bởi Umio

14
1
1975 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

05. "Không chồng mà chửa"


“Không chồng mà chửa mới ngoan,

Có chồng mà chửa thế gian sự thường!”​[1]

Chuyện xảy ra vào buổi tối hôm đó đã khiến thầy u cái Lúa đâm lo sợ và bảo nhau giữ gìn cô con gái lớn duy nhất trong nhà cho thật chặt. Cái Lúa thành ra lại được thảnh thơi đôi phần, vì cứ hễ chiều chiều đổ bóng trở đi là thầy u chỉ túm đầu sai thằng cu Toản chạy ra chỗ nọ chỗ kia mua mấy thứ lặt vặt. Thế nhưng mỗi lần Lúa cần ra ngoài đi đâu đấy là phải có u kè kè đi theo, nếu u bận thì đến phiên thầy “hộ tống” nó. Còn la cà đi chơi với chúng bạn thì cấm tiệt! Thế là chẳng còn cách nào khác, thi thoảng vài ba bữa cái Na nhà ông Vừ lại chạy sang nhà thủ thỉ với bạn cho đỡ tủi thân, còn hễ hôm nào nó trót ham chơi, bận theo chân đám trẻ ranh đi chăn trâu, thả diều thì cái Lúa chỉ độc thui thủi một mình quanh xó bếp.

Giữa những lúc thời gian thì rảnh rang mà tâm trạng thì rối bời, chẳng hiểu sao cái Lúa đã nhen nhóm một tia hi vọng mong manh từ chuyện xảy ra hôm nào. Rằng u nó sẽ bớt ghét anh Đông đi một chút, rằng u sẽ thấy không phải cứ là con bác Bính thì anh Đông sẽ xấu xa và xua đuổi cái Lúa, ngược lại anh còn chẳng chần chừ gì mà lao vào đánh nhau với cả cậu Trinh - cậu ấm của cả cái làng này chỉ để cứu nó.

Lúa cứ ấp ủ mãi niềm an ủi bé nhỏ ấy cho tới tận khi tiếng ồn ào ngoài ngõ đánh thức nó từ một cơn ngái ngủ buổi sớm... 

- Cái gì đấy, cái gì đấy hở u nó?!

Không chỉ có một mình Lúa bị tiếng ầm ĩ dựng dậy nửa chừng, vừa dụi mắt bước ra khỏi tấm liếp, nó đã thấy thầy đang xỏ áo, thì thầm hỏi u.

- Hình như là làng phạt vạ chửa hoang thầy ạ... Cái Nguyệt con nhà bác Mão xóm dưới...

U nói rất khẽ như sợ bị ai rình trộm bắt quả tang, thế nhưng cái Lúa vẫn nghe thấy. Gần một tháng giời chỉ chôn chân trong nhà, cái Lúa đã lâu không giáp mặt anh Đông, cái Nguyệt, còn thằng Thóc từ bữa biết anh Đông phát hiện ra chuyện giả ma giả quỷ tai quái của chúng nó thì cũng lủi đi đâu không thấy tăm hơi. Thành ra lời nói của u sớm hôm ấy, cái Lúa nghe mà chẳng hiểu gì.

Cho tới tận khi trời đã sáng rõ mặt người, tiếng huyên náo càng lúc càng đến gần khiến nó không nén được cơn tò mò, bèn nhân lúc thầy u không để ý mà chạy vọt ra bên ngoài.

Khi bước chân ra khỏi cổng, cái Lúa được chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng nhất trong cuộc đời nó từ trước đến nay.

Một đứa con gái, mà thoạt tiên nó không nhận ra ngay là cái Nguyệt, đầu bị cạo trọc lóc như đàn ông, trên trét vôi trắng xóa, hai tay bị trói bẻ ngoặt ra phía đằng sau lưng. Đi ngay sau đó là bác Mão, thầy cái Nguyệt, vừa thúc vào người đứa con gái đi trước vừa dắt theo sợi thừng trói tay nó.

Rất nhiều người trong làng lố nhố đi theo phía sau, cái Lúa thấp thoáng nhận ra đám bạn gái quen thuộc của nó cũng có mặt. Đi xung quanh và gây ra thứ âm thanh ầm ĩ nhất là đám trẻ ranh, chúng ném sỏi túi bụi vào người đứa con gái bị trói, miệng ríu rít một bài đồng dao.

