70
13
1351 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Vũ phu và đức phụ


"Mẹ đâu cần đến một người chồng vũ phu để chứng minh mẹ là một bậc đức phụ."


____________


Chúng tôi đến Hà Nội lúc 9 giờ tối.

Ngồi trong xe suốt chặng đường dài, người ai cũng nhũn nhão cả ra, từ phần hông đến hai cẳng chân ê ẩm. Mọi người đều uể oải, trừ tôi và mẹ tôi. Hai chúng tôi nép mình gần hàng ghế cuối, giữ im lặng một cách đè nén và căng thẳng. Cả hai ngồi như đá. Xe cập bến. Anh thu vé đứng dậy trước tiên, nói lớn giục giã hành khách. Nghe tiếng gọi, tôi nhìn mẹ. Tự dưng tim tôi đập thình thịch.


Chúng tôi xuống xe, chen chúc giữa dòng người bơ phờ. Trời nóng ẩm, hơi nước bốc dậy khỏi đường bê tông hầm hập phả vào quần áo. Mồ hôi và khói lởn vởn quanh mũi, tôi khó chịu áp nửa mặt lên túi rút. Sau một lát, tôi nhận ra nó chẳng có ích gì. Đến chiếc túi cũng ám mùi xăng xe buýt. Kinh khủng thật.


Mẹ tôi bước rất nhanh, nhanh như ai đó đuổi đằng sau mẹ. Mà cũng đúng vậy.


"Đợi con với!"


Mẹ khựng lại, quay ra sau. Tôi đọc được trong mắt mẹ cảm xúc ngạc nhiên và bàng hoàng…

"Mẹ xin lỗi! Mẹ…"

"Quên con." Tôi đáp, nhìn đăm đăm vào gương mặt mẹ. Trông nó như một mảnh sáng khô héo của ánh đèn điện.


Không ai nói với ai câu nào, chúng tôi im lặng đi bên nhau. Trên tay mẹ xách một túi du lịch nhẹ hều, còn tôi thì ôm túi rút đựng sách vở, nhưng tôi âm thầm thở dốc trong lòng, bởi độ nhẹ ấy là sức nặng của tất cả tài sản.


Ngồi trên băng ghế đợi chừng mười lăm phút, từ chối tất cả lời mời xe ôm, cuối cùng hai mẹ con cũng thấy người đến đón. Bác Mân xuất hiện với dáng mệt mỏi, đi xe cà tàng, đưa mũ bảo hiểm cho chúng tôi hết sức e dè và ngập ngừng. Dường như bác muốn nói gì đó, nhưng không đủ can đảm mở lời. Hai mẹ con tôi leo lên xe và về nhà.


Hà Nội cuối tháng sáu, không khí bỏng cháy, những ánh đèn đường khiến sức nóng gấp bội trong tưởng tượng. Tôi thấy họng mình khô rang vì phải thở quá lâu. Quái thật. Sao tôi lại nghĩ mình thở quá lâu? Làm gì có ai sống nổi khi chẳng thở.


Trong lúc đầu óc chan đặc những ý nghĩ về thở và không thở, xe máy đã ngừng trước một căn nhà cấp bốn, bề ngoài hơi cũ. Tôi xuống xe, chân rát buốt vì lỡ chạm phải bô. Vẫn không ai nói gì, chỉ độc tiếng côn trùng rả rích. Bác Mân đẩy cửa nhà. Cái cửa sắt rỉ, kêu ken két, nghe mà giật mình.


Tôi lại nhìn mẹ. Mẹ đang lê bước vào trong như phải gồng gánh vật nặng nào đó, mắt diệu vợi đâu đâu. Những ngón tay cầm túi gồ lên vì siết quá chặt.


Một tiếng nói vọng ra: "Về rồi đó hả?"


Bà ngoại ngồi giữa phòng, khoác áo màu đồng đỏ, tóc búi gọn. Tự dưng tôi thấy kinh hãi, lẩn ra sau mẹ. Gương mặt bà vẫn chua chát như trong trí nhớ ngày bé, và giọng của bà vẫn sệt điệu địa phương cay nặng. Tôi không dám tới gần bà.


Bất thần, không báo trước, bà ném cái gì đó trên bàn xuống ngay trước mẹ, quát lên: "Về làm gì?"


Mẹ tôi cúi gằm, không nói. Bác Mân ái ngại tựa trước cửa, cũng im im. Tôi gượng víu lấy áo mẹ.

Bà hằn học: "Đấy, vô phúc đến thế là cùng thôi! Sao mày cứ động tí dỗi là lại về? Đàn bà có chồng có con, lớn tướng rồi chứ nhỏ dại gì nữa. Thiên hạ cười cho thối mũi mày. Nó cười cả tao đây này! Bảo tao không biết cách dạy con."


