1
1.
Một dải đỏ thắm lướt đi giữa quân doanh, nàng cưỡi một con bạch mã phi nước đại, tà áo tung bay trong gió, thướt tha, mờ ảo.
Nàng là Trưởng Công Chúa nhiếp chính của Đại Hằng, một thân quân công, trong tay nắm trọn triều đình, không ai dám chống lại.
Chu Thiển Yên là tên nàng.
Tiếng vó ngựa đều đều vang một vòng quanh doanh trại, bỗng nhiên dừng lại rồi lại chợt dâng lên. Bạch Tuấn mã hí lên một tràng, hai chân trước dậm mạnh xuống nền cỏ xanh, từ trên lưng, một vạt áo đỏ nhanh nhẹn nhảy xuống, xiêm y dài, lả lướt, hai bàn tay trắng nõn nà tựa chân châu, xoa mạnh vào nhau, mái tóc đen dài óng ả tung bay nhẹ nhàng theo gió, dáng điệu mình hạc xương mai uyển chuyển theo từng nhịp bước. Mắt phượng mày ngày, môi thắm tựa chu sa khẽ nở một nụ cười kiều diễm.
- Nguyên tướng quân thấy con tuấn mã mới này của ta thế nào? – Giọng nàng cất lên vừa trầm ổn, dịu dàng lại nhịp nhàng yểu điệu.
- Ngựa tốt. – Phiêu kị tướng quân Nguyên Khải hơi lạnh nhạt đáp lời nàng.
Hắn là đại tướng Bắc bình Man Hung, Nam phá Lang Hoàng, Tây bình Sơn Nhung, Đông diệt Oa Khấu, chiến tích lừng lẫy tứ phương, uy danh chấn động thiên hạ.
Thân mang trọng giáp, hông đeo trường kiếm, lưng dắt huyền đao, tay nắm chặt cương ngựa, thân hình cao lớn, dáng thẳng cứng cỏi. Hắn còn trẻ, mày đậm, mũi cao, hàm én khí chất ngút trời.
Nàng chẳng để ý thái độ của hắn, vẫn tươi cười dắt ngựa đến gần.
- Chẳng hay Nguyên tướng quân bận công vụ gì mà nay đến quân doanh trễ vậy, ngài nhìn xem, mặt trời đã qua đỉnh núi rồi.
- Trưởng Công Chúa điện hạ, sáng nay thần xử lý công vụ ở Quân nhu sở, vừa rồi mới xong nên không thể đến sớm.
Trưởng Công chúa chỉ ồ một tiếng. Nàng đã đứng ngay cạnh hắn, đưa mắt ra hiệu hắn xuống ngựa. Hắn không nói gì, ngay lập tức làm theo.
Hai bóng người một nam một nữ dắt ngựa đi sóng bước. Trưởng Công Chúa trên môi vẫn là nụ cười hoa lệ còn tướng quân chẳng có biểu cảm gì.
- Nguyên tướng quân quả thật lạnh lùng ít nói.
Hắn không đáp.
- Con ngựa này, ta đặt tên nó là Phong Ảnh, là cống phẩm từ Tây Uyển xa xôi. –Nàng vừa bước vừa vuốt ve tuấn mã. – Vốn là dùng để bù cho tướng quân con chiến mã năm xưa.
- Ngựa của thần so với ngựa của các huynh đệ trong doanh cũng chẳng có gì khác biệt, tuấn ma này quá chân quý ngược lại điện hạ vẫn nên giữ lại. Huống hồ, năm đó thần chỉ làm đúng trọng trách của thần tử.
- Ngựa của chủ tướng sao lại cùng loại với lính trán thông thường được. Thân dẫn đầu vạn quân, tính mạng cực kì quan trọng, phải cần có một chiến mã tương xứng. Hơn nữa tướng quân năm đó đã ất chấp bản thân cứu ta một mạng từ cửa tử. Ân tình này bổn công chúa không quên.
