Yêu từ những điều không hoàn hảo
Thất tịch hôm ấy, cái ngày hàng năm người ta vẫn rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ, cầu chúc cho mối nhân duyên được trọn vẹn. Ngày ấy, trời oi nồng, cảm giác như muốn trút cơn bực dọc của thời tiết lên tất cả những người đang đi tìm kiếm những điều may mắn trong cuộc sống này. Chờ mãi, chờ mãi rồi đến xế chiều, trời mới đổ cơn mưa.
Vài giọt mưa lất phất, rồi to hơn nữa, xua đi cái oi nồng của ngày nắng tháng bảy. Vậy mà những đứa trẻ của tôi vẫn không sợ cái mưa tầm tã ấy, chúng mặc áo mưa, trùm kín người rồi chở nhau trên chiếc xe Wave đã cũ, rủ nhau đi ăn chè đậu đỏ. Con xe đã sờn những lớp sơn, bong tróc ra từng mảng. Nhưng tiếng kêu thì vẫn cứ giòn tan, tựa như vừa được rước về từ một cửa hàng nào đó trong thành phố.
Bọn chúng đánh xe vèo vèo, rẽ nước mà qua nhà tôi, một bà cô già vẫn chưa có chồng. Chúng í ới ngoài cổng, vui như đi trẩy hội, dù ngoài trời vẫn mưa. Trong nhà, nồi chè tôi nấu vừa mới sôi, ánh lửa liu riu cùng làn khói vẩn vơ. Vùi một mẻ rơm, tôi cầm chiếc nón đội lên đầu rồi ra mở cửa, chúng vẫn chưa biết tôi đang nấu chè, nên cứ rủ mãi.
Chờ khi biết được, ngửi thấy mùi nước cốt dừa thơm nồng trong khoang mũi, mùi khói bếp vấn vít xen lẫn với mùi ngai ngái của nước mưa, chúng bảo nhau không đi đâu nữa. Thế là Thất Tịch, cả đám kéo nhau vào nhà tôi ăn chè. Căn nhà nhỏ hôm nay rộn rã tiếng nói, tiếng cười xen lẫn những câu đùa vui.
Lâu rồi, tôi không cảm nhận được không khí ấm cúng như vậy. Bỗng nhớ về ngày xưa, khi gia đình tôi vẫn còn đông đủ, không phải mỗi người một nơi như hiện tại. Mặc dù khi đó, cũng chẳng ai rảnh mà ngồi tám chuyện với nhau. Nhưng không khí của mỗi bữa cơm thì vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Lại có lúc, tôi nhớ về một ngày quen Nguyên, khi đó vốn chẳng biết Thất Tịch là gì, lại càng chẳng biết đến chuyện ăn chè đậu đỏ vào hôm Thất Tịch.
Ngày trước, khi vừa học xong trung học, gia đình đã vội vã chuyển tôi lên một xí nghiệp may ở trên thành phố. Những ngày đầu vào làm thì chẳng quen ai, cũng chỉ cúi mặt rồi làm, hết ngày thì trở về phòng. Tôi vốn trầm tính, ra ngoài lại chẳng có ai thân thích nên càng ít nói chuyện. Cuộc sống bình lặng ấy vẫn trôi qua, cho đến một ngày nó bắt đầu gợn sóng vì Nguyên.
Giữa cái nắng tháng bảy gắt gỏng, trời đổ cơn mưa rào bất chợt. Tôi cầm chiếc ô đứng trước cổng công ty. Trạm xe buýt còn vài chiếc nữa mới đến chuyến xe của tôi, những giọt nước mưa vẫn không ngừng rơi. Tôi nhìn đôi chân của mình, nhìn dòng nước chảy qua mà suy nghĩ miên man. Lúc ấy, có một đôi bàn chân nữa bước đến bên cạnh, hai đôi chân đứng cạnh nhau. Nhưng tôi không ngẩng đầu, chỉ thấy đôi chân đó rất to, nhưng lại rất gầy. Làn da chân đen, có rất nhiều vết chai sạn, đôi dép có phần cũ và rách. Và tôi cứ nhìn như thế, cho đến khi đôi chân ấy thoát khỏi tầm mắt, di chuyển lên chiếc xe phía trước. Còn một trạm nữa mới đến xe về nhà tôi, tôi bắt đầu thấy tiếc vì chưa nhìn được ra người đó.
