Truyện ngắn
Hôm nay như mọi lần, tôi theo con đường mà hàng ngày vẫn thường đi làm. Giữa con đường nhỏ đi một đoạn sẽ có một ngôi trường xây nên. Bố cục ngôi trường bé nhỏ đến nỗi nếu không phải có biển hiệu đề tên, hẳn chẳng ai sẽ để ý đến.
Tên trường là mầm non Xe Lửa. Không phải ngẫu nhiên trường có một cái tên như vậy, mà do đằng sau trường trước có xây một đường ray để xe lửa đi qua. Sau đó người dân đến ở càng nhiều, nhà nước cũng theo nhu cầu mà dựng nên ngôi trường này.
Trường không có sân rộng, chỉ như một tòa nhà bình thường cùng cánh cổng xây cho có.
Theo thời gian, kinh tế phát triển. Nhiều phụ huynh có điều kiện đều cho con nhỏ của mình đến học những nơi tốt, hưởng thụ cơ sở vật chất hoàn thiện. Dần dà trường mầm non Xe Lửa bị mọi người lãng phí, chỉ có số ít hộ nghèo gửi con tới đấy.
Không có kinh phí, dĩ nhiên ngôi trường chẳng được tân trang. Năm tháng càng dài, trường Xe Lửa chỉ còn cái mác dành cho nhà nước.
Đáng lẽ vào giờ tan tầm thế này, tôi sẽ chạy về nhà thật nhanh để tránh xe cộ tắc đường. Nhưng hôm nay hình như có một điều gì đó níu giữ tôi lại. Bước chân đi thật chậm, ánh mắt tôi dừng lại trước ngôi trường xưa cũ.
Đâu đó vang lên tiếng trẻ con cười đùa bên trong. Thông qua cánh cổng đã gỉ sét không còn tươi đẹp, tôi nhìn về phía mấy đứa trẻ sau khung cửa sổ. Chúng đang vây quanh một chiếc bàn nhỏ, nào bánh nào kẹo. Bên cạnh chúng là những phụ huynh mặc quần áo đã phai màu nhưng vẫn tươm tất. Trên khuôn mặt họ đầy vẻ khắc khổ bởi công việc, nhưng nụ cười vẫn luôn treo giữ trên môi. Cứ hễ có tiếng cười vui sướng thánh thót của trẻ nhỏ vang lên, cảm xúc trên khuôn mặt họ lại tràn đầy thỏa mãn.
Chính giữa dĩ nhiên là một vị giáo viên, tuổi tác đã lưng chừng bốn mươi. Không còn hoạt bát náo nhiệt như những vị giáo viên trẻ tuổi tràn đầy sức sống ngoài kia. Nhưng trên mặt bà lại hiện nét hiền từ ôn hòa, bất kể đứa trẻ có nghịch ngợm thế nào. Khi chúng đứng trước mặt vị giáo viên này, đều rất ngoan ngoãn bám lấy.
- Các phụ huynh thông cảm, tiệc thiêú nhi có sơ sài. Mong mọi người bỏ qua.
Khi nghe đến câu nói này, trong lòng tôi chợt sửng sốt.
Thì ra hôm nay là thiếu nhi.
Hèn gì đã đến giờ về nhưng họ lại ở lại đây.
Tôi nghĩ vậy, ánh mắt lại nhìn sang bánh kẹo trên bàn. Không có đủ loại bánh kẹo màu sắc, cũng không có hoa quả đắt tiền. Chỉ đơn giản vài gói bim bim hai nghìn bán đầy ngoài quán nước, thêm một túi thạch và gói kẹo trưng ngay ngắn lên đĩa mà thôi.
- Bọn trẻ vui là tôi yên tâm.
Một bác phụ huynh già cả đang cầm kẹo mút trên tay, đong đưa qua lại trước mặt con trẻ làm chúng nhao nhao rối rít. Nghe thấy vị giáo viên kia nói vậy, bác phụ huynh quay đầu ra cười nói.
Bỗng dưng trong lòng tôi dâng lên xúc động, trong đầu nhớ lại đứa trẻ trong nhà. Không biết từ khi nào trong gia đình đã không còn ngày lễ tết thiếu nhi. Cậu mợ nhà tôi luôn bắt con mình phải học, những ngày lễ thế này trong mắt cậu mợ chỉ là cái cớ để những đứa trẻ có cơ hội lười biếng mà thôi.
- Cô là ai vậy? Đứng trước cổng ở đây làm gì? - Một bà lão tuổi đã ngoài tám mươi, tay chống gậy đi tới.
Tôi lúng túng. Tự nhiên hôm nay ngày gì mà đứng đực ở đây, lại chẳng liên quan gì đến chỗ này. Nghĩ vậy, tôi ngại ngùng lên tiếng:
- Cháu thấy bọn trẻ đùa vui, nên ở lại xem.
Bà lão gật đầu, trong miệng đang nhai miếng trầu cau. Dáng vẻ bà hơi còng, sau đó mở cổng:
- Vậy cô vào chơi một lát rồi về. Đứng ngoài không thấy được gì cả đâu.
