Căn cao số nặng
Vạn năm lịch sử, ngàn câu chuyện bị lãng quên, trăm huyền thoại trôi về miền ký ức. Ngược dòng thời gian, chiếc chìa khóa khai mở cánh cửa giao thoa giữa quá khứ và hiện tại đang nằm ở nơi nào?
***
Người ta vẫn hay mỉa mai, rằng: "Nhỏ không học, lớn làm nhà báo".
Thỉnh thoảng, sẽ có những lúc tôi ước điều đó là sự thật. Ước gì không cần đi học vẫn có thể viết báo, không cần trầy trật lăn lộn khắp nơi mà tin bài vẫn lên đều đều, không phải một ngày nọ leo sáu tầng lầu tòa B1 chỉ để nghe tin bữa đó nghỉ học...
Ước gì!
"Thuyên Huỳnh: Bài này của em được đăng, nhưng chụp lại ảnh cho chị nhé! Học cả cách dùng iso với đèn flash luôn đi, cháy sáng hết rồi."
Tôi nghe sau lưng kêu rắc một tiếng khi dòng tin nhắn được gửi đến. Nếu không phải đang nằm trên giường, tôi cá mình sẽ ngã quỵ xuống đất rồi kêu khóc thảm thiết. Người gửi tin thật biết đùa, đặc biệt là đùa giỡn với cái cột sống đáng thương của tôi.
"12 giờ trưa rồi!"
Tôi gào lên trong tâm tưởng. Ai bảo làm báo nhàn nào?
Vì vài bức ảnh không kiểm soát được ánh sáng mà tôi - phóng viên thực tập - vừa mếu vừa thu gom đồ đạc cần thiết, giữa trời nắng nóng 40 độ mò ra đường. Đã là lần thứ ba trong tháng tôi bị yêu cầu đi chụp lại. Nếu còn tiếp tục gửi về những file ảnh lỗi như hôm nay, chẳng mấy chốc Trưởng ban Văn hóa - Xã hội sẽ thẳng tay đá tôi về lại ban cũ mất.
- Dốt hết phần thiên hạ! - Tôi ngửa mặt lên trời tự trách.
Còn nhớ, hồi mới học năm ba, chị Trang - leader trong nhóm học tập đã dạy đi dạy lại cho tôi cách sử dụng thành thạo máy ảnh. Ấy thế mà rốt cuộc, đứa em chị tâm huyết chỉ bảo từng tí vẫn chỉnh chế độ về "Auto" mỗi lần bấm máy. Giả như tầm này chưa xuống Hải Phòng, hẳn là chị sẽ không ngần ngại phi xe đến tận nơi để đánh cho tôi vài cái vì quá thất vọng.
Trong lúc tôi đang nhọc lòng với những iso, khẩu, tốc... thì chiếc xe bus đã dừng trước cổng di tích Hoàng thành Thăng Long. Vừa xuống xe, tôi liền trông thấy dáng vẻ quen thuộc của chú Thành bảo vệ. Giống mọi khi, chú phe phẩy quạt, cười toe toét với tôi:
- Nắng nôi như này vẫn phải chụp à?
- Hôm vừa rồi con set lỗi hình chú ạ. - Tôi uể oải đáp lại, thuận tay chỉnh một chút thông số của chiếc máy ảnh đeo trên cổ. Trời Hà Nội vào hè chẳng khác chảo dầu sôi là mấy, màn hình cảm ứng rất nhanh đã nóng rãy dù tôi mới bỏ máy ra chưa lâu.
Chú Thành đi tới nhét vào ngăn bên ba lô của tôi một chiếc ô màu xanh gấp gọn, ân cần nói:
- Cầm lấy mà dùng, lại say nắng ra đấy thì khổ.
Rồi chú bỗng nhìn quanh, đè thấp giọng:
- Sớm nay chú thấy người ta khai quật được vài thứ, mày có muốn xem thử thì vào kia bảo chị soát vé là chú Thành "mời". Nói khéo thôi nhé!
- Thật hả chú? - Tôi sửng sốt, hai mắt sáng quắc như đèn pha. - Cái này... có bên nào tới chưa ạ?
