101
6
4124 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

#1. Mùa mưa năm ấy (Vân)


#1. Mùa mưa năm ấy, anh cho tôi sự quan tâm đầy ấm áp (Vân) 


Tôi lên chuyến xe đi Sài Gòn vào một đêm mưa tầm tã. Những cái níu tay và lời dặn dò của ba mẹ không làm tôi bớt đi sự căng thẳng và hoảng hốt trong lòng. Xe chạy, bóng tối lờ mờ bắt đầu chiếm ngự cả con đường đất đỏ, vài vệt sáng từ những chiếc đèn đường lướt qua. Con đường quen thuộc mà tôi vẫn thường xuyên đạp xe qua lại bỗng trở nên xa lạ vào đêm nay. 


Chiếc ba lô màu đen đã cũ mèm được tôi ôm chặt vào lòng. Mùi mồ hôi, mùi ẩm mốc của quần áo ướt, lẫn với mùi cơ thể của những người trên xe làm tôi khó chịu. Đường quê nhiều ổ gà ổ vịt, trời lại đang mưa nên xe xóc nảy đến rợn người. Tôi bấu vào chỗ tay cầm đằng sau của chiếc ghế, cố gắng nuốt vào thứ nước chua chua vừa xộc lên cổ họng.


Mưa ngoài trời vẫn không ngớt, nhưng đã ra quốc lộ nên đường ít xóc nảy. Xe chạy êm, mặc hạt mưa nghiêng nghiêng quất vào tấm kính chắn gió. Qua khung cửa sổ đã nhòe nước và trở nên mờ đục, những ánh đèn từ hàng quán bên đường đập vào mắt tôi, trông như những ngôi sao trên cao vậy. 


Bác tài bật nhạc, không phải nhạc pop, cũng chẳng phải bolero. Hình như là nhạc cổ điển, bài hát tên gì tôi chả rõ, nhưng khá hay. Mọi hành khách cũng trầm mặc thưởng thức bài hát. Tôi nhắm mắt, nhưng vẫn không tài nào ngủ được. 


Mười hai năm đi học, vừa chia tay mái trường cấp ba là đã phải vùi đầu vào tìm kiếm trường đại học, chìm trong những tập hồ sơ và mải quên ăn quên ngủ với những xấp đề cương thi tốt nghiệp cao như núi. Ai chưa trải qua ắt chẳng thể hiểu được thứ áp lực vô hình này làm con người ta mệt mỏi đến dường nào. Tôi đã không ngủ ngon giấc suốt hai tháng kể từ ngày làm lễ trưởng thành ở trường cấp ba cũ, những buổi phụ đạo và diễn văn định hướng thi đại học làm tôi choáng váng. Đối với tôi, một ngày hai mươi tư tiếng không bao giờ là đủ để tôi hoàn thành hết những công việc ấy, vậy nên tôi không dám cho mình một giấc ngủ trước bốn giờ sáng. 


Tỉnh mà tôi ở là tỉnh nghèo, chỉ có vài mống trường cấp ba. Sau vài ngày lướt web với mấy đứa bạn, tôi quyết định thi vào Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Hồ Chí Minh. Tuy điểm đầu vào cũng khá cao, nhưng đúng chuyên ngành nên tôi cũng muốn thử sức một lần. 


Vừa xong buổi lễ tổng kết, ba mẹ tôi đã hối hả mua vé xe tiễn tôi lên Sài Gòn, bảo lên sớm để làm quen với môi trường, biết đâu đậu nguyện vọng 1 luôn thì sao. Tôi ậm ừ, rồi vẫn theo ý ba mẹ mà ra đi. 


Còn chưa đầy một tháng nữa là đã đến thời điểm thi tốt nghiệp. Tôi không dám lơ là việc ôn thi, cho dù là đang ngồi trên xe đi nữa. Đẩy đẩy gọng kính dày cộm theo thói quen, tôi vội lôi một xấp đề cương ra học. Những bóng đèn neon nhỏ trên trần xe không đủ chiếu sáng, tôi đành lấy chiếc điện thoại cục gạch ra soi rồi lại tiếp tục lầm bầm học. 


Mùi thuốc sát trùng thoang thoảng hoà với mùi dầu gội X-men nam tính của người bên cạnh làm thần kinh đang căng thẳng của tôi bất giác thả lỏng. Tôi hơi tò mò, nghiêng đầu nhìn. 


