bởi Nha Nha

148
6
4307 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Về tôi, đứa con gái tuổi mười bảy


Gần đây, tôi thường mơ về những ngày quá khứ. Đó là một điều hoàn toàn xa lạ đối với tôi, với đứa con gái đương tuổi mười bảy, với con người thường chỉ hướng đến tương lai. Nhất là với đứa không thể nhớ nổi trưa hôm qua đã ăn món gì, quá khứ là một cái gì đấy tôi đã trải qua sau đó gói ghém kĩ lại, cất lên tầng gác xép của bộ não. Vậy mà giờ đây, tôi cứ hay ngồi trầm ngâm trên ban công đầy nắng, tua lại những thước phim cũ kĩ mà theo tôi nghĩ, nó giống hệt những bộ phim đen trắng mà tôi đã từng xem.

 Hôm nay lại là một ngày nhàm chán. Khẽ cử động chân tay, chỉ một giây sau, như một phản ứng dây truyền, cả cơ thể tôi thoát khỏi trạng thái say ngủ. Mắt tôi sau gần mười một tiếng nhắm chặt hiện tại có hơi khó chịu. Nhưng tôi cũng không vội dụi mắt. Lật chăn, tôi uể oải nhấc cái cơ thể nặng năm hai kí lên, lết chầm chậm vào nhà tắm.

Mỗi khi vào nhà tắm, con người ta hay suy nghĩ vẩn vơ. Nhìn bản thân trong gương, tôi thấy một con bé mặt to bè, hai bên má chi chít mụn, hai mắt thì lờ đờ chẳng có chút sức sống. Tôi cảm thấy bản thân chẳng khác gì một mụ già ba mấy tuổi, xuống sắc bởi đứa con đầu lòng nhiễu sự.

Chuỗi ngày nghỉ học khiến con người ta bớt năng động đi. Nhìn đồng hồ treo trên cầu thang, tôi phát hiện đã hơn mười giờ. Bố mẹ tôi đã đi làm từ lâu. Trong thời điểm bệnh dịch như này, tôi cảm thấy ra ngoài là một điều gì đó rất khủng khiếp. Ôi, vì miếng cơm manh áo mà bố mẹ tôi vẫn phải đi làm.

Từ khi nghỉ dịch, tôi đã tóm được cái Chi nhờ việc cho nó mượn chiếc điện thoại cũ mà tôi không còn dùng từ lâu. Nó là một con bé lớp sáu, vô tư hồn nhiên đến nỗi mà theo tôi, nó là đứa đần độn nhất trên đời này. Nó cầm cái điện thoại trên tay, vắt vẻo trên ghế dựa bằng mây mà chúi đầu vào màn hình. Nhìn nó, tôi tự hỏi liệu khi tôi chăm chú nhìn màn hình thì bộ dạng có như nó không. Nhìn vừa ngu vừa đần.

Hôm nay là ngày mười tám tháng tư. Tôi hiếm hoi nhìn lịch một lần. Từ khi nghỉ dịch, tôi đã dần quên đi việc để ý thời gian. Hình như đã ba bốn tháng rồi tôi không ra ngoài dù chỉ một bước. Hiện tại tôi ở nhà hai tư giờ một ngày, gấp ba lần so với ngày trước. Vậy mà dù có gặp nhau nhiều thêm chút ít, quan hệ giữa tôi và bố tôi vẫn tệ đến lạ.

Tôi chắc mẩn rằng một ngày, tôi và bố tôi chưa nói với nhau được hai mươi câu. Hơn nữa ngày hai bữa cơm, câu bố tôi nói với tôi nhiều lần nhất là: “Cho bố thêm bát cơm.”. Bố tôi là người kĩ tính. Bố tôi muốn khi về nhà, nhà cửa như được nàng tiên ốc dọn dẹp qua. Nhưng tôi lười lắm. Tôi thích thơ thẩn dạo giữa những con chữ, những trang giấy thơm mùi mực in cơ. Quan hệ giữa tôi và bố cứ rạn nứt dần chỉ bằng mấy việc nhỏ nhặt ấy.