Bà lại cầm thêm một thứ nữa, lần này quăng trúng tay mẹ. Mẹ cắn răng không kêu lên tiếng. Tự dưng tim tôi tê tái. Bác Mân không bàng quan nhìn được nữa, vội khuyên giải:

"Mẹ, em nó mới về, cháu cũng mệt rồi. Có gì mai hẵng nói."


Bà ngoại chẳng đáp, chỉ đứng dậy bỏ đi. Lúc đó, tôi mới nhận ra lưng mình đẫm mồ hôi, ngón tay lạnh toát. Mẹ con tôi ngủ ở phòng chứa đồ, hình như mới được dọn dẹp, nhưng vẫn có lơ thơ mấy mạng nhện. Tôi nằm bên mẹ, nghe tiếng quạt vù vù, cơn nóng cứ cuồn cuộn dội vào người. Lòng bàn tay, bàn chân tôi ứa mồ hôi. Chập chờn nửa mê nửa tỉnh, tôi chợt nghe tiếng mẹ khóc, nhỏ và dài như thanh âm côn trùng rỉ rả.


Hai tuần sau đó thì đích thị khốn nạn. Sớm mơi cho đến tối mịt, bà xỉ vả liên miên, còn mẹ cam chịu. Bà cứ nói mãi về cái đức tính của người phụ nữ, phải nén nhịn, phải chiều chồng, chồng có đánh có mắng cũng buộc nghe lời.

"Không có chồng, mày chẳng là cái thá gì!"


Bác Mân vẫn đứng đó, không bênh vực lấy một lời, chỉ cố gắng một cách vụng về làm nguôi cơn tức của bà sau khi bà đã trút giận xong. Chẳng lẽ chính bác cũng nghĩ vậy, chồng mẹ cũng nghĩ vậy, và cả thảy đàn ông trên đời cũng nghĩ thế? Tôi thấy bàng hoàng một cách lạ lùng. Cơ thể bầm dập của mẹ nay càng thêm bầm dập. Tôi xức dầu cho mẹ, muốn nặn ra cái gì đó để nói, nhưng ngôn từ của tôi đã chết từ lâu, cảm xúc thì dường vùi nén trong vỏ ốc. Tôi cứ ngơ ngác trông mẹ như thế. Mẹ lặng lẽ như cái bóng của một loài động vật yếu mềm.


Buổi tối nọ, căn nhà đột nhiên ồn ào vì sự xuất hiện của một khách lạ. Ba tôi, áo mũ thẳng thớm khác xa hình tượng tên bợm rượu, với cách thuyết phục đầy chân thành bảo mẹ về nhà. Bà ngoại không đắn đo lấy một hồi:

"Đấy, mày xem! Chồng mày đón, nó thương mày nên nó mới tới. Mày về đi. Vợ chồng đóng cửa bảo nhau, đừng suốt ngày mang chuyện cho thiên hạ bàn tán."


Tôi thấy mắt mẹ dại ra trong tuyệt vọng. Ngực tôi thắt lại khủng khiếp, có gì đó dữ dội trào lên họng, lên mắt, tay tôi run lẩy bẩy. Gớm ghiếc quá. Tôi đã đoán trước kết quả, tất nhiên là mẹ đồng ý. Mẹ sẽ theo ba về, và tôi thì tiếp tục sống trong chán nản để đợi lần bỏ trốn ngắn ngủi tiếp theo. Miệng tôi chát đắng. Nhưng nhìn mẹ, tôi không giận nổi. Suy cho cùng, sự đổ vỡ trong hôn nhân và cách đối xử gia trưởng đã bào mòn tâm tình mẹ tới mỏng tang, đầy sương giá.


Nhưng bấy giờ, đột dưng mẹ cương quyết lạ: "Không! Con không về đâu."


Bà ngoại sầm mặt. Nụ cười của ba sượng cứng trên môi. Bần thần, tôi ngước lên. Sau đó là cãi nhau, ồn ào, la hét, ra lệnh. Tôi không nhớ mẹ con tôi đã thoát khỏi cuộc bê bối đó thế nào, chỉ biết khi tỉnh ra thì cả hai đã đứng ngoài đường.


Trên tay mẹ xách một túi du lịch nhẹ hều, còn tôi thì ôm túi rút đựng sách vở. Lần này, tôi mỉm cười vì đây là tất cả tài sản.

Một tài sản không nặng nề.


"Mẹ biết không?" Tôi nói, "Mẹ đâu cần đến một người chồng vũ phu để chứng minh mẹ là một bậc đức phụ."


Mặt mẹ giãn ra, và trên bờ môi luôn mím lại cam chịu đã nở rộ nụ cười.