Đập vào mắt tôi đầu tiên là màu trắng tinh nơi chiếc áo sơ mi của người đàn ông. Thấy tôi nhìn, anh ta gật đầu, đuôi mắt hơi cong cong, môi nhẹ nâng tỏ vẻ thiện ý. Do thiếu ánh sáng, tôi không nhìn rõ diện mạo của anh, chỉ biết rằng anh có một đôi mắt rất đẹp và sống mũi cao thẳng. Ngây ngốc một lúc, tôi mới nhận ra mình đã ngắm anh rất lâu, hơi ngại ngùng, tôi cười cười và đưa ánh mắt đi nơi khác, chẳng dám nhìn anh nữa.


"Em lên Sài Gòn thi Đại Học đúng không?"


Một lát sau, anh chàng thì thầm vào tai tôi một câu hỏi. Lỗ tai có cảm giác như có một con sâu róm đang không ngừng bò ra bò vào làm tôi vội nhích ra một chút rồi ngượng ngùng gật đầu với anh ta. Hình như cũng phát hiện tôi không thích anh thì thầm vào tai mình, nên anh rút chiếc bút bi kẹp ở túi áo rồi viết lên lòng bàn tay tôi một hàng chữ.


"Ôn tập là tốt, nhưng đừng để đồng hồ sinh học bị đảo lộn, như thế sẽ dễ mệt mỏi và mất cân bằng sinh lí. Nên uống nhiều nước và hoa quả, bí đỏ cũng rất tốt cho hoạt động của trí não. Trước ngày thi nên đi đâu đó thư giãn một chút, đừng để thần kinh căng thẳng quá, làm bài không tốt đâu. Được rồi, chúc em thi tốt nhé."


Mấy kiểu thư giãn trước khi thi thì các anh chị khoá trước đã truyền đạt cho tôi rồi, chỉ là khi anh viết những chữ đó vào tay mình, tôi bỗng cảm động đến lạ. Tự hỏi bản thân, rằng trước kia đã có người con trai nào nói với tôi những lời như thế này chưa? 


Anh ta có biết những chữ vừa rồi đã chạm đến nơi mỏng manh nhất trong trái tim tôi rồi hay không? Hay chỉ là lòng thương hại và cảm thông của một người đã trải đời làm anh viết ra dòng chữ này?


Mải miên man với những ý nghĩ mông lung, tôi không rõ mưa đã tạnh và mặt trời cũng lên cao từ lúc nào. Xe dừng. Bóng dáng anh khuất trong một chiếc taxi đỗ xịch bên đường. Tới lúc ấy tôi mới bần thần nhận ra bản thân quên mất câu cảm ơn. Vội vàng chạy theo, nhưng chiếc xe đã lăn bánh. Anh thậm chí cũng chẳng ngoái đầu nhìn một lần để biết được tôi đã hét câu "cảm ơn anh" giữa con phố đông đúc người qua lại như một con dở. 


__


Sài Gòn nhộn nhịp và đông đúc hơn tưởng tượng trước kia của tôi rất nhiều. Xe cộ nườm nượp qua lại. Không khí cũng đặc quánh một "chất" riêng. Mẹ đã dặn tới nơi thì báo cậu Út ra đón rồi gọi điện về nhà nói tin bình an cho ba mẹ yên lòng. Tôi không dám cãi lời bà, vì thành phố này dẫu có nhộn nhịp thì cũng quá đỗi xa lạ với tôi. 


Cậu là em trai út của mẹ, nhưng chúng tôi cũng chỉ gặp nhau đúng hai lần vào tết năm ngoái. Tiếc rằng hai lần gặp ấy không đủ khiến cho khoảng cách giữa chúng tôi gần lại. Nếu không có tiếng gọi cậu - cháu, ắt hẳn chẳng ai biết mối quan hệ giữa chúng tôi. Ngồi trên chiếc ô tô sang trọng, tôi bất giác lại nhớ tới anh chàng kia. Lòng bàn tay vẫn in hằn nét chữ của anh ta, tôi cố ghi nhớ thật kĩ, để không quên mất nó, rồi dùng bàn tay còn lại chà sát thật mạnh để những chữ ấy nhoè đi. 


Cậu hỏi tôi có muốn ăn gì đó trước khi về nhà không, tôi đáp không. Bây giờ tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon, để bù cho một đêm thao thức và sự rệu rã của chân tay mà thôi.


.. 


