237
23
2279 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

Xa cách


Nắm cơm nhỏ

Trong cặp sách

Bánh bao trắng

Gói giấy dầu

Nắm cơm nhỏ ăn lâu vẫn đói

Bánh bao trắng nửa gói đã no

 

Hôm nay là ngày cưới của bạn thân nhất của tôi, nàng thơ xinh đẹp nhất tôi từng biết với đôi mắt to long lanh như mặt hồ mùa thu. Tôi gọi nàng là Nắm Cơm bởi lẽ hồi nhỏ cô nàng thích nhất ăn cơm nắm muối vừng mà mẹ tôi hay làm. Đáng ra hôm nay tôi nên cười thật tươi chúc mừng người bạn biết nhau từ thủa lọt lòng.

Cổ họng tôi ứ nghẹn, sống mũi cay cay, có lẽ tôi sẽ nói chúc mừng vào một ngày khác. Ai mà nỡ để bàn tay vốn dĩ đang nắm lấy tay mình trao cho một người con trai khác cơ chứ. Ít nhất thì cũng không sớm như vậy!

Đọc đến đây đừng nghĩ gì khác thường nhé, tôi yêu Nắm Cơm bằng tình cảm đơn thuần nhất. Chúng tôi vừa là bạn, vừa là chị em, vừa là tri kỉ, cũng là người thân của nhau. Từ lúc có nhận thức, Nắm Cơm đã luôn ở bên tôi rồi. 

Hoặc tình cảm này chỉ mình tôi nghĩ vậy!

Nhìn khách khứa của chú rể, tôi vừa khó chịu vừa đau lòng. Nói tôi quy chụp cũng được, nói tôi nhiều chuyện soi mói cũng được, nhưng ai mà tin tưởng một người vừa mới gặp mặt lần đầu tiên cùng với đám bạn nhìn như giang hồ cơ chứ. Những thanh niên đó đều có một điểm chung, cả nam và nữ đều rất gầy, cơ thể xăm trổ toàn hình rồng phượng kì dị. Tôi từng nhìn thấy rất nhiều người xăm mình, số lượng nhiều ít khác nhau nhưng tuyệt nhiên đều có ý nghĩa... không giống như hiện tại. 

Lúc này đây tôi chỉ mong rằng những người đó trái ngược hoàn toàn với những đánh giá của mình. Họ đến nhanh mà đi cũng nhanh, cô gái nhỏ trong suy nghĩ của tôi thoáng chốc đã về nhà chồng. 

Hai mươi mốt tuổi!

Hư hỏng!

Từng phá thai!

Tội nghiệp!

Ba nó không tới, đúng là bất hạnh.

Từng lời nói xì xào bên tai càng lúc tôi càng muốn khóc, tôi run rẩy thì thào:

“Chúc cậu hạnh phúc, Nắm Cơm!”

 

***

 

Tôi không nhớ rõ mình chơi với Nắm Cơm từ lúc nào, từ lúc có trí nhớ trong đầu tôi chỉ toàn hình ảnh của nàng mà thôi. Thực ra, Nắm Cơm hơn tôi vài tháng, tôi sinh đầu năm sau mà nàng sinh cuối năm trước thành ra dù rất gần nhau nhưng chúng tôi cách nhau một tuổi trên giấy tờ. Vì chuyện này mà tôi đã cãi lấy cãi để, giải thích cho tất cả mọi người lí do vì sao tôi không gọi Nắm Cơm là chị. 

Mẹ tôi thường nói hai đứa khác các cặp bạn bè khác. Người ta chơi với nhau đủ cả giận hờn, quậy phá, thân thiết còn hai đứa chưa từng biết đến điều đầu tiên. Nhiều lần nhắc lại, mẹ nhấn mạnh tôi là đứa bày trò chính, Nắm Cơm nhận nhiệm vụ phụ họa. Mẹ bực nhất là lần tôi dụ cô bạn nặn đất sét lên đầu, chuyện đó thực sự rất vui... chỉ hơi bẩn một chút.  

