7
2
2325 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Truyện ngắn "Hai năm".


Truyện: Hai năm.

Tác giả: Nhành Hoa Dại.


Kiệm nổi tiếng là dân ăn chơi được bố mẹ chiều chuộng từ nhỏ vì gia đình ấy chỉ có duy nhất một đứa con trai là anh. Bố mẹ anh lúc nào cũng đáp ứng mọi yêu cầu của đứa con trai mà không hề than vãn. Anh học hết lớp mười một tự ý bỏ học đi chơi. Bố mẹ anh tìm mãi mới thấy anh và lôi anh về nhà. Vì đã nhiều lần tái phạm nên anh bị nhà trường đuổi học. Bố mẹ bất lực đành cho anh đi học bổ túc văn hoá. Vào ngôi trường này anh chìm đắm với những cuộc chơi bất tận cùng với đám bạn mà anh mới quen.


Bố anh ngày càng thất vọng chỉ biết nhìn đứa con trai của mình mà than khóc rằng:


"Mong cho cố vô rồi giờ nhìn nó chẳng ra gì mà đau lòng."


Mẹ anh lấy giấy đưa cho bố anh lau nước mắt:


"Người ta cũng đẻ con, tôi cũng đẻ con. Con người ta ngoan ngoãn, hiền lành và học hành tới nơi tới chốn. Còn con của tôi thì tôi nhìn mà tôi chán."


Bố anh xoa vai mẹ anh an ủi:


"Thôi thì dù sao cũng là con mình. Mình đẻ ra nó thì mình ráng lo cho nó thôi bà ơi. Biết đâu sau này thằng Kiệm nó đổi tính đổi nết thì chúng ta cũng đỡ lắm bà ơi."


Mẹ anh cũng đành xuôi lòng nghe theo lời bố anh, bà nói:


"Nó mà được như vậy thì tôi với ông được nhờ quá ông nhỉ?"


Hai ông bà tựa vào nhau:


"Nhất định là sẽ như vậy rồi bà ơi. Bà đừng buồn nữa mà ảnh hưởng đến sức khoẻ."


***


Thi là con của bà Lục bán tạp hoá ở một con hẻm nhỏ. Bà Lục là mẹ đơn thân nên bà đã một tay nuôi Thi từ ngày cô còn nhỏ cho đến bây giờ. Cô cũng rất thương mẹ và thấu hiểu gia cảnh nhà mình nên chẳng bao giờ ăn chơi đua đòi cùng đám bạn. Cô lúc nào cũng dành thời gian để ở cùng với bà Lục nửa bước cũng chẳng rời.


Căn nhà tạp hoá nhỏ lụp xụp với những chiếc lỗ nhỏ li ti trên mái nhà là nơi hai mẹ con Thi nương tựa vào nhau để sống. Ngày nắng chẳng sao nhưng đến ngày mưa thì từ những lỗ nhỏ đó, các giọt nước tí tách rơi khắp mọi nơi trong căn nhà. Hai mẹ con thi nhau lấy xô, chậu, xoong, nồi để hấng nước.


Cuộc sống khổ sở là vậy nhưng trong căn nhà chẳng bao giờ thiếu đi sự yêu thương. Hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống qua ngày. Thi năm nay đã học lớp mười hai chuẩn bị thi lên đại học. Cô bé học hành giỏi giang và chăm chỉ lắm. Không có thời gian để đi học thêm thì cô ở nhà vừa học bài vừa coi nhà giúp mẹ. Buổi tối khi mọi người đang say giấc nồng thì cô đang nằm suy nghĩ và học thuộc bài cô giáo giao. Ngày mai cô giơ tay lên trả bài và thu về những số điểm cao ngất ngưởng. Bạn bè ai cũng ngưỡng mộ Thi cả. Ai cũng mang theo giấy bút đến để hỏi xem bí quyết học tập của Thi là gì nhưng cô bé đều nói đây là "bí mật". Mấy đứa bạn ỉu xìu đi về chỗ của mình.


***


Lần đầu tiên Thi và Kiệm gặp nhau là vào một ngày đẹp trời. Những đám mây nhè nhẹ bay trên bầu trời rộng lớn. Kiệm bước vào căn tạp hoá. Khi vừa thấy Kiệm đến Thi nhanh chân bước ra hỏi:


"Anh mua gì ạ?"


Kiệm chỉ vào mấy gói thuốc và nói:


"Lấy cho gói thuốc Thăng Long với chai nước đi."


Thi nhanh chân đi lấy cho Kiệm. Lấy xong Kiệm thanh toán tiền rồi leo lên con xe ngầu nhất ở khu này. Nghe đâu con xe này tên là xe cào cào của hãng Suzuki. Giá con xe ở thời điểm mà bố mẹ của Kiệm mua cho anh cũng khoảng hơn bảy mươi triệu. Nhìn anh leo lên con xe mà mấy cô gái trong xóm vây quanh anh vừa để khen xe đẹp còn khen cả người đẹp nữa. Anh vừa đi vừa đắc chí vì ở khu này làm gì có nhà ai giàu như nhà của anh đâu.


