bởi July D Ami

127
9
2309 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

# 1 - Hai nhà chung ngõ


Khu tập thể dành cho gia đình có thu nhập thấp toạ lạc tại một mảnh đất cuối một con ngõ nhỏ.

Dãy nhà ba tầng, tường sơn màu vàng đã ố màu, xen lẫn những mảng rêu xanh xanh xám xám, đôi chỗ còn tróc ra từng mảng.

Lan can bằng sắt được tận dụng làm chỗ phơi đồ, có gia đình còn làm lồng sắt vươn ra thêm để trồng cây hoặc đặt một tấm gỗ nhỏ cũng đủ làm chỗ cho con cái học bài, ai ai cũng muốn tận dụng từng chút từng chút không gian chật hẹp này.

Mái ngói nâu chỗ lành chỗ sứt, viên nào vỡ thì được thay thế bằng những viên ngói mới. Nhìn từ xa, mái ngói nâu nâu điểm thêm đôi ba chấm màu đỏ tạo thành một điểm nhấn đặc biệt cho khu nhà.

Những hộ gia đình sống trong khu lao động nghèo này thì chả mấy khi quan tâm điều đó, có chỗ chui ra chui vào, trú nắng trú mưa là được rồi.

Người lớn không quan tâm, trẻ con càng không quan tâm, ai sống trong khu này cũng đều thế cả.

Trong khu này đa phần đều là lao động nghèo, công nhân cho các khu công nghiệp, khá hơn chỉ làm đến xưởng trưởng hay đốc công trong những xí nghiệp sản xuất ở cách đây không xa.

Phía bên kia con ngõ ngỏ là một thế giới hoàn toàn khác.

Cũng là nhà ba tầng, nhưng toàn là nhà cỡ bự, không thì cũng biệt thự vila.

Mỗi nhà nằm riêng trong một khoảnh đất vuông vức, ngôi nhà bự thì nằm gọn vào trong, không gian bên đó vừa rộng, vừa xanh vừa mát.

Nhà bên đó hướng cổng ra đường cái, hướng mông về khu tập thể bên này.

Biết thì biết thế thôi, người sống ở hai bên cũng chả bao giờ nói chuyện với nhau đâu mà ngại.

Bởi vì họ thuộc về hai thế giới khác nhau.

* * *

Đó là chuyện của nhiều năm về trước, sau đó mọi sự đã thay đổi.

Năm đó cô Tường đau bụng được chú Ái chở xe đạp lọc cọc lên bệnh viện khoa sản tốt nhất thành phố để sinh.

Chú không nỡ để vợ sinh con ở trạm xá gần nhà vì chú nghe nói người phụ nữ sinh con vất vả lắm, "một cửa sinh, chín cửa tử", nên chú bằng giá nào cũng phải cho vợ đi đẻ ở trên bệnh viện tốt nhất chú mới yên tâm.

Nhỡ vợ con chú mà có mệnh hệ gì thì chú biết sống vì ai, phấn đấu vì ai.

Cô Tường trong phòng chờ sinh thì gặp cô Thuỷ cũng được chồng chở ô tô đi đẻ.

Hai cô nằm hai giường cạnh nhau.

Cô Tường biết cô Thuỷ, cô Thuỷ là người phụ nữ xinh đẹp sống ở căn nhà to to phía bên kia ngõ ấy.

Chắc cô Thuỷ chả biết cô Tường đâu nhỉ, người nhà giàu ai quan tâm đến những người dân lao động ở xóm nghèo làm gì?

Ơ thế mà cô Thuỷ lại nhận ra cô Tường.

Người ta đã nhận ra mình mà mình giả bộ ngó lơ thì có vẻ không được lịch sự cho lắm.

Cô Tường vác cái bụng đang âm ỉ đau sang bên giường cô Thuỷ, ân cần hỏi:

"Chị đau lắm hả?"

"Vâng, em đau lắm chị ạ!" - Cô Thuỷ đáp.

