11
6
2217 chữ

Cỡ chữ

Màu nền

1. Ngoại


Ở quê có gì tốt?


Tôi nghe chúng bạn bảo ở quê rất khổ. Rằng thời buổi này mà ở dưới quê còn không có internet, rằng người ở quê lúc nào cũng phải ăn đói mặc rét, rằng ở quê lắm mả nhiều ma,... Đã thế, hai giờ sáng phải thức dậy cắt cỏ, chăn trâu. 


Trời ơi! Hai giờ sáng dậy sao cho nổi?


Rồi bỗng có một chuyện làm cho tôi không thể chịu nổi hơn nữa xuất hiện, mẹ tôi đã gửi tôi về quê với ngoại. 


Và vậy là tôi phải chôn thân ở chốn không internet, ăn uống khổ sở và thức khuya dậy sớm này suốt hơn hai tháng hè với lý do rằng để tôi tự kiểm điểm bản thân vì điểm thi của tôi dưới trung bình. Nhưng mẹ nghĩ mỗi môn thi được bốn điểm, đều tăm tắp như thế ai cũng làm được chắc? Thế mà mẹ không biết, mẹ khinh tôi, mẹ đuổi tôi về quê chăn trâu!


Ngay giây phút đã đặt hai chân ở trước cổng nhà ngoại, tôi vẫn không đời nào tin được. Dường như tôi thật sự là con ghẻ, được lượm ở gốc chuối vào một hôm mưa tầm tã giống y hệt lời mẹ tôi đã nói.


“Vào đi con! Làm gì mà đứng tần ngần ra đấy?” Bà ngoại đang đi bỗng quay đầu lại gọi.


Tôi giật mình thoát khỏi dòng suy nghĩ, bối rối nhìn ngoại, lại quay ra nhìn mẹ mình vừa quay lưng đi để bắt kịp chuyến xe sớm nhất về thành phố. Trời ơi, mẹ còn không dám ở lại một đêm! Mẹ thà bắt xe ngồi tiếp tám tiếng sau khi vừa ngồi trên xe suốt tám tiếng đồng hồ để trở lại thành phố! Bỗng nhiên tôi thấy sợ hãi, tôi muốn bỏ chạy. Chẳng rõ ngoài những gì đáng sợ mà tôi đã biết, ở quê còn có cái gì đáng sợ hơn mà tôi chưa biết hay không. Nhưng không được, trong lúc tôi lưỡng lự, bà ngoại đã vòng về dắt tay tôi đi vào nhà.


Bà ngoại tôi hiền, ngoại cũng thương tôi, tôi biết. Mỗi năm ngoại đều ngồi xe đò lên thăm tôi hai lần, mặc cho mỗi lần đi xe đò là một lần bị chòng chành muốn lôi hết ruột gan trong bụng ra ngoài. Ừ thì ngoại hiền, ngoại thương tôi, mà trời ơi ngoại sống ở quê… 


Tôi muốn vùng tay chạy khỏi ngoại và đuổi theo bóng lưng dần khuất đi sau những hàng cây của mẹ, nhưng tôi không dám. Khác xa với ngoại, mẹ tôi dữ lắm. Lúc này chạy đến có khi tôi lại bị mẹ đánh tét mông rồi xách quăng thẳng vào nhà ngoại cũng nên. Hơn nữa, hình như ngoại tôi đang sống một mình ở nơi đáng sợ như vầy. Không biết ngoại có thấy sợ như tôi không? 


Những thắc mắc ấy làm một ý nghĩ điên rồ xẹt ngang trong đầu: Hay là tôi cắn răng ở với ngoại… trong mùa hè này vậy?


***

Mơ màng, tôi theo ngoại vào nhà, rửa tay rửa mặt và ăn sạch một tô bún riêu bự chảng. Tôi hì hục nhai từng đũa bún mềm với những miếng riêu cua thơm phức, cũng nuốt luôn những hờn dỗi, buồn bực xuống bụng.