Gia đình cậu đối xử với tôi rất tốt, nhưng có phần khách khí và xa lạ. Tôi cũng chẳng đòi hỏi gì hơn ở họ, vì bản thân tôi cũng chỉ duy trì được nụ cười khuôn phép ngoài miệng. Phần lớn thời gian tôi đều ngồi lì ở trong phòng để học, nên chưa kịp làm quen với môi trường sống mới này. 


Mợ tôi là một người phụ nữ hiền lành và đảm đang, thỉnh thoảng mợ sẽ pha cho tôi chút sữa hoặc nước ép của một vài loại trái cây rồi đem lên phòng cho tôi. Mợ cho tôi hẳn một chiếc Oppo F1s, bảo nếu không nhận thì không xem mợ là mợ. Tôi đành bối rối nhận lấy. Nhưng rồi chiếc điện thoại ấy cũng bị vứt ở một xó, vì đơn giản, tôi không biết sử dụng, mà cũng chẳng có thời gian học cách dùng.


Những bộn bề học tập làm phai mờ đi những kí ức vụn vặt về anh chàng trên chuyến xe hôm nọ. Nhưng vào những ngày mưa tầm tã như ngày mưa mà chúng tôi gặp nhau lần đầu, hoặc những buổi chiều rảnh rỗi hiếm hoi với cốc cà phê nghi ngút khói trên sân thượng, kí ức về anh ta lại ùa về một cách rõ nét và ngoan cố, như một cách nhắc tôi nhớ đến sự tồn tại của anh. Những ngày qua, tôi làm theo lời dặn dò của anh ta một cách cố ý mà tỏ ra là vô tình. Tôi uống nhiều nước ép trái cây, bảo mợ nấu canh bí đỏ với đậu phộng cho tôi ăn, rồi cũng cố gắng đi ngủ sớm. Tất nhiên, trước khi thi tôi cũng làm theo lời anh, ra ngoài đi dạo thư giãn. Và, một hi vọng nhỏ nhoi trong tim tôi loé lên, biết đâu tôi lại gặp được anh chàng trên chuyến xe hôm nào, ở ngay cái thành phố mấy nghìn người này thì sao? 


Con bé con cậu mới 10 tuổi, tên Ngân, nằng nặc đòi làm hướng dẫn viên cho tôi, thấy nó sốt sắng quá nên tôi đành đồng ý. Dù sao sự hiểu biết với thành phố này của tôi gần như nằm ở con số không, có Ngân đi chung vừa vui hơn lại vừa không sợ bị lạc. 


Có lẽ những buổi gặp tình cờ giống như trong phim ảnh hoàn toàn không có thật, vì hai đứa một lớn một nhỏ chúng tôi đã dắt tay nhau đi hết nửa vòng thành phố rồi mà vẫn chẳng thấy bóng dáng anh chàng kia đâu. Hừm, phim ảnh quả nhiên chẳng đáng tin. 


Bỗng nhiên, những đám mây trắng trên cao cuộn lại, va chạm vào nhau tạo nên những tia lửa điện. Mưa rơi, một cách đột ngột và có phần vội vã. Chúng tôi trú mưa trong mái lán của một quán cà phê ấm cúng. Anh chàng bồi bàn niềm nở hỏi rằng tôi có muốn uống một cốc cà phê sữa cho ấm bụng hay không, tôi gật đầu, tạm bỏ đi cái ý định tìm anh chàng hôm nọ. 


Hai cốc cà phê sữa còn bốc khói nghi ngút được bê lên. Anh chàng bồi bàn đưa cho tôi một cuốn giấy nhớ nho nhỏ đã bị xé khá nhiều tờ rồi hỏi tôi có muốn viết gì đó hay không. 


Tôi gật đầu: "Cảm ơn anh, tôi sẽ thử."


Ngân xin tôi một miếng sticker màu hồng. Trong khi chờ tôi xé giấy, con bé kể cho tôi một câu chuyện có thật mà cô bé nghe được ở quán này. Ngân nói với tôi, tên quán cà phê này là "Hope", tức là hi vọng. Rất nhiều vị khách trước chúng tôi đã viết những ước muốn của mình lên tờ giấy nhớ này, và ước mơ của họ đã trở thành sự thật. Ngân hình như rất tin tưởng vào điều này, vì khi tôi hỏi Ngân đang viết gì, cô bé chỉ cười cười rồi trả lời: "Viết ước mơ của em ạ."