Bỗng nhiên cô Tường thấy đồng cảm.

Giàu hay nghèo thì vào đây chả mặc váy bệnh nhân giống nhau, đẻ cũng đều đau hết.

Cô Tường bày cho cô Thuỷ cách hít thở, còn an ủi động viên, nắm tay cô Thuỷ.

Cô Thuỷ nhìn cô Tường bằng ánh mắt cảm ơn.

Rồi thấy cô Tường đang cười cười nói nói bỗng mặt nhợt nhạt ôm bụng kêu to:

"Ối bác sĩ ơi, tôi sắp đẻ rồi!"

Thế là cô Tường được đưa tới phòng đẻ trước.

Sau một hồi vật lộn thì nghe được tiếng đứa trẻ khóc oe oe, cô Tường ôm con gái ngập tràn hạnh phúc.

Một tiếng sau ở cách một màn ngăn, cô Thuỷ cũng thành công sinh ra được một bé trai.

Hai người lại nằm chung một phòng hậu sinh.

Hai ông bố tíu tít chăm hai bà vợ, chăm hai đứa con.

Ông này lóng ngóng lại có ông kia giúp đỡ.

Mẹ Thuỷ chưa kịp về sữa nên mẹ Tường lại cho con trai nhà bên ấy bú nhờ.

Cứ thế qua mấy hôm, cả hai gia đình đã trở nên thân thiết.

Hai đứa trẻ cùng bú hai bên sữa của mẹ Tường, thằng bé nhà kia ăn hết một bên vẫn chưa no, lại giành ăn của con gái nhà này.

Con gái nhà này cũng chẳng vừa, cũng lấy tay đẩy đẩy, tát vào mặt thằng bé nhà bên kia.

Thằng kia bị hẩy thế là lại khóc ré lên.

Đã không tranh được của người ta lại khóc.

May mà lúc đó chú Sơn bố nó kịp pha sữa xong mang tới, không thì cũng chết dở.

Sau này hai nhà thân nhau, chú Sơn mở lối cổng phụ quay về phía khu tập thể bên này cho hai đứa trẻ thường xuyên qua lại.

Những người khác nhờ mối quan hệ này mà ở hai bên ngõ cũng đã giao lưu và nói chuyện với nhau.

Thằng bé nhà chú Cao Thái Sơn và cô Lưu Thanh Thuỷ tên là Cao Hùng Vỹ, do nó ăn khoẻ, càng ngày càng mập nên được gọi là Đại Vỹ.

Con bé nhà chú Trần Bác Ái và cô Lý Vy Vân Tường tên là Trần Ái Vy, đã lười ăn lại hay bị giành nên người bé như cây kẹo, mọi người gọi bé là Tiểu Vy.

("Vỹ", đọc giống như "Vĩ": ý chỉ sự to lớn; "Đại" cũng là to lớn, ý nhấn mạnh cái sự "to" của cậu bé Vỹ.

"Vy", đọc giống như "Vi": ý chỉ sự nhỏ bé; "Tiểu: cũng là nhỏ, ý nhấn mạnh cái sự "nhỏ" của cô bé Vy.)

* * *

Sinh Tiểu Vy được vài năm thì xí nghiệp chú Ái gặp khó khăn, phải cắt giảm biên chế. Chú Ái cũng nằm trong danh sách ấy.

Đang lo lắng vì không tìm được việc làm thì chú Sơn lại nhận chú Ái vào công ty của mình.

Chú Ái biết ơn chú Sơn lắm lắm.

Công ty chú Sơn tên là Quang Hải, làm nghề sản xuất nước mắm lâu đời có tiếng trên đảo Cát Hải.

Làm ăn ngày một phát triển, từ một cơ sở nhỏ tại đảo, gia đình chú đã mở rộng vào trong đất liền, và có một chi nhánh phân phối lớn trong thành phố.