- Chưa, nhưng be bé cái miệng! - Chú vội giơ ngón trỏ lên làm dấu im lặng, giọng càng lúc càng nhỏ rí. - Mày xem thôi đừng quay chụp đấy. Người ta không công bố tin tức ra ngoài đâu, nghe bảo tìm thấy cái trang sức gì lạ lắm...
Nói tới đây thì chú phải ngưng lại để quay vào bốt (1) tiếp nhóm khách Tây đến gửi xe.
Tôi cười hề hề, giơ tay chào chú xong liền co giò chạy biến. Thông tin đã "hot" còn "private" (2) như thế, mấy khi có dịp tới trước người khác. Là một phóng viên yêu nghề, tôi không thể bỏ lỡ cơ hội tốt vậy được.
***
Nhờ chú Thành gửi lời, ban quản lý nhanh chóng thu xếp "tuồn" cho tôi dây đeo thẻ riêng. Có nó, tôi nghiễm nhiên nhận một vé tham dự buổi thuyết trình của đoàn khảo cổ lúc hai giờ chiều dù chẳng có nghĩa vụ gì ngoài... hóng hớt.
Thật ra, tôi là một trong số ít những người chú Thành nhớ mặt, và cũng là số rất ít người biết thân phận thật của chú. Ông chú này ngồi trông xe vì về hưu rảnh rỗi, chứ ngày còn trẻ chú làm to lắm, anh con trai chú bây giờ cũng thế. Tôi không tiện "flex" về chú Thành, nhưng đi đến những nơi như cơ quan hành chính hay di tích quốc gia, nếu tôi đưa thẻ bảo người quen của chú là họ sẽ đồng ý cho qua ngay. Được nhận ưu ái này cũng do tôi từng đến đây thường xuyên, đặc biệt có "tiền án" làm mất thẻ xe nhiều lần. Trước khi chính thức tốt nghiệp, tôi có ba năm chạy vị trí mẫu ảnh nữ và content cho một studio chuyên chụp áo dài, Việt phục tại di tích. Nội trong vòng một năm đầu làm việc ở đó, tôi không đếm nổi số tiền phạt đã cống nạp về ban quản lý là bao nhiêu. Lâu dần, chú chẳng buồn phát thẻ cho tôi nữa, cứ vậy mà gửi xe vào.
"Mất tao đền cho con SH!"
Chú đã nói thế, tôi cũng không khách sáo làm gì.
Lấy ý kiến phỏng vấn khách du lịch xong, tôi tức tốc lượn một vòng trong bảo tàng, không quên chụp lại toàn bộ những tư liệu cần thiết. Lần này cẩn thận hơn, tôi đã tra mạng rồi chỉnh thông số theo đúng hướng dẫn. Ảnh chụp ra đều đáp ứng yêu cầu tối thiểu, không quá sáng cũng không quá tối. Sau khi check đủ file, tôi vội vã đi thẳng sang khu khảo cổ.
Sinh ra ở Hà Nội, lại gắn bó với Hoàng thành một thời gian dài, tôi gần như thuộc lòng mọi ngóc ngách tại đây, bao gồm cả những nơi hiện vật được trưng bày. Nhưng lạ ở chỗ, dù yêu thích và đỗ đại học với điểm môn Sử cao chót vót, từng đọc rất nhiều tài liệu lịch sử, nghe rất nhiều giai thoại, xem rất nhiều thông tin... thì bằng cách thần kỳ nào đó, cứ được một thời gian là tôi quên sạch. Hoặc nếu có nhớ, thì sẽ nhớ theo kiểu chắp vá. Thậm chí, có những kiến thức tôi đọc đến đâu chữ trôi tuột ra đến đấy, chẳng đọng lại được gì cả.
Ví dụ như lúc này.
Nửa tiếng trước, tôi rất chăm chú ngồi nghe bà chị thuộc đoàn khảo cổ thuyết minh về công trình kỳ lạ họ mới khai quật. Nhưng chỉ vài phút ngay sau khi đoàn người rời đi, tất cả những thứ còn sót lại trong đầu tôi là mấy cụm từ rời rạc: "thời Đinh - Tiền Lê", "cuối thời Lê - đầu thời Lý", "ngà voi", "trâm đá", "Khai Minh Vương"...
- Đúng là nước đổ xuống ao! - Chẳng biết là do ở ngoài trời nắng quá lâu hay vì bất lực với sự yếu kém của bản thân mà tôi thấy người chả còn tí sức lực nào, tùy tiện ngồi phịch xuống đất.