Lần này tôi lại bối rối, tự nhiên vào trường người ta thì không ổn. Vì vậy, tôi lắc đầu khéo léo từ chối.
Bà lão cũng không níu kéo, gật đầu rồi kéo lên thân hình lọm khọm của mình vào trong. Bấy giờ tôi mới để ý một tay chống gậy của bà còn vác theo túi đồ đen kịt trông có vẻ cồng kềnh nặng nề. Trông nó còn to hơn thân hình của bà lão nữa.
Tôi do dự, xong cuối cùng tiến thêm bước đi tới chỗ bà lão:
- Để cháu giúp bà!
- Cảm ơn cô.
Thấy có người giúp mình, mặt bà lão lộ ra nhẹ nhõm.
Túi đồ không nhẹ, ngay cả tôi xách lên còn thấy nặng. Thật không biết làm sao bà lão tự mình xách được.
Sau đó, tôi đi theo bà lão tới lớp học chứa các bậc phụ huynh và đứa trẻ vừa rồi.
Ngay khi bà lão xuất hiện, đám trẻ ùa ra vui vẻ, nhao nhao hô:
- Bà Mai đến rồi! Bà có quà cho bọn cháu không?
- Có có có, tất nhiên là có. Nào, xếp thành hàng cho bà xem.
Đám trẻ lập tức nhao nhao trật tự xếp thành một hàng dài. Thật ra cũng chẳng dài lắm, vì cả một trường rộng thế này chỉ có từng này đứa trẻ. Tính ra chưa đến hai mươi.
Các bậc phụ huynh và vị giáo viên nọ hình như đã quen thuộc hình ảnh. Mọi người đều ngồi im một chỗ, trên khuôn mặt vẫn cười tươi nhìn con mình.
Bà lão quay ra nhìn tôi, lúc này mới làm tôi ngớ người ra mình vẫn còn cầm đồ của bà.
Tôi vội vàng đặt túi đồ đen xuống, theo ý của bà mở túi đồ ra.
Bên trong ấy vậy cũng là bánh kẹo, nhưng có thêm rất nhiều đồ chơi nhỏ xinh. Và mấy quả dưa hấu, bưởi và mấy chùm chôm chôm. Thảo nào làm tôi thấy nặng vậy.
Bà lão lấy ra mấy chục túi ni lông đã cũ, sau đó nhờ tôi:
- Lấy giúp bà mỗi thứ một ít bỏ vào.
Nghe vậy tôi nhận lấy túi, bỏ vào mỗi thứ một ít xong buộc lại đưa cho đứa bé gái đứng gần nhất.
Có hai ba vị phụ huynh đi tới, cùng tôi giúp bà lão buộc túi đồ.
Nhìn khuôn mặt đứa trẻ nào cũng nở đầy nụ cười hào hứng, bà lão lại than thở:
- Đúng là mầm non quốc gia, những lúc thế này thì nên cho bọn trẻ quyền lợi mình nên có. Không cần món quà cao siêu, nhiều hay ít thì đều là món quà. Còn hơn là không cho bọn chúng nhận được cái gì.
Tiếng nói của bà lão vang trong lòng tôi. Không phải lời lẽ cao thâm triết lý, nhưng lại làm tôi cảm thấy nên là như vậy. Lại nghĩ tới em gái và em họ trong nhà, hình như đã lâu rồi bọn chúng không được hưởng ngày lễ tết thiếu nhi.
Bà lão hình như hiểu được suy nghĩ của tôi, bà dành ra một túi nhỏ đưa cho tôi, miệng nói:
- Mang về cho không khí.
- Không không được đâu bà.
- Có gì mà không được. Khi nào cô rảnh thì đến trường chơi, ở đây thiếu hơi người. Trường lớn mà chỉ có một hai lớp hoạt động.
Tôi chần chừ, sau đó bèn nhận lấy.
Lúc xong việc, tôi ngỏ ý muốn về nhà. Bà lão không giữ chân tôi lại, còn bảo tôi mau chóng về.
- Bên ngoài trời sầm sì sắp mưa, nếu có mua sắm gì thì mau đi đi. Không mất vui.
Tôi vừa cảm động vừa bất đắc dĩ, gật đầu vâng dạ.
Bọn trẻ biết tôi phải về, từng lũ đều tỏ vẻ thân thiết. Những cánh tay mũm mĩm vươn cao tay vẫy vẫy chào tôi, còn có đứa muốn chạy lại ôm. Có lẽ do vừa rồi tôi là người phân phát cho lũ trẻ, nên chúng mới gần gũi tôi như vậy.
Tạm biệt bọn trẻ và ngôi trường mầm non Xe Lửa, trong lòng tôi bỗng nhiên bồi hồi nhớ lại.
Trước kia ngày lễ tết thiếu nhi tổ chức như thế nào? Hình như đám trẻ con sẽ ùa về vây quanh ngồi vào bàn dài ngoài trời, cùng hát cùng chạy nhảy chơi đùa.