“Ngon quá ngoại ơi!”


Ngoại tôi cười hiền, vuốt đầu tôi bảo:


“Ngon thì ăn nhiều lên.” Ngoại bóp bóp vai tôi, tặc lưỡi: “Ở trường không lo ăn hay sao? Gầy nhom.”


Ở bán trú tại trường, tất nhiên là tôi được trường bao cả cơm trưa. Món ăn ở trường phong phú, tôi cũng đã cao lớn thêm không ít. Nghe ngoại bảo thế, tôi giở vạt áo lên, vỗ bình bịch vào cái bụng no tròn: “Mẹ con bảo con lớn thêm mà ngoại.”


Ngoại bỏ qua những nhịp “sóng thịt” lăn tăn ở bụng tôi, đinh ninh: “Mẹ mày nói bậy. Lớn đâu mà lớn. Cỡ mày ra ngoài gặp thằng Trung Ruồi cháu bà Bảy, nó đụng nhẹ một cái một là mày lại té lăn cù ra.”


Đáng lẽ tôi nên phản biện lại tới cùng, nhưng lúc bấy giờ trong đầu tôi chỉ xoay vòng vòng quanh câu hỏi “Trung Ruồi là cái ngữ nào ở quê này mà ghê thế?”


***

Buổi chiều đầu tiên tôi về quê, cậu, mợ, dì, dượng tới thăm, ngồi đầy hết một bàn. Tôi thẹn thùng ngồi xuống bên cạnh ngoại như mấy đứa con gái mới lớn. Thân thích ngồi ở đây, tôi đều nhớ mặt. Nhưng có lẽ là vì đã lâu tôi chẳng được về quê, kể từ sau mấy lần về quê ít ỏi hồi tôi còn chưa được Trời cho trí nhớ, tính đến nay chắc cũng bốn năm năm ròng. Mẹ tôi hay gọi điện về hỏi thăm ngoại, không ít lần những gương mặt của dì, dượng, cậu, mợ này xuất hiện trên màn hình. Nhưng chung quy, tôi vẫn chưa gặp họ ngoài đời được bao nhiêu lần. Mà sự gần gũi, thân thiết thì không thể nào sinh ra giữa một người ở thành phố với những người đang ở tận Kiên Giang, chỉ gặp nhau vài lần qua điện thoại được.


“Ba mẹ con không về à?” Dì tôi hỏi.


“Hai đứa nó đi làm, bận lắm. Con Liên vừa xuống xe, đưa thằng Còi cho má là lại vội vàng đi tiếp. Còn chưa vào nhà ngồi uống miếng nước.”


Nghe ngoại gọi tên Còi, tôi thấy xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Từ hồi được đi mẫu giáo, ba mẹ tôi chẳng còn gọi cái tên Còi này nữa, toàn gọi tên Hưng. Dần dần, tôi cũng đã sắp quên đi sự hiện diện của nó. Nói đến cái tên Còi thì phải nói đến lúc tôi mới sinh ra. Mẹ bảo hồi mới sinh ra tôi đẹp lắm, và tất nhiên là bây giờ cũng thế. Con nít sinh ra, nhất là con nít đẹp, thì phải đặt tên xâu xấu chút mới dễ nuôi. Thế là ba tôi đặt tên Còi cho đứa con trai mới sinh với cân nặng vượt tiêu chuẩn lúc ấy của mình.


“Còi ở đây tới tựu trường hả má?” Cậu tôi lên tiếng.


“Ừ.” Ngoại đáp.


Khác với bên nội đông người, ngoại tôi chỉ còn ba người con: chị lớn là mẹ tôi, kế đến là cậu tư, sau cùng là dì út. Đáng lẽ tôi còn cậu hai, cậu năm. Nhưng hai cậu người thì mất từ hồi còn nhỏ, người lại bỏ mạng vì bệnh tật ở tuổi đôi mươi. Rồi năm năm trước, ông ngoại cũng rời đi vì tuổi già. Thế là trong căn nhà này chỉ còn độc một mình bà ngoại lủi thủi.