Đừng coi thường nghề làm mắm, nó là niềm tự hào của gia đình chú Sơn ấy.

Sau này thằng Đại Vỹ đi học có làm văn tả về bố nó là: "bố em làm nghề bán mắm" bị các bạn trong lớp đọc mà cười lăn cười bò. Trẻ con mà, nào đâu có hiểu.

Chú Ái vào làm ở công ty của chú Sơn, cần cù chăm chỉ lại nhanh nhẹn thật thà, nên mau chóng được cất nhắc lên nhóm trưởng rồi xưởng trưởng. Dành dụm được ít tiền, chú may mắn mua được căn nhà tầng một ngay dưới căn của chú đang ở từ người chủ cũ mới dọn đi. Thế là chú xây thông tầng hai căn lại với nhau, nhà cửa cũng gọi là rộng rãi khang trang hơn trước.

Trong khu tập thể, nhà chú được coi là nằm trong nhóm khá nhất, nhưng chú vẫn không khinh thường những hàng xóm nghèo xung quanh mình.

Chú Ái bày tỏ lòng biết ơn với chú Sơn, chú Sơn chỉ vỗ vai chú Ái cười:

"Tôi chỉ cho anh cần câu cá, còn câu được cá hay không vẫn là nhờ khả năng của anh!"

Nói vậy chứ chú Ái vẫn biết ơn chú Sơn rất nhiều, không có chú Sơn thì không biết Tiểu Vy nhà chú có cơm ăn áo mặc hay không nữa.

Thế nên mặc dù con mình rõ là còi, nhưng khi thằng bé Đại Vỹ sang là chú Ái lại dặn cô Tường nấu thật nhiều món ăn ngon cho nó.

Phần vì thấy thằng bé ăn được, sĩ diện của bà nội trợ tăng cao. Phần vì con bé Tiểu Vy vốn ăn ít, nên cô Tường chẳng bao giờ cần nấu nhiều món đến thế.

* * *

Hai đứa trẻ lớn lên cùng nhau trong sự thân thiết của hai gia đình.

Đến tuổi đi học mẫu giáo, hai đứa trẻ cùng xin học chung một lớp.

Buổi sáng chú Sơn lấy xe máy chở hai đứa trẻ đi học, buổi chiều cô Tường đón hai đứa trẻ về nhà. Tắm rửa cho chúng, cho chúng nó ăn. Thằng bé Đại Vỹ ở lại nhà cô Tường chơi cho đến khi chiều tối muộn bố mẹ nó tan làm mới qua đón về nhà.

Mỗi lần đi công tác về, mua đồ chơi hay quần áo mới cho con trai, kiểu gì chú Sơn cô Thủy cũng phải mua thêm một bộ cho con gái nhà bên. Rõ ràng là đồ giống nhau, nhưng Tiểu Vy kiểu gì cũng phải giành đồ của Đại Vỹ mới chịu. Được cái Đại Vỹ hồi bé dễ dụ, chỉ cần đổi đồ ăn, kiểu gì nó cũng nhường tất. Nên hai đứa vẫn chơi được với nhau trong không khí hòa bình.

Cấp một, hai đứa lại học chung lớp.

Chú Sơn đã sắm được ô tô, ngày ngày đưa đón hai đứa trẻ đi đi về về.

Lên tiểu học, Đại Vỹ bắt đầu khôn hơn, không còn bị Tiểu Vy đem đồ ăn ra dụ để đổi lấy đồ chơi nữa. Món nào Đại Vỹ thích, nó tìm cách giấu đi cho bằng được, nhưng chẳng hiểu sao Tiểu Vy vẫn có thể moi ra, dùng đủ mọi cách để chiếm được mới thôi.

Thông minh đã có thông minh dụ, rốt cục Đại Vỹ vẫn thua.