- Công chúa quá lời rồi.
Nàng càng cười tươi:
- Quá lời hay không ta còn không biết sao.
2.
Năm đó Nguyên Đế băng hà, Thái tử Chu Kỷ kế vị, tức Ẩn Đế điên cuồng thâu tóm quyền lực, động chạm đến hết thảy cựu thần, quý tộc, sĩ tộc. Ngồi trên ngai cao được ba năm, đầu đã rơi ở Tuyên Chính Điện. Thái Hậu cùng Trưởng Công chúa dẫn đầu binh biến, lập Quả Vương Chu Bang lên làm hoàng đế, hiệu là Huệ Đế.
Chu Bang là con trai thứ 2 của Nguyên Đế, từ nhó bị bệnh nặng sốt cao không dứt, từ đó đầu óc trở nên chậm chạp, trí tuệ kém phát triển, đã ngoài 20 mà tâm trí vẫn như một đứa trẻ.
Vua ngu đần được dựng lên, phù hợp để làm con rối. Thái Hậu và Trưởng Công chúa nhiếp chính thay vua, trên dưới không ai dám trái. Nhưng vài năm trước, Thái hậu bệnh cũ tái phát, mất trên đường đi đến hành cung Hoa Lăng. Triều đình rơi cả vào tay Trưởng Công chúa.
Nàng ngày ngày nghe chính sự, phê tấu chương, bình định phản loạn, chống giặc tứ phương, an dân lợi nước.
Nguyên Lăng trước khi binh biến sảy ra đã là một đại tướng tài năng xuất chúng lại còn là hậu nhân của Nhất đẳng công thần theo Thái tổ lập nghiệp, sớm công danh đã hiển hách, 14 tuổi tòng quân, 16 tuổi đi dẹp loạn cướp ở phía nam, 19 tuổi đánh Lang Hoàng diệt 6000 người, bắt sống chủ tướng buộc Nam quốc thuần phục, 21 tuổi xuất quân phạt Sơn Nhung tiến quân sâu 500 dặm, áp sát kinh đô, buộc nước này hàng năm tiến cống, 24 tuổi phụng mệnh cùng 2 tướng khác, đem binh thuyền đi tiễu trừ Oa Khấu, rồi dẫn quân chi viện Lưu Ly quốc, đánh đến tận kinh đô Oa quốc, đốt cháy thành thị, buộc Oa Đế dâng biểu xưng thần.
Lúc này, Nguyên Khải được triệu về triều, thăng tiến vượt bậc, là trong thần năm giữ binh quyền hùng mạnh mà cả Hoàng Đế và Thái Hậu đều muốn lôi kéo. Nhưng mà sự biến năm ấy, hắn không can dự đã sớm rời kinh lên mạc bắc luyện binh.
Tân đế kế vị, quân Man Hung đã tập hợp lực lượng, lập quốc Đại Phiêu, xưng là hoàng đế, cất quân Nam hạ.
Năm đó Thái Hậu vẫn còn, Trưởng Công chúa võ nghệ cao cường, tinh thông binh pháp đích thân cầm quân.
Nàng vừa đến Bắc Bình doanh đã thấy hắn không vừa mắt, tước lại binh quyền, đốc quân sung trận.
Nàng thảm bại.
Đây không phải lần đầu nàng đối đầu Bắc quân, nhưng một phần vì đánh giá sai số lượng quân địch, một phần coi thường kỷ luật Man quân, cũng bởi vì xưa nay, người phương bắc có mấy khi đoàn kết lại bao giờ.
Năm Vĩnh Lạc thứ 2, trận Lạc Châu cốc trên thảo nguyên Bá Hạc Kỳ, 6 vạn quân Đai Hằng chiến tử. Chủ tướng bị vậy siết chặt, trong tay chỉ còn 6000 thân binh.