Một câu trả lời như có như không, tôi chả thu nhập được chút thông tin nào từ cái ước mơ mà con bé nói. Tôi cũng lấy bút ra viết vài dòng, rồi kí tên hẳn hoi vào. Ngân nói nếu muốn ước mơ thành sự thật thì phải dán lên để chia sẻ cho người khác biết. Tôi cảm thấy trò đấy rất ấu trĩ và không đáng tin, nhưng rốt cuộc vẫn quyết định dán miếng giấy nhớ của mình lên. 


"Tôi có thể ngồi ở đây được không?"


Một giọng nam trầm thấp vang lên sau lưng. Tôi sững người lại. Tấm kính trong suốt phản chiếu gương mặt tươi cười với đôi mắt hơi nheo lại và sống mũi cao thẳng, cùng mùi thuốc sát trùng thoang thoảng bên cánh mũi tôi. Giọng nói này... 


"Không thể sao?" 


Anh chàng dường như hơi thất vọng, lẩm bẩm câu gì đó trong miệng rồi toan bước đi. Không biết bị điều gì thôi thúc, tôi vội níu lấy tay anh: "Tất nhiên là có thể, anh cứ ngồi tự nhiên."


Anh mỉm cười, một nụ cười hơi uể oải. Tôi nhích vào chiếc ghế sát tấm kính, nhường cho anh chiếc ghế bên ngoài mà tôi vừa ngồi. 


Ngân hết liếc tôi rồi lại liếc anh chàng bên cạnh, đôi mắt tinh ranh của cô bé hơi nheo lại như đang suy đoán mối quan hệ giữa chúng tôi. Một lúc sau, Ngân "a" lên một tiếng, vẻ mặt thích thú như thể vừa phát hiện ra điều gì thú vị vậy. 


Mảnh sticker hơi nhàu vì bị tôi nắm chặt. Tôi không dán nó lên cửa sổ nữa, vì một phần ước mơ của tôi hình như đã trở thành sự thật, còn một phần khác, tôi nên tự hỏi anh thì hơn. Tôi gấp gọn mảnh sticker bỏ vào trong cuốn sổ nhỏ trong cặp. 


Anh chàng bồi bàn cũng đưa cho anh một vài mảnh sticker nho nhỏ, rồi cũng hỏi anh có muốn viết gì đó lên không. Anh gật đầu, hí hoáy ghi chép. 


Bàn tay tôi ôm lấy cốc cà phê ấm nóng, những ngón tay đan nhẹ vào nhau. Tôi lén nhìn gương mặt nghiêng nghiêng tuấn tú của anh. Đôi lần muốn mở lời hỏi anh, rằng anh có phải chàng trai trên chuyến xe hôm ấy, rằng anh có phải người đã viết lên lòng bàn tay tôi những lời khuyên chân thành? Nhưng rồi tôi cũng không có đủ can đảm để hỏi. Hoặc đúng hơn là tôi sợ hỏi rồi mà anh không phải người đó thì sẽ cảm thấy thất vọng. 


Anh vòng ra sau lưng tôi, dán mảnh sticker lên tấm kính. Tôi vội nhìn theo như để xác định điều gì. Để rồi khi nhìn thấy nét chữ quen quen ấy, tôi bỗng dưng lại bần thần đưa tay lên, tháo luôn mảnh sticker của anh, rồi mặt dày xin xỏ: "Có thể cho tôi mảnh sticker này không?"


Anh gật đầu và không hỏi vì lí do gì mà tôi muốn có nó. 


Mưa ngừng rơi một cách đột ngột, như cái cánh mà tôi đột ngột hỏi anh trước khi dắt Ngân ra khỏi quán cà phê: "Chúng ta sẽ còn gặp lại chứ?"


Anh gật đầu, mỉm cười nhẹ: "Vào những khi trời đổ cơn mưa."


___


Đó là toàn bộ cuộc nói chuyện không đầu không cuối mà tôi cho là có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. 


"Khi cơn mưa đẩy lùi ánh nắng, ta nghe lòng dịu lại sau những âu lo. Bỗng dưng cần một bạn tâm tình kể lể, cần một người chân thành lắng nghe, không quan tâm xuất thân, chẳng đắn đo được mất. Liệu có ai đưa đến cho tôi một người như thế, giữa đất trời trắng xóa cơn mưa?

Kí tên: Phong"


Mảnh sticker màu lam nhạt chỉ chứa vài câu ngắn ngủi của Phong được tôi đặt ngay ngắn bên cạnh mảnh sticker của mình. Và xem đó như một điều kì diệu để tôi có thêm động lực cho kì thi. 