Cô bé Tiểu Vy xinh xắn đang yêu, hai bím tóc lí lắc, cái môi chúm chím xinh xinh, ai gặp cũng muốn thơm muốn bế. Trên lớp cô bé lại ngoan ngoãn, học hành chăm chú, thành tích cũng đạt điểm số cao.

Thế nhưng đừng để vẻ ngoài dễ thương của cô bé lừa, trông thế mà cô bé tinh nghịch lắm đấy, quậy phá cũng chẳng kém gì con trai.

Mỗi khi bị phát hiện ra làm sai, cô bé mau chóng khoanh tay xin lỗi, giương đôi mắt to tròn long lanh rơm rớm nước khiến cho ai nhìn cũng mủi lòng, không nỡ trách phạt cô bé.

Ngoại trừ bố mẹ cô bé, hiểu rõ tính con gái nên dù đáng yêu thế nào cũng xử phạt rất nghiêm minh.

Thằng bé Đại Vỹ thì học kém hơn một chút, trẻ con tính còn ham chơi, nó hay lơ đễnh khi ngồi trong giờ học. Đồ dùng học tập thì hay thiếu lung tung, đến lúc làm bài kiểm tra có khi mới phát hiện ra để quên bút.

Ngày hôm qua cũng vậy, cô giáo dặn rõ ràng phải mang những thứ gì theo, thằng Đại Vỹ sợ quên nên phải ghi đầy đủ ra một tờ giấy, về nhà đưa cho mẹ xem. Cô Thủy nhìn tờ giấy, chuẩn bị đầy đủ cho con trai, thế nào mà sáng nay nó lên lớp kiểm tra lại cặp sách lại thấy đồ dùng bị thiếu, bị cô giáo ghi tên nhắc nhở.

Nó ấm ức lắm, nhìn sang phía bàn bên kia, con bé Tiểu Vy đang xoay xoay trong tay cục tẩy hình chiếc máy bay mà nó thích ơi là thích. Nó gầm gừ trong bụng, chắc chắn là con nhỏ kia lại lấy của nó rồi. Đang lẩm bẩm lầm lầm lại bị cô giáo nhắc thêm lần nữa vì tội không tập trung chú ý nghe cô giáo giảng bài.

Tất cả là tại Tiểu Vy, Tiểu Vy chết tiệt!

Tan học nó tìm Tiểu Vy hỏi cho ra nhẽ, Tiểu Vy mở cặp sách giơ ra cục tẩy xinh xinh trước mặt nó. Nó nghĩ là Tiểu Vy hối lỗi muốn trả lại rồi, nó cũng định bỏ qua.

Vừa giơ tay với lấy cục tẩy thì Tiểu Vy giật tay lại, bàn tay nó vồ hụt trên không trung. Nhỏ Tiểu Vy còn nghểnh mặt lên cười nhếch mép nhìn nó:

"Cái này cô Thuỷ mua cho tao, đâu phải mỗi mày có mà nhận vơ!"

Nó tức lắm mà chả làm gì được.

Hôm nay cục tẩy, mai là thước kẻ, ngày kia lại là bút. Hồi nhỏ thì Tiểu Vy hay giành đồ chơi, lớn lên thì cái gì của Đại Vỹ cô bé cũng muốn giành. Mà chẳng hiểu sao của người khác Tiểu Vy không muốn giành đâu, cứ phải của Đại Vỹ giành mới vui. Nhìn mặt thằng Đại Vỹ hết đen lại đỏ như con cá đổi màu mà Tiểu Vy thấy thích thú lạ thường.

Đại Vỹ biết đấy, mà biết thì đã làm sao nào? Đuổi theo để đánh?

Thằng bé má phính mập mạp ai cũng muốn nhéo kia có bao giờ đuổi kịp Tiểu Vy đâu, Tiểu Vy chỉ nhẹ chân chạy thôi cũng bỏ cách xa nó cả mấy mét. Nhìn thằng bé vừa chạy vừa thở phì phò đến là vui, còn không ngừng hô to: "Tiểu Vy, đứng lại!"