Chưa một lần cãi cọ, tôi lại nghĩ có lẽ chúng tôi chưa đủ lớn để có mâu thuẫn thì đúng hơn. Năm tôi sáu tuổi cũng là lúc gia đình tôi chuyển lên Hà Nội, còn Nắm Cơm vẫn ở Hòa Bình. Khoảng cách là khoảng sáu mươi cây số, không xa đến mức quên sạch về nhau nhưng cũng chẳng đủ gần để kề bên mỗi lúc. 

Chia tay hai đứa không khóc gì hết, Nắm Cơm phải đi học sớm. Một cái ôm tạm biệt và kể từ đó mười bốn năm gặp lại nhau có ba lần.

Tôi sống ở thành phố nơi mà chỉ được biết đến qua lời kể của bố Nắm Cơm, cuộc sống nhộn nhịp tiện nghi y hệt lời chú ấy tả. Dần à ở Hà Nội càng lâu tôi càng cô đơn hơn, một đứa trẻ từ quê khó mà hòa đồng được với trẻ con thành phố. Những thứ họ thích tôi không có hứng thú, những thứ tôi thích họ chê bẩn. 

Cũng phải, ai lại thích nghịch cát cơ chứ.

Tôi từng bị phạt đứng góc lớp nửa ngày trời vì tội nghịch cát ở trường. 

Mẹ không biết tôi rất "stress", ở Hà Nội tôi chuyển trường tới hai lần, nhà cửa đi thuê đến hạn liền chuyển nơi mới. Tôi còn chưa quen bạn mới đã tới nơi khác, tính tôi lại hướng nội khó thân cận với người khác. Có đôi lần tôi kêu than với mẹ, bà chỉ nói: "Trẻ con, biết cái gì mà áp với lực". 

Thời gian trôi qua, tôi bắt đầu ghét món bánh bao mẹ mua, mặc cho trước đây tôi toàn là người chủ động đổi cơm nắm muối vừng lấy bánh bao của Nắm Cơm. Mẹ chê tôi phiền, mẹ rất bận lấy đâu ra thời gian làm đồ ăn sáng như trước đây. Có lẽ thành phố thay đổi tất cả mọi người, trước đây mẹ chưa từng trách móc tôi lấy một câu giờ thì hai đầu lông mày thường xuyên nhíu lại thành nếp nhăn, gương mặt vốn dĩ đã gầy lại càng gầy gò hơn. 

Mẹ bận đến mức tôi chẳng thể kể chuyện ở trường, chị tôi bắt đầu dậy thì nên chẳng có kiên nhẫn nghe tôi lải nhải. Chỉ cần tôi nói hơi nhiều chị sẽ bới móc việc tôi chưa dọn nhà, chưa nấu cơm... để mắng mỏ tôi lười biếng. 

Tôi bắt đầu học cách thông cảm cho mẹ, bà ấy vẫn yêu tôi chỉ là bà quá bận. Mẹ vẫn nhớ vì vậy đồ ăn sáng của tôi đa dạng hơn trước đây rất nhiều, tôi cũng hết chủ đề nói chuyện với mẹ. 

 

***

 

Năm lớp bốn, lần đầu tiên tôi được về Hòa Bình, tôi đã mong ngóng cả tháng trời. Mấy năm trời cứ có thời gian là tôi sẽ viết thư cho Nắm Cơm, ba tôi chuyển giúp mỗi khi đi công tác. Trở về ông luôn tươi cười mà nói Nắm Cơm nhận được rồi, chỉ là chưa từng thư hồi âm.

Nắm Cơm rất vui, nàng mừng vì tôi vẫn nhớ nhưng những bức thư hồi đáp vẫn mãi ở ngăn bàn học. Tôi đã rất thất vọng vì sao nàng không gửi cho tôi? Đã viết xong rồi kia mà? 