Nhưng may mắn thay, tôi có một người mẹ tôi vô cùng ngưỡng mộ, thậm chí là sùng bái. Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang nhất, mạnh mẽ nhất tôi từng thấy. Tôi bị ảnh hưởng bởi mẹ rất nhiều, nhất là cái đam mê đọc sách. Nhưng tôi lại chẳng có một góc tính kỉ luật và tự trọng của mẹ. Mẹ tôi sau khi nghe bố mắng tôi thường cau mày mà nói.

“Mẹ sẽ không bao giờ để người ta mắng vào mặt mẹ, sẽ không bao giờ khiến bản thân bị chửi vào mặt lần hai vì một lí do. Con người không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông.”

Tôi nghe câu ấy mà như bị đấm một cái vào lòng tự trọng vốn ít ỏi của tôi. Tôi bỗng muốn thay đổi bản thân thực sự. Nhưng rồi lịch học kín mít, deadline ngập đầu khiến tôi quên mất việc quan trọng ấy. Việc nhà vì lịch học mà bị gạt một bên. Mẹ tôi và bố tôi thấy vậy cũng không hề nói đến những chuyện ấy nữa. Có lẽ họ sợ ảnh hưởng tôi học.

 …

Cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua, nhàm chán mà lặp lại. Có vài lần cãi vã nhưng sau tất cả, mọi chuyện cũng sẽ qua. Tưởng kì nghỉ này sẽ kéo dài vĩnh viễn nhưng điều gì đến thì cũng sẽ đến.

Ngày mai tôi đi học.

Tiếng chuông báo thức vang lên, không vì sự khó chịu của tôi mà yên lặng. Tôi thò tay xuống gối, gạt mớ tóc lòa xòa ra hòng tìm nguyên nhân phá bĩnh giấc ngủ của tôi.

Lết vào nhà tắm, tôi đánh răng rửa mặt. Trong gương, vẫn là con bé mặt to bè kia nhưng bằng một cách thần kì nào đó, mặt tôi đã bớt đi không ít mụn. Có lẽ chuỗi ngày không đồ ăn vặt khiến tôi phần nào tốt hơn, nhất là về sức khỏe.

Lúc tôi bắt đầu dắt xe ra khỏi nhà đã là sáu giờ bốn mươi. Tôi chẳng thích nói điều này chút nào nhưng tôi thấy, việc vào học lúc bảy giờ là thứ điên rồ nhất mà nhà trường có thể nghĩ ra. Trèo lên con xe Cup 50, tôi chỉnh gương, cài mũ. Tôi tự nhận mình vô cùng tuân thủ pháp luật. Ít nhất thì chưa bao giờ, tôi bị cảnh sát tóm. Dậm dậm cái xe, mãi năm phút sau, tôi mới có thể khiến cái động cơ ì ạch lâu ngày hoạt động. Dỉn dỉn xe, chỉ một giây sau tôi đã lao như bay phóng về phía trước.

Hiện tại đã là sáu giờ bốn bảy, tôi nhìn con đường vừa quen thuộc vừa xa lạ mà chạy đua với thời gian. Cứ đà này, tôi sẽ không kịp mua bánh mì mất.

Cuối cùng, tôi vừa không mua được bánh mì, vừa đi học muộn. Chạy như bay lên ba tầng lầu, tôi phi thẳng vào lớp. May mắn rằng sao đỏ hôm nay không đến. Nhìn lớp tôi, mọi thứ vẫn như thế, chỉ khác là phủi thêm một tầng bụi dày. Thấy tôi đến, con Ngân, đứa ngồi cạnh tôi đưa bàn tay ngắn ngủn của nó lên, đánh vào lưng tôi cái bốp.

“Mày giờ mới đến à con này? Muộn học nãy giờ rồi. Bố lau ghế cho mày rồi đấy. Nhớ khao bố bánh mì.” Nó vẫn béo như vậy, không biết có giảm được cân nào không. Nhưng nghe nó kể mấy lần, nó bảo mùa hè năm nào nó cũng giảm được năm sáu cân. Nếu nó nói thật thì tôi tin đến cuối năm mười hai, chắc nó sẽ thành người đẹp đích thực.

Lúc tôi vào lớp đã là bảy giờ năm phút rồi mà bàn tôi vẫn chỉ có hai người. Thế nhưng con Ngân mới hó hé hai chữ “bánh mì”, con Yến không biết xuất hiện từ bao giờ lại thò đầu ra, cất cao cái giọng bánh bèo của nó.

