85
3
1315 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

#2. Người thắp lửa đam mê


#2. Người thắp lửa đam mê (Phong). 


Tôi rời khỏi bệnh viện vào đúng giờ cao điểm của thành phố. Thần kinh căng thẳng trong suốt ca phẫu thuật mười mấy tiếng đồng hồ vừa được thả lỏng thì lại nhận được cuộc gọi từ mẫu thân đại nhân. Lại chuyện cưới xin! 


Tôi không hiểu vì điều gì mà bà gấp gáp với chuyện cưới xin của tôi như vậy. Vì dù sao thì tôi cũng chỉ mới ra trường được khoảng vài năm, nói trẻ không trẻ mà nói già thì cũng chưa đến nỗi. Thế mà lần nào mẹ gọi cũng đều hỏi tôi đã có bạn gái hay chưa, hoặc nếu chưa có thì để mẹ tìm người giới thiệu. Cũng vì vậy nên mỗi lần thấy cuộc gọi đến hiển thị tên bà là tôi lại âm thầm thở dài. 


Mẹ tôi nói làm bác sĩ lương cao sẽ rất dễ kiếm bạn gái, nhưng đừng để già quá rồi không có cô nào chịu ưng. Tôi bảo không ưng thì cứ để ế rồi chu cấp tiền lương cho bố mẹ sống sung túc là được. Tuy nhiên mẹ tôi vốn cố chấp, tôi dùng bao nhiêu lí lẽ ra nói mà bà vẫn cứ đặt lịch xem mắt cho tôi. Tôi cúp máy trong khi giọng bà vẫn đang réo rắt trong ống nghe, rồi mở cửa sổ quăng luôn chiếc điện thoại ra ngoài. Tất nhiên trước đó tôi đã kịp nói: "Xin lỗi mẹ, con sắp có cuộc phẫu thuật, con sẽ gọi lại cho mẹ sau."


Chả có cuộc phẫu thuật nào sất, nhưng đó là lí do duy nhất tôi có thể thoái thác chuyện ngồi nghe mẹ nói hết tên của các cô gái mà mẹ muốn tôi xem mắt. 


Tôi lui xe, hoà vào dòng người đông đúc đang hối hả đi về. Bất giác cảm thấy tim mình quặn lại. Những người ngoài kia đều có chốn để dừng chân, có một ước mơ để phấn đấu. Còn tôi, sống cuộc sống trong mơ ước thuở nhỏ này, ngỡ là sẽ hạnh phúc, nhưng vì sao tôi lại cảm thấy mình như kẻ bị đánh cắp trái tim, trở thành cái bóng vô định hình và lạc lõng? 


Theo nhận xét của đám bạn đồng nghiệp thì tôi là một bác sĩ khá giỏi, bất cứ ca phẫu thuật khó nhằn nào giao vào tay, tôi cũng làm dễ như ăn cháo. Tuy nhiên, họ nói tôi tuỳ hứng và không yêu nghề, đó là những khi tôi xin nghỉ không lí do và bất chợt đổi ca với đồng nghiệp hoặc từ chối chữa bệnh cho người không có tiền. Những lúc ấy tôi chỉ cười, yêu nghề sao? 


Tôi đã từng yêu nghề bác sĩ này, phải, là 'đã từng' thôi, còn bây giờ thì không. Lòng đam mê và nhiệt huyết ban đầu của tôi bị thời gian và áp lực công việc mài mòn. Tự hỏi, yêu nghề thì rồi có được trả thêm tiền hay không?


Tôi tìm đến quán Hope, như một thói quen khó bỏ. Hôm nay lại là một ngày mưa, và khách trong quán khá đông. Mây vội nhét vào tay tôi một tờ giấy ghi mấy chữ rồi lại hối hả với những vị khách.


"Xin lỗi, anh chờ em một chút nhé? Một chút thôi. "


Tôi ngồi ở chiếc bàn quen thuộc, lặng lẽ ngắm Mây từ xa. Tôi không rõ vì lí do gì mà em luôn giữ được nụ cười rạng rỡ ấy, ngay cả khi những giọt mồ hôi phủ lên gương mặt em một tầng nước. 


Khi nghe tôi hỏi điều này, Mây mỉm cười trả lời: "Làm công việc mang lại niềm vui cho người khác, em làm sao có thể cảm thấy mệt được hả anh?"