Ngồi một lúc, cậu tư và dượng út đứng lên về trước, còn mợ tư và dì út ngồi lại nói chuyện với ngoại. Tôi ở bên cuộc trò chuyện như một vật trang trí, có cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Vì vậy trong lúc ngoại nói chuyện, tôi chỉ có thể chăm chú nhìn từng tấm ngói trên trần nhà để giết thời gian. Mãi đến lúc Mặt trời sắp rơi xuống sau mái nhà, dì và mợ mới lục đục đứng dậy ra về. 


Chiều, tôi ngồi xuống cùng ngoại ăn cơm tại cái bàn gỗ tròn đặt trong chái bếp. Ngoại nấu hai món - canh bầu và cá lóc kho tiêu. Ngoại tôi làm đồ ăn ngon hơn mẹ, vì thế mà tôi ăn liền tù tì hai chén rưỡi cơm dù đã xử gọn hai tô bún riêu cách đó chừng ba tiếng. Đợi tới lúc tôi bỏ đũa xuống, ngoại mới lấy đôi đũa nằm ngang trên cái chén từ đầu bữa ăn đã để gọn một bên, trút cơm trong chén vào nồi - phần cơm dành cho ông ngoại đã mất của tôi. 


Nhảy xuống khỏi ghế, tôi gom chén phụ ngoại.


“Để đó ngoại dọn. Mày đi tắm đi.”


Tôi lắc đầu: “Con rửa chén cho ngoại.”


Rồi mặc kệ ngoại xua tay, tôi ôm ba cái chén cùng ba đôi đũa lon ton lại sàn nước, rửa thật kỹ. Lúc tôi rửa chén và tắm táp sạch sẽ, trời đã nhá nhem rồi. Thấy ngoại đốt nhang ở bàn thờ ông bà, tôi bèn im lặng vào buồng để lấy điện thoại. Vừa mở được balo, đèn trên đầu bỗng tắt ngúm. Không gian lập tức chìm trong màu đen mờ mờ.


“Ngoại ơi!” Tôi hét lên.


“Cúp điện rồi.” Ngoại vén cửa buồng đi vào, tay để sau cổ, đẩy tôi ra ngoài. “Mày ra đây ngồi với ngoại. Không thấy đường mà chạy lung tung, coi chừng vấp té.”


Tôi nghe lời, đi chầm chậm theo ngoại ra ngoài. Tới cửa, ngoại buông tay ra khỏi đầu tôi, khom lưng lấy hai cái ghế gỗ lùn rồi ra sân. 


“Con ai vậy bác Ba?”


Sân nhà bên cạnh có mấy người ngồi. Một người phụ nữ trong số đó cất giọng hỏi ngoại.


“Con con Liên. Về chơi.” Ngoại trả lời người phụ nữ nọ. Bà không đặt ghế xuống sân nữa mà đi thẳng qua sân nhà bên cạnh.


Tôi ton tót đi theo ngoại. Gật đầu chào từng người có mặt ở sân. Có ba người đàn ông, hai người phụ nữ và một thằng con nít vừa cất giọng chào ngoại tôi  xong thì cúi đầu ngay, nhìn thứ gì đó trong chậu gỗ trước mặt.


Xung quanh toàn người lạ làm tôi thấy không được tự nhiên, thậm chí hơi sợ hãi. Tôi muốn xin ngoại về nhà trước. Nhưng ngẫm, nhà lúc này cũng tối đen, còn đáng sợ hơn ở ngoài. Thế là tôi đặt ghế con ngồi nép sau lưng ngoại.