- Con chim mỏ nhát,

Nằm trong đống rác,

Gác mỏ kêu trời,

Chửa hoang đẻ lậu, giữa trời ai nuôi! [2]

Đám đông ồn ào cứ nhích dần một cách chậm chạp theo thứ tự kỳ lạ ấy, người con gái đi đằng trước lầm lũi nhắm mắt, nét mặt cam chịu và bất chấp nhưng tuyệt không có một chút gì lấy làm xấu hổ hay sợ hãi. Có lẽ trong đoạn đường ngắn ngủi vừa rồi, nó đã quen với khung cảnh lạ lùng xung quanh mình rồi chăng?

Đờ đẫn nhìn mãi vào đứa con gái xấu số ấy, Lúa giật mình nhận ra đó là Nguyệt xóm Hạ, cái Nguyệt mà mới ngày nào chính mắt nó còn thấy đang líu lo chuyện trò cùng anh Đông ở dưới gốc đa đầu làng.

Mới vài ngày trôi qua, chuyện gì đã xảy ra ở cái làng Sỏi này mà nó không được biết?

Đám đông đã tiến đến rất gần nơi cái Lúa đang đứng chôn chân. Nó vẫn bàng hoàng chưa kịp hiểu cảnh tượng diễn ra trước mắt mình là gì thì thằng Thóc, cái đứa biến mất dạng bấy lâu nay, từ đâu xông tới như một mũi tên vừa bật ra khỏi nỏ. Mũi tên ấy mạnh mẽ lao đi xô ngã đám trẻ con vẫn đang líu ríu bài đồng dao độc ác và ném những viên sỏi lên người cái Nguyệt.

Nhưng thằng Thóc chỉ có một mình.

Nó không đủ sức để cản bọn trẻ con phóng ra những thứ độc địa, cay nghiệt vào người chị mà nó hết mực yêu thương, nó thậm chí còn chẳng ngăn nổi những lời xì xầm bàn tán của đám đông phía sau lưng. Cuối cùng thằng Thóc yên lặng đi bên cạnh Nguyệt, giúp Nguyệt hứng chịu những viên đá cứng ngắc.

Cái Lúa lầm lũi gia nhập vào hàng người càng lúc càng dài. Nhưng thay vì hùa vào hóng hớt cùng những người xung quanh, nó chọn cách đi trong im lặng. Từ tận sâu thẳm thâm tâm mình, cái Lúa nghĩ đó là điều duy nhất mà nó có thể làm được cho Nguyệt ngay lúc này.

Thầy Nguyệt dắt nó đi diễu[3] khắp một vòng quanh làng, cứ đi qua một cổng nhà là hàng người đang đi lại được nối dài thêm một chút. Và khi đi ngang qua nhà bác Bính, cái Lúa gần như ngay tức khắc nhận ra vẻ mặt bàng hoàng sửng sốt của anh Đông. Không biết lúc đó cái Nguyệt có hé mắt ra nhìn anh lấy một cái nào hay không? Và nếu có nhận ra anh đang đứng đó nhìn mình chằm chằm thì liệu cái Nguyệt sẽ có suy nghĩ gì trong lòng...? Quả thực, chính bản thân Lúa cũng rùng mình khi nghĩ đến những câu hỏi ấy.

Đoàn người chỉ dừng lại khi hai thầy con nhà Nguyệt đến được trước đình làng. Đang khoan thai ngự trên chiếu trên ngà ngà chén chú chén anh với nhau, cái Lúa nhận ra ngay có cụ Ký tiên chỉ, cụ Biểu thứ chỉ và các ông, các bác kỳ mục khác[4]. Loay hoay phục dịch trên ấy là bác Tí lý trưởng[5], vừa thấy đám đông nhốn nháo tiến vào sân đình, bác vội lăng xăng chạy lại hô hoán: 

- Trật tự! Trật tự! Thấy các cụ mà cứ láo nháo thế hử? Thằng Ngọ, thằng Ngọ đâu!

Sau màn phô trương quyền lực của mình bằng những tiếng hò hét bở hơi tai, bác Tí bắt thầy Nguyệt dắt nó tiến vào giữa sân đình, quỳ ở đấy đợi đến lúc tra hỏi.

- Trần Thị Nguyệt, con gái Trần Văn Mão xóm Hạ, không chồng mà chửa, nay làng đem ra xét xử. Thị Nguyệt, mày ăn nằm với thằng nào mà đến nông nỗi này?