Một trong những lý do tôi đi làm bị mắng suốt ngày chính là bởi sự khó tập trung ghi nhớ. Công việc phóng viên đôi khi đòi hỏi cái đầu nhanh nhạy, khả năng tốc ký để theo kịp tin tức sự kiện. Vừa hay, tôi mỗi thứ đều thiếu một chút nên khi kết thúc thực tập chỉ mỗi ban Văn hóa - Xã hội của tòa soạn đồng ý nhận về. Phần lớn những bài không phải tin gấp trong ngày sẽ đẩy xuống cho tôi chịu trách nhiệm.
Nhưng con người mà, ai cũng có kỳ vọng riêng vào bản thân mình. Tôi không ước mong giỏi chuyện cao siêu như giải cứu thế giới, tôi chỉ muốn hoàn thành tốt tiêu chuẩn chính mình đặt ra, ít nhất là làm được việc.
Ngặt nỗi, lý thuyết suông bao giờ nghe cũng hay hơn thực tế.
Thẫn thờ suy ngẫm một hồi lâu, tới lúc đỉnh đầu nóng lên và trước mắt xuất hiện những vệt màu lòe nhòe, tôi mới sực nhớ ra mục đích chính, bèn vội vàng đứng dậy.
Nhân lúc đoàn người vắng mặt, tôi rón rén lại gần chiếc lán được cho là đang để cổ vật mới mang lên từ lòng đất. Biết lẻn vào khi chưa xin phép là sai, nhưng con quỷ tò mò trong tôi cứ muốn nhìn qua một chút, chỉ một chút thôi. Hơn nữa, tin tức này về sau không được đưa lên mặt báo hay truyền hình. Việc để một phóng viên như tôi cùng nghe thuyết minh đã là nể mặt chú Thành lắm rồi. Trước khi rời đi, chị gái ấy còn dặn tôi nếu có xem được vật kia cũng đừng mang chuyện ra ngoài.
- Kín miệng là được, kín miệng là được... - Tôi lẩm bẩm, tay dứt khoát vén rèm bước vào.
Trong lán bật đèn sáng trưng, vậy nên tôi ngay lập tức trông thấy chiếc hộp bằng kính đựng cổ vật đặt trên bàn. Khi đến cạnh bàn để nhìn cho rõ, tôi đột nhiên hiểu vì sao người ta lại không công khai tin tức này.
Vật được tìm thấy hóa ra là một cây trâm cài tóc, tình trạng còn khá nguyên vẹn. Trên tờ giấy ghi chú dán ngoài hộp viết dòng chữ lớn bằng mực đỏ:
Phỏng đoán niên đại hiện vật: thời Đinh - Tiền Lê.
- Vậy là hơn nghìn năm trước? - Tôi nheo mắt hoài nghi, cảm thấy hết sức khó tin.
Tuy không có kiến thức về khảo cổ học nhưng tôi nắm tương đối rõ tiến trình lịch sử nước ta. Thuở xưa, kinh đô Thăng Long vốn khởi phát từ vương triều nhà Lý (3), đến nay đã trải qua biết bao đời vua và cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Tại đây cũng diễn ra hàng trăm lần xây dựng và trùng tu tòa thành. Chưa kể, cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp lúc xâm lược đã thẳng tay phá bỏ hành cung điện Kính Thiên để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh. Vì chiến tranh oanh tạc liên miên cùng thời gian tuyến tính nên các di vật khảo cổ khai quật lên sau này phần lớn đều vỡ, ít có thứ nào lành lặn. Việc một món đồ từ tận thời Đinh - Tiền Lê xuất hiện ở Hoàng thành Thăng Long với trạng thái gần như hoàn hảo vậy quả là chuyện rất lạ. Nếu không khảo cứu và thẩm định cẩn thận thì đúng chẳng ai dám công bố ra trước truyền thông.