Nhưng không cần nữa trở về rồi chúng tôi không thiếu chuyện để nói với nhau. 

Hi vọng càng nhiều, thất vọng ập đến gấp bội!

Vì là ngày lễ nên Nắm Cơm phải về nhà ông bà ngoại, nàng không thể chơi với tôi được. Vậy là tôi theo chân ba thăm hàng xóm cũ, gia đình nhiệt tình đón tiếp. Người con trai trong gia đình ấy kém tôi một tuổi, còn rất thích nói chuyện. 

Tôi muốn Nắm Cơm, ai muốn chơi với con trai đâu. Thậm chí tôi còn chẳng nhớ nổi tên... cậu bé này. 

Nhóc con này kém tôi một tuổi, hồi trước tôi hay sang nhà nó ăn chực. Kí ức xấu hổ đó làm tôi im miệng lặng lẽ như những ngày ở trường.

“Bánh Bao gầy hơn ngày xưa nhưng vẫn rất xinh.”

“Ò!” Tôi đáp. “Nắm Cơm xinh hơn nhiều.”

Vậy là cuộc trò chuyện chấm dứt, tôi không có hứng thú chơi cùng một thằng nhóc đen xì gầy đét như que củi. Tôi chỉ có một ngày ở đây, chiều tối chúng tôi sẽ phải về nhà, quay về với cuộc sống cô đơn. Mong sao trước khi đi có thể gặp Nắm Cơm để tạm biệt lần nữa. 

Dương - thằng nhóc gầy gầy đó hào phòng mời tôi kẹo bi "chocolate", loại kẹo này ngày trước rất quý. Lần đầu tiên tôi được ăn là nhờ bố của Nắm Cơm đi công tác về, ngày đó vị nó thật ngọt có mùi "milo" mà tôi yêu thích. Đến lúc hết rồi tôi vẫn bám theo Nắm Cơm hít lấy mùi " chocolate" tôi tưởng tượng ra trên người cổ.  

Giờ thì khác, với tôi mà nói nó cũng chỉ là một loại kẹo bình thường, bố tôi hay được biếu tặng quà bánh. Những thanh "chocolate" sậm màu của Bỉ mới là thứ tôi khao khát, cả nhà ai cũng chê nó đắng nhưng tôi lại ăn được. Vị đắng tan đi lúc ấy mới là điều ngọt ngào nhất, đầu lưỡi ngòn ngọt ấy không giống đường mà nó cứ êm ái mãi trong miệng.

Ba tôi khen cái miệng tôi thật biết kén chọn, toàn thích thứ đắt tiền.

Ngày dài qua đi, tôi cũng phải về rồi nhưng cánh cổng nhà Nắm Cơm vẫn đóng chặt. 

Tôi cố gắng mỉm cười tạm biệt mọi người, bàn tay tôi níu chặt vạt áo ba mong ông hiểu được ý định của mình. Chờ thêm một chút nữa, chỉ một chút nữa thôi có lẽ Nắm Cơm sắp về rồi. 

Ăn tối sớm xong, Dương lưu luyến mà nhét vào tôi cả nắm kẹo bi "chocolate", mà tôi cũng lịch sự cười nhận lấy. 

 

***

 

Lại bốn năm nữa qua đi, tôi không thể về Hòa Bình, ba mẹ ngày càng bận rộn tôi không thể đòi hỏi mọi người vì những lý do vớ vẩn của mình. Ba tôi về muộn hơn, tối nếu tôi ngủ sớm có lẽ vài ngày liền không gặp được. 

Tôi cũng ngừng viết thư, tôi sợ bản thân mình sẽ không kìm được hỏi Nắm Cơm chuyện gia đình. Tôi sợ mình làm nàng đau lòng. 

Ba mẹ Nắm Cơm ly hôn rồi!

Sau khi sinh em trai của nàng, họ ra tòa. Nắm Cơm và em trai ở với mẹ, ba cô ấy rời đi để lại căn nhà cho ba mẹ con. Cũng không rõ lí do gì chú quyết định ra đi tay trắng như vậy. 

