bởi Umio

21
0
2177 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

04. Cậu Trinh


Khi anh Đông thở dài nhắc nhở cái Lúa “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, chắc anh cũng không ngờ rằng lời nói của mình lại ứng nghiệm nhanh như vậy. Chỉ có điều con ma mà cái Lúa xui xẻo đụng trúng chẳng phải cô hồn dã tử vất vưởng ở đâu, mà lại là một người bằng xương bằng thịt nhưng cũng đáng sợ không kém gì ma quỷ.

Ấy là cậu Trinh, con trai độc của cụ Ký trong làng.

 ***

Năm nay cái Lúa vừa tròn mười bốn tuổi. Đám bạn bè cùng trang lứa với nó đã lũ lượt được thầy u gả đi lấy chồng hết cả. Tính ra ở làng Sỏi này, hạng con gái như cái Lúa cũng sắp sửa “được” liệt vào hạng... ê sắc ế! Thế nhưng ngặt nỗi sau lần sinh non năm ngoái, u cái Lúa ốm một trận thập tử nhất sinh, thầy nó xót u nên chưa vội gả nó đi ngay, ý là muốn trong nhà có bàn tay đỡ đần của cô con gái nhớn.

Những ngày tan chợ sớm, lại được dịp trời hửng nắng, u và cái Lúa hay bảo nhau bắc hai chiếc ghế con con ra ngoài đầu hiên, nó sẽ ngoan ngoãn ngồi im để cho u vạch tóc bắt chấy. Những lúc ấy, thể nào u cũng gí yêu vào trán nó mà mắng rằng:

- Tiên sư nhà mày, to xác rồi vẫn còn phải để u hầu! - Rồi tự dưng u chép chép miệng, đôi mắt đã hơi mờ mờ thoáng qua một vệt buồn. - Nhưng nhớn thế nào vẫn là con u! Sang năm mày đủ mười nhăm, u mới cho mày đi lấy chồng con ạ!

Cái Lúa nũng nịu kêu toáng lên:

- Năm nào u cũng bảo sang năm! Khéo mà mười cái sang năm rồi! Ứ ừ, con mà bị ế, không ai thèm rước là tại u cả đấy!

Mỗi khi nó giả vờ kêu lên như thế, nếu không có mặt hai thằng cu Toản và cu Mít thì thôi, chứ hễ chúng đang thơ thẩn chơi trong nhà thì trăm lần như một - chúng sẽ cun cút chạy lại, vừa ôm chặt lấy chân u vừa lè lưỡi ríu rít:

- Lêu lêu, có người mót đi lấy tồng[1]! Lêu lêu!

Khi ấy, thầy chúng nó - nếu đang ngồi sưởi nắng trên sân - sẽ nạt hai ông tướng kia một trận vì sợ cái Lúa xấu hổ mà đâm sợ việc lấy chồng, rồi sau đó thể nào ông cũng ngửa cổ lên nhìn giời mà tặc lưỡi - y như một vị thiền sư đang đúc kết sự đời:

- Ngẫm ra thì các cụ nhà mình nói cấm có sai, u nó ạ! Gả con gái đi lấy chồng thì phải tìm nhà nào ở giữa làng mà gả, chớ gả đầu làng hay cuối làng, nếu không phải hạng khố rách áo ôm, không có đến cả tấc đất cắm dùi[2] thì cũng rặt một đám ngụ cư[3].

U nó vừa miết cây lược bí vào mái tóc dày của Lúa vừa chua ngoa đáp:

- Đầu làng cuối làng gì tôi kệ sất! Cái Lúa ưng ai thì tôi gả nó vào nhà ấy, chỉ chừa lại thằng Đông con lão Bính!

Cái Lúa lẩn thẩn nghĩ, các cụ nhà nó sao mà nói cái gì cũng đúng thế: giữa làng chẳng phải là nhà cụ Ký tiên chỉ[4] đó sao! Nhà cụ không thiếu gì ruộng vườn, tiền bạc nhưng lại hiếm hoi về đường con cái, cụ chỉ có độc một anh con trai - ấy chính là cậu Trinh.

Cậu Trinh được cụ Ký nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, đến các bậc cha chú trong làng cũng phải kiêng nể gọi bằng một tiếng “cậu”. Mới lên mười, cậu đã được gửi ra Hà Nội để học làm ông Tham[5], ông Phán[6], hay bét ra thì cũng phải là hạng thầy thông, thầy ký[7].

Nhưng cái Lúa sợ cậu Trinh hơn sợ cọp. Cậu đâu có thật thà, chất phác như anh Đông, so với anh, có khi cậu còn chẳng bằng một góc! Lúa chỉ dám trộm nghĩ như thế trong lòng chứ đời nào dám nói ra miệng. Mặc dù nó biết, tụi con gái ở cái làng Sỏi này, hay thậm chí là làng Bầu cạnh bên cũng chẳng ưa gì cậu Trinh.