Từ hôm ấy trở đi, mỗi sáng khi thức dậy việc đầu tiên tôi làm là kéo rèm cửa sổ xem có mưa hay không. Để rồi lại thất vọng kéo rèm lại. Vì suốt những ngày sau đó bầu trời trong xanh đến lạ, gió vờn những đám mây trắng bay xa tít tắp. Cái nắng ở Sài Gòn như thiêu như đốt, lòng tôi cũng nóng như bị ai áp vào một chậu than hồng. 


Ngày tôi đi thi, cả nhà cậu người xách ba lô người dắt tay tiễn tôi vào tận cửa phòng thi mới ra. Người giám sát kiểm tra rất kĩ, và khi đã chắc chắn rằng trên người tôi hoàn toàn không có phao thi hay điện thoại gì mới cho tôi qua cửa. Những tấm phiếu dự thi tràn ngập những dấu chấm lửng chờ thí sinh viết câu trả lời được phát ra. Tôi hít một hơi thật sâu, cố nén cảm giác căng thẳng trong lòng rồi điền tất cả thông tin cần thiết vào tấm phiếu. 


Liên tiếp mấy ngày thi, tôi không dám chợp mắt quá một tiếng mỗi ngày. Những lúc mệt mỏi tưởng chừng ngất xỉu, nước mắt tôi tuôn rơi ướt đẫm tờ đề cương. Tôi bỗng dưng rất nhớ nhà, nhớ món cá lóc kho tiêu thơm nức mũi của mẹ, nhớ giọng nói trầm trầm ấm ấm của ba, nhớ cả mùi thuốc sát trùng thoang thoảng trên áo Phong. Những lúc như thế, tôi sẽ áp mảnh sticker của Phong vào ngực. Rồi tự dặn với lòng, cố lên, ngày mai trời sẽ mưa, ngày mai tôi nhất định sẽ gặp được anh. 


Rồi cái ngày ấy cũng đến, ngày mà tôi vượt qua kì thi một cách suôn sẻ, ngày mà ông trời ban tặng cho những nỗ lực của tôi bằng một cơn mưa như trút nước. Tôi từ chối đi ăn mừng với nhà cậu Út dù trước đó đã hứa, tôi chẳng rõ vì sao nữa, nhưng tôi rất muốn rất muốn gặp Phong. Hơn nữa tôi cũng không biết từ đâu mà mình xác định được là chắc chắn sẽ gặp được anh. 


Phong đã ngồi ở chiếc bàn hôm đó từ lúc nào, anh vẫy tay với tôi, bảo tôi ngồi vào chiếc ghế đối diện. Phong đặt vào bàn tay hơi run rẩy của tôi một bịch sữa được ủ bởi lòng bàn tay ấm nóng của anh. 


Tôi lúng túng gạt đi sợi tóc bị nước mưa làm dính bết vào trán: "Tôi... tôi thi xong rồi."


"Đừng lo lắng, nhất định em sẽ đỗ."


Một lời đảm bảo không có bất cứ cơ sở xác định nào. Nhưng tôi tin anh, tin bản thân mình. Sự căng thẳng trong lòng được lời nói của anh vỗ về, lơ lửng rồi rơi xuống. Phong đưa cho tôi một miếng giấy nhớ, tôi đưa bàn tay hơi ướt chùi chùi vào quần áo đến khi khô mới dám nhận lấy. 


"Có thể cho anh biết tên em không?"


Tôi ngẩng mặt nhìn anh, nụ cười duy nhất sau chuỗi ngày căng thẳng nở rộ trên khoé môi. 


"Hãy gọi tên em bằng một thứ mà anh thích, vì dù sao tên cũng chỉ là một cách gọi mà thôi, phải không anh?"


Thật ra không phải tôi không muốn cho anh biết tên mình. Mà là, khi anh lấy thứ mình thích để gọi tên tôi, thì tôi sẽ trở thành "thứ" mà anh thích. 


"Được, từ giờ anh sẽ gọi em là Mây nhé?"


Tôi gật đầu, nụ cười còn tươi hơn khi nãy. 


Chúng tôi "nói" với nhau nhiều điều, qua tờ giấy nhớ. Tuy nhiên khi những tờ giấy nhớ đã không đủ để chúng tôi viết hết những gì mình muốn nói, thì một cuốn vở hai trăm trang là một lựa chọn không tồi. 