Vừa ngồi xuống chưa lâu, cái thằng cúi đầu suốt từ nãy đến giờ bỗng ngước lên nhìn tôi. Nó lúc thì nhíu mày, lúc thì nghiêng nghiêng đầu. Tôi thấy ngại, bèn quay mặt sang chỗ khác.


Trong tiếng trò chuyện của người lớn, thằng đó “Ê” lên một tiếng. Tôi ngoảnh đầu lại, thấy nó đưa tay vẫy vẫy với mình. Có lẽ nó gọi tôi, nhưng tôi giả đò không thấy, mắt nhìn chăm chăm vào ấm trà trong cái vỏ dừa khô trên bàn. 


Bị bơ, nhưng thằng ấy không ngại. Nó đứng dậy đi lại gần tôi. “Lại tao cho mày coi cái này.” Nó bảo thế.


Lần này không để tôi từ chối, nó nắm tay tôi kéo đi. Tôi bối rối muốn vùng tay thì nó đã thả ra. Nó chỉ vào chậu gỗ ngay trước mặt, vui vẻ khoe: “Thấy gì không? Tao mới bắt đấy! Mập ú ụ!” 


Tôi nhìn con vật đen đen trong chậu, tò mò hỏi lại: “Cái gì đấy?”


“Con dế chứ cái gì.” Nó ngồi xuống, vạch mấy cọng cỏ sang một bên. “Ở đây còn một con nữa.”


Tôi cũng ngồi xuống bên cạnh, mắt nhìn chăm chăm vào hai con dế trong chậu. 


“Ông bắt tụi nó làm cái gì?”


Nó bỗng nhìn tôi như nhìn thấy hổ trong Thảo Cầm Viên: “Để đá chứ làm gì? Mày từ trên trời rớt xuống hả?”


“Không có.” Tôi phản bác theo bản năng. “Tui ở thành phố xuống.”


“Trời! Thì ra dân thành phố không biết con dế hả?” Hỏi xong nó lăn quay ra cười.


Tôi đỏ mặt. Cái người gì mà kỳ cục. Ai lại cười cợt vì người khác không biết một con dế đen thui, nhỏ xíu? Lần gặp mặt đứa con nít trạc tuổi đầu tiên ở quê này chỉ làm tôi muốn cuốn gói và biến về thành phố thật nhanh.


Tôi tức, vội đứng dậy muốn đi về. 


“Ê! Ha ha.” Nó vừa cười vừa gọi. “Chơi gì mà chơi giận?”


Ai giận? Tôi không giận. Tôi chỉ không thích thôi. Nhưng sợ nó lại cười cợt, tôi bèn quay lại, châm chọc: “Con dế có tí tẹo mà cũng bắt. Ông ác nó vừa thôi.”


“Mai tao cầm cho đám thằng Quang coi rồi thả nó đi. Ai bắt nhốt nó cả đời mà ác?” 


Tôi không trả lời. Nhốt một ngày cũng là nhốt. 


“Mà mày tên gì đó?”


Tui im lặng không muốn đáp. Tốt nhất là không nên trò chuyện thêm với những người xấu tính như vầy.


“Ê!” 


Nó giục. Tôi tặc lưỡi, đáp lại nó với giọng bực bội: “Tui tên Hưng!” 


“Còn tao,” nó vỗ ngực, “đại ca Trung Ruồi của cái xóm này.”


Tôi sửng sốt. Cố gán ghép Trung Ruồi “chỉ cần đụng nhẹ một cái” là khiến tôi lăn cù ra theo lời ngoại với Trung Ruồi chỉ cao to hơn tôi một chút đang ở ngay trước mặt. Nhưng chẳng kịp để tôi sửng sốt bao lâu, tiếng ai đó đã vang lên khắp xóm: “Có điện rồi! Có điện rồi này mẹ ơi.”


Theo tiếng la, đèn trong các căn nhà nhỏ lần lượt sáng lên, làm dịu tấm màn đen bầu trời đang phủ xuống.