Cậu đi học trên Hà Nội chẳng biết có được điều hay gì không mà chỉ riêng cái thói chơi bời lêu lổng, háo sắc thì ai ai cũng nhận ra là cậu học rất nhanh.

Những lời đồn đại bay đi khắp làng trên xóm dưới, rằng không biết đã có bao nhiêu đứa con gái tơ đã qua tay cậu, rằng cậu Trinh đã làm cho con Hiền làng Bầu chửa ễnh bụng, tủi hổ tới mức phải bán xới khỏi cái đất này...

Có một đêm giăng sáng, cái Lúa và cái Na rủ đám bạn gái ra sông ngồi hóng gió, khi chúng nó vừa thẩn thơ đi trên đường làng ngập ánh trăng ngọt vừa rúc rích chuyện trò với nhau thì cả lũ bất ngờ ré lên oai oái vì một bóng người con trai thù lù bước ra từ đám cỏ bên đường. Nhưng khi nhận ra đó là cậu Trinh với gương mặt quạu cọ và nửa thân trên trần như nhộng thì cả đám cúi đầu và lặng im rảo bước thật nhanh.

Cái Lúa trẻ con đâu có hiểu cơ sự gì nhưng vì sợ, nó cũng làm theo chúng bạn. Đêm ấy, nằm trong màn với u, nó bèn thậm thọt kể lại cho u nghe và tò mò hỏi:

- Đêm hôm khuya khoắt không biết cậu Trinh rúc vào trong bụi ấy làm gì hở u?

Nhưng chẳng ngờ u nạt nó gay gắt và cấm tiệt:

- Mày mà nghe lời thằng ấy nó dỗ ngon dỗ ngọt rồi theo nó chui vào bụi rậm thì chết với u, nghe chửa!

Cái Lúa đã tò mò một bụng giờ lại còn ấm ách vì tự dưng bị u mắng! U chẳng biết gì sất, nó đâu có ưa gì cậu Trinh cơ chứ! Mỗi lần vô tình bắt gặp cậu trên đường làng, nó đều cố gắng tránh đi thật nhanh. Mặc dầu, cậu chẳng làm hại gì đến nó mà còn đon đả chào:

- A, em Lúa nhà chú Chức đấy nhỉ! Lâu ngày không gặp đã ra dáng thiếu nữ rồi!

Thế nhưng lúc nào nó cũng sờ sợ cái ánh mắt hau háu mà cậu đặt lên trên người nó. Cái Lúa trở mình, xua tan đi suy nghĩ trong đầu và chập chờn chìm vào giấc ngủ trong câu thơ văng vẳng của anh Đông...

Từ ngày anh Đông bắt thóp được cái Lúa vì vụ giả ma giả quỷ trên cây đa, nó chẳng còn nói chuyện với anh thêm lần nào nữa. Nếu như chỉ mới nửa tháng trước, nó còn tìm đủ mọi cách để được ngủ lại nhà chị Loan thì nay nó lại tìm đủ mọi cách để trốn rịt trong nhà, mặc cho u cứ léo nhéo mắng nó ở ngoài sân. Những hôm bất đắc dĩ phải chạy qua nhà chị Loan trông cu Mùi, Lúa cũng ở tiệt trong buồng hoặc quanh quẩn chỗ mấy luống hoa, chứ chả dám bén mảng ra gian bếp như trước nữa. Lần này thì đến lượt chị nó léo nhéo suốt cả ngày. Thế là tự dưng cái Lúa bị gán cho cái tên “thần lười” một cách oan uổng!

Ấy vậy mà Lúa không ngờ rằng nó và anh Đông nói chuyện lại với nhau trong một hoàn cảnh thật éo le.

Hôm ấy giời tối đen như mực vì không có trăng, bác cả và bác hai qua thăm nhà nó, cái Lúa đang thơ thẩn chơi với bọn cu Toản, cu Mít trong sân lập tức bị thầy “triệu” lại, sai ra quán nước bà Ất mua lấy cút rượu.

Trên đường về, chẳng hiểu sao cái Lúa lại bắt gặp cậu Trinh.

Bình thường nó đã sợ cậu thì chớ, lại mới hôm nào bị u mắng cho đầy một bụng ấm ức nên vẫn còn nhớ đời, vừa nghe thấy tiếng cậu cười khanh khách, nó đã cúi đầu lẻn đi như một con chuột. Thế mà khác với mọi hôm, lần này cậu Trinh lại chẳng để nó trốn đi dễ dàng đến thế.