Đáp lại lời kết tội và tra hỏi của bác Tí chỉ có những tiếng xì xèo của những người dân trong làng tới xem phiên xét xử. Cái Nguyệt cúi gằm mặt, cái đầu trọc lóc bôi vôi trắng lóa lên nhức mắt dưới ánh nắng mặt trời.

- Thằng Ngọ, đánh nó cho tao! Đánh đến khi nào nó chịu khai thì thôi!

Thế là anh Ngọ cầm chiếc roi mây dài quất từng cái lên lưng lên người cái Nguyệt. Cứ mỗi lần roi vụt xuống da thịt, Lúa thấy người cái Nguyệt khẽ nảy lên theo từng cơn. Cùng với nhịp roi lên xuống là những tiếng quát mắng thét ra lửa của bác Tí:

- Này thì chửa hoang! Này thì câm họng!

Đánh cả nửa ngày, mặt trời đã gần đứng bóng, các cụ kỳ mục cũng đã uống tới cút rượu thứ ba mà cái Nguyệt vẫn gan lì không nói lấy một chữ. Bác Tí ra hiệu cho anh Ngọ dừng tay roi, tiến tới thì thầm gì đó vào bên tai Nguyệt. Cái Nguyệt bỗng hơi ngọ nguậy cổ, và nó bắt đầu chậm chạp lướt tia nhìn quanh một vòng những người đang đứng đó. Cứ mỗi lần tia nhìn của nó quét tới người con trai nào, người con trai ấy đều rụt hết người lại như thể muốn thối lui khỏi đám đông.

Cuối cùng, cái Nguyệt dừng lại ở anh Đông. Tia nhìn của nó tĩnh lặng tới mức bất động.

- Nguyễn Văn Đông, con nhà Nguyễn Văn Bính xóm Thượng?

Cái gật đầu của nó như một lời kết tội gián tiếp. Tất cả đều lặng đi trong một giây, và chỉ một giây sau đó tiếng xì xầm bàn tán bùng lên như vũ bão.

Thằng Thóc nãy giờ vẫn đứng im lặng ở cuối đám đông bỗng nhiên rẽ lên và lao đi như mũi tên xé gió đấm thốc một cái “bụp” thật mạnh vào giữa bụng anh Đông.

Ngay tại khoảnh khắc cú đấm ấy chạm tới người anh, mắt cái Lúa hoa lên, tựa hồ như nó vừa đánh rơi trái tim mình ở đâu đó...

***

[1] [2] Ca dao Việt Nam.

[3] diễu: đi qua trước mặt để cho nhìn thấy. 

[4] [5] Trong làng xã Việt Nam cổ truyền, Hội đồng kỳ mục nắm toàn bộ quyền quyết định và  điều  hành  mọi  hoạt  động  của  làng  xã. Đứng đầu Hội đồng kỳ mục là Tiên chỉ và Thứ chỉ. Giúp Hội đồng kỳ  mục  thực  hiện  các  quyết  định,  có  bộ phận chức dịch gồm: Lý trưởng, Phó lý và Trương tuần (hay xã đoàn). 

Năm 1921, người Pháp thay thế Hội  đồng  kỳ  mục  truyền  thống bằng Hội đồng tộc biểu (hay còn gọi là Hội đồng hương chính).  Hội đồng hương chính áp dụng được 6 năm, đến năm 1927 thì phải bỏ vì sự phản đối của dân quê vốn ủng hộ lệ làng cổ truyền. Người Pháp phải thích ứng bằng cách cho lập lại Hội đồng kỳ mục để cùng điều hành việc làng với Hội đồng hương chính. 

Đến năm 1941 thì Hội đồng  tộc  biểu  bị  giải  thể,  mọi  chức năng nhiệm vụ chuyển sang Hội đồng kỳ mục. Hội đồng kỳ mục trở thành cơ quan duy nhất điều hành mọi công việc của làng xã với sự giúp việc của các chức dịch thừa hành đứng đầu là Lý trưởng. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh sau năm 1941.

(Tham khảo Wikipedia và bài viết Tìm hiểu thiết chế tổ chức ở làng xã đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ Pháp thuộc của tác giả Nguyễn Thị Lệ Hà).

Những mô tả về cảnh làng phạt vạ chửa hoang trong chương này dựa vào phim ảnh và một số tác phẩm văn học thời kỳ trước, không thể đảm bảo tính chuẩn xác, cũng như không có giá trị tham khảo.


Truyện cùng tác giả