Mây nói sai rồi, công việc của tôi có đôi khi cũng mang lại niềm vui cho người khác đấy thôi, nhưng tại sao tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi và bất lực như vậy? 


Lần đầu tiên suốt hai tháng quen nhau, tôi kể với Mây về cuộc sống của mình. Về công việc làm bác sĩ mà khi bé tôi hằng ao ước, nhưng hiện tại chỉ mang lại cho tôi những mệt mỏi về cả thể xác lẫn tinh thần. Em chăm chú lắng nghe không bỏ sót một từ nào. Và khi tôi bất lực ôm lấy đầu, bàn tay em nhẹ nhàng vuốt ve lấy da đầu tê dại của tôi, "Chủ nhật này anh rảnh không? Em đưa anh đến một nơi. Đảm bảo tới đó rồi anh sẽ tìm lại được niềm đam mê ban đầu, anh tin em chứ?"


Tôi không rõ đó là nơi nào, nhưng vẫn đồng ý với em. 


.. 


Mây đưa tôi đến một viện phúc lợi xã hội dành riêng cho trẻ em mắc bệnh tim. Mọi thứ ở đó đều nhẹ nhàng và bình yên đến lạ. Mặc cho căn bệnh tim quái ác nhiều lần khiến các em đau khổ, trên môi các em vẫn luôn giữ nụ cười thuần khiết và rạng rỡ. Vài đứa trẻ níu lấy tay tôi, rồi hỏi có muốn cùng chúng chơi rubik hay không? 


Hôm đó cũng là ngày mà Thuận - cậu bé mắc bệnh tim giai đoạn cuối được đưa lên bàn mổ. Thuận là cậu bé da trắng với nụ cười yếu ớt. Nhưng lại là đứa giỏi Rubik nhất trong đám trẻ. Trước khi lên bàn mổ, Thuận vẫn kịp chỉ cho một vài đứa khác cách chơi rubik, rồi mới lịm đi dần vì liều thuốc mê. Nghe nói tỉ lệ sống sót của Thuận chỉ có 1/10, lẽ nào em không sợ hay sao mà trên môi vẫn nặn ra nụ cười thanh thản thế kia? 


Tôi là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, đối với bệnh tim cũng có những hiểu biết không nhỏ. Vì vậy sau một vài thủ tục, tôi được phép cùng các bác sĩ khác thực hiện ca mổ thay tim cho Thuận. 


Là một ca mổ khó, tuy nhiên tôi và các đồng nghiệp đã thành công. Mặc dù không phải lần đầu thực hiện thành công một ca mổ với độ khó cao, nhưng lúc mà trái tim mới vang lên những nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực Thuận, tôi đã vô cùng xúc động. 


Đám trẻ, bao gồm cả Mây nhìn tôi như thể nhìn một vị anh hùng. Chúng hỏi han tôi rối rít, rằng có phải tôi đã cứu sống Thuận, rằng lúc thay tim cho em ấy tôi có bị run tay hay không và nhiều điều khác nữa mà tôi không nhớ hết. Tôi kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi, lắng nghe những tâm tư còn non nớt của các em và cảm nhận được trái tim của các em chưa bao giờ lành lặn hơn thế. 


"Tại sao em lại biết đến nơi này?" Tôi hỏi Mây sau khi rời khỏi viện phúc lợi. 


"Lúc trước đi làm tình nguyện tình cờ biết thôi anh. Vả lại, dù nói là làm tình nguyện, nhưng em nhận được rất nhiều thứ khi đến đây, đặc biệt là lòng tin và nhiệt huyết."


Tôi cũng cảm nhận được, rằng mình đã nhận được nhiều thứ khi đặt chân đến viện phúc lợi này. Nhưng tôi nghĩ mình còn nhận được vô số thứ khác từ em - người con gái có  trái tim nhân ái và giàu tình người. Và tôi biết, một ngọn lửa nhỏ vừa được nhen nhóm trong lòng tôi, ngọn lửa nhiệt huyết ấy sẽ rất dễ lụi tàn nếu không có chất xúc tác. 


Chỉ là, tôi dường như đã tìm được chất xúc tác cho ngọn lửa ấy bùng lên.