Nàng lúc đó nửa ngồi nửa nằm dưới đất, một bên chân đã gãy do ngã ngựa, quân y đang nẹp lại. Ngước mắt thấy Man tộc dày đặc, hy vọng đã tận, nàng toan rút kiếm tự sát để khỏi rơi vào tay địch thì bỗng nhiên, một tiếng hô vang trời xé toạc tiếng vó ngựa Man Hung.
Hắn mang theo 3000 Thiết giáp kị, chọc thủng vòng vây, kịp thời ứng cứu nàng.
Lần đầu tiên nàng tận mắt thấy uy dũng trong lời đồn, lần đầu tiên có một nam nhân chìa cánh tay, bế nàng lên, đặt lên ngựa, lần đầu tiên nàng nghe được câu:
- Điện hạ đừng lo, có thần ở đây.
“Dựa vào đâu chứ?” Nàng thầm nghĩ.
3000 thiết giáp kị cơ bản là chưa đủ. Hắn xua quân mở ra một đường hẹp, trước khi rời đi còn quay lại nói với phó tướng:
- Chặn địch lại, ta đem điện hạ đến nơi an toàn, xong các ngươi cứ nhằm đường đồi phía đông mà chạy.
Hắn thúc ngựa, ghì chặt cương, tay vẫn ôm lấy ta, chạy thẳng về phía Tây.
3.
Trước mặt loáng thoáng một con sông, là đường cùng rồi. Truy binh đang ầm ầm đuổi theo.
Nàng cười nhạt. “Kết quả là vẫn chết!”
Bỗng nhiên, nàng cảm thấy thứ gì đó chọc vào eo mình. Hắn rút đoản đao, rạch một đường chính xác từ eo lên đến hết mạn sườn nàng, một tay kéo mạnh, nàng chao đảo sắp ngã. Lúc nhận ra thì đã thấy chiến giáp của nàng bị hắn ném đi.
Hắn đưa đoản đao cho nàng.
- Xin điện hạ giúp thần cởi giáp!
“Cởi giáp? Bắt một công chúa cao cao tai thượng cởi giáp cho bản thân? Ha ha thú vị! Để xem ngươi tình làm gì?”
Nàng đưa nhẹ lưỡi đao, gỡ trong giáp của hắn, ném xuống ngựa. Đột nhiên một làn hơi phả vào tai nàng. Hắn thì thầm:
- Lát nữa xin công chúa ôm thật chặt lấy lưng thần.
Nàng chưa kịp hiểu, hắn đã quất ngựa chạy gấp, lao thẳng xuống sông.
Nước sông tháng 10 lạnh buốt, nàng chỉ biết yếu ớt dùng cả tứ chi kẹp chặt lấy hắn. Sau một hồi vật lộn, Nguyên Khải bế nàng lên bờ. Nàng đã uống no một bụng nước, đang ôm mặt nôn ra, miệng vẫn chửi rủa:
- Tên đầu đất, ngươi bị điên rồi! Khụ … ọe! Lần đầu tiên … có kẻ dám mạo phạm ta đến thế! Ta không tha cho ngươi.
Hắn không nói, nhấc nàng lên như một đứa trẻ, hắn cõng nàng, chạy thẳng. Nàng quay lại đằng sau, con ngựa mang giáp nặng đã kiệt sức giữa dòng nước, kị binh đại mạc dừng lại bên bờ sông, chúng không biết bơi, nàng đã thoát.
Hắn cõng nàng chạy liền hai canh giờ, cuối cùng, dừng lại bên một gốc cây to lẻ loi giữa thảo nguyên.
- Đêm sẽ rất lạnh. – Hắn nói.
Đặt nàng xuống, hắn đi nhặt cỏ khô và cành củi, còn không quên nhắc nhở nàng ý phục đã ngấm nước, cần thay ra ngay.
Đêm xuống, sương giá thấu thịt. Nàng đã cởi lớp áo ngoài, căng bên ngọn lửa để hong khô, trên người còn mỗi lớp y phục màu thắng. Nàng biết tình hình này là như thế nào, đêm nay hai người bắt buộc phải ôm nhau mà ngủ tránh mất thân nhiệt, nếu không cả hai nhất định chết cóng.