Cũng bởi vì ngày trước, khi tôi còn ở cùng bố. Tôi đã từng nhìn chân bố rất nhiều, cho đến khi nhắm mắt lại vẫn có thể nhớ được hình hài của đôi chân lặn lội sớm hôm vất vả vì gia đình. Tôi đếm được đôi chân đó có bao nhiêu vết chai, bao nhiêu vết xước. Nhưng bây giờ, tôi chẳng còn được nhìn nữa, cũng chẳng thể bóp chân cho bố mỗi buổi trưa nữa. Vậy mà hôm ấy, tôi lại nhìn được một đôi chân giống chân của bố tôi y hệt, chỉ là tôi còn không biết người đó là ai.
Cuối tuần, các anh chị trong tổ làm việc rủ nhau cùng ăn tối, vừa để thư giãn vừa để mọi người giao lưu làm quen. Cũng chỉ khi ngồi cùng nhau, ăn cùng nhau thì cảm giác nhớ nhà mới vơi đi phần nào. Và Nguyên xuất hiện, trong một không khí ấm cúng như thế.
Nguyên không có vẻ ngoài điển trai như những đứa con nhà giàu, cũng không được hưởng cuộc sống sung túc. Nét kham khổ cùng một vẻ ngoài trải đời hiện rõ trên gương mặt cậu. Nguyên khá trẻ, so với những anh chị trong công ty, nhưng lại lớn hơn tôi đến vài tuổi. Nguyên cũng ít nói, cả bữa cơm đều vâng vâng dạ dạ, cũng chẳng dám làm gì quá giới hạn của lời nói. Sau này tôi mới biết, Nguyên sợ nhất là dùng lời nói làm tổn thương người khác.
Hôm sau, Nguyên lên làm trên công xưởng cùng tôi và các anh chị khác. Hôm nay, tôi mới kịp nhận ra đôi dép cũ và đôi bàn chân gầy gò kia của Nguyên khi cậu đang đứng rửa tay bên vòi nước. Tôi nhớ lại vẻ mặt ngẩn ngơ của mình khi nhìn đôi chân ấy bước lên chuyến xe nọ. Nhưng rồi chợt nhận ra, nó lại đang ở trước mặt mình với biết bao những chuyện mà mình không thể hiểu.
Những buổi tan ca, tôi thường đứng chờ ở trạm xe buýt một mình. Nhưng một hôm, có một người cũng đứng chờ xe cùng tôi. Khu nhà trọ của Nguyên nằm ở phía trước khu trọ mà tôi thuê, thành ra mỗi khi về tôi đều đi qua nhà Nguyên. Ban đầu Nguyên không đi cùng chuyến xe với tôi, nhưng vì sợ một đứa con gái phải đứng chờ xe buýt một mình khi trời tối nên chúng tôi về cùng nhau. Nguyên của lúc ấy, giống như một người bạn, một tri kỷ của tôi trong cuộc sống nơi xứ người...
Chúng tôi trở nên thân quen hơn, sau nhiều lần trò chuyện qua lại. Ngày ấy mạng internet chưa thịnh hành như bây giờ, chúng tôi thường viết suy nghĩ của mình rồi bỏ vào một chiếc hộp sau đó đưa cho người mà mình muốn tâm sự. Đó cũng là một kiểu viết thư, nhưng người nhận thì không được nhắc đến, cũng không được xuất hiện trong đó. Đúng hơn thì nó chính là một cách trải lòng mình cho người khác xem, nhưng lại không cần phải nghe những lời an ủi theo lý thuyết.
Tôi viết vào đó chuyện về cuộc sống, về gia đình mình. Và từ đó, tôi cũng biết được hoàn cảnh của Nguyên. Nguyên và tôi giống nhau, đều phải trải qua vết thương của tình cảm gia đình. Bố mẹ tôi cũng giống như bố mẹ Nguyên, từng có một thời gian sống riêng. Mãi sau này mới tái hợp về một nhà. Cuộc sống của cậu chẳng hề dễ dàng hơn tôi chút nào, bao công việc vất vả khi bố mẹ vắng nhà đều gồng gánh trên vai Nguyên. Cậu sớm đã trưởng thành, cũng đã va vấp nhiều với những tổn thương.