Vả lại, tôi đoán đấy chưa phải lý do duy nhất để người ta giấu vụ cây trâm. Lúc phóng đại chi tiết trâm qua chiếc kính lúp, điều bất thường ở kiểu dáng xuất lộ khiến tôi vô cùng bất ngờ. Tạm bỏ qua những vết tích cũ nát bên ngoài bởi bề mặt trâm không có khác biệt so với những món đồ mang lên từ dưới đất, đều đã in dấu thời gian cả trăm nghìn năm. Điểm đáng chú ý là cách thiết kế nó: phần thân trơn thẳng, dài khoảng hai mươi lăm centimet, đầu mũ trâm điêu khắc phỏng theo nguyên bản hình hoa hướng dương. So sánh chính xác thì tổng thể cây trâm khá giống một cành hoa, cực kỳ sống động.
Tôi từng xem nhiều hiện vật trang sức cổ là trâm rồng, trâm phượng... song loại trâm có phần mũ hoa hướng dương chắc chỉ gặp trên sàn thương mại điện tử, hoặc trong các shop phụ kiện. Mẫu trâm này mang những đường nét quá đỗi hiện đại, đặt chung vào bối cảnh thời phong kiến thực sự rất khập khiễng. Hơn nữa, càng nhìn nó lâu, tôi càng cảm thấy bất an. Có điều gì đó không đúng ở đây, nhưng tôi lại không lý giải được.
Nghi vấn mơ hồ dần kích thích trí tò mò tới cực đại, tôi bỗng nảy sinh một ý đồ sai trái - muốn mở hộp xem chất liệu hiện vật.
Thế nhưng, ngay khoảnh khắc tay vừa chạm vào lớp kính, một luồng khí ẩm ướt, rờn rợn như rắn trườn từ đỉnh đầu xuống thắt lưng khiến toàn thân tôi ớn lạnh, gáy châm chích như có đôi mắt vô hình đang nhìn chòng chọc. Tôi kinh hãi rụt tay về, đồng thời quay ngoắt ra đằng sau. Rèm vẫn khép kín, không gian im ắng tuyệt đối vì chỉ có mình tôi đứng trong lán. Tôi cố gắng trấn tĩnh bản thân nhưng nỗi sợ bị theo dõi không ngừng bám riết. Biết chắc mình lại gặp người khuất mặt khuất mày (4), tôi hít sâu, tay run run chụp vội vài tấm rồi nhanh chân rời khỏi lán.
Tôi không thể ở lại lâu hơn, vì nếu cố chấp ắt sẽ xảy ra chuyện. Vốn ngày sinh trùng với rằm tháng Bảy âm lịch (5), trực giác của tôi cảm nhận được những thứ không thuộc về thế giới này.
Như lời dì tôi - một "cô đồng" đã ra hầu nhà Thánh gần hai mươi năm - tôi là người có "căn". Hơn nữa, căn số của tôi cực kỳ nặng. Dù không quá mê tín, song tôi vẫn thường nằm mơ những giấc mơ quái quỷ, đôi khi còn trông thấy những bóng người mờ nhạt đi lại xung quanh. Trong ký ức hồi còn bé, tôi "sát âm" tới độ không phân biệt được kẻ đứng trước mặt có phải "người" hay không. Dần dà, khi tâm trí trở nên vững vàng hơn, niềm tin vào thế giới duy vật được củng cố, tôi mới có thể phần nào bỏ qua những điều phi thực tế.
Trở về nhà từ khu di tích, tôi xuất toàn bộ file ảnh gửi cho tòa soạn. Chỉ riêng bức ảnh về chiếc trâm cài là giữ lại trong máy. Đôi ba lần cũng định nhấn nút xóa, nhưng hễ nhìn nó, tôi đều không thể dời mắt mà để mặc lý trí cuốn theo những dự cảm kỳ quái. Thâm tâm tôi mơ hồ cảm nhận được điều gì đó ẩn chứa đằng sau món đồ này, một bí mật từ xa xưa không ai chạm tay tới được.
Có câu: "Cô đã thương, muốn làm người thường cũng khó".
Tôi không hề hay biết, thời điểm nhìn thấy cây trâm ở Hoàng thành đã mở ra một thế giới mà trong những giấc mơ hoang đường nhất, tôi cũng chẳng dám tin nó tồn tại.
---
*Chú thích:
1, Bốt soát vé gửi xe
2, Bí mật
3, Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên thành Thăng Long
4, Người âm, linh hồn
5, Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, nhiều người cho rằng đây là ngày Âm phủ mở để cô hồn dã quỷ trở lại dương gian, âm khí cực thịnh.