Mọi người nói ba Nắm Cơm thật tử tế, trả nợ cho vợ cũ rồi còn để lại nhà cho trong khi vợ đi đong đưa với hết người này người kia, chơi bạc thua cả trăm triệu. 

Tôi nghe nói Nắm Cơm rất khổ, mẹ nàng không quan tâm để em trai cho nàng chăm sóc. Hàng xóm nhìn Nắm Cơm hết giặt đồ rồi lại phải bế em, thành tích từ đấy cũng tuột dốc. Người ta thương mà không giúp nổi, mẹ còn đó chả nhẽ họ lại mang hai đứa về cưu mang. Nghe kể lại tôi tự hỏi ngoài chuyện nàng còn nhỏ ra thì nàng có khác gì một người mẹ chăm sóc con đâu. 

Tôi hỏi mẹ liệu có thể gọi điện về đó không, mẹ cau mày bảo để mẹ nghĩ. 

Vậy nên từ đó tôi không hỏi lại nữa, bà không thích mẹ Nắm Cơm. Tôi biết, tôi vẫn luôn biết chỉ là tôi nhớ nàng. Nhớ đến mức cứ nghĩ đến là lại cay cay sống mũi, chỉ nghe nàng nói một câu thôi cũng đủ rồi. 

Mẹ tôi là người thù dai, bà kể không dưới mười lần chuyện ngày mưa. Nắm Cơm chạy vội về nhà sợ mẹ mắng, bà thương quá bảo cứ ở lại có gì để bác sẽ nói giúp. Nàng sợ mẹ không dám không về! Cơn mưa ấy mưa hết cả buổi trưa, muộn giờ lấy hàng mẹ vội vàng đạp xe đi thì thấy Nắm Cơm đang co ro, môi tím ngắt ngồi ở dưới mái hiên. Một con bé con mặc đồ ở nhà mở to mắt nhìn ra cổng chờ mẹ nó về, đến cả cơm chưa cũng chưa được hột gạo nào vào bụng.  

Mẹ tôi lúc nào cũng nhấn mạnh mưa ở Hòa Bình đáng sợ thế nào, sấm chớp nổ như xé cả trời. Bà giận lắm nhưng chỉ có thể để nó trong lòng mình.

Tôi lớn dần mới hiểu tại sao mỗi lần tôi ngỏ ý sang nhà Nắm Cơm chơi mẹ đều gợi ý ý ngược lại:

“Hay là Bánh Bao Nhỏ mời Nắm Cơm sang nhà mình, nhé!”

Trẻ con mà chỉ cần có bạn chơi thì ở đâu chả được. 

Tôi nhớ kỉ niệm của hai đứa ngày xưa, nhưng hình như tôi quên mất nàng đẹp thế nào rồi.

Một lần nữa, cơ hội đến với tôi. Chị gái thi đại học xong sẽ có một kì nghỉ dài, chị về Hòa Bình chơi tặng Nắm Cơm ảnh của tôi. Nàng vui lắm! Ngày hôm ấy chị gọi cho mẹ nói Nắm Cơm muốn nói chuyện.

Tim tôi đập thình thịch nhận điện thoại. 

Đôi ba câu hỏi thăm sức khỏe này nọ, nàng buồn rầu nói nàng không có bức ảnh nào nhỏ xinh để tặng tôi hết. Nắm Cơm còn nói để ảnh tôi trong ví để lúc nào cũng mang bên mình.

Tiền điện thoại rất đắt, tôi chưa kịp nói được nhiều đã kết thúc. 

Nghe giọng nàng vẫn vui vẻ tôi cũng vui theo.

Chị tôi về nhà thông báo Nắm Cơm sống không tệ, bảo tôi yên tâm. Chỉ là phảng phất sau câu nói ấy có chút bực bội khó hiểu. Tôi sợ chị từ nhỏ nên không dám hỏi nhiều.