“Hừ! Cũng đâu phải lần đầu nàng gần gũi với nam nhân!”
Gương mặt đỏ ửng, đôi môi hồng trên là da trắng tựa ngọc ngà càng làm tôn lên vẻ đẹp cao sang của công chúa. Nhưng tên kia có vẻ chẳng thèm để ý nàng. Hắn bắt được một tổ chim trên cây, trong tổ có mấy trái trứng to cỡ độ 2 ngón tay, hắn ném vào đống lửa, rồi thêm cỏ khô.
Sau một lát hắn khều trứng ra, lột vỏ, rồi đưa đến trước mặt nàng. Cả thảy năm quả.
- Người phải ăn, bụng đói chịu rét kém.
- Thế còn ngươi?
- Người tuy võ công cao cường nhưng thân nữa nhi, đương nhiên sẽ không có sức chịu đựng của nam nhân.
Nàng nhìn thẳng vào mắt hắn. Như này chính là thực lòng coi nàng như một nữ tử mà bảo vệ.
- Được. Ta ăn.
4.
Hắn cõng nàng đi tiếp từ sáng sớm, dẫm lên những ngọn cỏ đã kết băng kêu lộp rộp. Đi đến chiều thì gặp được quân binh, nàng cùng hắn ngồi xe đi về.
Hắn nhẹ nhàng đặt nàng duỗi thẳng chân, rồi ngồi men một góc, nhìn qua khe cửa.
Nàng nhìn hắn, nhìn chăm chú, không biết đã về đến quân doanh từ khi nào. Những binh tướng hắn đem theo cứu nàng đều đã quay trở về còn có tàn binh của nàng nữa. Trưởng công chúa nhìn ra ngoài, thực sự hổ thẹn.
Nàng trả lại binh quyền cho hắn. Hắn cầu viện triều đình, chuẩn bị quyết chiến với kẻ thù. Hắn đã chọn những binh tướng tinh nhuệ nhất, khổ luyện không ngừng cả năm trời, chỉ chờ cho trận này. Cũng may, nàng chưa phá hết công sức của hắn, tuy trận thua vừa rồi mất một nửa quân lực nhưng tinh binh hắn lao tâm bồi dưỡng vẫn chưa bị động đến.
Man Hung đã gửi chiến thư, lời lẽ vô cùng ngạo mạn. Hắn ấy thư, đọc to cho tướng sĩ nghe, lòng ai cũng bừng lửa giận, quyết báo thù cho huynh đệ tử trận. Nàng cũng chống một bên nạng mà đến nói với hắn:
- Ngươi phải thay ta báo thù!
- Được. – Hắn đáp.
Tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 2, trận Bá Hạc Kỳ, cách trận Lạc Châu cốc 1 tháng. Đại Hằng 9 vạn quân, Đại Phiêu 13 vạn, cùng dàn trận đối nhau trên thảo nguyên.
Quân Bắc hung hăng ỷ khinh kị cơ động, sức càn quét cao, lại còn có xạ tiễn vừa đánh vừa lui, triển khai thế trận vu hồi, tấn công mạnh theo từng đợt.
Đại Hằng không có nhiều ngựa chiến, không thể lấy Kị đối Kị nhưng Nguyên Khải đã có tính toán.
Bộ binh nặng bọc giáp toàn thân, tay đem khiên dày xếp lên đầu, sau đó là những thương binh cầm thương dài hơn hai trượng, có một đầu bọc sắt dài đến gần 3 thước đứng đằng sau, bày thành nhiều khối thép kín bốn mặt, y như con nhím xù lông.
Xạ tiễn vô dụng, trọng thuẫn lại có thể chịu được những đợt xung kích, hơn nữa mỗi lần kị binh Man lao lên là một lần bị đánh bật, nhưng mũi thương tua tủa thậm chí còn không cho phép người ngựa tiếp cận lớp trong.