“Bánh mì đâu, bố mày ăn với!” Tôi nghe hai con bạn nói cũng có chút cạn lời. Hứa hẹn đủ điều với chúng nó, tôi hơi hối hận khi cứ làm món gì ngon lại đưa lên mạng xã hội.

Có lũ bạn tham ăn thật tốn cơm tốn gạo!

Rất nhanh, trống vào học đã vang lên. Tiết đầu tiên của chúng tôi là Sinh học, đúng môn của cô Nga chủ nhiệm. Tháng năm rồi, hè đã đến. Trong lớp đứa nào đứa nấy áo trắng quần trắng bóc, sáng sủa cả lớp học. Ngược lại với sắc trắng ấy, cô Nga diện một bộ váy đen thanh lịch bước vào lớp.

Tiết học bốn năm phút trôi qua nhanh chóng mà chúng tôi chẳng học gì. Bụi mù mịt khiến chúng tôi phải ra sức dọn dẹp, cộng thêm cả đống công việc dồn đống chưa xử lí khiến việc học chẳng ổn tẹo nào. Nhưng dù vậy, nghe tiếng trống chào cờ vang lên, cả lớp vẫn lục đục kéo xuống sân trường.

Ôm cái mũi ngạt chặt vì hít bụi, tôi quàng vai cái Ngân chạy xuống sân trường. Tôi thề rằng cái cảm giác khó chịu mà tôi đang trải qua này ai không bị xoang không tưởng tượng ra nổi. Lắm lúc mũi trở chứng, sáng ra tôi ăn sáng còn chẳng nếm ra vị gì.

Rất nhanh, tiết chào cờ kết thúc, tiết học mới lại bắt đầu, hết tiết này lại đến tiết kia trôi qua. Đến khi trống ra về vang lên, tôi mừng thầm. Hóa ra ngày đầu của tôi cũng chỉ thế, vèo vèo trôi qua, chẳng có gì đặc biệt ngoài một đống bụi lớn, một cái mũi đau và một cái bụng đói.

Tôi lại trở về chuỗi ngày tháng đi học ngày đêm. Những kí ức hồi bé, chúng không còn ám ảnh tôi như hồi trước nữa. Tôi nghĩ vì tôi có hơi bận rộn để nghĩ đến chúng. Hồi tôi lên mười hai một hai tháng, bố mẹ tôi sắm hai cây vợt cầu lông vô cùng xịn xò về nhà. Họ nói muốn tập luyện. Tôi nghĩ cũng phải, bố mẹ tôi lớn tuổi rồi, cũng hơn bốn mươi có lẻ, tập thể thao là việc tốt. Tôi cười cười, ủng hộ bố mẹ. Lúc ấy tôi còn nghĩ, thật tốt, cuối cùng bố mẹ cũng tìm được niềm vui cho mình rồi.

Qua một thời gian, tôi phát hiện điều không ổn. Bố tôi vậy mà kết được rất nhiều bạn mới. Hơn nữa họ còn vô cùng nhiệt tình, vô cùng không tốt. Mẹ tôi có lẽ không thích họ. Thay vì đi đánh cầu lông với bố, mẹ chuyển sang tập nhảy aerobic.

Tôi lúc ấy thấy chút kì lạ. Nhưng thấy hai người đều ổn, tôi không nói gì cả. Năm nay tôi cũng coi như mười tám tuổi rồi, là độ tuổi mà tôi hay gọi đùa: “Tuổi có thể vào tù.” Tôi không muốn làm bố mẹ phiền lòng vì mấy suy nghĩ nhỏ nhặt của mình.

Đại học tôi muốn vào là trường top đầu, tôi cũng vì thế áp lực hơn rất nhiều. Tóc tôi không hiểu vì sao xuất hiện rất nhiều sợi bạc. Nhìn tôi, chắc ai cũng bảo tôi là sinh viên năm cuối. Mụn đã quay trở lại khuôn mặt tôi, dai dẳng bám tôi không dứt. Tôi bỗng thấy có chút sợ hãi, vì nhiều thứ.