Đường làng vắng ngắt, giời lại tối đen, cậu một mực nắm lấy tay nó, thì thầm vào tai:

- Này Lúa ơi, ngoài kia cậu mới thấy con chim sáo hay lắm, đi với cậu... cậu cho xem... nhé!

Hơi rượu nồng nặc phả vào mặt Lúa, nó nhăn nhó van nài:

- Con chắp tay con lạy cậu, thầy con đang đợi ở nhà... cậu cho con về kẻo thầy đánh con!

Cậu Trinh vốn cao to lại sẵn có hơi men trong người, cậu chẳng để nó nói hết câu đã một tay lôi tuột cái Lúa vào trong bụi cây ven đường, còn một tay cậu bịt chặt mồm nó lại. Cút rượu tuột khỏi tay Lúa rơi “choang” một cái, rượu chảy ra lênh láng khắp mặt đường đất.

Một bàn tay to lớn, lạnh lẽo sờ soạng lên từng tấc da thịt của Lúa, hàng cúc đính trên áo bị giằng ra một cách gấp gáp và thô bạo.

Cái Lúa chưa bao giờ sợ hãi đến thế, nước mắt tuôn rơi giàn giụa khắp mặt khắp cổ, mọi thứ xung quanh tối sầm lại, chỉ còn gương mặt to bè của cậu Trinh hiện lên mờ mờ phía trước. Nó cố gắng dùng sức hét lên thật to nhưng những gì thoát khỏi cổ họng lại chỉ là vài âm thanh ú ớ không tròn tiếng.

Biết rằng không thể kêu cứu, nó dùng hết sức bình sinh để quơ tay quơ chân thật mạnh, mong rằng sẽ có người vô tình đi qua nghe thấy.

Nhưng làm gì có ai... Kể cả có người chứng kiến, thì cũng đâu có ai dám đứng lên chống lại cậu Trinh, con trai độc nhà cụ Ký...

Mùi rượu nồng nặc xộc thẳng vào mũi khiến cơn buồn nôn quặn lên trong bụng, người Lúa mỗi lúc một lả đi, nó thổn thức nhìn lên bầu trời đen thẫm mà kêu cứu một cách tuyệt vọng...

Có ai không.... Có ai không...

- Buông ra!

Tiếng kêu của người con trai ấy xé toạc không gian tĩnh lặng, khiến bàn tay giữ chặt cái Lúa nới lỏng ra một tí, nó thoi thóp cố hít vào mũi vài hớp không khí lành lạnh của buổi đêm.

Anh Đông! Có phải là anh đấy không?!

Bụp!

Sau tiếng “bụp” ấy, cái Lúa bị thả rơi tự do trên đám cỏ vệ đường, nó mê man đi, chẳng còn biết gì nữa ngoài những tiếng đấm thùm thụp dữ dội...


***

[1] Nói chệch của từ “lấy chồng”.

[2] tấc đất cắm dùi: Tấc đất chỉ đủ để cắm dùi, dùng để chỉ phần đất nhỏ bé để sinh sống và canh tác của người nông dân. Thành ngữ “tấc đất cắm dùi” muốn nhấn mạnh sự nghèo hèn đến cùng cực.

[3] Trong xã, sự phân biệt rõ rệt nhất là phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư (còn gọi là dân nội tịch và dân ngoại tịch). Dân chính cư là dân gốc ở làng ấy, còn dân ngụ cư là dân từ nơi khác đến trú ngụ. Sự phân biệt này hết sức gắt gao: dân chính cư có đủ mọi quyền lợi, còn dân ngụ cư luôn bị khinh rẻ. (Trích bài viết Tổ chức nông thôn của Di tích lịch sử - Văn hóa Hà Nội)

[4] tiên chỉ: người đứng đầu Hội đồng kỳ mục ở các làng xã miền Bắc Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Tùy theo phong tục của từng làng mời người có chức tước, phẩm hàm hoặc cao tuổi nhất ra làm. (Theo bài viết Tìm hiểu thiết chế tổ chức ở làng xã đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ Pháp thuộc của tác giả Nguyễn Thị Lệ Hà). Ở chương sau sẽ tìm hiểu rõ hơn về “Hội đồng kỳ mục”.

[5] Tức Tham tá (hay Tham biện): viên chức cao cấp trong các công sở thời Pháp thuộc.

[6] Tức Thông phán: viên chức trung cấp làm việc trong các công sở thời Pháp thuộc.

[7] thầy thông: 1. Nhân viên hạng trung, dưới thầy phán, trong thời Pháp thuộc. 2. Người làm nghề phiên dịch trong thời Pháp thuộc. 

thầy ký: Viên chức cấp thấp làm việc văn phòng ở các công sở thời Pháp thuộc.


Truyện cùng tác giả