Phong biết nhiều về tôi, vì khi bên nhau tôi "nói" rất nhiều. Tôi kể với anh về ước mơ trở thành một nhà văn kiệt xuất - điều mà tôi chưa từng kể với ai khác. Tôi viết nhiều, thỉnh thoảng anh sẽ giúp tôi sửa lỗi chính tả và logic. Tôi nộp cho toà soạn tất cả những sáng tác mà mình có. Ngày mà tập truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng lên báo, nói chuyện với Phong tôi cười suốt. Như một thói quen đã ăn sâu vào máu, sau này khi có tâm sự thì người đầu tiên mà tôi nghĩ đến luôn là Phong. 


Tuy nhiên ngoài cái tên và nghề nghiệp ra tôi hoàn toàn mù tịt về Phong. Bên tôi anh ít nói về bản thân, phần lớn câu chuyện mà chúng tôi nói với nhau đều xoay quanh một mình tôi, vậy nên tôi rất tò mò về cuộc sống và các mối quan hệ của anh. 


Tôi và anh không trao đổi số điện thoại hay bất cứ thứ gì dùng để liên lạc khác. Bởi điều gì không rõ, cả hai đều muốn giữ mối quan hệ không rõ ràng này. Và trên hết, năm tiếng dành để viết những dòng chữ cho nhau vào mỗi ngày mưa đã đủ làm chúng tôi thoả mãn. 


Những tờ giấy ghi lại cuộc trò chuyện của chúng tôi ngày càng nhiều, chúng được tôi cẩn thận dán trên nhật kí của mình. Và phía dưới là ngày tháng và một chút ghi chú về cuộc trò chuyện ấy. Thời gian trôi đi rất nhanh, tới lúc tôi phát giác ra mình đã lấp đầy ba cuốn nhật kí thì cũng là lúc mà những cơn mưa dần ngớt đi. Tôi bắt đầu sợ hãi thật sự, sẽ có những ngày tháng dài đẵng đẵng mà cơn mưa sẽ không còn ghé qua, vậy, tôi sẽ không còn được gặp Phong nữa hay sao? 


.. 


"Anh thích mây."


Dù biết câu mà Phong viết là nói thích mây, chứ không phải thích Mây, nhưng tim tôi vẫn vô cớ lệch một nhịp thổn thức. 


"Vâng, em biết. Thì sao ạ?"


"Mình gặp nhau vào những ngày nắng được chứ Mây? Anh nghĩ Mây cũng sẽ thích ngắm mây giống anh."


Tôi ngạc nhiên, lời đề nghị của anh... thật trùng hợp, hôm nay tôi cũng muốn nói với anh điều này. 


"Anh biết không, em phát hiện mình hợp nhau kinh khủng luôn ấy. Mà thôi, nói loằng ngoằng quá tốn giấy. Tóm, lại, là, em, rất, thích, ngắm, mây :D."


Phong phì cười trước cái cách mà tôi cho những dấu phẩy vào câu của mình. Anh xoa đầu tôi, niềm vui dâng lên đáy mắt của cả hai. 


.. 


Có điểm, tôi đỗ nguyện vọng một, chính thức trở thành tân sinh viên của trường đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã trở thành nhân viên bồi bàn của quán cà phê Hope, một cách tình cờ thôi. Những ngày cuối cùng của đợt nghỉ hè, tôi xin làm ca sáng, khoảng độ từ 8h sáng đến 4h chiều. Sau đó cuộc trò chuyện bên chiếc bàn quen thuộc của tôi và Phong sẽ được duy trì. 


Còn một điều nữa mà tôi thích ở quán này. Đó là khi tôi đưa cho thực khách những tập giấy nhớ, để họ viết những ước mơ của mình rồi dán lên cánh cửa đầy màu sắc như cách mà trước kia tôi vẫn hay làm. Những tờ giấy nhớ dần lấp đầy cánh cửa thuỷ tinh trong suốt, nhưng tôi không nỡ gỡ bớt chúng đi. Rồi tôi đưa ra một quyết định quan trọng: tôi sẽ là một "Hope" thứ hai, sẽ là nơi nuôi dưỡng và bảo quản những ước mơ ấy. 


Một thùng, hai thùng, ba thùng đựng... giấy nhớ được tôi 'tha' hết về phòng mình, rồi dán chúng lên cánh cửa sổ, bức tường, hay thậm chí là góc bàn học. Ngân nói đùa với tôi, rằng phòng tôi sắp có nguy cơ trở thành bãi rác rồi. Tôi chỉ lắc đầu. Con bé không hiểu những ước mơ này đối với họ - những người viết ra chúng, và tôi - người lưu giữ chúng quan trọng và tốt đẹp đến nhường nào đâu.