Tôi cứ vậy mải mê ôn luyện, không để ý gì đến xung quanh. Đến khi tôi hoàn toàn chấm dứt lịch học dày đặc, bắt đầu bước vào tháng cuối ở nhà ôn luyện sau mỗi buổi học trên trường, tôi mới phát hiện điều không ổn.

Bố tôi gần đây thường không ở nhà. Theo lời mẹ tôi, bố cùng những người bạn kia thường xuyên đi chơi, nói chuyện vô cùng vui vẻ. Tôi phát hiện khi về nhà, bố tôi không còn thoải mái nữa, cứ cau mày suốt. Mẹ tôi cũng trầm lặng hơn. Tôi bỗng muốn nhìn kĩ mẹ tôi. Rồi khi nhìn mẹ, tôi giật mình, nhận ra khuôn mặt mẹ hóa ra nhiều nếp nhăn đến thế. Tôi nhìn mẹ mà có chút đau lòng. Tôi nhận ra, bấy lâu nay tôi đã dựa quá nhiều vào mẹ tôi.

Mẹ tôi đang phải gánh trên vai sức nặng của cả một gia đình.

Tôi vừa sợ vừa thương mẹ. Tôi nhận ra bản thân bất lực, bản thân nhỏ bé đến thế nào. Tôi không biết làm sao khiến mẹ tôi vui. Tôi trút nỗi sợ của tôi lên đứa em đần độn của mình. Nó học dốt, nó mải chơi, nó không nghe lời. Những lí do ấy đã đủ để tôi mắng nhiếc nó.

Thời gian ấy, tôi mệt mỏi thực sự.

Rồi nháy mắt, ngày tôi vào phòng thi đã đến. Mấy ngày ấy tôi mơ hồ trải qua. Về sau, mỗi khi nghĩ đến kì thi đại học ấy, tôi vẫn hoảng hốt. Tôi không biết tôi làm bài thi kiểu gì. Khi vào phòng thi, kiến thức của tôi cứ bay đâu hết. Mồ hôi lạnh toát ra từ hai tay tôi, tôi như rơi xuống một hố sâu bất tận. Thời gian phòng thi trôi qua nhanh như chớp. Tôi nộp bài, ra khỏi phòng như người mất hồn. Bố mẹ tôi nhìn tôi suy sụp mà buồn.

Mấy ngày sau, tôi chỉ nhốt mình trong phòng, trốn tránh mọi thứ. Trong nhà, không khí trầm hẳn xuống. Bố tôi không còn về nhà sớm nữa. Mẹ tôi thì yên lặng, không nói gì. Tôi chắc mẩn bản thân sẽ trượt. Tôi đã từng trượt chuyên nhưng không như lần ấy có thể cười hề hề cho qua, lần này tôi thật sự sợ hãi. Tôi đã khóc rất nhiều.

Lũ bạn tôi ai nấy đều làm rất tốt. Tôi có gặp cái Yến. Nó có vẻ làm được bài, phấn khởi ra mặt. Nụ cười của nó khiếp tôi thảng thốt. Tôi sợ lắm.

Gần đây, tôi lại nhớ đến những ngày còn nhỏ. Vẫn giống như những thước phim đen trắng, chúng tua đi tua lại, đẹp đẽ nhưng xa xôi. Ngày xưa vô lo vô nghĩ đối với tôi hiện tại quá mức xa vời. Tôi cuộn tròn người, nhốt bản thân trong căn phòng tối đen. Tối đen như cái tiền đồ của tôi vậy. Cái Chi đi qua tôi cũng chỉ thở dài rồi lắc đầu. Chắc nó cười xòa trước cái tin tôi trượt đại học đấy. Tôi cười lạnh, im lặng không dáp.

Tôi vật vờ sống như vậy cứ thế hai tuần. Hai tuần này, cái Ngân và cái Yến có tìm tôi. Nhưng tôi nhất quyết không gặp bọn nó. Tôi nào còn mặt mũi nhìn chúng nó chứ. Nằm trên giường, tôi dùng gối bịt chặt tai, mặc kệ chúng nó cứ ở dưới nhà tôi la lối. Bọn nó vào ba lần, cả ba lần tôi không tiếp. Lâu dần, hai người đó không còn đến tìm tôi nữa.