Tôi nhớ mình từng nhìn thấy Nguyên cười, nhưng đa phần đều là khi cậu đọc những câu chuyện tôi viết. Nguyên viết về cuộc sống của cậu nhiều hơn, còn tôi thì viết về gia đình mình rất ít. Chỉ toàn những câu chuyện viển vông mà tôi không nói được, đành viết rồi đưa cho cậu xem.
Vào một ngày nọ của tháng bảy, tôi nhận được tin dữ. Nguyên đã ra đi trong một lần đi mua quà. Tôi tức tưởi chạy đến bệnh viện, chỉ kịp nắm đôi bàn tay đầy máu của Nguyên. Cả khuôn mặt lúc này đều là máu, tay còn lại Nguyên ôm một hộp quà được gói cẩn thận bằng một lớp giấy màu đỏ. Nguyên nhìn tôi, đôi mắt ngấn lệ, đỏ hoe. Trong cái nắm tay thật chặt của tôi, Nguyên thì thào một cách khó nhọc.
- Hà... Thất tịch... vui... vẻ...
Rồi cậu gục xuống trên chiếc băng rô cứu thương, khi cánh cửa phòng cấp cứu đã mở sẵn chỉ cách vài bước chân. Toàn thân tôi như sụp đổ, tưởng như trái tim mình cũng bị bóp thắt lại giống như nỗi đau của Nguyên.
Sau khi gia đình lo hậu sự cho Nguyên, lúc ra về có gửi lại tôi một túi đồ. Lúc mở ra xem, tôi sững người, đó là hộp quà mà Nguyên đã ôm chặt lấy trước khi ra đi. Họ chưa từng mở, chỉ nhìn thấy tên tôi trên tấm thiệp của hộp quà. Dòng chữ màu đỏ tươi được viết thật đẹp mắt. Trong đó chỉ có vỏn vẹn một câu ngắn ngủi "Hà, Thất tịch vui vẻ!" kèm theo một chiếc vòng tay bằng bạc sáng lấp lánh.
Cho đến sau này, tôi mới biết món quà ấy Nguyên đã dành bao tâm tư, bao tình cảm dành cho mình. Cậu đem tất thảy những gì mình có, gói lại rồi trao cho tôi. Đó là tháng lương của cậu qua nhiều lần tích góp, là cảm giác tự tay gói hộp quà cho một người bạn ở nơi xứ người. Cũng bởi vậy, tôi mới biết hôm đó là Thất tịch, cũng là ngày mà ai cũng đều sẽ nhớ về Nguyên.
Mấy năm nay, tôi đã nghỉ việc ở chỗ làm, chuyển về quê sống cùng gia đình. Thi thoảng, tôi sẽ bắt xe lên thăm gia đình Nguyên, đứng ở chỗ trạm dừng mà không ngừng nghĩ về cậu. Và có đôi lúc tôi tưởng mình và Nguyên giống như Ngưu Lang và Chức Nữ. Nếu sông Ngân Hà là bức tường ngăn cách tình yêu của họ, thì tôi và Nguyên lại bị chính bức tường của hai thế giới này ngăn cách.
Tôi từng nghĩ, không biết cậu ở thế giới bên kia có tốt không? Tất thảy những khổ đau của cuộc đời này, sang bên đó liệu có một lần nữa lại bắt đầu. Và một điều mà tôi mong mỏi rằng, ở thế giới bên đó, cậu có thể tái sinh, bắt đầu lại từ chính những thứ còn dang dở của cuộc đời này.
Những năm này, tôi cũng nghỉ làm ngày Thất tịch. Buổi sáng làm một mâm cơm, thắp cho Nguyên vài nén nhang và nấu cho cậu một nồi chè đậu đỏ. Món quà đó tôi không dám dùng, gói thật kỹ rồi bỏ vào nơi thân thuộc nhất. Để mỗi khi nhìn tới, tôi sẽ đều nhớ đến Nguyên. Tôi mang ký ức về Nguyên, cả những tình cảm dành cho cậu trong những bát chè đậu đỏ, mong cậu ở nơi đó, có thể sẽ không cô đơn nữa...
Minh.
05.08.2022