằng cu cùng xóm lân la ghẹo gái, ngồi ngoài bờ đê ngắm mấy cô nàng xăn ống quần quá gối, thì Thường lại chỉ khoái hát ca, ca nhạc sến, ca cải lương. Đám hát đình nào, cũng lén đi coi, đoàn lô tô nào về cũng tới nghe, nghe xong thì một mình diễn bộ rồi nhái giọng hát cho giống con gái. Từ nhỏ tới lớn, Thường được tía má cho ăn học đàng hoàng, bị bạn bè chọc ghẹo, nhưng Thường vẫn chưa biết hoặc đúng hơn là chưa dám đối diện với những mong muốn thầm kín trong lòng mình.


Mùa hè năm đó, có đoàn lô tô kéo về dựng hội chợ ngay xã, tối Thường đi chung với đám bạn ra đó chơi, ngồi đến tàn đêm diễn, chỉ để được nhìn mấy chị bê đê mặc váy lấp lánh, tóc dài tha thướt trên sân khấu... Càng ngày Thường càng khao khát được sống đúng với chính mình và nỗi sợ bị xa lánh cũng song song trong lòng. 

Nhà nghèo có cái kiếng bể ở chái sau, Thường lén chờ tía má đi ruộng thì ở nhà soi soi rọi rọi, Thường tự vuốt tóc lên, kiếm đồ tỉa nhẹ chân mày, có bữa kiếm đâu được hộp phấn với cây son, thằng nhỏ lấy tô tô vẽ vẽ rồi tự dòm mình trong kiếng mà cười. Thường lắc qua lắc lại tưởng tượng chỗ ngực lép kẹp là đôi bồng đảo căng đầy... Trong thâm tâm của thằng con trai mới lớn vỡ òa và dằn xé, Thường đã biết rõ nó không phải là một thằng đàn ông như tía má vẫn luôn mong muốn, điều mà bao nhiêu năm qua chính bản thân Thường tự kiềm nén, tự che đậy.


Rồi trời xui đất khiến, bữa đó Thường đang trau chuốt tỉa chân mày, đang trải đều cây son đỏ trên bờ môi mỏng, trên người bận thử bộ váy mà nó mượn được từ mấy chị trong đoàn lô tô, thì tía đột ngột về nhà, ông để cáng cuốc rớt trúng chân đau điếng mà không thể tin được cảnh tượng trước mắt mình. Như bao nhiêu người cha khác, ông bàng hoàng, ông sợ hãi, ông chụp luôn cây chổi trong góc nhà quất tới tấp trên đầu, trên người, trên đôi chân của thằng nhỏ, ông chỉ biết đánh bằng hết sức của mình chứ không biết phải nói lời gì, mọi câu từ uất nghẹn nơi cổ họng, thèm chửi, thèm hỏi Thường tại sao? Nhưng ông không thể la lên một điều nào... Thay vì phản kháng, Thường biết nó đã làm vỡ tan nát trái tim và niềm hy vọng duy nhất của tía nên nó chịu trận, quỳ xuống cho ông mặc tình trút cơn thịnh nộ. 

Khi sức tía gần tàn, thì má vừa về tới, bà không kịp nói chỉ kịp lao vô nhà che trước mặt Thường, vội đỡ cán chổi đã te tua trên tay chồng, tía dường như cũng chỉ chờ điều đó để được buông xuôi, ông té ngồi trên nền đất, khóc không thành lời... Cả ba người đều mang trong lòng những nỗi sợ hãi vô danh.

Bảy ngày sau đó, Thường ra vô trong căn nhà không còn tiếng cười nói, mâm cơm lạnh tanh, tía lua đại chén cơm chan canh rồi đi thẳng ra ruộng, má cúi mặt dọn dẹp chén đũa, tránh nhìn thẳng ánh mắt của thằng con đang ngồi trước mặt. Thường như nghẹt thở...

Sau tuần đó, Thường cố gắng pha cho tía ấm trà, cố gắng phụ má rửa chén, tất cả chỉ mong có được một cuộc nói chuyện với nhau, để rồi có bữa cơm tối, tía không nhìn Thường, tía nhìn bâng quơ đâu đó trên mâm cơm rồi nói"bây xin nghỉ học về đây cưới vợ, tao hỏi nhà con Giang, người ta chịu rồi, qua tháng sau cưới. Không ý kiến nữa". Nói xong câu đó, không đợi Thường mở miệng, tía đứng lên bỏ ngang chén cơm đi ra sau bếp ngồi hút thuốc. Trăng hôm đó không tròn nhưng gờn gợn những nỗi đau lòng chất chứa.


Tía lặng thinh. Mắt má ầng ậc nước. Thường như chết lặng...