Mùa hè đến rồi, cành phượng cạnh nhà tôi đơm hoa đỏ thắm. Tiếng ve râm ran giữa buổi trưa hè inh ỏi mà thân thuộc. Tôi nhớ những ngày vô lo vô nghĩ, những ngày tôi dưới tán phượng, ngửa đầu nhìn tán lá xanh rờn, vô tư nói cười cùng đứa bạn. Tôi lại khóc. Nhưng rồi, tôi bỗng thần người ra khi nhìn cây xương rồng tôi trồng ở bàn học.

Đó là một câu xương rồng vàng vọt mà teo tóp. Tôi nghĩ, chắc nó chết rồi. Tôi đến gần, khều vào gai nhọn trên người nó. Nó thật giống tôi. Tôi tưới cho nó chút nước, mặc dù trong lòng biết nó đã chết rồi. Tôi thấy buồn cười vì hành động của bản thân. Một cây xương rồng chết là như thế nào, người trồng xương rồng gần năm năm như tôi biết rất rõ. Vậy mà tôi vẫn tưới cho nó. Tôi tự hỏi mình đang hi vọng gì đây? Hi vọng cái cây sống lại hay hi vọng một điều gì khác?

Tôi mặc kệ. Trời oi bức. Nằm trong phòng, tôi từ từ cảm nhận cái nắng mùa hè khiến căn phòng nóng ran lên. Tôi không bật quạt. Tiếng quạt ồn ào khiến tôi đau đầu muốn chết. Tôi lim dim chìm sâu vào giấc ngủ.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng cãi vã ồn ào dưới nhà. Nhìn đồng hồ, đã hơi sáu giờ chiều. Tôi nhẹ nhàng mở cửa, cố không gây ra tiếng động. Tiếng tranh cãi phát ra từ phòng bếp. Cửa kính ngăn giữa phòng bếp và hành lang bị đóng kín lại. Tôi cười. Có lẽ là bố tôi đóng. Lần nào cũng thế, mỗi lần có chuyện là bố lại đóng cửa, sợ người ngoài nghe được. Tôi đâm cáu vì hành động của bố. Thò đầu xuống nhìn trộm, tôi mơ hồ thấy mẹ tôi đang ngồi dưới đất. Bố tôi ngồi trên ghế, không nói gì.

Tôi dám cá là họ nói về tôi. Tôi đâm ra thất vọng. Về nhiều thứ. Tôi nhìn mẹ tôi như già đi cả chục tuổi. Hóa ra tôi lại khiến mẹ tôi đau khổ đến thế. Tôi lại nhìn sang bố, một người đàn ông mà lúc nào cũng ganh đua với đời. Bố tôi học hết cấp ba, còn mẹ tôi có bằng hai trường đại học. Có lẽ điều ấy khiến ông mặc cảm, đâm ra cả nghĩ.

Lần đầu tiên, tôi bỗng đồng cảm với bố. Tôi hiện tại cũng chỉ là một kẻ học hết cấp ba.

Tôi nhìn họ, rồi bỗng nhận ra, bên cạnh mẹ là cái Chi. Nó ôm mẹ, để mẹ khóc trong lòng nó. Tôi đâm ra thất thần. Ngày trước, mỗi lần như này tôi mới là người chìa tay ra, an ủi mẹ tôi. Vậy mà giờ, cái vị trí ấy lại do cái Chi đảm nhận. Tôi chợt thấy, cái đứa mà tôi gọi là đần độn giờ đã hơn tôi nhiều rồi. Tôi ngồi đó, suy nghĩ mông lung.

Sau rất lâu, tôi đứng lên, bước xuống nhà phá tan cái không khí u ám mà tĩnh mịch này. Tôi cười nói, mở tủ lạnh tìm đồ ăn. Mặc kệ ánh mắt thảng thốt của mẹ, của bố, tôi vẫn cư xử như không có chuyện gì.

Tối ấy, cả nhà tôi yên lặng ăn cơm. Nhưng khác với bình thường, mẹ tôi có vẻ rất xúc động. Mẹ cứ nhìn tôi, chốc chốc lại gắp thức ăn vào bát tôi, điều trước giờ mẹ luôn rất ghét vì chê mất vệ sinh. Tôi nhìn miếng trứng sốt trong bát, lòng rối bời. Gắp miếng trứng lên miệng, tôi nhận ra, hương vị này vẫn y như ngày nào.