Mấy dạo này, Kiệm thường xuyên mua hàng ở nhà của Thi. Mỗi ngày, anh phải đi qua đây mua từ năm đến bảy lần một ngày. Không biết vì sao nhưng chắc có lẽ Kiệm đang cảm thấy hiếu kỳ. Vì anh đã mua hàng ở đây lâu như vậy, có biết bao nhiêu cô gái tự mê mẩn mà tìm đến anh. Xin anh yêu cô ấy đi dù chỉ một lần. Ấy thế mà đối với những người như vậy, anh hoàn toàn không có chút tình cảm nào với họ cả. Duy chỉ có Thi lúc nào cũng ngó lơ anh.


Câu hỏi duy nhất mà Thi hỏi anh là:


"Anh mua gì ạ?"


Chính điều đó đã khiến anh cảm thấy cô gái này thật đặc biệt. Ánh mắt anh không biết tự lúc nào đã yêu con gái của bà Lục bán tạp hoá nhiều đến thế.


Anh đã mua hàng ở đây lâu như vậy nên anh biết là hoàn cảnh của hai mẹ con rất tội nghiệp. Anh mà xin bố mẹ đưa hẳn cho bà Lục một đống tiền thì chắc chắn bà không nhận đâu nên anh quyết định sẽ gửi xe ở nhà bà Lục để có thể gửi tiền cho hai mẹ con mỗi tháng.


Nhà bà Lục không rộng rãi nhưng ở trước cửa phòng ngủ có một cái hành lang nhỏ để vừa xe của Kiệm nên bà Lục đã quyết định cho anh gửi xe. Dạo này làm ăn khó khăn các quán tạp hoá mọc lên như nấm nên khi vừa nghe lời đề nghị gửi xe của Kiệm bà Lục đã đồng ý liền. Một tháng Kiệm trả cho nhà bà Lục một triệu rưỡi nên bà cũng chăm sóc và lau dọn cho xe của Kiệm kĩ càng lắm.

Từ ngày gửi xe ở bên này Kiệm càng có nhiều cơ hội để gặp Thi. Lâu dần giữa hai người cũng phát sinh một chút tình cảm. Từ ngày muốn xác định là sẽ theo đuổi Thi thì Kiệm nghỉ chơi hẳn với đám bạn bè không tốt. Có lần bọn nó rủ anh đi chơi anh nói:


"Thôi không đi đâu. Nay chuẩn bị đi xin việc làm rồi."


Bọn chúng vẫn cố gắng năn nỉ:


"Đi đi, lâu rồi anh em chưa làm vài chén."


Kiệm xua tay với bọn chúng:


"Thôi không đi đâu."


Nói một hồi chán quá nên bọn chúng bỏ đi mất. Kiệm chạy lại vào nhà bảo với Thi:


"Thi ơi, lấy cho anh hai ngàn đá với chai nước đi."


Thi nhanh nhẹn đi lấy cho Kiệm. Sau khi thanh toán tiền Kiệm còn nói:


"Anh cảm ơn nha."


***


Hai mẹ con Thi ngồi xuống với nói chuyện với nhau bà Lục bảo:


"Thi này, mẹ thấy thằng Kiệm dạo này thay đổi nhiều lắm."


Thi quay qua hỏi mẹ:


"Anh ấy thay đổi như thế nào vậy mẹ?"


Bà Lục gõ nhẹ vào đầu con gái yêu của bà:


"Thì mấy nay thấy nó ngoan hơn. Hôm nay nó từ chối đám bạn để đi làm kìa."


"Rồi nó ăn nói với Thi nhà mẹ cũng dịu dàng hơn nữa. Hồi xưa nó ăn nói với mẹ trống không. Còn bây giờ lễ phép lắm."


Thi ngồi xua tay nói với bà Lục:


"Ôi trời, anh Kiệm thay đổi thì mẹ nói con làm gì?"


Bà Lục nói nhỏ với Thi:


"Hình như Kiệm nó thích con đấy. Bữa mẹ thấy nó nói với mẹ như vậy."


Thi lắc đầu than thở:


"Con thì có gì để mà thích. Với con có nói chuyện với anh Kiệm bao giờ đâu."


Bà Lục nhẹ nhàng vuốt mái tóc Thi:


"Thì tại con ngoan ngoãn, chăm chỉ và nghe lời mẹ nên nó thích. Bữa nó nói chuyện với mẹ khen con quá trời. Mũi mẹ phổng hết lên rồi này."


"Nó bảo với mẹ là nó thích con lắm. Dạo này nó thay đổi nhiều để có gì em Thi còn để ý đến nó một chút."


***


Nghe mẹ Thi kể vậy chẳng hiểu sao cả đêm hôm đó Thi trằn trọc không ngủ được. Thi nhớ lại một vài chuyện về Kiệm xem có đúng giống với lời mẹ kể không. Hồi đầu khi Kiệm mới đến đây anh cũng nói chuyện với cô kỳ cục lắm. Anh lúc nào cũng nói như ra lệnh cho cô vậy đó. Xong giờ cô thấy Kiệm đỡ hơn. Ăn nói nhẹ nhàng tử tế và cũng không hay thể hiện lố lăng như trước nữa.