Hai bên quần nhau đến chiều, nhân mã hết lớp này lớp khác xông lên quyết chọc thủng tường thép, lính thương lính khiên hễ người này mệt người kia lên thay, tuyệt không buông lỏng.
Quân địch đông hơn nhiều, lại có lợi thế bình địa nhưng không sao tận dụng được. Mãi đến khi mặt trời bắt đầu ngã dần về phía tây. Người ngựa đã mỏi mệt mà hàng thủ của Hằng quân vẫn vững như bàn thạch. Đại tướng bên địch chuẩn bị cho lui binh thì đột nhiên tiếng trống trận nổi lên, thuẫn binh đổi đội hình, từng khối sắt hợp lại thành một bức tường dài, những ngọn thương đã hạ bớt.
Tướng địch đã nóng lòng định kết cục, thấy hàng phòng ngự bị trải mỏng, lập tức dồn hết quân khinh kị tinh nhuệ nhất tạo thành một mũi tiến công phá trời. Tiêng vó ngựa lao thẳng về chiến tuyến.
Lúc này, Nguyên Khải mới lôi con át chủ bài ra. Đội cung nỏ dàn hàng, mạnh ai nấy khai hỏa về kẻ địch.
Nỏ này vốn là do cuộc Tây chinh bắt được, mạnh hơn nỏ thường, bắn xa gấp rưỡi cung bình thường, tuy tốc độ bắn chậm hơn nhưng có thể thay phiên nhau duy trì hỏa lực.
Một đoàn người đang lao nhanh từ dốc xuống, hoàn toàn không có khả năng chuyển hướng giống như một mũi tên đã bắn đi, không thể cản lại.
Sau một hồi khói lửa, tàn quân Man tháo chạy thục mạng. Lúc này, thế cục đã định, đội xạ kị ngay lập tức được tung ra càn quét nốt bãi chiến trường.
Đây là nơi toàn bộ tâm huyết hắn đổ vào. Hắn đã gom tất cả số ngựa có thể, dùng hơn một năm tuyển chọn những tay thiện xa cừ khôi nhất, nhưng kỵ binh xuất sắc nhất mà luyện ra. Đánh theo chiến thuật của hắn. Xạ kị của uy dũng Man Hung lúc này chỉ biết tháo chạy trước xa kị của Hằng quân, bị truy quét gắt gao.
Trận Bá Hạc Kỳ, hai bên giao tranh 2 ngày một đêm. Man Hung đại bại tổn thất gần 10 vạn đại quân.
5.
Tin thắng trận bay về triều đình, hắn được phong Phiêu kị đại tướng quân tước Vũ Bình hầu, thực ấp 3000 hộ. Lệnh trấn thủ phương bắc, chuẩn bị Bắc phạt. Sau cuộc đại chiến, tù binh, ngựa, khí giới thu được rất nhiều. Hắn lại dồn tâm tư huấn luyện kỵ binh. Kỵ binh hạng nặng, hạng nhẹ, xạ kị, chiến xa, lính nỏ liên tục được bổ sung số lượng lẫn chất lượng.
Lương thực, tiếp tế, quân nhu được đích thân Trưởng Công chúa giám sát. Toàn quân chuẩn bị trong 2 năm, đến nay chính thức phát động Bắc phạt.
Tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 5, trận A Bì Khố, chiến xa trang bị loại nỏ cỡ lớn gắn cố định có thể bắn liên tục 10 mũi tên hoàn toàn áp đảo kị binh thông thường.
Tháng 4 trận trên đồi Lung Khâu, kị binh Phiêu quốc mất đi khả năng cơ động do địa hình gồ ghề sỏi đá chỉ biết tháo chạy.
