bởi July D Ami

7
6
528 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Viết lách và căn bệnh trì hoãn


Chúng ta không trì hoãn việc thở, vì chỉ ngưng một phút thôi là có thể mất cả một đời.

Chúng ta không trì hoãn việc ăn, vì thức ăn nuôi sống chúng ta, giúp chúng ta có năng lượng làm việc mỗi ngày.

Người đang yêu chẳng thể trì hoãn nhớ nhung, bởi hình ảnh đó như bén rễ ăn sâu vào tim, chỉ cần mở mắt dậy là ùa về chiếm trọn tâm trí.


Bạn không trì hoãn việc gì đó, khi bạn nhận ra việc đó thực sự quan trọng với bạn.


Giống như việc tập thể dục vậy. Nhiều người trẻ ỉ i mình khỏe mạnh nên trì hoãn việc tập thể dục và sinh hoạt điều độ. Đến lúc mắc một bệnh nào đó và nhận được lời khuyên của bác sĩ, họ mới tiếc cho tháng ngày bỏ phí và bắt tay vào chữa lành cơ thể mình.


Và giống như việc viết lách vậy, nếu bạn coi đó là nghề, là mục tiêu theo đuổi chứ thì bạn sẽ chăm chỉ viết và học cách viết tốt hơn mỗi ngày. 


Nếu bạn có nhiều việc quan trọng, làm thế nào để không trì hoãn tất cả?


Một là bạn sắp xếp thời gian và công việc hợp lý để có thể thực hiện được tất cả.

Hai là bạn phân theo thứ tự ưu tiên cái nào quan trọng nhất, quan trọng hơn...


Nếu bạn ôm đồm nhiều thứ một lúc, bạn có thể siêu nhân, hoặc bạn sẽ kiệt sức.


Tìm kiếm bạn đồng hành để đánh bay trì hoãn


Những người có cùng một mục tiêu chí hướng sẽ dễ dàng hiểu được công việc của nhau, và thúc đẩy nhau trong công cuộc đánh bại cái lười, chiến thắng trì hoãn. Kinh nghiệm từ bạn đồng hành cũng bổ sung cho nhau khiến ta bước tiếp dễ dàng hơn, không cần loay hoay trong trì hoãn.


Tất nhiên là hãy tìm những người bạn tích cực nhé, đừng tìm người lười để rủ nhau cùng lười theo. ^^


Sau đây là 5 tip nhỏ để bạn đánh bay trì hoãn khi viết lách:


1. Lập danh sách việc cần làm, ưu tiên theo mức độ quan trọng và hoàn thành hết trong khoảng mục tiêu đề ra (ngày, tuần, tháng).

2. Tập trung khi làm việc và không bỏ dở dù có bất kỳ lý do gì. Hãy tự làm cho mình một khẩu hiệu và dán ở nơi thường xuyên thấy nhất để tạo động lực cho bản thân mỗi khi manh nha ý định trì hoãn.

3. Tắt các ứng dụng liên lạc và mạng xã hội khi viết, chỉ để trang nghiên cứu tài liệu liên quan đến công việc của bạn thôi.

4. Chọn thời gian và không gian phù hợp để bạn có thể tập trung viết lách.

5. Đánh giá kết quả công việc sau ngày, tuần, tháng hoặc khoảng thời gian nhất định bạn đã đề ra. So sánh kết quả với mục tiêu ban đầu.



Chúc mọi người viết chăm chỉ và không gặp phải căn bệnh trì hoãn nhé!