Tối Thường không ngủ, bao nhiêu năm Thường sống bằng sự mong đợi của tía má, chưa bao giờ làm tía má thất vọng, dù nhà không khá giả, tía má cho Thường đi học ở huyện, học không giỏi nhưng Thường không đem về tai tiếng xấu cho tía má. Nhiều lúc đi học bị bạn bè cười cợt chọc ghẹo là bê đê, Thường cũng cười cho qua hết để rồi mười mấy năm cuộc đời Thường sống cho ai, sống vì điều gì Thường cũng hỏng biết, Thường đã tự ép mình phải chối bỏ bản thân...


Tía nằm trăn trở trong mùng, hai ông bà mất ngủ nhiều đêm để đi đến quyết định nhanh như vậy, tía vẫn luôn nghĩ Thường đi học xa nhà nên bị bệnh rồi thêm thằng nhỏ mới lớn còn non dại bị bạn bè lôi kéo mới ra nông nỗi này, chứ ông nào đâu hiểu được Thường từ nhỏ thân xác là con trai nhưng tâm hồn là con gái, chỉ vì sợ bị chê cười, sợ tía má như bây giờ nên Thường cố gắng thể hiện mình mạnh mẽ. Tía thêm một lần hy vọng chuyện cưới vợ sẽ chữa hết bệnh cho Thường nhưng nào ngờ, đó là quyết định khiến ông mất đi đứa con duy nhất của mình...


Những ngày tiếp đó tía cố gắng như không có gì, ông tìm cơ hội cho Giang với Thường gặp nhau thường xuyên, thậm chí ông cũng không ngại để lửa gần rơm, nhưng với Thường, dù cô gái trước mặt dễ nhìn, tươi tắn, hiền hậu thì cũng không thể nào thay đổi được giới tính của Thường. Càng gần Giang, Thường lại càng mong mỏi mình được làm con gái, được tía má và xã hội chấp nhận, nhưng mong mỏi đó nó xa xăm như đường đi trốn của Thường vào đêm hôm đó...


Một ngày trăng rười rượi, khuya, đoàn lô tô lục tục dọn dời đi nơi khác, tía má ngủ say, Thường không đem theo một bộ đồ nào, chân vướn va vướn vấp, chỉ kịp quỳ xuống trước sân nhà dập đầu lạy tía má, rồi quay đi, chạy dứt khoát, chạy không biết mỏi, chạy như muốn vỡ tan con người trong lòng mình, chạy để rớt lại sau lưng cái tên "Trần Bình Thường", giới tính nam... 


Hai cánh đồng dài năm xưa tía cõng Thường chân không đi chạy bệnh, lặng lẽ ở lại phía sau cuộc đời của những con người...


Rồi được má Tường Lam thu nhận, Thường chọn cái tên mới "Mộng Thường"... Những lần dành dụm sửa trên sửa dưới, thẩm mỹ chắp vá để có được cơ thể của một người con gái, cô đào lô tô Mộng Thường cứ vậy mà "trôi sông lạc chợ" trên những nẻo đường quê hương. Má Lam chết, Mộng Thường với mấy anh chị em bê đê cưu mang nhau mà sống. Hội chợ, hát lô tô không còn đất diễn như xưa, những năm tháng khó khăn nhọc nhằn, nhiều khi thiếu ăn đó cũng không làm Mộng Thường bỏ cuộc...

Mà người đời ác lắm, người ta thấy bê đê thì chửi là bóng gió, thứ trôi sông lạc chợ. Có lần đoàn lô tô cắm lại ở Bạc Liêu, đêm tàn gánh hát, Mộng Thường đi dạo cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà, đi mới được đoạn đường thì có đám thanh niên, người nồng hơi rươu, ba bốn thằng chặn đường đè vật cô xuống bụi cỏ, mặc tình cô la hét xin tha, nhưng tụi nó vẫn xé toạt bộ bà ba, rồi thoáng ngỡ ngàng nó nhận ra Mộng Thường không phải con gái. Tụi nó cụt hứng, đấm đá mấy cái, phun nước miếng lên người cô, rồi bỏ đi để lại những câu chửi tục tĩu sỉ nhục. Tới nỗi cái đám mất dạy mà nó còn coi thường thì trách chi mấy bà mấy cô chặc lưỡi nói"bê đê có làm ăn được cái gì đâu mà sợ mà khóc". Đau lòng dữ dằn...


Rồi lần dừng chân ở Sóc Trăng, Mộng Thường gặp Út Chiến, sau đêm hát lô tô thứ ba, thì Út Chiến hẹn riêng Mộng Thường, nắm tay, âu yếm, cô tưởng đâu mình gặp được đúng người thương yêu và thấu hiểu, rồi Út Chiến dọn về ở chung... Nhưng đời, người tốt kiếm không ra chứ kẻ xấu xa tàn nhẫn thì đếm không hết. Thiếu tình yêu thương nên khi sa vào vòng vây tình ái của người trai trẻ, Mộng Thường không ngờ rằng có một đêm người ta gom hết tiền bạc dành dụm của cả đoàn lô tô rồi bỏ trốn biệt tăm với người con gái khác, là con gái thiệt, người đi không biết có sống được mãn đời với số tiền đó hay không, chứ người ở lại sất bất sang bang, có thua gì đã chết. Chết trong lòng...