Tháng 7 giao chiến bên bờ sông Lý Mạch, kỵ binh kẻ địch đã học cách dùng đội hình dài, linh hoạt di chuyển khúc khuỷu, né tránh cung nỏ chiến xa nhưng nhưng lại thất bại vì bị thiết kị Hằng quốc chèn ép về phía sông, tuy cả hai bên thương vong đều lớn nhưng Man Hung đã phải thoái lui cố thủ trong thành trì.
Tháng 8 trận thành Lộc, những cỗ máy bắn đá được những người thợ đến từ Tây Uyển xa xôi kỳ công chế tạo trong nhiều năm cuối cùng cũng được đem ra sử dụng, uy lực kinh người. Tường thành sụp, dân quân trong thành bị diệt.
Tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5, 15 vạn quân Đại Hằng đã đứng trước Đế đô Phiêu quốc. Thác Đà Lộ, hoàng đế phương Bắc, tập hợp hết quân lực có thể, lên tới hơn 18 vạn, quyết chiến một trận cuối cùng.
Quân Phiêu tiến công theo hình nêm, chia thành từng mũi tên tiến công nhỏ nhằm chọc thủng tuyến phòng thủ bộ binh. Từng tốp kị binh trăm người, dẫn đầu bởi 50 thiết kị cảm tử, lao đến từng đợt chọc thủng được lớp phòng thủ dày đặc của trọng binh phương Nam. Vốn theo đà sẽ tản ra chém giết rồi quay ngược trở lại làm rối loạn hàng ngũ đối phương nhưng từ sớm, Nguyên Khải đã xắp xếp một tuyến tường khiên thứ 2. Lớp này tuy mỏng yếu hơn nhưng vì kị binh đối phương vì xông pha trận địa vốn đã mất đi đội hình lại thêm việc không còn khoảng trống thích hợp để có thể triển khai lại mũi tiến công nên nhanh chóng từng nhóm bị cô lập.
Phiêu đế dẫn toàn bộ quân đội còn lại đứng chờ tình hình, chỉ thấy phòng tuyến đã bị phá, bụi bay mịt trời, chắc mẩm cơ hội giáng đòn cuối đã đến, ông ta thúc toàn bộ quân, xông thẳng về phía trước.
Cái bẫy này đã tốn quá nhiều công sức mới bày ra được, Nguyên Khải nào để vụt mất con mồi. Khi đối phương tấn công chính là lúc dễ để lộ sơ hở nhất. Ba cánh cùng lao tới nhưng bên sườn lại bị hớ hênh. Trống vang lên, cờ súy phất phới, đội Thiết giáp kị nhanh chóng xuất phát từ đằng sau bộ binh, vòng một đường thọc thằng vào mạn sườn hai cánh trái phải.
Thiết giáp kị tuy không nhiều, xét ra chưa thể đường đường cạnh tranh được với chiến mã đại mạc nhưng vào những lục như này, mỗi đòn tung ra đều là đòn hiểm, nhanh chóng hai cánh bên của Phiêu quốc hỗn loạn, trung quân đối đầu trực diện với hơn 1 trăm chiến xa, bị đánh bật ra. Bộ binh cũng không rảnh rỗi, nhanh chóng lập thành vòng vây, ép chặt kẻ địch chỉ chừa ra một lối thoát nhỏ.
Lúc này thì sự kỷ luật của Bắc quân hoàn toàn sụp đổ, thấy sinh cơ bọn chúng tranh nhau, dẫm đạp, xô đẩy, toàn quân tan vỡ. Phiêu đế thấy thế cục, rút gươm tự sát. Kinh thành bị đốt trụi, Hằng quốc truy binh tàn sát đến mấy trăm dặm.
Đầu Phiêu đế được gửi về kinh trong một cái hòm vàng. Cả nước chấn động. Năm đấy Nguyên Khải mới qua 27 tuổi.
Công danh này đã vượt quá bất cứ công thần khai quốc nào, trên dưới xôn xao, đến cả Hoàng đế đần độn cũng vỗ tay đôm đốp.