Có lần anh bảo cô lấy đá rồi cũng cúi xuống theo cô. Kết quả là khi cô đứng lên thì thấy khoảng cách giữa cô và anh rất gần. Cô quay đi chỗ khác vờ như chẳng có gì xảy ra cả. Nhà cô bán nước thì cô hay phải cố gắng hết sức để bê những bao đá lớn ra để bỏ vào thùng. Nhiều lúc anh qua mua hàng, cô chỉ cần nhìn vào ánh mắt anh thì anh tự động chạy đến giúp cô lấy bao đá ra. Tới khúc này thì cô đã cảm nhận anh thật sự đang thay đổi mỗi ngày giống lời mẹ cô nói.


Đêm đó cô nhắm mắt vào và ngủ một giấc rất ngon. Hôm nay là chủ nhật nên buổi sáng anh đến nhà cô rất sớm để lấy xe. Khi đến lấy, anh rất nhẹ nhàng mở cánh cửa phòng ngủ ra lén lút ngắm nhìn cô lúc ngủ một chút. Trong lòng anh thầm nghĩ: "Đến lúc ngủ rồi mà còn dễ thương thế này." Rồi anh khép cánh cửa vào dắt xe ra khỏi nhà cô. Bà Lục chứng kiến tất cả, một nụ cười mỉm trên môi. Bà đã kể lại cho Thi nghe chuyện vào buổi sáng hôm nay. Cô khi nghe lời mẹ kể mặt đỏ như trái cà chua quay đi chỗ khác.


Về phần bố mẹ của Kiệm thì ông bà rất vui mừng vì con trai mình đã thay đổi. Ông bà tính cho Kiệm đi học nghề buôn của gia đình. Nghề này chỉ cần đi xa là được vì tổ tiên nhà Kiệm ai cũng đi buôn để kiếm tiền cả. Trước ngày lên đường đi làm ăn xa. Kiệm đến để muốn gặp Thi lần cuối trước khi đi. Anh xin phép bà Lục cho anh vào phòng của Thi để đợi. Bà Lục cũng buồn cho anh vì sắp phải đi xa. Mất một mối buôn bán lâu dài. Khi anh vào phòng của Thi anh nằm lên chiếc giường còn vương lại mùi của Thi.

Anh ôm lấy chiếc chăn mỏng mà Thi đắp. Anh thủ thỉ:


"Anh sắp phải đi làm ăn xa, khoảng hai năm mong là em sẽ đợi anh được không?"


"Sau này, anh Kiệm sẽ lấy bé Thi làm vợ."


Anh nằm trên giường mà ngủ quên mất. Hôm nay Thi có lịch học đến tối muộn mới về nhà. Anh nằm ngủ đến chiều mà vẫn chưa thấy Thi về, bố mẹ lại đi tìm kiếm anh sợ anh lại bỏ nhà đi chơi với đám bạn xấu. Anh không đợi được bé Thi nữa anh đành đi về nhà của mình.


Trước khi đi anh để lại lời nhắn về ước hẹn hai năm. Thay vì sẽ nói ra với bé Thi thì anh sẽ viết lại vào giấy. Anh có coi phim "Cô vợ mẫu mực" của Thái Lan. Trong phim có câu: "Có nhiều chuyện không thể nói ra nhưng bút thì vẫn viết trên giấy." Anh viết lại lời nhắn nhủ của mình. Anh gấp thành hình trái tim và đặt trên bàn của Thi. Khi Thi về nhà, đọc được mẩu giấy ấy thì cô bé đã bật khóc và quyết định sẽ chờ anh Kiệm.


***


Hai năm sau, anh Kiệm trở về theo lời ước hẹn. Hai người có thể nắm lấy tay nhau mãi mãi, Kiệm và Thi sẽ chẳng bao giờ lạc mất nhau giữa dòng đời vội vã này nữa. Từ một chàng trai ăn chơi không ra gì nay Kiệm trở thành một người chín chắn và biết nắm bắt hạnh phúc của bản thân mình.


Không phải hạnh phúc đang ở ngay trước mắt hay sao. Chỉ là chúng ta cần phải nắm bắt lấy nó như thế nào thôi đúng không nào?


Viết lúc bốn giờ năm mươi sáu phút chiều ngày hai mươi ba tháng bảy năm hai ngàn không trăm hai ba.


NHÀNH HOA DẠI.


Lời nhắn nhủ:


Cảm ơn các bạn đã đọc đến cuối. Đây là phiên bản truyện ngắn, một cái kết do tác giả tự tưởng tượng ra chứ thực ra thực tại người ấy đã có vợ và một cô công chúa xinh xắn rồi. Mình cũng viết phiên bản truyện dài của truyện này nhưng mà mình buồn quá không viết nổi cái kết nên hứa hết năm nọ đến năm kia cũng không hoàn thành nổi. Chắc mãi mãi sẽ không bao giờ hoàn thành được. 


Nhưng không sao cả, cảm ơn vì các bạn đã ghé đọc câu chuyện ngắn này của mình.