Không chút gì thay đổi.

Tôi rửa bát. Đó là công việc tôi ghép nhất trên trần đời. Từ sau đợt nghỉ dịch, tay tôi đột nhiên dị ứng với nước rửa bát. Việc rửa bát cũng chuyển từ tôi sang cái Chi. Xong việc, tôi lau tay vào khăn bông nhưng nhìn mảng da bắt đầu nứt nẻ, tôi biết cái bệnh dị ứng của tôi vẫn vậy. Tôi quay lại, nhìn mẹ. Mẹ cứ nhìn tôi, mãi không rời. Tôi cười thật tươi, xin phép mẹ đi ra ngoài một chuyến.

“Mấy giờ con về?” Mẹ tôi hỏi.

Tôi không biết. Để không làm mẹ lo lắng, tôi giơ điện thoại lên, nói con sẽ về sớm thôi. Mẹ tôi lo nhưng nhìn tôi, mẹ vẫn để tôi đi. 

Tôi dắt con Cup 50 của mình xuống đường, chỉnh gương, đội mũ. Phải năm phút sau, cái động cơ ì ạch lâu ngày mới bắt đầu có dấu hiệu hoạt động. Kéo tay ga, cái xe phi đi, nhanh như tia chớp.

Gió luồn qua người tôi. Gió lùa qua từng chân tơ kẽ tóc trên cơ thể gầy gò dặt dẹo này. Những ngày suy sụp làm tôi gầy đi. Tôi cũng hết mụn từ lúc nào không biết. Tôi ra ngoài lần này để gặp cái Ngân và cái Yến. Không biết chúng nó có bất ngờ trước sự xuất hiện của tôi không nhỉ? Tôi tò mò tự hỏi.

Rời khỏi tiệm thuốc, tôi tưởng tượng ra cái cảnh hai đứa gặp lại tôi. Tôi hẹn chúng nó ở quán bún mà ba đứa thường đến ăn. Dù hiện tại đã tám giờ tối nhưng không hiểu vì sao, tôi tin chúng nó sẽ đến đúng hẹn. Và không ngoài dự đoán, khi tôi xuống xe, chống con Cup vào bên lề đường thì đã thấy xe của chúng nó. Quán bún ở vỉa hè này đã đóng cửa từ lâu nhưng bằng cách nào đó, cái Ngân và cái Yến ngồi đó, trước mặt chúng là ba bát bún vẫn còn ấm nóng. Tôi đến gần, vẫy tay chào hai đứa.

“Con này, mày lại đến muộn. Ngồi xuống đi, bố lau bàn ghế cho mày luôn rồi đấy.” Con Ngân giơ tay, vỗ lưng tôi một phát. Con Yến thì cất cái giọng bánh bèo của nó lên, đắc ý khoe khoang. “Lần này tao đến trước mày rồi nhá. Lần sau nhớ khao bố bánh mì nhà mày. Lâu không ăn tao thèm quá.”

Tôi không đáp lời chúng nó. Tôi hỏi chúng nó làm bài thế nào, có tốt không. Chúng nó thấy tôi vui vẻ liền thả lỏng, đập vai tôi cười nói không chút khách khí nào. Ba đứa cứ ngồi đấy, ở lề đường tối om tận hứng trò chuyện. Mãi đến chín rưỡi, khi điện thoại của tôi rung lên, màn hình hiện hai chữ Mama, cái Ngân với cái Yến mới dừng lại, giục tôi đi về.

Tôi đứng lên, không quên để lại tờ mười nghìn. Chúng nó thấy vậy thì chửi tôi, dúi tiền vào tay tôi rồi không hẹn mà đồng thanh nói.

“Bữa này tao bao.”

Tôi bất đắc dĩ, thu tờ tiền vào. Tôi nợ hai đứa này nhiều rồi, sợ là không thể trả hết.