Bình định những vùng chiếm cứ được, hắn cùng Trưởng Công chúa khải hoàn về kinh, trên dưới cả thành cùng ra đón.
Những tên quan trong triều dần tìm cách lôi kéo hắn chống tại Trưởng Công chúa thế nhưng từ sớm, hắn đã trở thành cái cột chống to nhất cho quyền lực của nàng.
6.
Năm Vĩnh Lạc thứ 6, vùng đất mới chiếm được được giao cho Lăng vương, em cùng mẹ với Trưởng Công chúa trấn thủ. Hắn về kinh nhậm chức Đại tư mã.
Chưa đầy 30 tuổi mà nắm binh quyền như thế này, kim cổ hiếm có.
Nhưng phụ mẫu hắn đã mất, hắn chưa lập thất, phủ đệ trống vắng. Khắp nơi những bức thư cầu thân nườm nượp gửi đến Nguyên phủ nhưng hắn đều từ chối. Dần dần chẳng ai dám tơ tưởng nữa, phân vì họ cho rằng tâm hắn sắt đá, phần vì sợ Trưởng Công chúa.
Trường Công chúa sớm đã nhìn trúng hắn.
Nàng từng rêu rao sẽ nạp hắn vào phủ. Nhưng có điều, hậu cung của nàng đã có quá nhiều nam nhân, đều là trang anh tuấn lắm tài lại còn dẻo miệng. Ở cái thời nam tôn nữ ti này nhiều kẻ không vừa mắt nhưng tuyệt không dám ho he nửa lời.
Hắn cũng biết rõ.
- Công chúa muốn ta. Cũng được. Chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện.
Mắt nàng sáng rực lên:
- Điều kiện gì?
- Thứ nhất, giải tán hậu viện, đưa hết đám bám váy kia ra khỏi phủ. Thứ 2 không được cản trở việc trong quân doanh của ta. Thứ 3, ta có thể thề với công chúa, cả đời không gần nữ nhân khác, công chúa cũng phải thề với ta chùng nào ta còn sống, tránh xa tất cả nam sắc.
Nàng suy nghĩ một lúc, đến cuối vẫn là tự hồi phủ. Nhưng nàng chưa bỏ cuộc, nam nhân càng cứng rắn, càng khó chinh phục thì càng kích thích nàng. Nên mới có những chuyện dây dưa không dứt, khiến hắn phải phục tùng.
Nhưng vô dụng.
Nàng đã càng bước càng sâu, càng đi càng xa lầy không thể nào dứt ra được. Bảo nàng cả đời chỉ thuộc về một người, nàng không làm được, nhưng bảo nàng sống thiếu hắn, cái này cũng khó khăn.
Nàng nhớ những đêm trăng sáng cùng hắn ngồi một mình trên tòa lầu cao uống rượu ngắm trăng.
Nàng nhớ những bầu trời đầy sao trên thảo nguyên.
Nhớ cảnh nàng và hắn lưng dựa lưng chiến đấu. Nhớ sự chu đáo của hắn. Nhớ nụ cười ấm áp, ánh mắt kiên định.
Nàng nhớ một đêm sưởi ấm cho nhau dưới gốc cây nọ.
Nàng cuối cùng vẫn là không chịu được. Ra một đạo thánh chỉ, cưỡng ép hắn lấy nàng.
Nàng ngớ Tết Nguyên Tiêu năm đó, hắn và nàng ngồi uống rượu trong một góc ngự hoa viên. Cả hai không nói gì, chỉ nhìn đối phương. Trong đôi mắt hắn có một sự tĩnh lặng mà xa xăm. Trong đôi mắt nàng lúc đó chỉ có hắn.
Hắn chẳng bao giờ cự tuyệt nàng nhưng cũng chưa từng để nàng thực sự gần với hắn.
Nàng biết hắn có để nàng vào lòng. Thế nên nàng hi vọng.
Nàng chỉ nghĩ về nàng.
Chưa từng thực sự quan tâm đến tâm ý hắn.