Mấy anh chị em trong đoàn rã gánh mưu sinh, vì cơm áo gạo tiền nặng oằn trên đôi vai của họ. Mộng Thường cũng xin đi hát đám ma, đám cưới, hát bóng rỗi, đội mâm, đội bàn, đội ghế, thậm chí múa lửa để phục vụ những ai có nhu cầu...


Từng ngày, từng đêm trôi qua trong tủi khổ, dù có cống hiến, có sống hết mình thì vẫn bị người đời chà đạp, người ta chỉ coi bê đê là thú mua vui khi quăng cho họ một cục tiền. Nhiều đêm dài, Mộng Thường nằm một mình nhớ tía má, nhớ những ngày tháng còn thơ dại, tự trách thân mình mang nhiều nỗi ê chề, nếu sanh ra được làm con gái ngay từ đầu thì đã không phải khổ đau, cũng không phải mang tội bất hiếu với tía má.

Tới nỗi cái hồi tía mất, Mộng Thường cũng không hay, ba năm sau ngày tía đi, cô lén về nhà xa xa dòm thử mới biết chỉ còn mình ên má ngồi trơ trọi ở cái giường tre trước nhà. Má già đi nhiều lắm, Thường quay ra khóc ròng rã...


Rồi tha hương, rồi đi hết nơi này tới nơi khác kiếm sống, đoàn lô tô này rã thì xin qua đoàn khác tiếp nối những ngày tháng trôi đi giữa cuộc đời... Tới ngày hôm nay, ở nơi xa lạ này, đứng trước mặt má, Mộng Thường chỉ biết khóc như một ngày nào đó của năm bốn tuổi bị đám bạn ăn hiếp, đứa con về ôm má nước mắt rớt không thôi... Cái ôm của má là cái ôm ấm nồng nhất sau bao nhiêu năm rời xa gia đình. Má già đi rồi, nhưng nét hồn hậu của một người mẹ vẫn vẹn nguyên như ngày nào, ánh mắt bao dung đó vẫn chưa bao giờ thay đổi. Mười ba năm quá dài cho một kiếp người, tía bỏ má bỏ Thường đi mãi mãi, người đàn ông mang nhiều tin yêu và hy vọng đó đã không còn ở lại trần thế để tức giận, để đánh Thường trong cơn hỗn loạn nữa. Má nói cuối đời, khi sắp sửa trút hơi thở cuối cùng, tía đòi nằm trên cái giường tre trước nhà, mắt mong mỏi nhìn về hướng Thường đã đi. Má nói má đã tìm Thường rất lâu rồi, rất nhọc nhằn rồi...


Má nói "về với tía má đi Thường ơi, sống cuộc đời bình thường mà con mong muốn"


Đêm đó, Mộng Thường hát trên sân khấu lần cuối, ca tới câu"cha đưa con đi học ngôi trường xa, đôi chân con bé nhỏ sợ lấm bùn, cha ngồi xuống cõng con, cha nói cưỡi ngựa, ngựa phi" giọng cô như nghẹn lại, hình ảnh ngày xa xưa chạy ngang qua trái tim. Má cười trong nước mắt...


Chuyến xe đường dài, má có Mộng Thường ngồi kế bên. Mái hiên nhà cũ, chái bếp ám khói có người thay má lau dọn, chiều chiều gió ngoài sân đưa lại, có cô con gái nhổ tóc bạc cho má, vừa nhổ vừa ca cải lương, giọng ca bồi hồi, chất chứa nhưng thanh thản. Bàn thờ của tía có thêm dĩa trái cây, tờ mờ ấm hơi nhang khói, tía như đang cười mãn nguyện thứ tha...


Mất mười mấy năm trời, mất nhiều nước mắt, tới nỗi sinh ly tử biệt, người ta mới nhận ra đừng nên chối bỏ bản thân mình bằng con đường chạy trốn. Ở đâu cũng được, làm gì cũng được, nhưng chỉ có ở nhà mới có tình yêu thương không điều kiện, chỉ có tía má mới sẵn sàng hy sinh cho con mình Tất Cả.

Dù trai, gái hay bê đê gì cũng được miễn sống tốt là được, "trôi sông lạc chợ" ở đâu cũng nhớ trôi về Nhà, không mộng mơ cao sang, Mộng Thường sống Bình Thường như tía má mong...

Đồng Tử Dạ