Cưỡi con xe Cup vàng nhạt, hiếm khi tôi đi chậm rãi. Gió đêm có chút lạnh, đập vào mắt tôi khiến tôi tỉnh táo. Tôi thò một tay vào trong túi, bóp bóp mấy viên thuốc màu trắng ngần. Tối nay, có lẽ sẽ là tối cuối cùng của tôi. Nhưng tôi đã rất vui. Có lẽ, tôi chẳng còn gì nuối tiếc cả nữa rồi.

Tôi mải mê suy nghĩ mà không để ý phía trước. Từ xa, một chiếc tắc xi mất lái, lao thẳng vào tôi. Trong giây phút đối diện với đèn pha chói mắt cùng gương mặt sợ hãi của tay lái xe, tôi bỗng sợ chết. Kí ức của tôi bỗng xổ lồng, như những thước phim tua nhanh, ngập tràn màu sắc mà lướt qua. Khoảnh khắc ấy chỉ trong chớp mắt mà tôi cơ hồ thấy lại cả cuộc đời. Tôi phanh chân, bẻ tay lái, vì bị va chạm mà văng đi.

Tôi ngất lịm.

Tôi cảm thấy mí mắt mình nặng trĩu, cái mùi vô trùng của bệnh viện thoang thoảng bên mũi tôi. Tôi cố mở mắt, nhưng vô dụng. Tôi cứ vậy, duy trì trạng thái mắt không thấy nhưng tai vẫn nghe. Rồi tôi cảm nhận có người đến cạnh tôi. Là mẹ. Tôi linh cảm như thế. Trong phút chốc, tôi thấy bản thân may mắn vì còn sống. Mẹ tôi ngồi cạnh tôi, không nói câu nào. Qua bao lâu, mẹ tôi rời đi. 

Tôi từ từ mở mắt.

Từ khóe mắt, nước mắt tôi chảy ra. Rồi tôi nhận ra, bên giường tôi, một tờ giấy được đóng khung lồng kính đặt ngay ngắn. Với đôi mắt cận hai độ đều, tôi cố đọc những dòng trên tờ giấy. Đầu tôi, tay tôi, chân tôi đều bị bọc cao nhưng bất chấp đau đớn, tôi vẫn nhích lại gần tờ giấy.

“Giấy…báo tuyển…trường đại học...XXX” Tôi lắp bắp từng chữ. Rồi sự vui sướng ập đến, khiến cả người tôi như được tái sinh. Tôi trúng tuyển, tôi trúng tuyển rồi. Tôi thấy tương lai sao mà tươi sáng quá. Lần đầu tiên, người vô đạo như tôi chắp tay lại, cảm tạ chúa đã cho tôi thêm một cuộc sống nữa. Tôi lịm đi vì đau đớn trên cơ thể. Nhưng trên môi tôi vẫn nở một nụ cười.

Ngày ra viện đã đến. Đón tôi là bố, mẹ, cái Ngân và cái Yến. Tôi ngồi trên xe lăn, dùng tay lành lặn ôm khung kính. Thấy tôi, mẹ tôi nở nụ cười. Tôi phát hiện, mẹ và bố đang nắm tay kìa. Nhìn hoa phượng nở đỏ rực quanh bệnh viện cùng tiếng ve râm ran, tôi nhận thấy cuộc sống này thật tươi đẹp. Tôi nắm chặt cây thánh giá trên cổ, nhủ thầm. Tiếp đó, kín đáo cười, tôi vẫy tay, hô lớn. Cái Ngân cùng cái Yến chạy lại ôm lấy cổ tôi.

“Ấy ấy, tay tao đau.” Tôi la lên. Nghe vậy, bốn người nhìn tôi, cười lớn. Tôi ngây người ra, sau đó cũng bật cười.

...

Vài tháng nữa thôi, tôi sẽ là một sinh viên. Tôi sẽ học tập, tốt nghiệp rồi đi làm. Còn bao điều tuyệt vời còn đang chờ tôi. Trong túi áo tôi, một gói thuốc trắng nằm đấy. Mẹ tôi đã không phát hiện ra nó. Hiện tại, tôi không cần nó nữa nhưng vì nhiều lí do, tôi vẫn giữ nó lại. Tôi nghĩ, giữ nó lại làm bùa hộ mệnh là tốt nhất. Nhờ có nó, tôi còn sống. Nhìn về phía chân trời kia, tôi biết, cuộc đời tôi mới chỉ bắt đầu.